Tuyên Quang phát triển vùng cây ăn quả tập trung

Có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển cây ăn quả, nhất là cây cam sành, cây bưởi, na…, những năm qua, Tuyên Quang đã tập trung phát triển, mang lại nguồn thu nhập cao và ổn định cho người dân. Ðiều này không chỉ giúp địa phương xóa đói, giảm nghèo, giải quyết được nhiều việc làm cho lao động nông thôn, mà còn góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh.
0:00 / 0:00
0:00
Trao đổi kinh nghiệm chăm sóc bưởi ở xã Phú Ninh, huyện Yên Sơn.
Trao đổi kinh nghiệm chăm sóc bưởi ở xã Phú Ninh, huyện Yên Sơn.

Vùng cây ăn quả có múi của tỉnh Tuyên Quang tập trung ở ba huyện: Hàm Yên, Chiêm Hóa và Yên Sơn. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển của các loại cây ăn quả có giá trị này, Tuyên Quang đã quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung, đồng thời huy động các nguồn lực để hỗ trợ giống, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giúp nâng cao giá trị kinh tế, tăng thu nhập cho người dân.

Ðiển hình như huyện Hàm Yên, do phù hợp điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng nơi đây cho nên cây cam sành phát triển rất tốt. Cam sành có trái to tròn, cuống lá nhỏ, khi vừa chín tới trái có mầu xanh sẫm, vỏ sần. Cam Hàm Yên luôn mang hương vị đặc trưng riêng với những tép cam vàng mọng nước, thơm ngon, thanh mát. Năm 2007, huyện Hàm Yên đã xây dựng thành công thương hiệu Cam sành Hàm Yên; năm 2012, sản phẩm này đã được bình chọn là một trong 50 trái cây đặc sản Việt Nam; năm 2013 được bình chọn trong Top 10 thương hiệu-nhãn hiệu nổi tiếng; được tôn vinh là một trong những sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2013.

Năm 2020, cam sành Hàm Yên được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Hiện nay, huyện Hàm Yên có hơn 7.270ha cam, trong đó cây cam sành chiếm tới gần 80%, còn lại là các giống cam khác như cam chanh, cam Vinh, cam V2. Vùng cam của huyện tập trung chủ yếu ở 13 xã, thị trấn với hơn 5.600 gia đình trồng cam. Nhờ trồng cam, nhiều gia đình ở Hàm Yên đã thoát nghèo, vươn lên trở thành hộ khá, giàu, có hộ trở thành “tỷ phú”.

Trong khi đó, cây bưởi đã trở thành cây trồng chủ lực của huyện Yên Sơn với hơn 4.150ha trong tổng số hơn 5.000 cây ăn quả các loại. Diện tích cây bưởi đứng thứ hai khu vực miền núi phía bắc chỉ sau tỉnh Bắc Giang, trong đó, bưởi đang cho thu hoạch 1.800ha. Ðể phát triển bền vững cây trồng này, huyện đã chủ động có nhiều giải pháp, trong đó tập trung tuyên truyền, vận động người dân nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng giá trị sản phẩm bưởi. Toàn huyện đã có hơn 400ha bưởi được áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ ở các xã: Phúc Ninh 84ha, Xuân Vân 78,7ha; Trung Trực 47,5ha; Kiến Thiết 37,5ha; Lực Hành 23,9ha…

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phúc Ninh Vũ Thành Trung cho biết, chính quyền xã khuyến khích người dân tiếp tục cải tạo, nâng cao chất lượng diện tích cây bưởi đã có, chuyển đổi dần sang sản xuất hữu cơ và đưa hướng sản xuất nông nghiệp an toàn để làm sao sản phẩm đưa ra thị trường bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời tăng thu nhập cho người dân.

Huyện Yên Sơn cũng đã xây dựng được năm sản phẩm bưởi đạt OCOP 3 sao gồm: Bưởi đường Xuân Vân; bưởi đường đặc sản Phúc Ninh; bưởi ngọt Trung Trực; bưởi da xanh Tiên Phong; bưởi ngọt Xuân Vân. Bưởi Soi Hà được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Ðây là những điều kiện thuận lợi để quả bưởi Yên Sơn khẳng định vị thế trên thị trường.

Trong khi đó, xã Xuân Vân đã giao cho hợp tác xã nông lâm nghiệp phối hợp với đơn vị tư vấn tiếp tục hoàn thiện để nâng hạng các sản phẩm bưởi quả từ 3 sao lên 4 sao. Sau khi người dân được tiếp cận khoa học-kỹ thuật, cũng như được các đơn vị tư vấn hướng dẫn về quy trình chăm sóc theo quy định để giảm thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học, thì tiêu chuẩn an toàn của sản phẩm sẽ được nâng lên và người tiêu dùng sẽ yên tâm hơn trong việc sử dụng sản phẩm bưởi của xã Xuân Vân.

Chi Cục trưởng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Trần Hải Tuyên cho biết, hiện đơn vị đang phối hợp với các địa phương rà soát lại toàn bộ diện tích cây trồng chủ lực, trong đó có cây ăn quả có múi để có lộ trình thực hiện cho từng năm. Theo đó, vùng cây ăn quả có múi nổi tiếng tại Hàm Yên, Chiêm Hóa, Yên Sơn cơ bản đã rà soát, xây dựng được lộ trình thực hiện.

Riêng trong năm 2022, ba địa phương này đã có 1.380ha cam, 350ha bưởi chăm sóc theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, chủ yếu theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. “Trong số bốn sản phẩm được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý thì đã có mặt hai sản phẩm cây ăn quả có múi là cam sành Hàm Yên và bưởi Soi Hà. Ðây là cơ hội để sản phẩm cây ăn quả có múi của Tuyên Quang chinh phục thị trường trong và ngoài nước”, ông Trần Hải Tuyên nhấn mạnh.