Tuyên Quang phát huy tiềm năng du lịch

Tuyên Quang là tỉnh giàu tiềm năng du lịch vì có một nền văn hóa đa dạng, phong phú, với nhiều di tích lịch sử văn hóa cùng với hệ sinh thái rừng đặc trưng kết hợp với sông, hồ, núi, đồi tạo ra nhiều cảnh quan đẹp. Tuy nhiên, du lịch của địa phương dù đã khởi sắc, song cần có giải pháp tận dụng tiềm năng cung ứng và tài nguyên để phát huy hiệu quả.
0:00 / 0:00
0:00
Lễ hội Thành Tuyên là sản phẩm du lịch đặc trưng của Tuyên Quang.
Lễ hội Thành Tuyên là sản phẩm du lịch đặc trưng của Tuyên Quang.

Với gần 500 di tích lịch sử gắn với những địa danh nổi tiếng, Tuyên Quang tập trung khai thác hiệu quả tiềm năng về du lịch theo hướng bền vững, chú trọng phát triển các loại hình du lịch lịch sử, sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng... Với nhiều loại hình du lịch phong phú, Tuyên Quang là sự lựa chọn của du khách. Theo thống kê, lượng du khách du lịch đến Tuyên Quang tăng theo từng năm: Năm 2010, chỉ có khoảng 500 nghìn lượt khách, nhưng đến năm 2019 đã thu hút hơn 1,94 triệu lượt khách, tổng thu xã hội từ du lịch đạt khoảng 1.750 tỷ đồng. Tuy nhiên, do tác động xấu của dịch Covid-19, ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề, lượng khách du lịch đến Tuyên Quang đã giảm hơn một nửa.

Khi dịch bệnh được kiểm soát, du lịch Tuyên Quang dần được phục hồi. Tỉnh đã có sự chuẩn bị khá kỹ lưỡng, với các giải pháp “đón đầu”, trọng tâm là thu hút đầu tư hạ tầng. Trong đó phải kể đến việc sắp hoàn thành tuyến cao tốc Tuyên Quang-Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài-Lào Cai; đường trục phát triển nối thành phố Tuyên Quang với trung tâm huyện Yên Sơn; triển khai các thủ tục để xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang; xây dựng đường Na Hang-Ba Bể (Bắc Kạn) hình thành những tuyến du lịch gắn kết, tạo dấu ấn, thu hút du khách.

Nổi bật là Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào với những điểm di tích: lán Nà Nưa, đình Tân Trào, hang Bòng... Tại đây, tỉnh đã đầu tư xây dựng Khu tưởng niệm các vị tiền bối cách mạng, Bảo tàng Tân Trào và phòng chiếu phim, cải tạo, nâng cấp Quảng trường Tân Trào (Sơn Dương) để tạo đà thu hút các doanh nghiệp đầu tư khai thác du lịch dịch vụ. Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Kim Bình là nơi tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ hai của Đảng, đại hội lần đầu của Đảng ta diễn ra ở trong nước và là đại hội duy nhất diễn ra ngoài Thủ đô Hà Nội với nhiều di tích lịch sử in đậm hình ảnh của Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong thời kỳ kháng chiến.

Với phương châm “không giữ được văn hóa truyền thống, không giữ được rừng thì không còn là Tuyên Quang”, tỉnh chú trọng phát triển, bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc; đa dạng hệ sinh thái rừng với nhiều di sản văn hóa truyền thống các dân tộc được vinh danh, điển hình là “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đặc biệt, trong những năm qua, Lễ hội Thành Tuyên với nhiều mô hình đèn Trung thu nổi tiếng đã được đông đảo du khách trong nước và quốc tế biết đến và trở thành thương hiệu riêng của Tuyên Quang. Hiện, tỉnh đang xây dựng Lễ hội Thành Tuyên mang thương hiệu quốc gia, tạo thành sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ 17 xác định: “Phát huy tiềm năng, đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh” là một trong ba khâu đột phá về phát triển kinh tế-xã hội trong nhiệm kỳ 2020-2025. Để cụ thể hóa mục tiêu, Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TU về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Đề án phát triển du lịch tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, tập trung nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào cơ bản đáp ứng các tiêu chí Khu du lịch quốc gia; Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm là khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp; xây dựng, phát triển Lễ hội Thành Tuyên là sản phẩm du lịch đặc trưng, riêng có, mang thương hiệu cấp quốc gia; danh thắng quốc gia đặc biệt Na Hang-Lâm Bình là trung tâm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch khám phá có thương hiệu cấp quốc gia.

Tỉnh tăng cường hợp tác, liên kết với các tỉnh, thành phố trọng điểm về du lịch, các doanh nghiệp lữ hành để xây dựng các chương trình kết nối tour, tuyến du lịch, góp phần nâng cao vị thế, sức cạnh tranh của du lịch Tuyên Quang, gắn điểm đến Tuyên Quang vào chuỗi giá trị du lịch liên tỉnh, liên vùng. Ban hành cơ chế đặc thù thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư, khai thác hoạt động du lịch, dịch vụ tại tỉnh, nhất là các dự án có quy mô lớn, khách sạn, khu giải trí, nghỉ dưỡng cao cấp, các loại hình du lịch sinh thái nghỉ dưỡng gắn liền với sản xuất nông nghiệp... từng bước đưa Tuyên Quang-Thủ đô Khu giải phóng, Thủ đô Kháng chiến trở thành điểm đến thân thiện, an toàn của du khách trong và ngoài nước.