Thực hiện chương trình bố trí, sắp xếp ổn định dân cư trên địa bàn, trong năm 2022, tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức di dời 61 hộ dân đang sinh sống tại các vùng nguy cơ thiên tai nguy hiểm đến nơi ở mới bằng hình thức xen ghép và ổn định tại chỗ.
Bà Hà Thị Hè, thôn Pắc Hóp, xã Linh Phú (Chiêm Hóa) cho biết, gần một năm kể từ khi chuyển nhà từ khe núi ra trung tâm thôn, cuộc sống gia đình đã thay đổi hẳn. Bà Hè phấn khởi cho biết, sống ở đây yên tâm, không còn phải lo chạy mưa, chạy lũ nữa. Gia đình ông Hỏa Văn Hạnh, thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm (Lâm Bình) cũng ở vào trường hợp tương tự. Trước kia gia đình ông sống trong ngôi nhà sàn dưới chân núi đá, thường xuyên bị đe dọa bởi đá lăn. Sau khi được các cấp chính quyền xem xét, tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí, gia đình đã chuyển về nơi ở mới an toàn hơn. Ông Hạnh cho biết, trước, cứ đến mùa mưa là nỗi sợ đá lăn từ trên núi xuống gây nguy hiểm cho gia đình. Nay chuyển sang nhà mới, mọi người đã yên tâm, không còn lo sợ nữa.
Năm 2023 này, qua rà soát trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang có 130 hộ dân đang sinh sống tại vùng có nguy cơ thiên tai nguy hiểm khẩn cấp cần được di chuyển đến nơi ở mới. Trong đó, huyện Lâm Bình 25 hộ; Na Hang 39 hộ; Chiêm Hóa 18 hộ; Hàm Yên 1 hộ và Yên Sơn 47 hộ. Ðến nay, đã di chuyển được 17/130 hộ gia đình tới nơi ở an toàn. Ðể bảo đảm tiến độ di dời các hộ dân ra khỏi vùng thiên tai nguy hiểm trước mùa mưa lũ, tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc các địa phương thực hiện công tác di dân theo kế hoạch, đúng đối tượng, đúng chính sách. Tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương tập trung rà soát, lập quy hoạch, thẩm định mức hỗ trợ người dân phải di chuyển đến nơi ở mới an toàn, những trường hợp chưa kịp di chuyển phải có giải pháp phòng tránh khi xảy ra thiên tai. Các huyện tập trung tạo việc làm cho người dân, chủ động lồng ghép dự án di dân với các chương trình, dự án và nguồn vốn hợp pháp khác trên địa bàn để bảo đảm sớm ổn định cuộc sống cho nhân dân tại nơi ở mới.
Ông Trần Ðình Hạnh, Chủ tịch UBND xã Kháng Nhật (Sơn Dương) cho biết, trên địa bàn có 25 hộ trong diện phải di dời khỏi vùng nguy hiểm, trong đó có 11 hộ tại thôn Ðoàn Kết nằm trong diện phải di dời khẩn cấp. Xã cũng báo cáo huyện lập phương án di dời người dân đến nơi an toàn. Mặc dù vậy, một số người dân trong thôn nằm trong diện có nguy cơ sạt lở chưa sẵn sàng chuyển, bởi họ đã ở đây từ nhiều năm, hơn nữa do nằm trên dải đất có giá trị sinh lời cao nên người dân chưa chấp thuận di dời. Xã đã đề xuất huyện phương án ổn định dân cư tại chỗ với phương án hạ mái ta-luy, xử lý điểm rạn nứt ổn định đời sống người dân. Tuy nhiên đến thời điểm này vẫn chưa thực hiện được do chưa có kinh phí...
Theo Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang, các đối tượng thực hiện bố trí sắp xếp ổn định dân cư thuộc chương trình vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định số 1719/QÐ-TTg đã được giao kế hoạch kinh phí thực hiện từ đầu năm; còn đối với những hộ gia đình nằm trong vùng thiên tai nguy hiểm phát sinh sau mỗi đợt thiên tai chưa được bố trí kinh phí hỗ trợ kịp thời. Do vậy, đến nay mới chỉ di chuyển được 17/130 hộ gia đình, đạt 13% kế hoạch. Nguyên nhân do nguồn vốn của tỉnh hạn hẹp chủ yếu dựa vào nguồn vốn Trung ương. Bên cạnh đó, đa số các hộ nằm trong diện di dời là hộ nghèo chưa có kinh phí để tự di chuyển. Một số địa phương khó khăn về bố trí quỹ đất tái định cư và cả phong tục tập quán của đồng bào, nhiều hộ chưa được tuổi làm nhà, số hộ khác thì phải đến tháng 9-10 mới được tuổi làm nhà gây khó khăn cho công tác di dời.
Ðể khắc phục những khó khăn này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã đề xuất tỉnh chỉ đạo việc xây dựng và ban hành chính sách hỗ trợ thực hiện bố trí ổn định dân cư vùng thiên tai trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2023- 2030. Cùng với đó, tỉnh cũng chỉ đạo các huyện ứng trước kinh phí để hỗ trợ cho người dân trong thời gian chờ nguồn kinh phí của Trung ương.