Tuyên Quang đổi mới, nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

Trong những năm qua, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều cơ quan, đơn vị có cách làm hay, sáng tạo, giúp cán bộ và nhân dân nắm được chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương, hạn chế các vụ việc khiếu kiện, khiếu nại trái quy định của pháp luật.
0:00 / 0:00
0:00
Công nhân lao động huyện Sơn Dương tham gia trả lời câu hỏi thi tìm hiểu pháp luật.
Công nhân lao động huyện Sơn Dương tham gia trả lời câu hỏi thi tìm hiểu pháp luật.

Từ năm 2023, Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật đã hoàn thiện thể chế, xây dựng chương trình, kế hoạch về: Tư vấn, xác định nội dung pháp luật trọng tâm cần phổ biến, trong đó tập trung tuyên truyền phổ biến các luật, pháp lệnh, văn bản mới được ban hành; các quy định có liên quan trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực...

Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đến cán bộ và nhân dân trên địa bàn tỉnh, gắn với việc tổ chức thi hành pháp luật có hiệu quả. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang đã ban hành Chỉ thị số 08-CT/TU ngày 25/5/2024 của về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; tiến hành tổng kết 18 năm thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TU ngày 12/7/2006 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh.

Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang ban hành Nghị quyết số Quy định một số mức chi thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật và hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, tổ chức, các ngành, các cấp từ tỉnh đến cơ sở đã thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, gắn với chuyển đổi số; nội dung tuyên truyền pháp luật được biên soạn, chuyển tải đã cải tiến theo hướng ngắn gọn, dễ hiểu, phù hợp với từng đối tượng; gắn công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với việc thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia; quan tâm tuyên truyền pháp luật tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các xã/thôn có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn và các xã xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu, nâng cao.v.v...

Đồng chí Nguyễn Thị Thược, Giám đốc Sở Tư pháp Tuyên Quang cho biết, từ năm 2006 đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện hơn 341.000 buổi tuyên truyền miệng trong Đảng và tuyên truyền pháp luật cho hơn 28 nghìn lượt người; tổ chức gần 1.500 hội nghị báo cáo viên; biên soạn, cung cấp hơn 5 triệu tài liệu tuyên truyền pháp luật cho nhân dân trên địa bàn tỉnh; tổ chức hơn 900 buổi tuyên truyền bằng xe loa, treo hơn 6.000 băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền...

Việc tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 03-CT/TU trên địa bàn tỉnh đã giúp cấp ủy, chính quyền các cấp nhận thức ngày càng đầy đủ hơn về ý nghĩa, vai trò của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, coi phổ biến, giáo dục pháp luật là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, từ đó quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Với đặc thù có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong đồng bào dân tộc thiểu số luôn được tỉnh quan tâm thực hiện, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết của đồng bào về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Ông Giàng A Chềnh, người có uy tín ở thôn Tiên Tốc, xã Bình An (huyện Lâm Bình) cho biết: Tiên Tốc là thôn có 100% đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó chủ yếu là dân tộc H'Mông. Thời gian qua, chúng tôi thường xuyên tham gia các buổi tuyên truyền pháp luật lồng ghép trong các cuộc họp thôn hoặc do các cơ quan chức năng, các ngành, đoàn thể phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức.

Còn theo anh Vàng Seo Kơ ở thôn Khuổi Trang, xã Xuân Lập (huyện Lâm Bình), ngoài nhóm zalo, facebook của thôn, hàng ngày việc nghe tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên hệ thống loa truyền thanh của xã đã giúp tôi hiểu hơn về Luật phòng, chống mua bán người; Luật giao thông đường bộ; Luật hôn nhân gia đình… Từ đó có thêm kiến thức, kỹ năng phòng, chống với các loại tội phạm và hiểu rõ hơn về những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Ông Nguyễn Quốc Ái, Trưởng Phòng Tư pháp huyện Lâm Bình cho biết, 6 tháng đầu năm 2024, huyện Lâm Bình đã tuyên truyền phổ biến pháp luật trực tiếp được 28 buổi cho gần 3.038 lượt người nghe; tuyên truyền trên sóng truyền thanh huyện và loa truyền thanh cơ sở 250 buổi; xây dựng các chuyên mục và đăng tải gần 42 tin, bài trên các trang thông tin điện tử; biên tập trên 1.000 tài liệu tập huấn, truyền thông, chương trình với nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật, phục vụ tuyên truyền lưu động bằng xe lưu động.

Ông Nguyễn Quốc Ái cũng cho biết, để công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật đạt hiệu quả cao, thời gian tới Phòng sẽ triển khai các hoạt động tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, đặc điểm của đồng bào dân tộc thiểu số; đặc biệt là tuyên truyền thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin trên các nhóm zalo, facebook của các cơ quan, đơn vị và địa phương... Nội dung tập trung vào các lĩnh vực như: phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; phòng, chống ma túy, buôn bán người; các vấn đề liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân...

Để Ngày Pháp luật năm 2024 trên địa bàn tỉnh tổ chức đảm bảo thống nhất, toàn diện, thiết thực, hiệu quả, Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Kế hoạch về tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2024 và chỉ đạo thực hiện. Các ngành, đoàn thể, các cấp đã ban hành Kế hoạch triển khai và có nhiều hoạt động thiết thực, sáng tạo, hiệu quả, như: Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tội phạm” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Công an tỉnh, Sở Tư pháp, Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Tuyên Quang phối hợp tổ chức, thu hút 17.254 lượt người tham gia dự thi với 28.076 bài thi, thông qua đó đã tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về phòng, chống tội phạm, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân.

Sở Tư pháp phối hợp với Liên đoàn lao động tỉnh tổ chức 7 hội nghị tuyên truyền và thi tìm hiểu pháp luật cho 1.017 công nhân lao động trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tổ chức 2 Hội thi cán bộ Hội cơ sở giỏi và Hội thi các mô hình sáng tạo, hiệu quả về xóa bỏ định kiến giới, bạo lực gia đình, mua bán phụ nữ và trẻ em; Công an tỉnh phối hợp với các đơn vị trường học tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật cho giáo viên và học sinh. Các cơ quan, đơn vị đã tổ chức hơn 11 nghìn buổi tuyên truyền pháp luật cho hơn 1, 2 triệu lượt người; tổ chức hơn 100 cuộc thi, hội thi, thu hút hơn 59.000 lượt người tham gia; cấp phát hơn 400 nghìn tài liệu tuyên truyền pháp luật.

Tuyên Quang đổi mới, nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ảnh 1

Hội nghị tuyên truyền pháp luật cho công nhân trên địa bàn huyện Sơn Dương.

Hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật có nhiều đổi mới, Sở Tư pháp định kỳ hằng quý tổ chức Hội nghị triển khai các Luật mới được thông qua; biên soạn thông cáo báo chí văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành; đi đầu trong việc đổi mới hình thức tuyên truyền miệng về pháp luật cho nhân dân tại cơ sở, gắn 40 buổi tuyên truyền miệng với tổ chức thi tìm hiểu pháp luật dưới hình thức hái hoa dân chủ, trả lời, giải quyết tình huống pháp luật, thu hút người dân dự buổi tuyên truyền pháp luật một cách chủ động, hào hứng, phấn khởi.

Từ đó hiệu quả tuyên truyền miệng được nâng cao rõ rệt; xây dựng, đăng tải, phát sóng nhiều chuyên trang, chuyên mục, tin, bài có nội dung tuyên truyền pháp luật, trong đó có 900 buổi phát sóng chuyên mục “Phổ biến pháp luật ” phát thanh bằng 5 tiếng: Việt, Tày, Dao, Cao Lan và H'Mông trên sóng phát thanh của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh. Các cơ quan, đơn vị đã có sự chủ động trong việc phổ biến, giáo dục pháp luật đối với lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý; biên soạn tài liệu tuyên truyền pháp luật để đăng tải trên Trang thông tin điện tử Phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh; phối hợp tổ chức tuyên truyền pháp luật cho Nhân dân ở cơ sở, điển hình một số cơ quan thực hiện tốt, như: Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Liên đoàn lao động tỉnh, Sở Nội vụ; Ủy ban nhân dân huyện Sơn Dương...

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang vẫn còn có một số tồn tại, hạn chế: Nhận thức của một số cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tuy đã có chuyển biến nhưng chưa thực sự đầy đủ, một vài nơi chưa thực sự coi trọng công tác này, chưa chủ động thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật đối với các lĩnh vực pháp luật thuộc phạm vi quản lý; hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật tuy có nhiều đổi mới, song chưa thực sự phù hợp với đối tượng được tuyên truyền, nhất là đối với các đối tượng đặc thù. Kỹ năng tuyên truyền miệng của một số báo cáo viên, tuyên truyền viên có mặt còn hạn chế; nội dung thông tin có lúc chưa kịp thời, tính thuyết phục, tính hấp dẫn chưa cao.

Để nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đồng chí Hoàng Việt Phương, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Tuyên Quang cho biết, để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, tỉnh Tuyên Quang tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được đề ra tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chỉ thị số 08-CT/TU ngày 25/5/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Tiếp tục thực hiện nghiêm, hiệu quả Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật; đổi mới nội dung, đa dạng hóa hoạt động, đảm bảo tiết kiệm, thiết thực, hiệu quả. Xây dựng, nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả để việc phổ biến, giáo dục pháp luật trở thành công việc thường xuyên, là trách nhiệm của các ngành, các cấp, từng cán bộ, đảng viên và mỗi người dân.

Thực hiện nghiêm việc triển khai thi hành các Luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 7 và thứ 8 thông qua, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các pháp luật liên quan thiết thực đến đời sống của người dân và sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Cơ quan quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực, chủ động tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch, văn bản triển khai thi hành các Luật, nghị quyết; tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật đối với các lĩnh vực pháp luật thuộc phạm vi quản lý của ngành.

Tập trung đổi mới hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là trong thời đại của công nghệ số; tích cực tổ chức, hưởng ứng, tham gia các cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến; tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng đặc thù, đặc biệt là phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân ở vùng dân tộc thiếu số, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn gắn với thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia; thực hiện tốt quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật, góp phần thay đổi về nhận thức, hành vi trong tuân thủ pháp luật.