Dân gian có câu "Tiền nào của nấy" quả không sai trong trường hợp này. Nhìn lại thì thấy, rất nhiều dự án "trúng thầu giá rẻ" do các nhà thầu nước ngoài (phần lớn là Trung Quốc) làm tổng thầu EPC hầu hết đều bị chậm tiến độ rất nhiều hoặc trục trặc kỹ thuật trước khi vận hành. Thí dụ như các dự án Nhiệt điện Hải Phòng, Nhiệt điện Quảng Ninh, Cẩm Phả, Cao Ngạn, Sơn Động... đều chậm tiến độ nhiều tháng, thậm chí có dự án chậm gần 30 tháng. Một nhà máy điện công suất 600 đến 1.200MW mỗi ngày chậm là thiệt hại cho nền kinh tế hàng tỷ đồng, nhân lên số ngày bị chậm mới thấy con số thật khủng khiếp. Rồi chưa kể các dự án xi-măng, khai khoáng, hóa chất... cũng trong tình trạng tương tự. Và mới đây, dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông mới đang thi công "bỗng dưng" bị đội giá kỷ lục lên tới... hàng trăm triệu USD (do nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan) khiến dư luận không khỏi giật mình và bức xúc.
So sánh công trình trọng điểm Thủy điện Sơn La về trước tiến độ ba năm làm lợi cho Nhà nước cả tỷ USD thì thấy rõ. Nhiều công trình trọng điểm khác do có tổng thầu tốt và có kinh nghiệm, quản lý chặt chẽ, cho nên dự án về đích đúng tiến độ như Nhiệt điện Nhơn Trạch 1, Cà Mau 1 và 2, dự án giàn khoan tự nâng 90m nước... đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Điều quan trọng, các dự án phải vận hành liên tục, ổn định cả vòng đời dự án thì đó mới là thước đo hiệu quả đầu tư. Ở góc độ này, thiết nghĩ, chúng ta cần thay đổi tư duy đấu thầu, nghĩa là từ lựa chọn nhà thầu có giá rẻ hơn sang chọn nhà thầu hiệu quả hơn, bởi không ít nhà thầu nước ngoài trúng thầu với giá rất thấp, song quá trình thực hiện, do tổng thầu quá yếu kém về năng lực và tài chính, họ thường tìm đủ mọi cách để "dây dưa", lấy chính dự án đó để làm "con tin", đòi tăng vốn "phát sinh" với nhiều lý do. Trong việc này cũng có phần trách nhiệm của chủ đầu tư các dự án nói trên. Công trình, dự án chậm tiến độ, thường xuyên trục trặc, chậm đi vào hoạt động gây thiệt hại trước hết cho chủ đầu tư, ảnh hưởng quy hoạch phát triển chung của ngành, mà rộng hơn là kinh tế đất nước. Đáng nói hơn cả là nhiều dự án diễn ra kiểu như vậy, song chưa thấy cá nhân, đơn vị nào bị xử lý trách nhiệm.
Chúng ta đang trong quá trình CNH, HĐH đất nước cho nên phải chắt chiu từng đồng vốn quý báu, "liệu cơm gắp mắm" để đầu tư những công trình trọng điểm thiết yếu đối với quốc kế dân sinh. Dự toán dự án mà quá tốn kém thì hầu bao ngân sách không kham nổi, nhưng càng không nên chạy theo giá rẻ kiểu như trên thì "lỗ hà ra lỗ hổng", chưa xong đã đòi tăng vốn, vận hành rồi còn thường xuyên hỏng hóc. Như thế tưởng rẻ mà hóa đắt. Cái chính, là khâu thẩm định dự án đầu tư, lựa chọn nhà thầu thì chủ đầu tư phải đặt hiệu quả tổng thể dự án lên trên hết. Các cơ quan chức năng cũng phải tăng cường phối hợp giám sát ngay từ khâu này, có biện pháp, các chế tài cần thiết để xử lý những nhà thầu cố tình chây ỳ, chậm tiến độ, tìm cách tăng vốn bất hợp lý.