Tưởng niệm 226 năm ngày mất của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông - Lê Hữu Trác

NDO -

NDĐT - Ngày 11-2, tại xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên, Bộ Y tế phối hợp UBND tỉnh Hưng Yên tổ chức dâng hương tưởng niệm 226 năm ngày mất của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông - Lê Hữu Trác và trao Giải thưởng Hải Thượng Lãn Ông lần thứ tư.

Tưởng niệm 226 năm ngày mất của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông - Lê Hữu Trác

Đây cũng là dịp để những cán bộ y tế học tập ông về y đức, y đạo, y thuật; kế thừa, bảo tồn và phát triển nền Y Dược cổ truyền Việt Nam, kết hợp với Y học hiện đại, xây dựng nền y học Việt Nam: Hiện đại, khoa học, dân tộc và đại chúng.

Phát biểu ý kiến tại lễ tưởng niệm, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã ôn lại thân thế sự nghiệp và những đóng góp to lớn của ông cho nền y học nước nhà. Cuộc đời của Hải Thượng Lãn Ông - Lê Hữu Trác là hình ảnh cao đẹp của người thầy thuốc với kiến thức uyên thâm, với tinh thần trách nhiêm cao cả trong nghề nghiệp, lòng nhẫn nại, tận tâm, đức hy sinh và lòng thương yêu người bệnh vô bờ bến. Ông xứng đáng là người đã dựng “ngọn cờ đỏ thắm” trong nền y học nước nhà; là tấm gương sáng chói về y đức, y đạo, y thuật cho đời sau noi theo.

Ghi nhận công lao to lớn của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông - Lê Hữu Trác, từ năm 2010 Bộ trưởng Y tế đã ban hành Quy chế Xét tặng Giải thưởng Hải Thượng Lãn Ông về công tác Y Dược cổ truyền” nhằm vinh danh Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông - Lê Hữu Trác cho các thế hệ mai sau. Hai năm một lần Bộ Y tế tổ chức xét tặng danh hiệu cao quý này cho các thầy thuốc, các cán bộ làm công tác nghiên cứu, giảng dạy, các cán bộ làm công tác quản lý, phát triển dược cổ truyền… có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực Y, Dược cổ truyền.

Năm nay, là lần thứ tư Bộ Y tế tổ chức xét tặng và trao giải thưởng cao quý trên cho 45 cán bộ làm công tác Y dược cổ truyền.

Hải Thượng Lãn Ông tên thật là Lê Hữu Trác, sinh ngày 12 tháng11 năm Canh Tý (tức ngày 11-12-1720), nguyên quán thôn Văn Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hưng Yên (nay là xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Ông mất ngày Rằm tháng Giêng năm Tân Hợi (1791) tại quê mẹ, xứ Bàu Thượng, xã Tình Diện (nay là xã Sơn Quang, Hương Sơn, Hà Tĩnh) thọ 71 tuổi.

Sinh ra và lớn lên trong giai đoạn lịch sử nhiều loạn lạc, thấu hiểu nỗi cơ hàn của người dân lao động nghèo khổ, đói rét, bệnh tật, năm 1746 ông về quê ở Hương Sơn nuôi mẹ và học nghề thuốc. Ông luôn tâm niệm: “Đạo làm thuốc là một nhân thuật chuyên lo tính mạng con người; phải lo cái lo của con người, vui cái vui của người, chỉ lấy việc chữa bệnh cứu người làm nhiệm vụ của mình không được mưu lợi, kể công”. Và suốt quãng đời còn lại, ông phấn đấu không mệt mỏi để thực hiện điều tâm niệm cao cả của mình.

Là một người thầy thuốc, trước hết ông đề cao y đức. Ông tự đặt ra cho người thầy thuốc chân chính tám chữ “Nhân - Minh - Đức - Trí - Lượng - Thành - Khiêm - Cần (tức là nhân ái, sáng suốt, đức độ, hiểu biết, rộng lượng, thành thực, khiêm tốn, cần cù); đồng thời tránh tám tội: lười biếng, keo kiệt, tham lam, dối trá, dốt nát, bất nhân, hẹp hòi, thất đức. Ông kịch liệt phê phán những người lợi dụng ngành y để mưu lợi: “hoặc bắt bí người ta trong đêm mưa gió khó khăn... bệnh dễ thì trộ là bệnh khó, bệnh khó thì dọa là bệnh chết, dối mình để mưu cầu cho mình... Đối với kẻ giàu sang thì sốt sắng để mong được lợi; đối với người nghèo khó thì lạnh nhạt, thờ ơ...”.

Suốt đời Hải Thượng Lãn Ông tận tụy với người bệnh, không quản đêm hôm mưa gió, đường xá xa xôi cách trở hay khi bản thân đang mệt mỏi, ốm đau… Ông đều đến tận nơi, xem bệnh cụ thể rồi mới cho thuốc. Bệnh nặng cần mua thuốc tốt, ông sẵn sàng bỏ tiền để cứu người bệnh dù biết rằng sau này họ không có khả năng hoàn trả.

Hải Thượng Lãn Ông là hiện thân của một nhân cách lớn về tấm lòng cương trực, chí khí thanh cao, không màng công danh, phú quý, không nịnh hót kẻ giàu sang, “nghề thuốc là thanh cao nên phải giữ phẩm chất cho trong sạch”. Ông là người biết tự trọng, khiêm tốn học hỏi không tự cao tự đại, luôn tôn trọng giúp đỡ đồng nghiệp. Ông là một tấm gương mẫu mực cho thuật xử thế: “Khi gặp người cùng nghề cần khiêm tốn, hòa nhã, cẩn thận, chớ nên coi rẻ khinh thường, đối với người cao tuổi thì nên cung kính; đối với người có học thì nên tôn thờ như bậc thầy; đối với người cao ngạo thì nên nhún nhường; đối với người non nớt thì nên dìu dắt; giữ lòng như vậy là điều phúc lớn”.

Ngoài việc đề cao Y đức, Hải Thượng Lãn Ông còn là người đầu tiên trong lịch sử Y học Việt Nam đặt nền móng xây dựng Y thuật. Ông cho rằng muốn làm thầy thuốc giỏi phải học tập không ngừng. Ông tiếp thu kinh nghiệm của người xưa một cách có chọn lọc, linh hoạt, sáng tạo, không hề rập khuôn máy móc. Từ đó ông có quan điểm về nhận định bệnh tật và phương pháp điều trị sáng tạo phù hợp con người Việt Nam.

Trong suốt cuộc đời làm thuốc của mình, ông đúc kết tinh hoa của Y học nhân loại và Y Dược cổ truyền Việt Nam. Hải Thượng Lãn Ông đã để lại cho đời sau một bộ sách đồ sộ quý giá là bộ “Hải Thượng Lãn Ông Y Tông Tâm Lĩnh” gồm 28 tập, 66 quyển. Trong đó, ông đã đề cập đến toàn bộ các vần đề nội khoa, ngoại khoa, nhi khoa, truyền nhiễm, cấp cứu, y đức, vệ sinh phòng bệnh... Ông đã đúc kết hàng nghìn bài thuốc hay và phát hiện bổ sung hơn 350 vị thuốc mới để đồng nghiệp đương thời và các thế hệ mai sau cùng nghiên cứu, sử dụng.