Tại lễ tưởng niệm, các đại biểu đã dâng hương, đặt tràng hoa tưởng niệm tại tượng đài, mộ ở thị xã Gò Công và đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định ở huyện Gò Công Đông nhằm bày tỏ lòng tri ân, tưởng nhớ công đức của Anh hùng dân tộc Trương Định đối với quê hương, đất nước.
Theo Ban tổ chức, trước tình hình dịch bệnh Covid-19, các hoạt động của Lễ tưởng niệm Anh hùng dân tộc Trương Định được tỉnh Tiền Giang rút gọn nhưng vẫn trang trọng, thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, an toàn. Theo đó, tỉnh chỉ tổ chức phần lễ, không tổ chức phần hội (trưng bày, triển lãm, liên hoan, hội thi, hội thao, biểu diễn nghệ thuật…). Khách thập phương một số tỉnh đến thắp hương và trở về trong ngày, không có trường hợp lưu trú qua đêm.
Anh hùng dân tộc Trương Định quê ở xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Sau đó, ông về Gò Công (Tiền Giang) lập nghiệp, khai hoang, lập đồn điền. Khi thực dân Pháp mở rộng xâm lược miền nam, Trương Định mộ quân, lập căn cứ quân sự tại vùng đất Gò Công dựng cờ khởi nghĩa và giành được nhiều trận thắng quan trọng, khiến quân thù khiếp sợ. Ông được suy tôn là “Bình Tây Đại Nguyên Soái”. Trong trận chiến ngày 20-8-1864, Trương Định bị thương nặng và ông đã tuẫn tiết để không rơi vào tay giặc.
Cảm phục trước tinh thần bất khuất của Trương Định, nhân dân khu vực Gò Công lập đền thờ và tổ chức lễ giỗ Trương Định. Lễ giỗ này được duy trì thường xuyên tại xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông, là nơi Trương Định tuẫn tiết và thị xã Gò Công là nơi xây dựng tượng đài và đền thờ Trương Định.