Tương lai thị trường tái chế rác thải công nghệ

Mức độ phát sinh và khối lượng tích lũy chất thải điện tử hằng năm ngày càng cao trên toàn cầu đang trở thành một mối đe dọa lớn với môi trường. Theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Allied Market Research, thị trường tái chế tài sản công nghệ thông tin (ITAD) được dự báo sẽ tăng gần gấp ba, lên 144 tỷ USD vào năm 2028 so với mức 50 tỷ USD ghi nhận năm 2020.
0:00 / 0:00
0:00
Một nhà máy xử lý và tái chế các thiết bị công nghệ thông tin tại Mỹ, (Ảnh EWASTE+)
Một nhà máy xử lý và tái chế các thiết bị công nghệ thông tin tại Mỹ, (Ảnh EWASTE+)

Nhu cầu sử dụng các thiết bị điện tử và công nghệ tiên tiến trên toàn cầu, cũng như thải bỏ các sản phẩm này sau khi hết thời gian sử dụng thúc đẩy thị trường xử lý tài sản công nghệ thông tin và rác thải điện tử tăng trưởng nhanh chóng. Mối lo ngại ngày càng tăng về tác hại của chất thải điện tử đối với sức khỏe con người và môi trường là những yếu tố chính thúc đẩy thị trường tái chế tăng trưởng. Rủi ro ô nhiễm môi trường của chất thải điện tử là rất nghiêm trọng, vì chất thải này chứa các vật liệu nguy hiểm và độc hại, bao gồm các chất chống cháy hóa học, chì, thủy ngân... có thể thấm vào nước và đất. Trong khi đó, nhu cầu ngày càng tăng về các thiết bị gia dụng tiên tiến và có tính thẩm mỹ cao cũng góp phần khiến số thiết bị điện tử bị loại bỏ tăng nhanh.

Các chính phủ và tổ chức trên toàn cầu đang cân nhắc nhiều phương án nhằm quản lý khối lượng rác thải điện tử ngày càng tăng. Phương án tái chế để giảm số lượng sản phẩm công nghệ tại các bãi chôn lấp và nâng cao nhận thức của người tiêu dùng được kỳ vọng sẽ có tác động tích cực đến cách thế giới quản lý chất thải điện tử. Song việc thiếu phương án hoàn chỉnh khi xử lý những thiết bị công nghệ thông tin cũ cũng gây ra nhiều lo ngại liên quan vấn đề trộm cắp thông tin, làm gia tăng các mối đe dọa với quyền bảo mật. ITAD là chương trình mới về tái chế tài sản điện tử, sử dụng công nghệ đáng tin cậy để bảo đảm xóa hoàn toàn dữ liệu cá nhân và tái chế tiên tiến. Hầu hết các công ty, tập đoàn vẫn chưa có kế hoạch xử lý và một số thậm chí đã thừa nhận trì hoãn việc thực hiện các kế hoạch phù hợp do phải tốn thêm nhiều chi phí để thiết lập một chương trình tái chế hoàn chỉnh.

Thực hiện tái chế rác thải điện tử có trách nhiệm là một bước đi mạnh mẽ hướng tới hiện thực hóa các mục tiêu của nền kinh tế tuần hoàn. Thay vì duy trì mô hình tuyến tính “khai thác, sản xuất, thải bỏ”, nền kinh tế tuần hoàn hướng tới giảm thiểu chất thải, bảo tồn tài nguyên và thúc đẩy vòng đời sản phẩm bền vững hơn. Bằng cách bảo đảm các thiết bị điện tử bị loại bỏ được tái chế và tái hòa nhập vào chu trình sản xuất, các doanh nghiệp sẽ góp phần tạo nên một nền kinh tế bền vững và hiệu quả hơn. Trong nền kinh tế tuần hoàn, sau khi mua một mặt hàng, sử dụng, tái chế thì các vật liệu tái chế sẽ biến thành sản phẩm mới để mua, sử dụng, tái chế và cứ như vậy, đó là một chu kỳ sử dụng và tái sử dụng liên tục.

Phân khúc thiết bị gia dụng chiếm tỷ trọng doanh thu lớn đáng kể do các hộ gia đình ở các khu vực phát triển sử dụng nhiều thiết bị điện tử được thay thế định kỳ, do đó tạo ra lượng rác thải điện tử rất lớn. Rác thải điện tử gia dụng bao gồm tủ lạnh, máy giặt, ti-vi, máy điều hòa không khí, điện thoại hay máy tính... Các chuyên gia khuyến nghị, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng và thực hành các lựa chọn mua hàng bền vững sẽ góp phần giảm thiểu sự lãng phí số lượng lớn thiết bị trong tương lai.

Nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng đối với những công nghệ mới nhất khiến tuổi thọ trung bình của các thiết bị khác nhau ngày càng bị rút ngắn và khối lượng chất thải điện tử chất đống ở các bãi chôn lấp trên thế giới tăng với tốc độ đáng báo động. Theo Liên hợp quốc, mặc dù lượng rác thải điện tử được tạo ra tăng đều đặn mỗi năm, nhưng mới chỉ có 17% được tái chế một cách có trách nhiệm. Do đó, các doanh nghiệp, tổ chức và cả người tiêu dùng cần cùng hướng đến tham gia nền kinh tế tuần hoàn và tái chế rác thải điện tử đầy đủ và có trách nhiệm hơn ■