Tuổi trẻ Lạng Sơn với mô hình "Em nuôi của Đoàn"

Lạng Sơn là một tỉnh miền núi biên giới, còn có hàng nghìn thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn, sống ở các nơi vùng xa, vùng biên giới cần được giúp đỡ.
0:00 / 0:00
0:00
Các nhà hảo tâm cùng các cấp hội đoàn huyện Tràng Định (Lạng Sơn) tặng quà cho các thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn.
Các nhà hảo tâm cùng các cấp hội đoàn huyện Tràng Định (Lạng Sơn) tặng quà cho các thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn.

Để đồng hành giúp các em vươn lên trong cuộc sống và học tập, thời gian qua, Tỉnh đoàn Lạng Sơn cùng Hội Liên hiệp Thanh niên các cấp từ tỉnh đến cơ sở đã triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình "Em nuôi của Đoàn".

Em Nguyễn Thùy Linh, học sinh lớp 3A3, Trường tiểu học Chi Lăng, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn cho biết: Bố em mất sớm, mẹ em không có việc làm ổn định nên hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Đầu năm 2024, em được Đoàn phường nhận đỡ đầu đến năm 2027 với số tiền hỗ trợ là 100.000 đồng/tháng. Ngoài sự hỗ trợ này, các anh chị đoàn viên, thanh niên còn thường xuyên thăm hỏi, động viên em trong học tập. Em cảm ơn các anh chị rất nhiều.

Anh Phương Văn Bích, Bí thư Thành đoàn Lạng Sơn cho biết, các cơ sở đoàn tại thành phố hiện đang đảm nhiệm đỡ đầu 11 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Nhân dịp Tết Nguyên đán, Tết Thiếu nhi, Trung thu, năm học mới, chúng tôi đã tổ chức các hoạt động thăm, tặng quà, triển khai công trình hỗ trợ công tác dạy và học tại những điểm trường xa trung tâm…

Tuổi trẻ Lạng Sơn với mô hình "Em nuôi của Đoàn" ảnh 1

Gian hàng 0 đồng được Tỉnh đoàn Lạng Sơn tổ chức cho các thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn ở xã Đào Viên, huyện Tràng Định.

Anh Lô Văn Toản, Trưởng Ban Thanh thiếu nhi - Trường học, Tỉnh đoàn chia sẻ, mô hình: “Em nuôi của Đoàn”, được triển khai trên địa bàn toàn tỉnh nhằm hỗ trợ thiếu nhi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mồ côi tại các xã, thị trấn với mức hỗ trợ hằng tháng từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng trong thời gian từ 4 đến 10 năm. Kinh phí triển khai mô hình do đoàn viên, thanh niên đóng góp.

Bên cạnh tiền hỗ trợ hằng tháng, cơ sở đoàn, hội còn tổ chức thăm hỏi, động viên thiếu nhi, hỗ trợ nhân lực, vật lực khi cần thiết cũng như tặng quà nhân dịp Tết Thiếu nhi, Tết Nguyên đán, năm học mới…

Tuổi trẻ Lạng Sơn với mô hình "Em nuôi của Đoàn" ảnh 2

Đại diện lãnh đạo Tỉnh đoàn Lạng Sơn tặng quà, hỗ trợ cho hai thiếu nhi ở xã Gia Lộc, huyện Chi Lăng, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Với thế mạnh về lực lượng, các đoàn, hội cơ sở đã tổ chức nhiều đội tình nguyện xây dựng, duy trì sân chơi cho thiếu nhi, trong đó tận dụng những vật liệu tái chế, tự thiết kế và thi công sân chơi tại các khu dân cư.

Nhân dịp Tết Thiếu nhi, Trung thu, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Thanh niên các cấp đều tổ chức nhiều hoạt động đón tết, vui chơi, tặng quà cho thiếu nhi nhất là tại các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới...

Anh Lăng Văn Chí, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn Lạng Sơn cho biết, với những cách làm trên và sự vào cuộc tích cực của các đoàn viên, hội viên thanh niên, những năm qua, các hoạt động chăm lo thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn hoặc sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, biên giới của tỉnh đã ngày càng được nhân lên và mang lại nhiều kết quả, ý nghĩa thiết thực.

Tuổi trẻ Lạng Sơn với mô hình "Em nuôi của Đoàn" ảnh 3

Tỉnh đoàn Lạng Sơn, cùng Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh, tặng nhu yếu phẩm cho các thiếu nhi gặp khó khăn do ảnh hưởng bão số 3.

Chỉ tính từ năm 2023 đến nay, các cấp bộ đoàn, hội toàn tỉnh đã nhận đỡ đầu 124 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; bàn giao 7 ngôi nhà “Khăn quàng đỏ”; đưa vào sử dụng 27 công trình nhà vệ sinh cho trường học; xây mới và sửa chữa 19 điểm vui chơi cho thiếu nhi; hỗ trợ, trao tặng hơn 27.000 suất quà… cho thiếu nhi tại các trường học ở vùng sâu, vùng xa, biên giới với tổng trị giá hơn 4 tỷ đồng.

Những việc làm thiết thực của các cấp bộ đoàn, hội với thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh được cấp ủy, chính quyền ghi nhận, người dân đánh giá cao. Thời gian tới, đoàn thanh niên, Hội liên hiệp thanh niên các cấp sẽ tiếp tục triển khai nhiều hoạt động có ý nghĩa, đồng hành với thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh.