Tuổi trẻ góp phần chấn hưng văn hóa

Diễn đàn “Tuổi trẻ với chấn hưng văn hóa trong kỷ nguyên số” thông qua nhiều chương trình ý nghĩa vừa được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam ký kết thực hiện. 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Với mục tiêu nâng cao hiểu biết cho thanh niên về vai trò vị trí của văn hóa, đặc biệt trên môi trường số, hoạt động này nhằm cụ thể hóa chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030. 

Nội dung của diễn đàn bao gồm các chủ đề lớn như: “Nâng cao nhận thức về vai trò của công nghiệp văn hóa”, “Bức tranh văn hóa Việt Nam trên các nền tảng công nghệ số”, “Không gian mạng và sứ mệnh bảo vệ biên cương văn hóa tư tưởng của tuổi trẻ”, được tổ chức theo hình thức Talk show phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam, hội thảo khoa học với sự tham gia của đông đảo đoàn viên thanh niên, các chuyên gia, các nhà quản lý, các nhà khoa học, văn nghệ sĩ, doanh nhân, trí thức, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh văn hóa. Từ đó sẽ hình thành kênh tư vấn chính sách hiệu quả để tạo ra một môi trường văn hóa phát triển lành mạnh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Hội nghị văn hóa toàn quốc tháng 11/2021.

Trong kỷ nguyên công nghệ số, vấn đề quan tâm nhất chính là làm sao xây dựng một môi trường văn hóa lành mạnh trên các ứng dụng OTT (ứng dụng cung cấp thông tin đến người xem qua mạng internet). Công nghệ số mang đến cho người hưởng thụ văn hóa, nhất là thế hệ trẻ nhiều tiện ích, nhưng kèm theo đó là không ít hệ lụy xấu. Vấn đề “rác văn hóa” nếu không được dọn dẹp bằng những chế tài từ luật pháp đến ý thức hành động của người tham gia có thể sẽ làm méo mó các giá trị văn hóa đẹp đẽ của dân tộc mà cha ông ta đã bao đời bồi đắp và gìn giữ cho hôm nay và cho tương lai. 

Đây cũng là vấn đề bất cập nhất, là rào cản không dễ vượt qua trong công cuộc chấn hưng văn hóa mà Đảng và Nhà nước ta đã đề xướng và quyết liệt hành động. Thông qua diễn đàn, bức tranh toàn cảnh về văn hóa Việt Nam sẽ được nhìn nhận rõ hơn. Chúng ta cũng dễ dàng định vị được văn hóa Việt Nam trên bản đồ thế giới thông qua các sản phẩm xuyên biên giới, từ đó đề xuất những giải pháp cấp thiết cho phát triển công nghiệp văn hóa dần đạt mục tiêu đóng góp 7% GDP như Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 đã đề ra. 

Không chỉ vậy, việc nhận diện tầm quan trọng, tác động, ảnh hưởng của không gian mạng, của các dịch vụ OTT xuyên biên giới đối với sứ mệnh bảo vệ văn hóa tư tưởng trong giai đoạn mới cũng rất cần thiết, góp phần phát triển, định hướng nhân cách, lối sống cho thanh thiếu niên trong thời đại công nghệ. Ngoài ra, từ diễn đàn này, các vấn đề mấu chốt trong quản lý dịch vụ OTT cũng được mổ xẻ, giúp cho các doanh nghiệp hoạt động phù hợp xu thế của luật pháp quốc tế và thực tiễn trong nước. 

Văn hóa là hồn cốt dân tộc, là tấm hộ chiếu để khẳng định gương mặt, hình ảnh, bản lĩnh của một quốc gia trên đường hội nhập với thế giới. Công cuộc chấn hưng văn hóa luôn phải được bắt đầu từ yếu tố trung tâm là con người, trong đó nhấn mạnh là thế hệ trẻ bởi họ là những người sung sức nhất trong sáng tạo và hưởng thụ văn hóa, hành vi của họ có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến các hành vi văn hóa của cộng đồng. 

Diễn đàn “Tuổi trẻ với chấn hưng văn hóa trong kỷ nguyên số” là cơ hội để tuổi trẻ nói lên tiếng nói của mình góp phần xây dựng, phát triển, chấn hưng văn hóa, trong bối cảnh văn hóa đang chịu nhiều tác động cả tích cực và tiêu cực. Những kết quả từ diễn đàn này sẽ được tổng hợp, đóng góp vào quá trình hoàn thiện các chính sách pháp luật để kịp thời ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật về văn hóa, đồng thời gìn giữ, thúc đẩy văn hóa phát triển đúng hướng trong thời kỳ chuyển đổi số.