Hội Đền Đô là lễ hội truyền thống của vùng văn hóa Bắc Ninh - Kinh Bắc được tổ chức hằng năm, là dịp để nhân dân mọi miền Tổ quốc tưởng nhớ công ơn vua Lý Công Uẩn đã khai mở vương triều Lý, phát triển nền văn minh Đại Việt. Đồng thời, Lễ hội còn góp phần giáo dục thế hệ trẻ thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn và truyền thống quý báu của con dân đất Việt nghìn đời nay. Nét đặc sắc nhất trong lễ hội là đoàn rước khổng lồ gồm hai nghìn người, với hàng trăm các đoàn đại biểu mang đậm nét truyền thống từ chùa Ứng Thiên Tâm về Đền Đô diễn ra trong ba tiếng đồng hồ, từ 7 giờ đến 10 giờ sáng.
Ngoài ra, để phục vụ du khách đến tham quan trẩy hội, Ban tổ chức còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể dục thể thao như: hát quan họ trên thủy đình, đấu vật, cờ tướng, cờ người, thi đấu bóng chuyền, thi nấu cơm niêu đất, triển lãm sinh vật cảnh, gói bánh phu thê, thể dục dưỡng sinh…
Đền Đô còn được biết đến với cái tên Cổ Pháp Điện hay đền Lý Bát Đế. Năm 1019, vua Lý Công Uẩn cho xây dựng thái miếu ở Sơn Lăng Thiên Đức tại làng Cổ Pháp (tức ở Đền Đô ngày nay). Năm 1028, vua Lý Công Uẩn băng hà, Lý Thái Tông lên ngôi đã cho sửa sang lại ngôi nhà xưa và chọn làm nơi thờ tự vua cha. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Đền Đô bị phá hủy hoàn toàn. Năm 1989, cán bộ và nhân dân phường Đình Bảng đã đầu tư tôn tạo lại khu di tích Đền Đô trở thành nơi thờ phụng các vị tiên vương nhà Lý.