Nhiệt độ cao nhất của túi chườm nóng có thể đạt 70-75 0C, nhiệt độ trung bình 50-55 0C và có thể duy trì nhiệt độ 42-45 0C trong khoảng thời gian từ 4-6 giờ.
Sau đây là cuộc trao đổi với ông Nguyễn Dũng, Trưởng Phòng thí nghiệm, Bộ môn Hóa hữu cơ, Khoa Công nghệ hóa học (Trường đại học Bách khoa Hà Nội) về khả năng ứng dụng công nghệ trong thực tiễn sản xuất.
- Động cơ nào khiến ông nghiên cứu ra công nghệ sản xuất túi chườm?
- Rất ngẫu nhiên. Tôi đã nhìn thấy một vị khách sử dụng sản phẩm túi chườm có xuất xứ từ Nhật Bản, sau khi xem sản phẩm, tôi cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể chế tạo được. Tôi đã bắt tay vào nghiên cứu và bước đầu cho ra mắt sản phẩm túi chườm tại phòng thí nghiệm. Cũng phải nói thêm, động cơ nghiên cứu của tôi không xuất phát từ việc sẽ kinh doanh sản phẩm. Quan điểm của chúng tôi là, xem công nghệ là sản phẩm của mình, còn sản phẩm khi đã thành hàng hóa là của doanh nghiệp.
- Điểm khác biệt của túi chườm do ông nghiên cứu, chế tạo với các loại túi chườm khác hiện có tại thị trường Việt Nam?
- Điểm khác biệt nhất là tính kinh tế, so với các loại túi chườm hiện có, như túi cắm điện, túi đun nước nóng... giá túi chườm của chúng tôi rẻ hơn rất nhiều. Hơn nữa, túi chườm trên đã được nạp sẵn năng lượng và người sử dụng có thể dùng bất kỳ lúc nào (chơi thể thao, đi dã ngoại, nhét vào giày, vào người để giữ ấm, thậm chí dùng trong bệnh viện...) và những nơi không có sẵn nguồn năng lượng. Chúng tôi đang hoàn thiện nốt công nghệ, đăng ký sản phẩm với Cục Sở hữu trí tuệ.
- Nhưng túi chườm trên chỉ dùng được một lần. Đây có là hạn chế của sản phẩm?
- Dù sản phẩm chỉ dùng được một lần, nhưng lại có ưu điểm là giá rẻ, nên người sử dụng sẽ không băn khoăn về việc sẽ dùng được bao nhiêu lần. Đơn cử, các sản phẩm tiêu dùng như tất giấy, quần giấy cũng chỉ dùng một lần, nhưng do giá rẻ, lại tiện dụng, nên rất nhiều người dùng và được xã hội dễ dàng chấp nhận. Cái lợi nữa là sản phẩm tiện dụng đối với những người đi công tác xa, chơi thể thao. Túi chườm khi dùng xong được bỏ đi như một loại rác thải sinh hoạt thông thường, không gây hại đến môi trường. Theo tôi, với mức giá khoảng 1.000 đồng/sản phẩm, người tiêu dùng không phải cân nhắc nhiều khi mua.
- Ông có nghĩ đến việc hợp tác với doanh nghiệp để sản xuất, kinh doanh sản phẩm túi chườm không?
- Tôi chỉ muốn hoàn thiện công nghệ để chuyển giao cho doanh nghiệp, chứ không có ý định liên kết sản xuất, kinh doanh. Nếu có đối tác nào cần công nghệ này, chúng tôi có thể đảm trách phần kỹ thuật và chuyển giao công nghệ, trợ giúp doanh nghiệp đào tạo người vận hành.
- Mới chỉ được sản xuất ở phòng thí nghiệm, sản phẩm liệu có thuyết phục được doanh nghiệp?
- Trường đại học Bách khoa Hà Nội đã từng có rất nhiều thành công trong việc đưa thẳng công nghệ từ phòng thí nghiệm ra nhà máy và đã được thị trường chấp nhận. Hơn nữa, với kinh nghiệm và quá trình nghiên cứu, chúng tôi tin rằng, không có ngoại lệ nào trong việc chuyển giao và ứng dụng công nghệ túi chườm từ phòng thí nghiệm ra thực tiễn.
- Xin cảm ơn ông.