Tuân thủ tuyệt đối quy định phòng dịch khi tham gia lễ hội

Hai ngày cuối tuần vừa qua, số lượng người dân đi lễ đầu xuân đổ về chùa Hương (Hà Nội) và chùa Tam Chúc (Hà Nam) tăng đột biến. Trong đó, chùa Hương đón quãng hơn 40 nghìn lượt người, còn chùa Tam Chúc khoảng 70 nghìn lượt; riêng ngày chủ nhật, chùa Tam Chúc đón 50 nghìn lượt.

Du khách tới chùa Tam Chúc tăng đột biến trong ngày 14-3.
Du khách tới chùa Tam Chúc tăng đột biến trong ngày 14-3.

Khách tăng đột ngột đã khiến các địa điểm du lịch này "thất thủ". Xem những bức ảnh và video clip trên các phương tiện truyền thông khiến chúng ta không khỏi giật mình, lo lắng. Nhiều địa điểm trong khu di tích xảy ra tình trạng ùn ứ, "biển người" đi lễ chỉ có thể nhích từng bước. Người ta đã gọi bỡn đây là tình trạng du xuân kiểu "cá hộp". Trong thông điệp 5K thì chỉ cần nhìn cũng biết ít nhất 3K (khẩu trang - khoảng cách - không tập trung) đã không được tuân thủ, 2K còn lại (khử khuẩn - khai báo y tế) chắc hẳn cũng bị lơ là. Tuy Ban quản lý chùa Tam Chúc cho biết đã yêu cầu du khách khai báo y tế, cấp phát khẩu trang miễn phí, nước rửa tay sát khuẩn, đo thân nhiệt, nhưng lượng khách quá đông cho nên khá nhiều người đã... bỏ qua.

Ðây không biết là lần thứ bao nhiêu dư luận lên tiếng lo ngại về tình trạng người dân coi thường, lơ là các biện pháp đề phòng lây lan dịch Covid-19 trong cộng đồng. Ai cũng biết, bệnh dịch chỉ có thể bị khống chế hoàn toàn khi tìm ra vắc-xin và người dân được tiêm chủng. Từ nay cho đến lúc đó, nguy cơ lây nhiễm vẫn luôn hiện hữu. Thông điệp 5K chỉ là những biện pháp đề phòng sự lây lan bệnh dịch ở mức thấp nhất, vậy mà nhiều người vẫn không tuân thủ! Thiết nghĩ, không cần phải nói đến hậu quả khôn lường nếu trong số hơn 100 nghìn lượt du khách đến chùa Hương và chùa Tam Chúc hai ngày cuối tuần qua có người mắc bệnh và tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng. Bài học từ nhiều nước trên thế giới cho thấy do chủ quan, không tuân thủ các biện pháp phòng dịch đã để xảy ra các làn sóng lây nhiễm trên quy mô lớn, làm tê liệt mọi hoạt động kinh tế, xã hội, văn hóa. Cụ thể thì ngày 15-3, làn sóng Covid-19 thứ ba chính thức được ghi nhận đã bùng lên ở châu Âu, buộc nhiều nước như Pháp, Ðức, I-ta-li-a… áp đặt lại lệnh phong tỏa.

Nhu cầu đi lễ, cầu mong những điều tốt đẹp trong ngày đầu xuân của người dân là chính đáng, đã ăn sâu tâm thức, đời sống văn hóa, phong tục của người Việt. Bên cạnh đó, trừ tình huống đặc biệt, xã hội cần được vận hành linh hoạt trong tình trạng "bình thường mới", bao gồm cả thỏa mãn nhu cầu đời sống tinh thần và tâm linh của người dân. Thế nhưng trong giai đoạn hiện nay, với bất cứ hoạt động nào thì yêu cầu phòng dịch và an toàn sức khỏe đều phải đặt lên hàng đầu. Nhiều cơ sở thờ tự, khu di tích nổi tiếng đã có những biện pháp phù hợp như: chùa Phúc Khánh (Hà Nội), nơi đầu năm có hàng nghìn người tham gia cầu an đã tổ chức lễ cầu an trực tuyến, được nhiều phật tử ủng hộ; đền Trần Nam Ðịnh tổ chức lễ khai ấn trực tuyến; UBND tỉnh Ninh Bình chỉ tổ chức một số nghi lễ chứ không tổ chức lễ khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2021 và dừng toàn bộ nội dung phần hội như một biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Ðây là những cách làm hay cần được tham khảo và nhân rộng.

Trước tình trạng xảy ra hai ngày cuối tuần vừa qua, ban tổ chức và ban quản lý các khu di tích, lễ hội cần khẩn trương bổ sung phương án phân luồng, kiểm soát số lượng du khách, kiên quyết áp dụng biện pháp 5K, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, bảo đảm tuân thủ tuyệt đối việc phòng, chống dịch Covid-19. Hơn lúc nào hết, sự thận trọng lúc này là hết sức cần thiết với cả người tổ chức và tham gia lễ hội. Nhưng biện pháp hành chính nào cũng không thể thay thế được ý thức tự giác của người dân. Trong tình hình bệnh dịch còn có thể kéo dài, nên chăng hãy thay đổi thói quen đi lễ, không nên đi lễ bằng mọi giá, bởi phật tại tâm; nhiều điều tốt đẹp nảy sinh từ tấm lòng hướng thiện. Và nếu đi lễ, hãy tuân thủ nghiêm các quy định phòng, chống dịch, đó là tự bảo vệ bản thân, gia đình và góp phần gìn giữ sức khỏe của cộng đồng, vì sự phát triển của đất nước, là yêu nước.