Trước yêu cầu bức thiết của lịch sử, ngày 18 và 19-12-1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng tổ chức cuộc họp mở rộng khẩn cấp tại Vạn Phúc, Hà Đông do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì; quyết định chủ trương phát động cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược trên phạm vi cả nước; đề ra đường lối, chủ trương kháng chiến chống Pháp xâm lược là kháng chiến lâu dài. Ngay đêm 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Lời kêu gọi chỉ có 19 dòng, 199 từ ngắn gọn và súc tích, nhưng đã thể hiện những quan điểm cốt lõi của Người về kháng chiến toàn dân cũng như mệnh lệnh của non sông, thôi thúc cả dân tộc chung sức, đồng lòng vùng dậy quyết chiến, quyết thắng quân Pháp xâm lược.
Kế thừa những lý luận trong học thuyết quân sự Mác - Lê-nin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân biệt rõ đâu là chiến tranh chính nghĩa, cách mạng và đâu là chiến tranh phi nghĩa, phản cách mạng. Người cho rằng, quần chúng nhân dân lao động, nếu được giác ngộ và có nhận thức đúng đắn, sẽ ủng hộ và hăng hái tham gia cuộc chiến tranh chính nghĩa. Vì thế, chỉ có chiến tranh chính nghĩa mới có thể huy động, tập hợp được đông đảo quần chúng, được toàn dân tham gia chiến đấu. Có thể thấy, chiến tranh nhân dân do toàn dân ta tiến hành nhằm giành lại và giữ vững nền độc lập, tự do cho Tổ quốc mình là chiến tranh chính nghĩa. Khẳng định tính chính nghĩa là một trong những nhân tố hàng đầu để đưa cuộc chiến tranh của nhân dân ta đi đến thắng lợi, cho dù phải trải qua muôn vàn gian khổ, hy sinh, thậm chí kéo dài, “chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ… Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta” [1].
Chủ tịch Hồ Chí Minh coi độc lập dân tộc và tự do hòa bình là mục tiêu phấn đấu suốt đời mình. Thế nhưng trong điều kiện phải đương đầu với kẻ thù xâm lược có sức mạnh quân sự và kinh tế lớn hơn ta nhiều lần, có quân số đông và vũ khí hiện đại, cần phải huy động sức mạnh của toàn dân để chiến dấu. Muốn đánh bại kẻ thù hung bạo, mạnh hơn ta gấp bội thì mỗi người dân Việt Nam đều phải trở thành chiến sĩ đứng lên bảo vệ độc lập, chủ quyền đất nước. Khi nhấn mạnh vai trò của nhân dân, về tính chất chính nghĩa, động lực của cuộc kháng chiến là bảo vệ độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc, Người khẳng định: “Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa. Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” [2]. Bằng sự khẳng định đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định mục đích chính nghĩa của cuộc kháng chiến và lòng tin tưởng của Người vào sức mạnh ý chí bảo vệ độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc của nhân dân ta.
Từ quan điểm về vai trò của con người trong lĩnh vực quân sự và lòng tin vào sức mạnh của nhân dân - có dân là có tất cả, Người nhấn mạnh, phải dựa vào dân, khơi nguồn sức mạnh, sức sáng tạo của nhân dân. Nhân dân trong quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là toàn dân Việt Nam. Người giải thích, toàn dân kháng chiến là ai cũng phải đánh giặc, bất cứ đàn ông, đàn bà, người già, người trẻ, ai cũng tham gia kháng chiến. Tổ quốc là Tổ quốc chung, Tổ quốc độc lập thì ai cũng được tự do, nếu mất nước thì ai cũng phải làm nô lệ. Người đã tìm thấy điểm tương đồng, chất keo kết dính các tầng lớp, giai cấp, dân tộc chính là lợi ích tối cao của dân tộc. Đây là nguyên tắc sống còn được Người khái quát ngắn gọn nhưng vô cùng sâu sắc: dân tộc trên hết, Tổ quốc trên hết.
Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi: “Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên! Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp cứu Tổ quốc…” [3]. Điều đó thể hiện ý chí toàn thể dân tộc Việt Nam quyết “đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải” để bảo vệ nền tự do, độc lập mà Người đã tuyên bố trong Tuyên ngôn Độc lập trước toàn thế giới. Quyết tâm đó dựa trên cơ sở lòng tin vào sức mạnh của nhân dân, vào thắng lợi cuối cùng của cả một dân tộc đồng lòng. Người nhấn mạnh: “Bọn thực dân phải biết rằng dân Việt Nam không muốn đổ máu, dân Việt Nam yêu chuộng hòa bình. Nhưng nếu cần phải kháng chiến bao nhiêu năm để giữ gìn quyền độc lập của Việt Nam, để cho con cháu Việt Nam khỏi kiếp nô lệ, thì chúng ta vẫn kiên quyết hy sinh và kháng chiến. Vì dân Việt Nam tin chắc rằng thế nào cuộc kháng chiến này cũng thành công” [4]. Quyết tâm đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh dựa trên cơ sở khoa học, dựa trên sức mạnh vô địch của đoàn kết toàn dân, truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm quật cường của cha ông ta và chủ yếu nhất, quyết tâm đó dựa trên quyết tâm chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của cả dân tộc bởi “sự đồng tâm của đồng bào ta đúc thành một bức tường đồng xung quanh Tổ quốc, dù địch hung tàn, xảo quyệt đến mức nào, đụng đầu nhằm bức tường đó, chúng cũng phải thất bại” [5].
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, phát huy sức mạnh của dân tộc, thực hiện toàn dân kháng chiến nhưng phải lấy lực lượng vũ trang làm nòng cốt. Cùng với kêu gọi toàn dân kháng chiến, Người kêu gọi anh em binh sĩ, tự vệ dân quân phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn non sông đất nước. Do đó, khi tập trung lực lượng để lập một đội quân đầu tiên, cần phải duy trì lực lượng vũ trang các địa phương cùng phối hợp hành động và giúp đỡ về mọi phương diện. Đội quân chủ lực trái lại có nhiệm vụ dìu dắt các đội vũ trang của các địa phương, giúp đỡ huấn luyện, giúp đỡ vũ khí nếu có thể được, làm cho các đội này trưởng thành mãi lên. Tư tưởng này đã được Đảng ta vận dụng, phát triển sáng tạo trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước. Đảng đã tập trung xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân gồm bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ. Đây chính là phương thức tổ chức lực lượng thích hợp nhất để động viên và tổ chức toàn dân đánh giặc, kết hợp lực lượng nòng cốt với lực lượng rộng khắp của toàn dân, lực lượng cơ động và lực lượng tại chỗ trên cả nước và từng khu vực để tạo nên sức mạnh lớn nhất tiêu diệt quân thù.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh toàn dân kháng chiến lấy lực lượng vũ trang làm nòng cốt, song Người cũng yêu cầu: “Điểm trọng yếu là bất kỳ bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích đều phải bám sát lấy dân, rời dân ra nhất định thất bại. Bám lấy dân là làm sao cho được lòng dân, dân tin, dân mến, dân yêu. Như vậy thì bất kể việc gì khó cũng làm được cả và nhất định thắng lợi. Muốn thế phải bảo vệ, giúp đỡ, giáo dục nhân dân… phải vận động nhân dân tự nguyện, tự giác, nếu bắt buộc thì chỉ có thể có kết quả tạm thời ngay lúc đó thôi, còn sau đó thì không thấm…” [7]. Theo Người, kháng chiến toàn dân phải đánh địch bằng mọi lực lượng, mọi thứ vũ khí. Tức là mỗi ngành, mỗi giới, mỗi lĩnh vực công tác, chiến đấu sản xuất, công tác đều nỗ lực tạo ra hiệu quả to lớn để phục vụ cuộc kháng chiến. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã diễn đạt một cách dễ hiểu về tính toàn diện của cuộc kháng chiến: Nó lấy vũ lực ta không sợ, nó lấy chính trị ta không mắc mưu, nó lấy kinh tế phong tỏa thì ta lấy kinh tế đánh nó. Ở tiền tuyến, chiến sĩ hy sinh xương máu để bảo vệ non sông. Ở hậu phương, toàn dân gia sức tăng gia sản xuất… thế là đồng bào hậu phương cùng ra sức tham gia kháng chiến. Người kêu gọi: “Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”.
Hiện nay, trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và xu thế hội nhập quốc tế; những diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất ổn định, bất trắc, khó lường của tình hình thế giới; sự xuất hiện loại hình chiến tranh mới, chiến tranh sử dụng vũ khí công nghệ cao, đất nước đang đối mặt nhiều vấn đề mới, có cả những thuận lợi, thời cơ đan xen những khó khăn, thách thức gay gắt. Trong điều kiện đó, “tính linh hoạt” của nền quốc phòng toàn dân trong giai đoạn hiện nay phải trở nên rất cao, nhiệm vụ quốc phòng được mở rộng. Nền quốc phòng toàn dân vừa phải có khả năng ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, hành động phá hoại của các thế lực thù địch, vừa phải giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời phải có đủ sức mạnh ngăn chặn, đẩy lùi mọi nguy cơ chiến tranh, đáp ứng mọi yêu cầu của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Trải qua 70 năm nhưng khí thế hào hùng của những ngày đầu toàn quốc kháng chiến đã đi vào lịch sử, trở thành dấu son chói lọi trong cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Trước những thăng trầm của thời gian, giá trị lịch sử của “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” luôn là kim chỉ nam cho mọi hành động cách mạng của Đảng và toàn thể nhân dân Việt Nam, cổ vũ cán bộ, chiến sĩ, đồng bào kề vai sát cánh, chung sức, đồng lòng. Quán triệt quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về kháng chiến toàn dân trong giai đoạn hiện nay, Đảng ta tiếp tục phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Tài liệu tham khảo
1, 2, 3. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, HN - 2011, tập 4, tr. 480
4. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, HN - 2011, tập 4, tr. 91, 92
5. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, HN - 2011, tập 5, tr. 151
6. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, HN - 2011, tập 6, tr. 525
7. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, HN - 2011, tập 5, tr. 151