Từ rối da tới rối... robot

Pháo hoa nổ bùng thông báo màn diễn bắt đầu. Âm nhạc vang lên rộn rã, có tiếng trống, tiếng ốc xà cừ, tiếng chũm chọe, tiếng cồng và kèn hơi phá tan màn đêm tĩnh lặng và nổi lên trên là tiếng leng keng của chilanka (vòng chân có chuông). Giọng của người kể chuyện hòa quyện cùng âm nhạc khi các diễn viên ẩn sau màn hình trình diễn vở kịch. Những con rối da được làm công phu hắt bóng xuống nền vải lướt qua lướt lại trong ánh sáng huyền ảo.

Hậu trường của sân khấu rối bóng.
Hậu trường của sân khấu rối bóng.

Nghệ thuật đặc sắc truyền đời

Màn múa rối bóng tholpavakoothu bắt mắt mê hoặc hơn hai chục khán giả ngồi xem dưới bầu trời đêm Koonathara, một ngôi làng ở quận Palakkad (bang Kerala, Ấn Độ) gồm cả dân địa phương lẫn khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới.

Sân khấu dài hơn 13 m được dựng trong một ngôi đền, bên trên căng một tấm màn trắng rộng viền đen. 21 ngọn bấc thắp sáng đặt trong gáo dừa chứa dầu dừa sắp thành hàng trên một tấm ván dài phía sau bức màn. Mười nghệ sĩ gồm nghệ sĩ múa rối chính, ca sĩ, người kể chuyện, nghệ sĩ múa rối khác... đang đắm mình trong màn diễn.

Ông Lakshman Pulavar, 66 tuổi đã biểu diễn rối bóng kể từ khi còn là một đứa trẻ, theo gót cha ông mình. Gia đình ông là một trong số ít những gia đình vẫn theo đuổi loại hình nghệ thuật 350 năm tuổi ở Ấn Độ này suốt tám thế hệ. Những người diễn rối như ông được gọi là pulavan, vốn bắt nguồn từ họ của họ Pulavar, ý chỉ nghệ sĩ bậc thầy. Họ cũng đóng vai trò dẫn đầu trong một màn diễn, phải thuộc lòng 2.100 câu thơ và ghi nhớ ý nghĩa của chúng để xướng lên trong suốt các màn diễn. Hiện, những người nhà Pulavar trình diễn rối bóng tại hơn 80 đền chùa trên khắp Palakkad, trong đó riêng Lakshman và các con trai ông thường xuyên biểu diễn ở 20 ngôi đền chùa. Anh Sajeesh 31, con trai lớn của ông chia sẻ: “Tôi đã học tholpavakoothu từ cha và ông từ 5 tuổi và thường xuyên tham gia biểu diễn cùng gia đình”. Còn Sajith 22 tuổi luôn “cảm thấy phấn khích khi tiếng trống diễn nổi lên. Tôi thích được là một phần trong đó”. Những con rối cao khoảng 80cm do chính tay Lakshman và con trai làm nên, được cắt từ da trâu và da hươu, sau đó tạo hình và sơn bằng thuốc nhuộm từ thực vật, rồi gắn trên các trục tre theo hướng dẫn được ghi lại trong các văn bản cổ xưa.

Buổi biểu diễn thường kéo dài trong 21 ngày quanh ngôi đền Pooram, nơi tổ chức lễ hội hằng năm rơi vào tuần đầu tiên của tháng 4, nhưng có thể kéo dài hơn nữa. Gia đình ông cũng biểu diễn các chương trình khác tại các sự kiện và lễ hội quanh vùng Palakkad. Những buổi biểu diễn này ngắn hơn, một số chỉ kéo dài tầm 30 phút và cần ít người hơn.

Tholpavakoothu (thol nghĩa là da, pava có nghĩa là con rối và koothu nghĩa là vở kịch hay biểu diễn) là một hình thức múa rối bóng được biểu diễn trong các sự kiện và lễ hội được tổ chức trong các ngôi đền dành riêng cho nữ thần Durga (nữ thần Mẹ trong đạo Hindu), ba đến bốn lần mỗi tháng từ tháng giêng đến tháng sáu trong khuôn viên đền chùa, phổ biến ở quận Palakkad, Thrissur và Malappuram.

Tholpavakoothu dựa trên Kamba Ramayana (phiên bản Tamil của sử thi Ramayana), kể về câu chuyện của thần Hindu Sri Rama từ khi sinh ra cho đến khi đăng quang làm vua của Ayodhya. Gần 200 con rối được sử dụng đại diện cho 70 nhân vật trong Kamba Ramayana, được thuật lại bằng sự kết hợp giữa tiếng Malayalam và tiếng Tamil, với các bài hát và câu thơ gọi là adalpattu. Điều thú vị là những con rối đặc biệt như động vật, cây cối, chim chóc, hồ nước và núi non cũng được tạo ra để đại diện cho thiên nhiên. Sự khéo léo của các nghệ sĩ múa rối khiến những màn biểu diễn này trở nên rất chân thực, thu hút.

Harisree Kannan Tholpavakoothu Kalakendram tại Koonathara là trường học dành riêng cho nghệ thuật rối bóng, được điều hành bởi Lakshman và các con trai. Học viện tổ chức các buổi đào tạo và trại hè để dạy về nghệ thuật rối bóng, cũng như cách làm con rối, đào tạo 10 đến 20 người lớn trưởng thành và 150 đến 200 trẻ em. Họ cũng tổ chức các hội thảo cho sinh viên quốc tế nghiên cứu văn hóa Ấn Độ. Kể từ khi đại dịch, Sajeesh đã tổ chức các lớp học trực tuyến bằng một sân khấu tạm trong nhà của mình.

Nhờ sự tận tâm, đam mê muốn giữ gìn loại hình nghệ thuật nghi lễ đặc sắc này mà gia đình Pulavar vẫn tiếp tục duy trì việc đào tạo và biểu diễn rối bóng bất chấp những thăng trầm của nghệ thuật truyền thống trong thời hiện đại. Nhưng đại dịch Covid-19 đã khiến thời lượng của các buổi biểu diễn giảm hẳn và ít người tham dự hơn. Trong thời gian bị phong tỏa, các buổi biểu diễn phải dừng hoàn toàn. Trước đại dịch, họ có thể kiếm 150.000-200.000 rupee (tương đương khoảng 2.000 - 2.700 USD) mỗi tháng cho các buổi biểu diễn. Giờ đây, họ chỉ kiếm được 50.000-60.000 rupee ($ 686- $ 823) mỗi tháng. Nhưng chi phí cho buổi diễn đã mất một nửa và phần còn lại phải chia cho từ 8 đến 10 người tham gia. Do có quá ít buổi biểu diễn trực tiếp, gia đình ông phải trông vào các hội thảo trực tuyến để tăng thu nhập. Họ cũng phải cho thuê hay bán rối cho khách du lịch và thậm chí còn quay sang trồng lúa để sinh sống.

Khi công nghệ gặp truyền thống

Từng được biểu diễn rộng rãi khắp Kerala, hiện nay rối bóng chỉ còn tập trung vào một số vùng. Một trong những vấn đề lớn nhất trong việc bảo tồn nghệ thuật truyền thống mà nhà Pulavar gặp phải là sự quan tâm của các thế hệ trẻ ngày càng giảm sút. Một sáng kiến bắt nguồn từ công nghệ có thể là một điểm sáng để giải quyết vấn đề này. Công ty Inker Robotics có trụ sở tại Thrissur được thành lập vào năm 2018 bởi anh Rahul Balachandran, 38 tuổi. Công ty đào tạo sinh viên về tự động hóa và robot, đồng thời phát triển robot để làm việc trong nông nghiệp, công nghiệp và các lĩnh vực khác.

Vài năm trước, sau khi nhận thấy khối lượng công việc liên quan đến việc điều khiển các con rối khá lớn, anh Rahul đề nghị nhà Pulavar thử sử dụng robot để vận hành các con rối. Anh Sajeesh và ông Lakshman ngay lập tức bị thu hút bởi ý tưởng này, vì họ tin rằng việc đưa một một công nghệ hiện đại vào loại hình nghệ thuật truyền thống này sẽ thu hút nhiều người đến với nó hơn. Nhưng vì mỗi con robot sẽ có giá tới vài trăm nghìn rupee, họ không thể thực hiện được ý tưởng này.

Gần đây, một tin vui đến với họ, Bảo tàng di sản quận ở Palakkad, nơi lưu trữ một trong những bộ sưu tập nhạc cụ lớn nhất Ấn Độ, đã tiếp cận Sajeesh. Họ muốn tổ chức triển lãm con rối tholpavakoothu thường xuyên. Nắm bắt cơ hội này, Sajeesh và Rahul cùng bắt tay làm việc. “Sajeesh và tôi đã làm việc nhiều giờ với nhóm của mình để đem lại màn trình diễn tốt nhất của các robot, theo đúng phong cách múa rối nguyên bản”, Rahul giải thích. Phải mất ba tháng để hoàn thành và những con rối - robot được trưng bày lần đầu tiên trước 100 người tại bảo tàng vào tháng hai vừa qua. Ông Milton Francis, Giám đốc bảo tàng cho biết: “Mọi người rất ngạc nhiên và thích thú khi xem buổi trình diễn rối do robot vận hành vì đây là một trải nghiệm mới mẻ đối với họ”.

Các con rối được lập trình để khi một cảm biến phát hiện sự có mặt của khách, nó sẽ biểu diễn một câu chuyện trong Kamba Ramayana, kéo dài từ 30 phút đến hai giờ. Màn trình diễn gây được tiếng vang lớn kể từ triển lãm và thu hút một lượng lớn khán giả trước khi phải tạm ngừng do phong tỏa. Anh Rahul nói: “Chúng tôi đã sử dụng nguyên mẫu trong bảo tàng và đang nghiên cứu để lắp đặt thêm tại sân bay Kochi. Tôi vui mừng về triển vọng của công nghệ và phạm vi tiếp cận của nó”.

Bất chấp thành công của những con rối robot, nhà Pulavar không muốn những kỹ năng khiển rối đã được bồi đắp hàng trăm năm bị rơi rụng và quyết định hạn chế sử dụng chúng trên sân khấu, đồng thời hoàn toàn dùng rối điều khiển bằng tay cho các buổi diễn trong đền thờ vì tôn trọng “tín ngưỡng và truyền thống”. Ông Lakshman tâm niệm: “Những loại hình nghệ thuật truyền thống như vậy nên được truyền bá và truyền dạy cho thế hệ trẻ để chúng không bị mai một và lãng quên”.

6_1-1634736297720.jpg
Một cảnh diễn rối bóng.