Tại sao “Mùa xuân” lại đẹp?

“Mùa xuân” là tên một kiệt tác nghệ thuật, một bức tranh có lẽ đã tốn nhiều giấy mực và gây tranh cãi nhất trong lịch sử hội họa: “La Primavera”. Danh họa người Ý Sandro Botticelli sáng tác bức họa này khoảng năm 1481-1482 nhưng phải đến năm 1550, mới được nhà lịch sử nghệ thuật Giorgio Vasari nhắc đến lần đầu trong một cuốn sách với tên gọi “Primavera” (tức “mùa xuân” trong tiếng Ý).

La Primavera, Sandro Botticelli, tempera trên ván gỗ, 3.14×2.03 m, Bảo tàng Mỹ thuật Uffizi, thành phố Firenze (Florence), Italia.
La Primavera, Sandro Botticelli, tempera trên ván gỗ, 3.14×2.03 m, Bảo tàng Mỹ thuật Uffizi, thành phố Firenze (Florence), Italia.

Các nhân vật xuất hiện trong bức tranh đều đã được xác định nhưng mối liên kết nào giữa họ và câu chuyện bức tranh muốn kể là gì vẫn khiến các chuyên gia nghệ thuật, các nhà sử học và những người yêu mỹ thuật tranh luận đến tận ngày nay.

Để phân tích vì sao một bức tranh lại đẹp có nhiều cách, thông thường sẽ đi từ bối cảnh lịch sử, hoàn cảnh sáng tác, cuộc đời tác giả… Nhưng ta sẽ tiếp cận theo cách gần gũi hơn với bạn đọc, cũng là những người xem tranh phổ thông. Khi nói đến bức tranh này, điều đầu tiên gây chú ý có lẽ là kích thước. Bức tranh rộng hơn 3 m, cao hơn 2 m, thật sự là một kích thước “khổng lồ” ngay cả với tiêu chuẩn ngày nay. Các nhân vật trong tranh có kích thước gần như người thật; điều đó khiến người xem có một cảm giác như nhìn cảnh thật, vật thật khi đối diện với nó trên tường.

Khó khăn đầu tiên để vẽ bức tranh khổ lớn là nguyên vật liệu. Quá trình chuẩn bị nền tranh đã rất tốn công. Các tấm ván gỗ tốt được bào nhẵn đem ghép lại với nhau. Một tấm vải lớn được dán bằng keo lên bề mặt, thêm các tấm vải đè lên để che các khe ghép giữa các miếng ván. Bột thạch cao sống trộn với keo da trâu được bồi lên vải làm lớp đế vững chắc. Bột thạch cao xay mịn hơn được trộn với nước thành vữa rồi quết dần dần lên để thấm vào đế, khoảng... hơn 10 lớp. Thành phẩm cuối cùng là một nền trắng, khô từ từ để sau đó dùng bột mầu nghiền nhỏ pha với lòng đỏ trứng tươi (tức tempera) vẽ lên. Trứng khô đi sẽ tạo thành một lớp màng bên ngoài cứng, trong suốt để bảo vệ mầu tranh khỏi nhiệt độ và độ ẩm, khiến mầu sắc có thể giữ được nhiều thế kỷ. Một bức tranh gần 550 tuổi vẫn giữ được nguyên vẹn trải bao thăng trầm, chiến tranh, bom đạn thật quý biết chừng nào. Nhà tài trợ cho danh họa Botticelli chính là gia tộc Medici, tuy không phải vua nhưng cũng giàu bậc nhất châu Âu và nắm quyền kiểm soát nước Cộng hòa Firenze rồi Đại công quốc Toscana trong 3 thế kỷ.

Bức tranh vẽ các nhân vật thần tiên với những khuôn mặt vô cùng xinh đẹp được diễn tả chân thực. Ba nàng tiên duyên dáng được nét cọ điêu luyện của họa sĩ vẽ những bộ xiêm y mờ mờ ảo ảo, tuy là vải nhưng lại phô bày những đường cong của cơ thể. Điều này chỉ đáng nói khi ta đặt nó cùng những bức tranh châu Âu đương thời, khi mà đề tài trong suốt cả nghìn năm chỉ xoay quanh Chúa Giê-su và các điển tích của nhà thờ Công giáo, với các nhân vật luôn mặc quần áo dài lòng thòng và kín mít.

8_1-1643077252591.jpg
 Chi tiết tranh: Ba nàng tiên duyên dáng.

Tất cả 9 nhân vật trong tranh đều là những nhân vật trong thần thoại La Mã, một phần quan trọng trong lịch sử và tư tưởng cổ đại của bán đảo Ý. Đạo Thiên Chúa đã xóa sạch những ảnh hưởng này và coi việc thờ đa thần là tà giáo và cổ hủ. Bức tranh này đã đánh dấu sự trở lại lần đầu tiên của các vị thần cổ đại, sắp đặt trong một khung cảnh đầy thơ mộng, thi vị khác hẳn dòng tranh chính thống nghiêm trang, các nhân vật tôn giáo đầy cảm xúc cao trào khổ đau hay kịch tính. Đây cũng chính là khởi đầu cho một kỷ nguyên gọi là “rinascita” tức “tái sinh” trong tiếng Ý, mà ngày nay ta gọi là Thời kỳ Phục hưng. Gia tộc quyền lực Medici đóng vai trò quan trọng trong cuộc “cách mạng văn hóa” này nhằm phục hồi những tư tưởng tiến bộ có từ thời La Mã Hy Lạp cổ đại, lan truyền ảnh hưởng ra cả châu Âu và thay đổi lịch sử nhân loại.

Bức tranh này được cho là do Lorenzo il Magnifico, đời thứ 3 dòng họ Medici quyền lực tối cao ở Florence đặt hàng. Dòng họ Medici xuất phát làm nghề ngân hàng và cho vua chúa khắp châu Âu vay tiền rồi trở nên cực kỳ giàu có, đồng vàng Florin của Florence trở thành đồng tiền giao dịch quốc tế ở châu Âu. Nhà Medici muốn biến Florence thành trung tâm kinh tế-văn hóa-khoa học của châu lục nên hào phóng tài trợ vô kể cho nghệ thuật. Vậy nên ngày nay Florence nói riêng và nước Ý nói chung mới lưu giữ những kiệt tác hội họa của nhân loại. Lorenzo đặt bức tranh này làm quà cưới cho người em họ Lorenzo di Pierfrancesco de’ Medici lấy cô công chúa nước láng giềng, một đám cưới do chính ông dàn xếp. Bởi thế bao trùm bức vẽ là đề tài tình yêu và sự sinh sôi nảy nở, cũng chính là mùa xuân. Đám cưới của Lorenzo di Pierfrancesco de’ Medici diễn ra vào tháng 7 năm 1482 khi ông 19 tuổi. Nhiều người cho rằng khuôn mặt thần Mercury lấy Lorenzo di Pierfrancesco de’ Medici làm mẫu.  Và khuôn mặt nàng tiên ở giữa là Semiramide, người vợ 18 tuổi của Lorenzo.

Gia tộc Medici về sau còn sinh ra 4 đời Giáo hoàng của Giáo hội Công giáo La Mã vì vậy tuy “Phục hưng” nhưng chất Kitô trong tranh vẫn còn đậm nét. Chính giữa tranh là Thần Vệ nữ, biểu tượng của sắc đẹp tuyệt trần, của tình yêu tình dục với cây sim tượng trưng cho sinh sôi, dục vọng vươn ra sau lưng. Khuôn mặt của nữ thần và cái nghiêng đầu thật thanh tú, tuyệt mỹ. Những chi tiết nhỏ như tấm voan mỏng tang phủ lên tóc và xõa xuống cổ thật điêu luyện. Nhưng với tấm vải choàng đỏ, nữ thần ở đây (không khỏa thân như tất cả các tranh khác) toát ra vẻ đẹp thánh thiện của Đức Mẹ. Thần Vệ nữ đặt ở giữa tranh, cao hơn hai nhóm nhân vật còn lại, đúng theo mô típ đặt Đức Mẹ và Chúa hài đồng của các tranh Kitô. Trên cao là Thần tình yêu Cupid, con trai thần Vệ nữ. Thời ấy chưa có ngày Valentine nhưng thần vẫn bịt mắt giương cung bắn bừa, trúng ai thì họ yêu nhau say đắm. Bởi vậy mà tình yêu thì luôn mù quáng. Thần đang nhắm cô tiên nào trong ba cô tiên đây?

Đứng bên trái ba nàng tiên là Thần Mercury-thần truyền tin, “giao liên” cho các vị thần. Mercury đang dùng đũa phép xua những gió mưa và mây mù của mùa đông, có phải âm thầm để cho ba nàng nhảy múa? Thần truyền tin có lẽ nói đến sự giao tiếp, sự trao đổi bằng lời để xây nên sự cảm thông, thấu hiểu và tôn trọng trong tình yêu? Có suy luận như vậy bởi bên kia Thần Vệ nữ là một cảnh hoàn toàn khác.

Thần gió tây Zephyrus (hay Favonius) mang cơn gió của mùa xuân đến đang tóm lấy tiên nữ Cloris tượng trưng cho hoa cỏ mùa xuân. Thần thoại viết rằng khi Zephyrus chiếm đoạt Cloris thì từ miệng nàng muôn ngàn hoa cỏ tuôn ra. Có thể thấy thảm hoa bạt ngàn dưới mặt đất và thực tế có đến 500 loài thực vật được vẽ trong tranh với 190 loài hoa khác nhau đủ khiến ta khâm phục người nghệ sĩ tạo hình. Nhân vật mặc áo hoa bên trái là nữ thần hoa Flora. Cloris là tiểu tiên nữ mà thần gió si mê trong thần thoại Hy Lạp còn Flora là vợ thần gió trong thần thoại La Mã. Người con gái Cloris đã lột xác thành người phụ nữ Flora với hoa tràn khắp váy vóc, quấn quanh tóc cổ. Ngày nay ta hiểu về mặt sinh học rằng hoa là cơ quan sinh sản của thực vật còn Flora ở đây mang một khuôn mặt mỹ miều nhưng mặn mà, đằm thắm và chín chắn hơn, giống như những bông hoa cam trên đầu đã kết trái.

Tranh của Botticelli nhiều cảm xúc ngay từ những bàn tay. Bàn tay của Cloris xòe ra trong thế chạy trốn và cầu cứu còn hai bàn tay của Flora, một nâng vạt váy đầy những bông hoa mầu hồng, mầu đỏ bên trong, một nhẹ nhàng ôm lấy khuôn bụng rõ ràng đang nhen nhóm trong mình mầm sống. Trong khi Thần gió mang một mầu xanh lạnh lẽo, tình yêu ở đây chỉ có xác thịt, dù kết quả vẫn biến thiếu nữ thành một con người mới, sẽ sinh ra một cuộc đời mới. Phải chăng Thần gió thiếu đi hoàn toàn sự giao tiếp và trao đổi thông tin?

Mẹ con Thần Vệ nữ biểu trưng cho cái đẹp và ái tình ngăn đôi bức tranh thành hai viễn cảnh, hai hay nhiều kiểu tình yêu. Nhưng xuyên suốt tất cả vẫn là quy luật tất yếu của cuộc sống, những quả cam, một biểu tượng của dòng họ Medici, trĩu trịt trên cành, muôn hoa đua nở, tựa như mùa xuân chắc chắn sẽ đến, còn việc đón nhận mùa xuân và tình yêu ra sao lại nằm trong sự lựa chọn của mỗi chúng ta.

8_2-1643079522044.jpg
Các nhân viên Bảo tàng Uffizi đang tháo dỡ để di chuyển bức tranh sang căn phòng mới năm 2016. Ảnh: DISCOVER TUSCANY