Tanzania, đường về nhà

- Bố tớ có 5 vợ và 27 con. Tớ không định lấy nhiều vợ thế. Thế đằng ấy muốn có bao nhiêu chồng?

Chàng trai Ole trong bộ Shuka trên đường về nhà.
Chàng trai Ole trong bộ Shuka trên đường về nhà.

- Cậu có tin vào Thượng đế không? - Có, Thượng đế của chúng tớ là lũ dê kia kìa.

- Bao lâu em ấy tắm một lần? - Bao giờ mưa thì tắm.

- Làm sao mà các cậu nhớ được đường, mấy tiếng rồi mà tụi mình vẫn quanh quẩn lung tung, trời thì đang tối nhanh? - Ô đơn giản, đây là đường về nhà.

Lần đầu tới một ngôi làng Maasai, tôi và cậu bạn Ole, con trai một tộc trưởng người Maasai, hỏi đáp những câu ngây ngô như vậy.

Maasai có thể nói là bộ tộc được biết đến nhiều nhất trong hơn 300 tộc người vùng Đông Phi. Họ nổi tiếng bởi một bộ phận sống quanh các khu bảo tồn thuộc Kenya và Tanzania nơi khách du lịch tới đi safari. Cuộc sống bán du mục của người Maasai dựa vào chăn thả đàn gia súc theo dấu nguồn nước. Ngoài cung cấp sữa hay phân đắp tường nhà, gia súc là thước đo cho quyền lực của đàn ông với tối thiểu 50 con mới được coi là lý tưởng, và càng nhiều vợ con càng được kính trọng. Không chỉ mang danh hiệu chiến binh không khuất phục kẻ thù và không sợ hãi thú hoang, người Maasai từng mang biệt danh “trộm gia súc chuyên nghiệp”. Năm 2019, tôi vẫn nghe trong thị trấn chuyện anh nọ dùng thuật phù thủy đổi mầu da bò và cuỗm chúng giữa thanh thiên bạch nhật!

Sau hàng tiếng thân bất động chừa lại cái đầu gật gù nghe nhạc Bongo Flava trên chiếc xe buýt daladala có một thế giới thu nhỏ đa tôn giáo và sắc tộc, không một lời báo trước, tôi bị ném xuống bến trung chuyển chung  quanh oang oang tiếng loa. Như một luật bất thành văn tại nhiều quốc gia lục địa đen, cạnh bến xe sẽ là chợ, một khu chợ di động không ngừng nghỉ chuyển từ cửa sổ xe này sang xe khác. Nếu là bến tàu, mỗi “phiên chợ marathon” sẽ không quá 10 phút. Từ mấy quả cam, hai xiên ngô nướng, vài chai soda, đôi ba bộ quần áo cũ cho tới đồ điện tử sặc sỡ Made in China, ai cũng gắng mưu sinh bằng mọi cách. “Tuyệt đối không để hành lý cạnh cửa sổ và luôn đóng chặt nó lại”, bạn hay dặn vậy. Nhưng càng “phòng” càng bối rối khi gặp qua ô cửa những đôi mắt em nhỏ nửa vô ưu nửa mỏi mệt, giơ tay lên chào hàng một cách hờ hững tuyệt vọng. Chúng tôi tạt qua quầy cố định của mấy cô bán hàng to béo. So với người phải đội cả gia tài lên đầu chạy theo xe, những Mama Afrika này có vị thế hơn. Họ tán chuyện cười vang một góc, hét lên Karibu (chào mừng) khi thấy người nước ngoài. Mua đầy một ba-lô đồ ăn về làm quà cho gia đình Ole, tôi yên tâm bước lên ghế sau chiếc tuktuk Bjaji. Đoạn đường nhựa từ đây chính thức kết thúc.

Đừng hỏi bao giờ xe chạy, bao giờ đầy khách thì chạy. Đừng hỏi đường bao xa, hỏi đi khoảng bao lâu rồi từ đó cộng thêm một vài tiếng. Đừng kiểm tra Google Maps vì nơi  này là một vùng trống không trên bản đồ. Bài học Phi châu vỡ lòng ấy tôi thuộc từ lâu, vậy mà chuyến này vẫn nếm trái hoang mang. Xe chạy long óc qua những lối mòn như mê cung bủa vây, không một biển chỉ dẫn, chốc chốc mọc lên quán cóc bán các thứ bia tự nấu từ chuối, ngô, măng hoặc sắn. Hai cậu bạn nếu không dừng lại chúc tụng người dọc đường thì cũng là mua bia uống và tìm bụi rậm giải quyết nỗi buồn. “Cậu quen tất cả mọi người à?”. Tôi hỏi khi thấy gặp ai Ole và Alpha cũng tay bắt mặt mừng như thân quen. “Không, người từ thành phố về nên chào bà con quê hương mình chứ”. Phải rồi, nhận học bổng lên cao đẳng và ra đô thị sống, Ole nằm trong nhóm thiểu số được hưởng quyền công dân so với số đông cộng đồng người Maasai. Buộc phải di dời ra khỏi mảnh đất tiên tổ để mở đường cho các khu bảo tồn, họ dạt về những miền khắc nghiệt nhất và chấm dứt lối sống du mục để gia nhập hệ thống tiền tệ. Ngoại trừ các làng nhận ảnh hưởng cả tích cực lẫn tiêu cực từ khách du lịch, cư dân Maasai dường như bị bỏ quên bên bờ nhân sinh.

Khi bố Ole mất, cậu không hứng thú lên thay vị trí tộc trưởng, cuộc sống ngoài thị trấn hấp dẫn hơn. Ngày thường cậu vẫn mặc bộ Shuka dắt con dao gỗ, khật khừ dạo bộ chống gậy đi trên phố trong thân hình 2 m, nhưng khi muốn là thay quần jean áo phông đi bar uống say mềm về ngủ vài ngày mất dạng. Bị tôi trách, anh bạn đáp “tự dưng sát giờ hẹn cái đầu nó muốn ngủ và cái chân nó muốn nghỉ!”. Năm 17 tuổi, Ole cùng 6 cậu trai khác từng săn được sư tử và mang đầu về cho cha mình. Đó là vinh dự lớn lao mà bất kỳ thanh niên nào cũng mơ ước trước lễ Eunoto công nhận chiến binh. Khi săn bắt sư tử bị đặc biệt nghiêm cấm, truyền thống dần mai một. Tuy nhiên phép vua thua lệ làng, người Maasai vẫn sẵn sàng lùng giết thú dữ nếu chúng dám tấn công đàn gia súc của họ. Lịch sử và môi trường sống khắc nghiệt khiến họ trở nên nổi tiếng với sức mạnh thể lực và tinh thần. Tương tự người Dinka hay Nuer từ Nam Sudan chung ngữ hệ Nilotic, Maasai là một trong những tộc người cao nhất thế giới.

Như các thiếu niên khác, Ole trải qua lễ cắt bao quy đầu thủ công. Nghi thức Emorata diễn ra âm thầm, cậu nào la hét lập tức bị coi là hèn nhát và là nỗi hổ thẹn của gia đình. Đau đớn tột đỉnh và cần từ vài tháng đến hàng năm để hồi phục. Chuyện đổi bò dắt bạn gái về làm vợ lẫn lao động chính trong nhà, bất kể là người vợ thứ mấy là điều hết sức bình thường trong cộng đồng người Maasai. Lối sống của họ là bản sao chính xác của đàn sư tử. Sư tử cái đi săn và chăm sóc con còn giống đực hưởng thụ chiến lợi phẩm trước và chia sẻ nhiều bạn tình. Chế độ đa thê Polygamy được công nhận hợp pháp tại gần 30 quốc gia châu Phi, đặc biệt trong các cộng đồng Hồi giáo. Số đông chúng ta hẳn sẽ phản đối Polygamy khi thực lòng chẳng ai muốn chia sẻ bạn đời và không thể phủ nhận gánh nặng của gia tăng dân số lên kinh tế và môi trường toàn cầu. Nhưng nếu trò chuyện cùng những người phụ nữ Maasai chung sức trong cuộc sinh tồn dưới ánh mặt trời không khoan nhượng, ta sẽ hiểu vì sao họ tự nguyện chấp nhận chế độ đa thê.

Về đến nhà khi trời đã tối, tôi theo Ole đi chào 5 người mẹ và chia quà cho đàn em ùa ra từ các lều, tranh nhau giới thiệu những cái tên thật đẹp. Khi anh chúng đi ngoài thị trấn, không ai quan tâm tên làm gì, chỉ cần thấy bộ Shuka, mọi người sẽ hét vào mặt “Ê thằng Maasai”. Trái với anh trai, không một đứa em nào của Ole đi học dù Tanzania miễn phí giáo dục trường công bậc tiểu học. “Ngôi trường gần nhất cách đây hai giờ đi bộ, cậu nhìn xem có cái cây to nào che trên đầu không?”- Ole nói.

Trước đây, vài du khách tìm đến làng phân phát áo quần phương Tây và các nhu yếu phẩm. Dân làng thử cho biết nhưng họ trung thành với trang phục cổ truyền giàu ý nghĩa, phần còn lại ít nhiều bị ảnh hưởng. Tôi đã thấy con suối duy nhất bắt đầu có rác nhựa. Người dân dù tự hào truyền thống đến mấy cũng khó có thể chối từ tiện nghi và sức mạnh của đồng tiền. Họ cần một môi trường sống bớt khắc nghiệt, cần một nguồn lương thực ổn định giữa vùng đất héo hon ngày một khô cằn bởi biến đổi khí hậu. Em bé Maasai cần một nền giáo dục dạy em cách cân bằng kỹ năng sinh tồn truyền thống và kiến thức hiện đại.

5_1-1643077198535.jpg
Tác giả bên các em nhỏ Tanzania. 

Mười hai giờ hôm ấy, bất ngờ nghe thấy âm thanh trầm bổng ma mị, tôi khoác áo lạnh bước ra ngoài lều. Đêm tịch lặng, trăng sáng bàng bạc, chung quanh vang tiếng côn trùng. Ban đêm là thời điểm thú hoang tìm về làng bản nơi bầy gia súc được quây trong các túp lều rào cây bụi gai tạm bợ. Sợ làm phiền gia đình, tôi không bật đèn pin mà dò dẫm đến gần bức tường ngái mùi phân bò mới đắp. Họ đang cầu nguyện điều gì bằng tiếng Maa’ mang âm tặc lưỡi giống click language của người San trong phim Đến Thượng đế cũng phải cười? Như hàng nghìn ngôn ngữ khác đã và đang biến mất, hai thứ tiếng này không có hệ thống chữ viết. So với Hadzabe, tộc duy nhất vẫn săn bắt hái lượm ở Đông Phi chỉ còn hơn 1 nghìn cư dân, người Maasai “may mắn” hơn vì đời sống của họ được lưu trữ qua nhiều dạng tài liệu.

Dù vào mùa nào, tôi thường tới làng khi hoàng hôn xuống. Mặt trời dần hạ, xe băng qua rẻo đất tiêu điều điểm những cây baobao trầm tĩnh và cây acacia cô đơn, qua những dáng người đang rảo bước nhanh về nơi an trú. Ở nơi đường nhựa chưa xuất hiện, người dân có thói quen đi hàng một dù bốn bề thênh thang. Rồi tối ập đến rất nhanh. Đỉnh Meru nổi lên trên nền trời giữa hàng loạt núi lửa dọc vùng thung lũng tách giãn Great Rift Valley nơi khởi thủy của nhân loại. Bóng tối dễ khiến người bất an và muốn được quây quần bên nhau. “Làm sao cậu nhớ được đường?”. Lần hai rồi ba, tôi đã không còn lo điều ngớ ngẩn ấy nữa. Con đường đẹp nhất hẳn là đường về nhà. Tôi cũng không còn vô duyên hỏi “bao lâu tắm một lần”. Mỗi năm có ba tháng mùa mưa dài và hơn một tháng mưa ngắn khi Thượng đế Ngai của người Maasai xuống thay tấm áo xanh ngắn ngủi cho vùng đồng cỏ nơi sẽ quay về chiếc áo vàng ruộm tám tháng còn lại. Bao giờ mưa thì tắm.

5_2-1643077198582.jpg
 Đàn dê-sinh kế của người Maasai.