Khai khoáng biển sâu - nên hay không?

Một cuộc điều tra của các nhà bảo tồn đã tìm ra những bằng chứng cho thấy việc khai thác khoáng sản quý hiếm dưới đáy biển sâu có thể gây ra thiệt hại “trên diện rộng và không thể đảo ngược” cho hành tinh này. Trong lúc các công ty khai thác đang xúc tiến việc khai thác các nguyên liệu - vốn rất quan trọng đối với lĩnh vực năng lượng thay thế - bởi nguồn cung trên đất liền đang cạn kiệt.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều quốc gia, tập đoàn lớn và các tổ chức môi trường kêu gọi việc đẩy lùi thời hạn khai thác biển sâu. Ảnh: BLOOMBERG
Nhiều quốc gia, tập đoàn lớn và các tổ chức môi trường kêu gọi việc đẩy lùi thời hạn khai thác biển sâu. Ảnh: BLOOMBERG

Vào giữa thế kỷ XIX, nhà văn khoa học viễn tưởng Jules Verne đã viết về những kim loại quý nằm ở độ sâu hàng nghìn mét dưới nước trong tác phẩm “Hai vạn dặm dưới đáy biển”: “Dưới đáy đại dương có những mỏ kẽm, sắt, bạc và vàng rất dễ khai thác”. Tác giả đã đúng về các nguyên liệu hữu ích cho con người, tuy nhiên, việc khai thác các khoáng sản thực sự không dễ dàng.

Tờ Guardian dẫn lời bà Sophie Benbow, Giám đốc phụ trách biển của tổ chức từ thiện động vật hoang dã quốc tế Fauna&Flora: “Đại dương đóng vai trò quan trọng trong mọi hoạt động cơ bản của hành tinh chúng ta và việc bảo vệ hệ sinh thái mỏng manh của nó không chỉ thiết yếu đối với đa dạng sinh học biển mà còn đối với tất cả sự sống trên Trái đất”. Fauna&Flora lần đầu tiên nêu lên mối lo ngại về khai thác đại dương trong một báo cáo năm 2020. Kể từ đó, các nhà khoa học đã tăng cường nghiên cứu về các vùng biển sâu và nhấn mạnh hơn nữa những nguy cơ tiềm tàng khi khai thác ở đó.

Kim loại thiết yếu cho năng lượng thay thế

Dù là đồng hay niken cho pin, coban cho ô-tô điện hay mangan cho sản xuất thép, kim loại và khoáng chất đất hiếm là nền tảng cho các công nghệ năng lượng tái tạo thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng của thế giới. Nhưng trong khi nhu cầu tăng nhanh, các nguồn tài nguyên đang trở nên khan hiếm trên toàn cầu. Theo ước tính, chỉ trong ba năm nữa, thế giới sẽ cần gấp đôi lượng lithium và thêm 70% lượng coban.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, nếu việc theo đuổi các mục tiêu về khí hậu vẫn tiếp tục thông qua việc mở rộng năng lượng tái tạo trên quy mô lớn, thì đến năm 2030 sẽ cần lượng lithium gấp khoảng năm lần và lượng coban gấp bốn lần. Trong lúc đó, khối lượng sản xuất các nguyên liệu thô dự kiến thấp hơn nhiều so với nhu cầu. Để thu hẹp khoảng cách này, một số quốc gia và công ty muốn khai thác tài nguyên dưới đáy biển sâu.

Nguyên do là bởi đáy biển có chứa các kết hạch đa kim hay còn gọi là kết hạch mangan, tuy có kích thước chỉ bằng củ khoai tây nhưng nó chứa tỷ lệ cao niken, đồng, mangan, đất hiếm và các kim loại có giá trị khác. Khu vực được nghiên cứu nhiều nhất hiện nay là đáy biển ở độ sâu từ 3.500m đến 5.500m trong vùng Clarion-Clipperton ở phía đông Thái Bình Dương gần bang Hawaii của Mỹ. Trải dài hàng nghìn kilomet, khu vực này chứa nhiều niken, mangan và coban hơn bất kỳ khu vực nào được biết đến trên đất liền.

Lưu vực ở trung tâm Ấn Độ Dương và đáy biển ngoài khơi quần đảo Cook, đảo san hô Kiribati và Polynesia thuộc Pháp ở nam Thái Bình Dương cũng được quan tâm vì có tiềm năng lớn.

Ông Gerard Barron, Giám đốc điều hành của Công ty Metals cho biết: “Thành phần của các kết hạch đa kim rất phù hợp với nhu cầu của các nhà sản xuất xe điện. Các nhà sản xuất ô-tô cần rất nhiều kim loại này để tạo ra cực âm của pin và đầu nối điện cho khoảng một tỷ ô-tô điện vào giữa thế kỷ này”.

Tuy vậy việc khai thác dưới đáy biển vẫn là vấn đề gây bất đồng và những tranh cãi chưa có hồi kết. Thông thường việc khai thác kim loại được thực hiện bằng một thiết bị di chuyển rà quét đáy đại dương để thu các kết hạch đa kim, sau đó bơm lên tàu qua một ống hút khổng lồ.

Theo DW, Matthias Haeckel, nhà khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu Đại dương Helmholtz ở Kiel (Đức) cho biết, các sinh vật sống dưới đáy biển sẽ bị phá hủy cùng với các kết hạch đa kim: “Điều đó có nghĩa là tất cả các sinh vật sống trong và trên lớp trầm tích cũng như trên các kết hạch đa kim đều bị hút vào hoàn toàn”. Sabine Gollner, nhà khoa học cấp cao tại Viện Nghiên cứu biển Hoàng gia Hà Lan cũng khẳng định, những sinh vật này cũng cần các kết hạch mangan để tồn tại, nghĩa là chúng “sẽ không quay trở lại trong hàng triệu năm”.

Việc hồi sinh nhanh chóng là điều không thể bởi vì có thể mất hàng triệu năm để kết hạch đa kim phát triển vài milimet. Các nhà khoa học và những người phản đối khai thác dưới biển sâu cũng lo ngại rằng những trầm tích lơ lửng xuất hiện do việc khai thác có thể gây ra thiệt hại to lớn cho hệ sinh thái trong bán kính hàng trăm kilomet.

Công ty Metals đặt mục tiêu khai thác các kết hạch đa kim ở Khu vực Clarion-Clipperton thừa nhận những thiệt hại có thể xảy ra đối với đa dạng sinh học biển. Tuy nhiên, công ty lập luận rằng khai thác dưới biển sâu còn ít gây hại cho môi trường hơn so với khai thác trên đất liền, lượng khí thải nhà kính ít hơn tới 80%. Công ty cũng cho rằng khai thác dưới biển sâu sẽ hầu như không ảnh hưởng đến các hồ chứa carbon như rừng và đất, sẽ không khiến con người phải di dời, sử dụng ít nước ngọt hơn và thải ra ít chất độc hơn. Đồng thời, công ty này tuyên bố rằng việc khai thác dưới biển sâu sẽ được tự động hóa phần lớn, tránh việc bóc lột những người khai thác coban, bao gồm cả trẻ em ở Congo, nơi khai thác phần lớn coban của thế giới ngày nay.

Việc khai thác có thể bắt đầu vào tháng 7?

Các chuyên gia đại dương lo ngại về triển vọng của các hoạt động khai thác dưới đáy biển sâu sẽ bắt đầu trong tương lai gần, sau quyết định của quốc đảo Nauru ở Thái Bình Dương nhằm tăng tốc khai thác dưới đáy biển. Vào tháng 6/2021, họ đã thông báo cho Cơ quan Quản lý đáy biển quốc tế (ISA) về ý định tài trợ cho một công ty khai thác các kết hạch mangan ở Thái Bình Dương, DW thông tin. Được thành lập vào năm 1996 theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển, ISA có 168 quốc gia thành viên và ban hành các quy tắc chi phối 54% đại dương trên thế giới, bao gồm tất cả các đại dương bên ngoài Vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia giáp ranh với chúng, nhằm điều chỉnh các hoạt động khai thác khoáng sản dưới đáy đại dương cũng như bảo vệ các hệ sinh thái đáy biển.

Khi làm như vậy, Nauru đã kích hoạt “quy tắc hai năm”- một điều khoản pháp lý tạo ra thời gian đếm ngược để ISA áp dụng bộ quy định khai thác đầu tiên đối với khai thác dưới đáy biển sâu và có thể bật đèn xanh cho hoạt động khai thác dưới đáy biển này. Cuối tháng 3, sau hai tuần đàm phán “nảy lửa” giữa các thành viên, ISA quyết định từ tháng 7, các công ty có thể đăng ký việc khai thác dưới đáy biển. Hiện tổ chức này đang nghiên cứu các quy tắc về việc có thể khai thác dưới biển sâu hay không, bằng cách nào và ở đâu. Nhưng các nhà vận động và thậm chí cả nhiều tập đoàn lớn đang muốn đẩy lùi thời hạn do lo ngại những tác động lớn về môi trường.

Đến nay ISA này đã trao 31 giấy phép thăm dò đáy biển trên toàn thế giới cho các công ty, nhưng chưa có giấy phép nào cho các hoạt động khai thác thương mại. Những giấy phép này cho phép các công ty khám phá các nguồn tài nguyên và tiềm năng khai thác trong tương lai, nhưng cũng yêu cầu họ thu thập dữ liệu để phân tích môi trường. Công ty Metals nắm giữ ba trong số các giấy phép nhờ được tài trợ bởi các quốc đảo nhỏ bé ở Thái Bình Dương là Nauru, Tonga và Kiribati, những nơi muốn xúc tiến việc khai thác kim loại.

Tuy vậy nhiều quốc đảo khác đã kêu gọi lệnh cấm khai thác biển sâu. “Khai thác dưới biển sâu sẽ không chỉ gây hại cho đáy biển mà còn có tác động rộng lớn hơn đến quần thể cá, động vật có vú ở biển và chức năng thiết yếu của hệ sinh thái biển sâu trong việc điều hòa khí hậu”, đại diện của quốc đảo Vanuatu Sylvain Kalsakau cho biết trong các cuộc đàm phán.

Diva Amon, một nhà sinh vật học biển sâu, người đại diện cho Sáng kiến quản lý biển sâu, khẳng định: “Nếu hoạt động khai thác tiếp tục được tiến hành, thì thiệt hại gây ra sẽ là không thể đảo ngược. Các sinh vật biển sâu đã thích nghi qua hàng triệu năm để sống trong một nơi tối tăm, yên tĩnh với ít trầm tích. Nhiều sinh vật trong số này có tuổi thọ dài bất thường. Thí dụ, có những cá thể san hô đã sống hơn 4.000 năm và bọt biển sống 10.000 năm. Đây cũng là một nguồn đa dạng sinh học ấn tượng, vì các nhà khoa học chưa bao giờ nhìn thấy 70% đến 90% trong số hàng nghìn dạng thức sống ở đó”.

Đối với nhà sinh học biển Gollner, vẫn còn thiếu dữ liệu đầy đủ để hỗ trợ việc khai thác dưới biển thân thiện với môi trường. Bà chia sẻ: “Dựa trên tình hình dữ liệu hiện tại, việc khai thác dưới biển sâu chưa thể quản lý theo cách không gây hại cho môi trường”. Nhiều tập đoàn lớn trên thế giới bao gồm BMW, Volkswagen, Google, Philips và Samsung SDI... đã tham gia việc kêu gọi lệnh cấm do tổ chức bảo tồn động vật hoang dã WWF đưa ra, cam kết không sử dụng nguyên liệu thô từ đáy biển sâu hoặc tài trợ cho hoạt động khai thác dưới biển sâu trong thời điểm hiện tại.