Cuộc khủng hoảng đặc biệt

Thế giới sửng sốt

Lực lượng phòng vệ quốc gia Ukraine tại trung tâm Kiev ngày 25/2/2022. Ảnh: REUTERS
Lực lượng phòng vệ quốc gia Ukraine tại trung tâm Kiev ngày 25/2/2022. Ảnh: REUTERS

Tổng thống Nga V.Putin đã làm cả thế giới sửng sốt khi sáng 24-2 theo giờ Hà Nội, ông ra quyết định thực hiện “một chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine. Chỉ ít phút sau đó, các cánh quân Nga tràn vào Ukraine từ phía Bắc qua ngả biên giới về Belarus, phía Tây trực tiếp từ lãnh thổ Nga, phía Nam từ khu vực Crimea đã sáp nhập vào lãnh thổ Nga năm 2014. Các lực lượng vũ trang của hai nước Cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk vừa mới được chính Tổng thống V.Putin công nhận ba hôm trước, cũng mở rộng phạm vi kiểm soát lãnh thổ của họ bằng các đòn tấn công từ phía Tây Nam Ukraine.

Chỉ trong thời gian ngắn, một số đơn vị quân đội Nga đã áp sát, thậm chí có mặt trong nội đô những đô thị lớn của Ukraine như thủ đô Kiev, thành phố Kharkov… Một số thành phố nhỏ hơn như Kherson ở phía Nam Ukraine bị quân Nga chiếm giữ.

Tuy nhiên, chiến lược đánh nhanh thắng nhanh của phía Nga không đạt được mục tiêu đặt ra ban đầu. Ukraine khôn ngoan phân tán các đơn vị quân đội, tránh tập trung vào một chỗ có khả năng sẽ không thể đương đầu được với đối thủ mạnh hơn gấp nhiều lần và dễ dàng bị tiêu diệt lớn. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cự tuyệt đề nghị của phía Mỹ đưa đi sơ tán, ở lại Kiev cầm vũ khí để động viên tinh thần kháng chiến của người Ukraine. 

Việc tiến hành cuộc chiến tranh công nghệ cao, sử dụng các loại vũ khí có độ chính xác cao nhằm vào các cơ sở phòng không, các sân bay của Ukraine đã giúp phía Nga nắm quyền kiểm soát hầu như toàn bộ không phận Ukraine, giúp việc chuyển quân với số lượng lớn được dễ dàng hơn. 

Mặc dù vậy, sử dụng phổ cập chiến thuật chiến tranh du kích tại khắp các địa phương nơi quân Nga tấn công cùng với các cuộc chiến tranh tiêu hao, chiến tranh đô thị đã giúp Ukraine đứng vững trong thời gian đầu cuộc chiến trước sức tấn công vũ bão của phía Nga. 

Phía Ukraine hiểu rằng họ càng trụ vững lâu bao nhiêu thì sẽ nhận được sự trợ giúp nhiều bấy nhiêu của cộng đồng quốc tế mà chủ yếu sẽ là từ Mỹ và phương Tây, những quốc gia luôn hô hào Ukraine kiên cường chiến đấu chống Nga nhưng vì nhiều lý do, không thể gửi một người lính nào của họ tham chiến.
 
Dòng vũ khí ồ ạt đổ vào Ukraine

Trong khi đó thì Moscow cũng hiểu rất rõ rằng chiến tranh với Ukraine, mà Nga sử dụng thuật ngữ “chiến dịch quân sự đặc biệt”, càng kéo dài sẽ càng bất lợi bởi hệ thống truyền thông hùng mạnh của phương Tây hầu như hoàn toàn áp đảo truyền thông quốc tế mỗi khi khủng hoảng hay xung đột nổ ra. 

Đương nhiên, mọi thông tin bất lợi, tiêu cực sẽ dồn về phía Nga, trong khi những thông tin, hình ảnh tích cực sẽ thuộc về phía phương Tây và các đồng minh của mình. Trong chiến tranh hiện đại, chiến tranh trên mặt trận truyền thông ngày càng đóng vai trò quan trọng, góp phần xoay chuyển tình thế của các bên tham chiến. 

Nhưng dĩ nhiên điều đáng lo ngại nhất đối với Moscow chính là Ukraine càng trụ được lâu thì sự trợ giúp vũ khí cho nước này trong cuộc chiến với Nga sẽ càng tăng lên, giúp tăng cường sức mạnh cho Kiev, vốn bị cho là yếu hơn nhiều nếu so với các lực lượng vũ trang Nga. 

Ngay trước khi chiến tranh nổ ra, Mỹ đã viện trợ cho Ukraine 300 tên lửa chống tăng vác vai Javelin, trị giá khoảng 50 triệu USD. Còn sau khi Nga tấn công Ukraine, Tổng thống Mỹ Joe Biden ra lệnh cung cấp bổ sung 350 triệu đô-la vũ khí cho Ukraine, lấy từ kho vũ khí của Hoa Kỳ. Trong thời gian qua, Ukraine đã đề nghị Mỹ cung cấp vũ khí chống tăng Javelin và tên lửa Stinger để bắn hạ máy bay. 

Trong một quyết định đi ngược hẳn với chính sách truyền thống của mình, nước Đức đã bật đèn xanh cho việc cung cấp tên lửa chống tăng và phòng không cho Ukraine. Đức cho biết chuyển giao cho Ukraine “càng sớm càng tốt” một nghìn tên lửa chống tăng và 500 tên lửa phòng không loại Stinger, cùng với 9 dàn đại pháo di động, 14 xe bọc thép cũng như 10.000 tấn nhiên liệu. Pháp cũng loan báo “quyết định giao các thiết bị phòng thủ bổ sung cho chính quyền Ukraine”.

Czech đã viện trợ cho Ukraine súng máy, súng tiểu liên, súng bắn tỉa, súng lục và đạn dược với tổng trị giá 188 triệu Korun (trên 9 triệu USD). Đài phát thanh quốc tế Prague dẫn lời Thủ tướng CH Czech Petr Fiala sau phiên họp bất thường của chính phủ cho biết, nước này sẽ gửi thêm vũ khí và thiết bị quân sự tới Ukraine. Thủ tướng Fiala cho hay đã nhận được đề nghị của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky về việc cung cấp các hệ thống thiết bị quân sự cụ thể, mà Czech có thể đáp ứng ngay. Tổng giá trị của số thiết bị quân sự này là 400 triệu Korun (khoảng 20 triệu USD).

Thụy Điển tuyên bố phá vỡ quy tắc truyền thống của nước này về việc không cung cấp vũ khí cho các quốc gia đang có xung đột để chuyển giao các thiết bị quân sự, bao gồm súng chống tăng, cho Ukraine. Phát biểu trước báo giới, Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson cho biết, quyết định viện trợ 135.000 khẩu phần ăn dã chiến, 5.000 mũ sắt quân sự, 5.000 áo giáp và 5.000 súng chống tăng dùng một lần cho Ukraine là lần đầu tiên Stockholm cung cấp vũ khí cho một quốc gia thuộc khu vực xung đột vũ trang kể từ chiến tranh Liên Xô-Phần Lan năm 1939.

Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen thông báo quốc gia Bắc Âu sẽ cung cấp 2.700 vũ khí chống tăng cho Ukraine. Trong khi đó, Tổng thống Volodymyr Zelensky thông báo, Ukraine sẽ nhận được 3.000 súng máy và 200 súng phóng lựu chống tăng từ Bỉ…

Dòng viện trợ vũ khí, khí tài liên tục đổ vào Ukraine cho thấy các lực lượng của Nga phải đối mặt không chỉ với các lực lượng vũ trang mà còn với con người Ukraine cộng với vũ khí, trang thiết bị quân sự dồi dào đến từ Mỹ cùng các nước khác.

“Vũ khí hạt nhân tài chính”
Những súng chống tăng, tên lửa phòng không vác vai hay máy bay không người lái của Mỹ và phương Tây có thể giúp cho Ukraine thêm sức mạnh để trụ vững trước các đợt tấn công của quân Nga, nhưng để người Nga chùn bước trước và quay lui thì Mỹ và các đồng minh của mình cần phải có những vũ khí lợi hại hơn nhiều.

“Vũ khí” đó là những đòn trừng phạt kinh tế, tài chính nhằm vào nước Nga và các thiết chế của nó, đủ để nền kinh tế Nga phải rung chuyển và trả những cái giá đắt mà theo Mỹ cùng các đồng minh tính toán, sẽ “không thể chịu nổi” để phải bước vào đàm phán và lui quân.

Phản ứng nhanh nhất về khía cạnh trừng phạt Nga về kinh tế không phải Mỹ mà là Đức. Chỉ một ngày sau khi Tổng thống Nga V.Putin ký sắc lệnh công nhận độc lập của cộng hòa tự xưng Donesk (DPR) và Lugansk (LPR) ở miền Đông Ukraine, Đức đã ngay lập tức quyết định đình chỉ quá trình phê duyệt đối với dự án Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) đưa khí đốt trực tiếp từ Nga tới Đức qua Biển Baltic. 

Đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 dài 1.230 km, cung cấp khí đốt trực tiếp từ Nga đến Đức và các nước châu Âu khác mà không trung chuyển qua Ukraine hay Ba Lan như trước. Bằng quyết định này, Đức đã biến đường ống dẫn khí có công suất vận chuyển lên tới 110 tỷ m3 khí mỗi năm và tổng số tiền đầu tư ước tính khoảng 11 tỷ USD thành đống sắt vụn dưới đáy đại dương, còn công ty Nord Stream 2 điều hành tuyến đường ống buộc phải tuyên bố phá sản.

Các quyết định trừng phạt kinh tế khác liên tục được đưa ra, thử thách sức chịu đựng của nền kinh tế Nga. Liên minh châu Âu công bố một gói cấm vận toàn diện nhắm vào lĩnh vực tài chính, năng lượng và vận tải, chính sách thị thực của Nga, trong đó có biện pháp kiểm soát xuất khẩu và cấm tài trợ xuất khẩu hàng hóa Nga vào thị trường EU.

Gần 40 nước, bao gồm cả Mỹ, đóng cửa bầu trời đối với máy bay của Nga và ngược lại, Nga cũng áp dụng tương tự với các hãng hàng không của những nước này. Sau những đòn trả đũa nhằm vào nhau như thế, về cơ bản là máy bay của Moscow giờ đây không thể bay về phía tây của nước Nga!

Nhưng đòn cực mạnh giáng vào nền kinh tế Nga phải kể đến việc Mỹ và các đồng minh đã nhất trí loại Nga ra khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT, tức Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu, được so sánh như một mạng xã hội của các ngân hàng, giúp cung cấp thông tin giao dịch cho các tổ chức tài chính. Hệ thống này thành lập năm 1973, có trụ sở tại Bỉ và hiện kết nối hơn 11.000 tổ chức tài chính tại 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. 

Với việc bị cắt khỏi SWIFT, các chuyên gia cho rằng Nga hiện tại phải hoạt động như thời kỳ chưa có Internet!

Việc ngắt kết nối Nga với SWIFT được ví như giáng đòn “vũ khí hạt nhân tài chính” vào nền kinh tế Nga, để lại những hệ lụy cực kỳ nặng nề đối với nước Nga. Có thể thấy rõ điều này ngay sau khi Mỹ và phương Tây công bố biện pháp chưa từng có này, Tổng thống Nga V.Putin đã ngay lập tức ra lệnh cho lực lượng kiềm chế hạt nhân của Nga chuyển sang trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao, một mệnh lệnh làm lạnh sống lưng nhiều nhà lãnh đạo phương Tây!

Có thể nói, đây là một cuộc khủng hoảng chưa từng có ở châu Âu kể từ sau thế chiến hai. Và để kết thúc nó, xem ra chỉ có đối thoại và đàm phán giữa Nga và  Ukraine mà thôi.