Châu Á sản xuất vaccine:

Thà muộn còn hơn không

Trong khi các nước phát triển đã giành lấy ưu thế đi đầu trong sản xuất vaccine Covid-19, các nước châu Á giờ đây đang khẩn trương nhập vào cuộc đua quyết liệt này. Bất chấp các ý kiến trái chiều, nhiều nước vẫn quyết tâm theo đuổi mục tiêu tự sản xuất vaccine để tránh bị phụ thuộc vào bên ngoài trong bối cảnh thế giới sẽ còn phải sống chung với đại dịch.

Tiêm thử nghiệm Nanocovax. Ảnh: VGP
Tiêm thử nghiệm Nanocovax. Ảnh: VGP

Cánh cửa hẹp

Trong thời điểm châu Á vẫn còn điêu đứng vì chủng Delta, khi nguồn cung vaccine toàn cầu khan hiếm, cuộc đua của các quốc gia thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhằm phát triển vaccine nội địa ngày càng trở nên quyết liệt và chưa thấy hồi kết. Theo Straits Times, trên toàn thế giới hiện có 112 loại vaccine Covid-19 đang trong giai đoạn phát triển lâm sàng. Trong đó, một số quốc gia và vùng lãnh thổ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương hiện đang thử nghiệm ít nhất 16 loại vaccine.

Có vẻ không đồng tình với xu hướng này, Giáo sư Guy Marks thuộc Viện Y khoa Woolcok (Australia) cho rằng cuộc đua sản xuất vaccine ở các nước hiện nay liên quan nhiều tới chủ nghĩa dân tộc hơn là nhu cầu. Theo ông, thế giới không cần các loại vaccine mới không hiệu quả hơn các loại vaccine đang có hiện nay, mà cần những loại tốt hơn các loại vaccine tốt nhất hiện nay. Ông chỉ ra rằng, thế giới cần phát triển các loại vaccine có khả năng chống lại các biến thể của virus SARS-CoV-2 trong tương lai và ngăn chặn mọi người bị nhiễm bệnh thay vì chỉ ngăn ngừa các triệu chứng nặng của bệnh.

Có thể thấy trong bối cảnh các biến thể virus liên tiếp xuất hiện, nhận định của Giáo sư Guy Marks là có lý do. Chủ nghĩa dân tộc vaccine từ lâu đã bị chỉ trích vì tạo ra sự tiếp cận vaccine không bình đẳng ở các nước đang phát triển và việc tiêm chủng tăng nhanh ở một số nước giàu có hơn. Nó cũng cản trở việc các nước đã làm chủ các sáng chế công nghệ vaccine chia sẻ công nghệ sản xuất với các nước khác. Không một quốc gia giàu có nào muốn “cho không” và chia sẻ những giá trị gia tăng và lợi ích kinh tế không thể phủ nhận của nó, bất chấp các lời kêu gọi “cần hợp tác ở quy mô toàn cầu”.

Các nước kém phát triển hơn thường kém ưu thế hơn trong việc giành lấy quyền sản xuất vaccine do các hãng chế tạo từ các nước giàu có cấp phép. Khi Pfizer và Moderna tung ra vaccine công nghệ RNA ngừa Covid-19 và bắt đầu cấp phép để sản xuất ở nước ngoài, một số quốc gia có ưu thế ở khu vực như Australia, Hàn Quốc, Singapore đã nhanh chân tìm cách giành được sự cho phép và thiết lập các cơ sở sản xuất mũi nhọn các loại vaccine này. Công nghệ vaccine mRNA (do Mỹ, Đức và Thụy Sĩ nắm giữ) được đánh giá có khả năng xử lý các biến thể của virus SARS-CoV-2 và các đại dịch trong tương lai, nên được trông đợi có thể giúp các nước làm chủ công nghệ và sản xuất lật ngược tình thế trong đại dịch. Cho đến nay, Singapore đã được Pfizer chọn làm nơi đặt trụ sở sản xuất vaccine mRNA và cũng tương tự, Hàn Quốc được Moderna “chọn mặt gửi vàng”. Hàn Quốc hiện còn là nhà sản xuất theo hợp đồng của vaccine AstraZeneca, Novavax và Sputnik V. Cơ hội của các nước kém phát triển hơn ngày càng bị thu hẹp.    

Lựa chọn nội lực ứng phó khủng hoảng

Những bất cập nói trên khiến nhiều nước đang phát triển ngày càng nhận rõ việc cần thiết phải dựa vào chính nội lực của mình thông qua tự nghiên cứu, chế tạo và sản xuất vaccine nội địa. Việc đặt mua hoặc trông cậy vào nguồn tài trợ vaccine từ bên ngoài chỉ là một giải pháp mang tính tình thế trong bối cảnh đại dịch kéo dài và diễn biến phức tạp. Trong khi đó, việc sản xuất các loại vaccine nội địa đã cho thấy là một hướng đi chiến lược, thậm chí mang lại những lợi ích to lớn về chính trị, ngoại giao và kinh tế.

Các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam đều đặt kỳ vọng vào việc phát triển vaccine trong nước để kiểm soát dịch bệnh. Một số quốc gia và vùng lãnh thổ như Đài Loan (Trung Quốc) hay Ấn Độ đã triển khai tiêm vaccine nội địa được cơ quan chức năng trong nước cấp phép sử dụng khẩn cấp cho dù các loại này chưa hoàn thành giai đoạn 3 thử nghiệm lâm sàng. Đài Loan mới đây đã tiêm vaccine Medigen nội địa với khoảng 600.000 liều đầu tiên được đưa vào sử dụng. Cùng với đó, 4 loại vaccine nội địa khác cũng đang trong quá trình thử nghiệm. Trong khi đó, Ấn Độ cũng đã phê duyệt khẩn cấp vaccine của Hãng dược Zydus Cadila để tiêm cho trẻ em trên 12 tuổi và người trưởng thành. Đây là vaccine ADN ngừa Covid-19 đầu tiên trên thế giới và được kỳ vọng sẽ tạo ra cú hích cho chương trình tiêm chủng của Ấn Độ. Hàn Quốc cũng dành hàng tỷ USD để phát triển vaccine nội địa với tham vọng đến 2025 sẽ trở thành một trong năm cơ sở sản xuất vaccine Covid-19 lớn nhất thế giới. 7 loại vaccine do các nhà sản xuất Hàn Quốc phát triển dự kiến sẽ khởi động giai đoạn thử nghiệm lâm sàng thứ ba vào nửa cuối năm 2021.

Một trong những lý do quan trọng bậc nhất, đó chính là lợi ích kinh tế của việc làm chủ công nghệ chế tạo và sản xuất vaccine. Theo Tiến sĩ Ravi Ganaphathy thuộc Viện Vaccine quốc tế: “Vẫn còn thị trường khổng lồ cho các loại vaccine hiện đang được phát triển. Trong thời gian từ 3 đến 6 tháng, đại dịch ở hầu hết các nước phát triển có thể được kiểm soát. Nhưng ở nhiều nước châu Phi và Nam Mỹ, nhu cầu vẫn còn rất lớn”. Vì thế, tiềm năng mang lại lợi ích kinh tế của các loại vaccine đang được phát triển vẫn rất lớn, nhất là khi chúng có giá thành rẻ hơn so với các loại vaccine được sản xuất ở những nước giàu.

Thế giới từng chứng kiến một số nước châu Á chật vật ứng phó với cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng do Covid-19 vì phụ thuộc chủ yếu vào nguồn cung vaccine từ nước ngoài. Như trường hợp nỗ lực gia tăng tỷ lệ tiêm vaccine ở Thái Lan đã gặp phải làn sóng phản đối của công chúng khi chính quyền sử dụng các loại vaccine khác nhau như Sinovac, Sinopharm, AstraZeneca và Pfizer cùng lúc, người dân buộc phải tiêm trộn vaccine khi hệ lụy về sức khỏe là khó lường. Đến nay tỷ lệ người dân được tiêm đầy đủ hai mũi chưa tới 10%. Nước này hiện đang thúc đẩy thực hiện thử nghiệm vaccine theo công nghệ RNA đầu tiên mang tên ChulaCov19. Lô vaccine này có thể được sản xuất hàng loạt vào đầu năm 2022 sau khi chính thức được phê duyệt. Thái Lan kỳ vọng vaccine nội địa sẽ được sử dụng để tiêm mũi thứ 2 cho phần lớn người dân chưa được tiêm đầy đủ.

Để cuộc đua vaccine không vô ích...

Tuy nhiên, các nước châu Á cũng đang phải đối mặt với một xu hướng không mấy tích cực, đó là sự kỳ thị vaccine sản xuất tại châu Á và thực trạng các nước không công nhận vaccine của nhau. Một số nước châu Á đã lên tiếng chỉ trích quan điểm kỳ thị này vì dù được sản xuất ở đâu thì về cơ bản vaccine đều phải tuân thủ những tiêu chuẩn chung. Thực trạng này sẽ càng cản trở hơn nỗ lực chia sẻ và phân phối cũng như sản xuất vaccine trên toàn cầu hiện nay.

Điều đáng khích lệ là hiện tình trạng phủ nhận vaccine của nhau đã giảm bớt sau một thời gian tranh cãi. EU giờ đây đã công nhận rộng rãi hơn một số vaccine của châu Á như Covishield của Ấn Độ, Sinopharm và Sinovac của Trung Quốc. Nhưng không có gì bảo đảm các loại vaccine tiếp theo đang được thúc đẩy nghiên cứu và sản xuất của châu Á cũng sẽ được may mắn như vậy. Việc các nước công nhận rộng rãi vaccine của nhau mới thật sự mang lại ý nghĩa cho nỗ lực toàn cầu ứng phó khủng hoảng và hồi phục kinh tế hậu Covid-19 vì liên quan tới nhiều vấn đề như đi lại, thông thương... giữa các nước.

Có như vậy, cuộc đua sản xuất vaccine hiện nay trên thế giới nói chung và châu Á nói riêng mới không trở nên vô ích và thật sự mang lại những kết quả như kỳ vọng. Nói như Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus: “Chúng ta đang tạo ra những đột phá khoa học trong các thử nghiệm toàn cầu, nhưng tác động sẽ hạn chế nếu chúng ta không chia sẻ chúng một cách công bằng”. Người đứng đầu WHO lưu ý rằng “đó không phải là từ thiện, đó là cách tốt nhất để chấm dứt giai đoạn cấp tính của đại dịch này, để làm chậm các biến thể của virus và thúc đẩy sự phục hồi kinh tế toàn cầu”.

7_1-1634736297766.jpg
Dây chuyền sản xuất ống tiêm đặc biệt để tiêm vaccine Covid-19 ở Gunsan (Hàn Quốc). Ảnh: REUTERS