“Ngoại giao vắc-xin”

Câu chuyện thành công thời Covid-19

Ngày 25/9, tại sân bay Nội Bài đã diễn ra một buổi lễ thu hút sự quan tâm: Lễ tiếp nhận vắc-xin, trang thiết bị và vật tư y tế phòng, chống dịch Covid-19 được chuyển về Việt Nam cùng đoàn công tác của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc vừa kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cuba, tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao Khóa 76 Đại hội đồng LHQ và thực hiện các hoạt động song phương tại Hoa Kỳ. Một ngày trước đó, Công ty Vabiotech (Bộ Y tế) đã công bố sản xuất thành công lô vắc-xin Covid-19 Sputnik V đầu tiên tại Việt Nam được đối tác Nga đánh giá đáp ứng yêu cầu.

Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Quốc phòng bàn giao cho Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long 1.540.000 liều vắc-xin AstraZeneca do Chính phủ Nhật Bản viện trợ không hoàn lại. Ảnh: NHẬT BẮC
Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Quốc phòng bàn giao cho Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long 1.540.000 liều vắc-xin AstraZeneca do Chính phủ Nhật Bản viện trợ không hoàn lại. Ảnh: NHẬT BẮC

Hai sự kiện không chỉ trùng hợp về thời điểm mà còn cùng mang một ý nghĩa quan trọng: Ghi dấu ấn thành quả tuyệt vời của Việt Nam trên lĩnh vực ngoại giao,  có ý nghĩa quyết định trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19: Ngoại giao vắc-xin. Bởi tiêm phủ vắc-xin là điều kiện quan trọng để đưa đất nước bước vào giai đoạn bình thường mới và hồi phục, phát triển kinh tế.

Giúp bạn cũng là giúp mình

Trên chuyên cơ chở Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác hôm đó có 1,05 triệu liều vắc-xin Abdala do Cuba bàn giao kịp thời chuyển về phục vụ công tác phòng, chống dịch ở Việt Nam. Trong chuyến công tác nói trên, các đối tác đã cam kết viện trợ một lượng lớn vắc-xin cho Việt Nam; công ty Pfizer cam kết chuyển đủ 31 triệu liều vắc-xin trong năm 2021 và 20 triệu liều vắc-xin cho trẻ em. Đó là chưa kể nhiều đối tác và kiều bào ta tại Hoa Kỳ đã hỗ trợ nhiều vật phẩm y tế có tổng trị giá 8,8 triệu USD. Trong thời gian qua còn có nhiều chuyến bay khác nhau chở về Việt Nam những lô vắc-xin quý giá từ nhiều nguồn, trong đó có những lô bạn viện trợ và tặng Việt Nam như một nghĩa cử đáp trả ân tình của Việt Nam vì hỗ trợ bạn từ giai đoạn đầu chống dịch khó khăn.

Trong bối cảnh cuộc đua tiếp cận nguồn cung vắc-xin khan hiếm đang nóng bỏng trên thế giới và nhiều nước không sẵn lòng chia sẻ công nghệ sản xuất vắc-xin, những thành quả của ngoại giao vắc-xin là rất đáng khích lệ. Cho đến nay, các nước quan hệ truyền thống với Việt Nam tự sản xuất được vắc-xin Covid-19 hay thuốc điều trị đều đã cung cấp và hỗ trợ cho Việt Nam những liều vắc-xin quý giá. Và không chỉ vắc-xin, thiết bị, vật tư y tế phòng, chống dịch, ngoại giao vắc-xin đã giúp mang về những công nghệ sản xuất vắc-xin mới, góp phần đưa Việt Nam tiến thêm một bước dài trong mục tiêu trở thành nước tự chủ về vắc-xin ngừa Covid-19.

Dù còn rất nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế và chống chọi với đại dịch, Cuba đã sẵn sàng chia sẻ nguồn vắc-xin và công nghệ sản xuất cho Việt Nam. Còn theo chia sẻ của Đại sứ Việt Nam tại CH Séc Thái Xuân Dũng: Séc không phải nước sản xuất vắc-xin nhưng cũng đã quyết định ủng hộ Việt Nam dù chưa biết khả năng bảo đảm vắc-xin cho mình tới đâu. Chính phủ và người dân Việt Nam trong nước và cộng đồng người Việt Nam ở CH Séc từng có những việc làm thiết thực hỗ trợ bạn như may khẩu trang, quyên góp vật phẩm, vật tư y tế, hỗ trợ bữa ăn cho lực lượng trên tuyến đầu chống dịch.

Việt Nam cũng thu hút được nguồn viện trợ vắc-xin từ cả những quốc gia hàng đầu về sản xuất vắc-xin như Hoa Kỳ và nằm trong danh sách những nước ưu tiên của Hoa Kỳ về cung cấp vắc-xin; là nước ASEAN đầu tiên nhận được hỗ trợ vắc-xin của Australia và cũng là nước ngoài châu Âu đầu tiên được Ba Lan tặng vắc-xin và thiết bị, vật tư y tế chống dịch. Hoạt động hỗ trợ khẩu trang, thiết bị vật tư chống dịch của Việt Nam trong thời gian đầu các nước bạn gặp khó khăn đều được nhắc lại nhiều lần như một sự tri ân. Khi bàn giao vắc-xin cho Việt Nam, phía Ba Lan đã coi sự chia sẻ của Việt Nam là biểu hiện cho tình hữu nghị truyền thống giữa hai nước và sự ủng hộ Việt Nam là nghĩa vụ của Ba Lan như một sự đền đáp sự giúp đỡ của Việt Nam.

Những con số biết nói

Trước đây, Việt Nam chưa từng triển khai công tác ngoại giao vắc-xin nên những “trái ngọt” như vậy có thể nói là nằm ngoài sự trông đợi. Tính đến ngày 10/1/2022, cả nước đã tiêm được gần 160 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19. Tốc độ tiêm vắc-xin của Việt Nam trong tháng 11/2021 đứng thứ 3 thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Hà Kim Ngọc cho biết, kể từ ngày 10/7 đến giữa tháng 12, Hoa Kỳ đã viện trợ cho Việt Nam tổng cộng khoảng 24,6 triệu liều, chủ yếu là vắc-xin Pfizer. Con số này bằng một phần ba tổng số vắc-xin Hoa Kỳ viện trợ cho các nước Đông Nam Á.  Theo Tổ chức phi lợi nhuận Kaiser Family Foundation (KFF), Việt Nam đứng thứ 2 trong nhóm 10 quốc gia nhận vắc-xin viện trợ nhiều nhất từ Hoa Kỳ tính đến ngày 12/12/2021. 

Có thể nói ngoại giao vắc-xin đóng vai trò quan trọng để thực hiện thắng lợi chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19  trong bối cảnh Việt Nam chưa tự chủ được vắc-xin. Khi xuất hiện đợt bùng phát dịch thứ 4, với sự ra đời của Tổ công tác Chính phủ về ngoại giao vắc-xin, ngoại giao vắc-xin được thúc đẩy mạnh mẽ, toàn diện với sự tham gia của tất cả các cấp, các bộ, ngành một cách chủ động và tích cực.

Ở cấp cao, ngoại giao vắc-xin được tiến hành quyết liệt, bài bản dưới nhiều hình thức. Chủ đề về hỗ trợ vắc-xin, hợp tác sản xuất vắc-xin, chuyển giao công nghệ sản xuất luôn là ưu tiên trong các chuyến thăm của lãnh đạo Việt Nam tới các nước. Các nhà lãnh đạo Việt Nam đều đề cập tới vấn đề này trong các cuộc tiếp xúc song phương, đa phương trên các diễn đàn hay gặp gỡ với tổ chức quốc tế, doanh nghiệp nhằm tranh thủ sự ủng hộ thiết thực, hiệu  quả cộng đồng quốc tế cho nỗ lực phòng, chống dịch và phục hồi phát triển kinh tế-xã hội. Ước tính các nhà lãnh đạo Việt Nam đã tiến hành gần 100 cuộc điện đàm, trao đổi trực tuyến, gửi thư tới lãnh đạo 20 quốc gia, các tổ chức, tập đoàn sản xuất vắc-xin lớn trên thế giới, với trọng tâm là thúc đẩy hợp tác trong nguồn cung vắc-xin và hợp tác chống dịch.

Trên tuyến đầu vận động vắc-xin

Trong câu chuyện thành công của ngoại giao vắc-xin không thể không kể tới vai trò các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài. Sứ quán Ấn Độ đã thành lập một Nhóm phản ứng nhanh về thuốc và vắc-xin. Bất chấp thực tế có thời điểm nhiều cán bộ, nhân viên Sứ quán ở Ấn Độ bị nhiễm Covid, hoạt động ngoại giao vắc-xin vẫn diễn ra không ngừng nghỉ để có được cam kết cung cấp 1 triệu liều thuốc kháng virus Remdesivir của Ấn Độ cho Việt Nam, sau đó là vắc-xin, công nghệ và cả nguyên liệu sản xuất. Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu trao đổi: Qua các hình thức kết nối, chia sẻ thông tin trên mạng, những lời chúc mừng lẫn nhau giữa các nhà ngoại giao vì xin được viện trợ vắc-xin ngày một nhiều, các đại sứ chưa xin được viện trợ bị áp lực trước các đại sứ đã xin được và nỗ lực nhiều hơn.

Tại Ba Lan, theo Đại sứ Nguyễn Hùng, ban đầu Việt Nam chưa phải là nước đưa vào diện ưu tiên cung cấp vắc-xin nhưng sau đó qua vận động của ta qua nhiều kênh bao gồm những bạn bè có tình cảm với Việt Nam tại Ba Lan, bám sát quá trình vận động, trong đó thư của Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi Thủ tướng Ba Lan đóng vai trò quyết định, bạn đã sớm ủng hộ ta. Tại Italia, Đại sứ Nguyễn Thị Bích Huệ cho biết, các cán bộ trong Sứ quán đã được chia thành các nhóm vận động khác nhau đối với từng cơ quan của nước sở tại: Chính phủ, các cơ quan trung ương, Quốc hội, chính quyền địa phương, doanh nghiệp. Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Italia-Việt Nam đã ủng hộ và vận động tích cực để Italia ủng hộ vắc-xin cho Việt Nam. “Trong khó khăn càng cảm nhận được tình bạn thật sự”, nữ Đại sứ Nguyễn Thị Bích Huệ chia sẻ, đồng thời bày tỏ cảm ơn chân thành nhất tới mọi sự ủng hộ dành cho Việt Nam trong giai đoạn khó khăn.

Đại sứ Hà Kim Ngọc cho biết, vận động vắc-xin tại Hoa Kỳ là cuộc đua khốc liệt giữa nhiều nước. Điều đáng nói là ban đầu, do các thành tựu chống dịch tốt, Việt Nam chưa được Hoa Kỳ đưa vào danh sách ưu tiên hỗ trợ vắc-xin. Nhờ sự phối hợp hành động từ cấp cao (Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi thư cho Tổng thống Hoa Kỳ, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam điện đàm với Ngoại trưởng Hoa Kỳ) cùng với các nỗ lực vận động trên nhiều kênh của Sứ quán Việt Nam, đã giúp ta nhận được khoản viện trợ lớn vắc-xin từ quốc gia mà bất kỳ nước nào cũng muốn tiếp cận để có nguồn vắc-xin như Hoa Kỳ. Bức thư của Chủ tịch nước gửi Tổng thống Hoa Kỳ được chuẩn bị trong thời gian ngắn kỷ lục và đồng thời với thời điểm này, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định Việt Nam đóng góp 500.000 USD cho cơ chế COVAX, góp phần tạo uy tín, khẳng định Việt Nam là đối tác có trách nhiệm trong nỗ lực chung toàn cầu chống dịch Covid-19.

*

Năm 2022 được dự báo sẽ tiếp tục là một năm đầy âu lo của thế giới. Và vắc-xin vẫn sẽ là “vũ khí” mà bất kỳ quốc gia nào cũng muốn sở hữu, trong đó có Việt Nam. Nhằm ứng phó, Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vắc-xin đã lên kế hoạch mua vắc-xin năm 2022 để bảo đảm có vắc-xin cho trẻ em và tiêm mũi 3 cho người trưởng thành, cùng với đó là tiếp tục tiếp cận nguồn thuốc điều trị Covid-19, tăng cường kết nối, hỗ trợ hợp tác nâng cao năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Trong bối cảnh đó, câu chuyện thành công của ngoại giao vắc-xin Việt Nam cần được tiếp tục lan tỏa như một bài học quý giá trong phát huy những thành tựu của đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ đối ngoại, Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.