Trong khi các thành phố lớn của Ukraine tiếp tục chịu những trận pháo kích của Nga thì những cuộc tranh luận nảy lửa về lý do dẫn tới cuộc xung đột vẫn diễn ra trên các diễn đàn, với sự tham gia của các học giả, chính trị gia, các nhà phân tích, bình luận quốc tế.
Giáo sư chính trị học John Mearsheimer của Đại học Chicago trong bài đăng trên tờ Economist ngày 11-1 cho rằng việc NATO mở rộng về phía Đông đã kích động Nga thực hiện chiến dịch quân sự ở Ukraine. Hiển nhiên người ra lệnh bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine sẽ phải chịu trách nhiệm về những hậu quả của chiến dịch này, thế nhưng theo Giáo sư John Mearsheimer, căn nguyên dẫn đến hành động này nằm ở phương Tây, cụ thể hơn là chính sách của phương Tây đối với nước Nga, không phải trong ngày một ngày hai mà đã kéo dài một cách có hệ thống, với mục tiêu thu hẹp không gian ảnh hưởng của nước Nga một cách rõ rệt.
Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Bucharest, Romania tháng 4-2008 đã đưa ra thông báo rằng Ukraine và Gruzia sẽ trở thành thành viên của NATO và đó là một trong những nguồn cơn chính của cuộc xung đột hiện nay ở Ukraine.
Cần nhớ lại rằng bốn năm trước đấy, 2004, ba nước Baltic là Litva, Latvia và Estonia, vốn từng là thành viên trong Liên bang Xô viết, đã gia nhập NATO trong một đợt kết nạp tới bảy thành viên mới, tất cả đều nằm ở Đông Âu, sau chiến tranh lạnh. Nhiều nhà phân tích đặt câu hỏi rằng vì sao ba nước có biên giới chung với nước Nga như vậy gia nhập NATO mà Nga chỉ phản đối yếu ớt bằng lời nói, trong khi trường hợp Gruzia và Ukraine thì Moscow lại phản ứng dữ dội đến vậy?
Câu trả lời đơn giản là ở thời điểm năm 2004, nước Nga, vừa mới vượt ra khỏi cuộc khủng hoảng chính trị, kinh tế xã hội kéo dài suốt cả một thập niên 90, quá yếu ớt để có thể có được một phản ứng thật sự có trọng lượng.
Nhưng đến năm 2008 thì khác rồi. Bốn tháng sau hội nghị Bucharest, khi Gruzia chủ động tấn công khu vực ly khai Nam Ossetia, Nga đã phản ứng cấp kỳ, đưa quân vào Nam Ossetia và cả Gruzia, trực tiếp giao chiến với quân Gruzia. Chỉ sau một thời gian ngắn, quân Nga đã áp sát thủ đô Tbilisi của Gruzia, trong khi mặt trận thứ hai được mở ở khu vực đòi ly khai thứ hai Abkhazia. Sau khi lệnh ngừng bắn được thiết lập, Nga rút quân khỏi Gruzia nhưng công nhận độc lập của Nam Ossetia và Abkhazia.
Hậu quả của chiến dịch tấn công này là ngay trong những ngày xung đột đang nổ ra ở Ukraine, khu vực Nam Ossetia đang tìm các cơ sở pháp lý để sáp nhập vào Nga!
“Chiếc hộp Pandora”
Giáo sư John Mearsheimer không phải là người duy nhất cho rằng phương Tây phải chịu trách nhiệm về hành động của Nga ở Ukraine. Trong bài phát biểu trước Nghị viện Liên bang Đức năm 2014 ngay sau khi Nga sáp nhập Crime, ông Gregor Gysi, Chủ tịch khối nghị sĩ Đảng cánh tả Đức, đảng đối lập lớn nhất trong nghị viện Đức ở thời điểm đó, cho rằng NATO và EU đã phạm mọi sai lầm mà họ có thể để dẫn tới tình trạng căng thẳng và xung đột ở Ukraine.
NATO đã bác bỏ đề xuất của Liên Xô năm 1990 về việc giải thể cả khối NATO và Hiệp ước Warszawa, thiết lập một Ngôi nhà chung châu Âu, xây dựng khái niệm “An ninh chung” với Nga. Khối Hiệp ước Warszawa thì đã giải thể nhưng NATO thì không.
Theo ông Gregor Gysi, Bộ trưởng ngoại giao Đức Genscher và các Bộ trưởng ngoại giao khác (có lẽ chỉ Ngoại trưởng Mỹ James Baker) hứa với lãnh đạo Liên Xô rằng sẽ không có việc mở rộng NATO về phía Đông. Lời hứa này đã không được thực hiện. Cựu Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert Gates đánh giá việc kết nạp một cách vội vàng các nước Đông Âu vào NATO là một sai lầm lớn và cố gắng của phương Tây nhằm mời Ukraine vào NATO là một sự khiêu khích nghiêm trọng. Một sai lầm nữa của NATO là quyết định đặt các bệ phóng tên lửa ở Ba Lan và CH Séc bởi hành động đó ảnh hưởng đến các quyền lợi an ninh của Nga.
Tiếp đó là cuộc chiến Nam Tư chung quanh vấn đề Kosovo, nơi phương Tây đã nhiều lần vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế. Theo ông Gregor Gysi, bằng việc giải quyết vấn đề Kosovo thông qua các cuộc ném bom dữ dội Serbia, phương Tây đã mở “chiếc hộp Pandora”. Với việc tự cho mình là người thắng trong cuộc chiến tranh lạnh, phương Tây cho rằng sẽ không còn bị những ràng buộc cũ (thời chiến tranh lạnh) chi phối nữa.
Những gì xảy ra ở Crimea, khi một chính phủ thân phương Tây được lập nên ở Ukraine sau những vụ biểu tình Maidan năm 2014, cho thấy Nga đã hành động dứt khoát thế nào trước những biểu hiện chống Nga ở Ukraine. Ở đúng thời điểm 2014 đó, cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger đã viết một bài báo đăng trên tờ Bưu điện Washington số ra ngày 6-3-2014. Trong bài báo này, chính khách lão luyện người Mỹ gốc Do Thái đã chỉ ra rằng: “Nếu Ukraine muốn tồn tại và phát triển, quốc gia này không được phép là tiền đồn của bên này chống bên kia - nó phải mang trọng trách như một cầu nối giữa hai bên”.
NATO không có trách nhiệm?
Ở chiều ngược lại, những người lên án cuộc can thiệp quân sự của Nga vào Ukraine tranh cãi rằng chiến dịch này chẳng hề liên quan gì đến (cách ứng xử) của NATO. Giáo sư Barry Posen thuộc Học viện công nghệ Massachusets lập luận rằng những khi NATO kết nạp các thành viên trong quá khứ, chẳng hạn như đợt kết nạp ba nước cộng hòa Baltic thuộc Liên Xô trước đây năm 2004, Nga chỉ “càu nhàu” qua một nghị quyết của Duma chỉ trích sự mở rộng của NATO.
Hay trước đó nữa, năm 1997, Tổng thống Ukraine là Leonid Kuchma đã ký Hiến chương về quan hệ đối tác đặc biệt giữa NATO và Ukraine, rồi năm 2002 ông này công khai tuyên bố Ukraine quan tâm đến việc gia nhập NATO, song vấp phải rất ít sự phản đối từ Nga. Trước các động thái triển khai kế hoạch hành động trở thành thành viên NATO của các Tổng thống Ukraine sau đó, Nga cũng không có bất cứ lời đe dọa hay hành động gây hấn quân sự nào.
Từ đó, Giáo sư Posen đi tới kết luận là những đòi hỏi của Nga về tư cách trung lập vĩnh viễn, không gia nhập NATO của Ukraine chẳng liên quan gì đến sự mở rộng NATO! Theo Giáo sư Posen, Nga “biết rằng” việc NATO mở rộng thêm về phía Đông là rất khó xảy ra (!?) vì một số thành viên Liên minh không mặn mà gì với ý tưởng này, trong đó có Hungary và cả Đức, Pháp nữa.
Ngay cả sau khi một chính phủ thân phương Tây lên cầm quyền ở Ukraine sau vụ Nga sáp nhập Crimea năm 2014, việc nước này gia nhập NATO còn khó hơn nhiều bởi vì liên minh này sẽ không muốn kết nạp một thành viên đang có những tranh giành lãnh thổ với một nước khác. Thế nên Giáo sư Posen cho rằng nguyên do của cuộc xung đột hiện tại ở Ukraine không nằm ở chỗ NATO tiến dần đến biên giới Nga mà là do sự cạnh tranh chính trị giữa Nga với phương Tây.
Căn nguyên là khủng hoảng lòng tin
Ở điểm này thì quan điểm của Giáo sư Posen dường như có lý. Cuộc xung đột quân sự ở Ukraine, xét về bản chất chính là bề nổi của cuộc xung đột âm ỉ lâu nay giữa Nga với phương Tây, dựa trên một trục mấu chốt, căn bản: sự mất lòng tin chiến lược vào nhau.
Câu thần chú phổ biến ở phương Tây là sự bành trướng của NATO không liên quan gì đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine, mà chủ yếu do những “tham vọng đế quốc” của nước Nga. NATO từng gửi cho các nhà lãnh đạo Nga một tài liệu, trong đó khẳng định: “NATO là một liên minh phòng thủ và không gây ra bất kỳ mối đe dọa nào đối với Nga”.
Vấn đề nằm ở chỗ lãnh đạo Nga, đặc biệt là Tổng thống V.Putin, tại sao lại phải tin vào lời khẳng định này? Theo người Nga, những gì xảy ra trên thực tế, mâu thuẫn với các tuyên bố này.
Còn phương Tây, sau khi đã cố gắng vẽ lên hình ảnh một Putin với những tham vọng ngút ngàn, cũng không tin vào những gì mà người Nga đã thể hiện. Như ở Crimea năm 2014, như “những cuộc tập trận” bên trong địa giới lãnh thổ Nga đã nhanh chóng biến thành một chiến dịch quân sự khốc liệt ở Ukraine năm 2022.
Ông V.Putin dường như biết rõ cái giá (có lẽ rất đắt) mà nước Nga phải trả khi tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, nhưng đã ra quyết định dựa trên lợi ích an ninh (trong tương lai) cho nước Nga.
Những tranh luận về lý do của cuộc xung đột quân sự ở Ukraine sẽ còn tiếp tục, nhưng chỉ có kết quả của cuộc xung đột mới cho biết chính sách mang lại gì cho mỗi bên. Như cựu Ngoại trưởng Mỹ H.Kissinger nhận định, phép thử của chính sách là chiến tranh kết thúc cách nào chứ không phải khởi đầu ra sao.
Mà cuộc xung đột hiện nay, có lẽ sẽ chỉ kết thúc khi mỗi bên đều đã đạt tới điểm tới hạn để buộc phải đưa ra các thỏa hiệp, cho dù những thỏa hiệp đó chắc chắn sẽ không bao giờ làm hài lòng tất cả.