“Lấy độc trị độc”
Ravana là kết quả của cuộc hôn nhân giữa nhà hiền triết và một con quỷ Laksha (La Sát). Cái ác tiềm ẩn trong hình thái tinh khôn, ranh mãnh đã giúp Ravana lên ngôi quỷ vương đảo Lanka, với đông đảo đồ đệ là đám La Sát và Dạ Xoa (Yaksha) trấn giữ toàn bộ vùng đất thấp phía Đông Nam Sri Lanka. Trong bộ sử thi dài 24 nghìn câu Ramayana của thi sĩ Valmiki, cuộc chiến cam go của hoàng tử Rama với chúa quỷ 10 đầu, chặt đầu này mọc ra đầu khác để giành lại nàng Sita -người vợ kiều diễm đã diễn ra đầy kịch tính. Cuộc chiến chống lại bóng tối và giành giật lại ánh sáng trong trạng thái hỗn mang của không gian và tâm thức ở thời kỳ mông muội trong những trang huyền sử đã in dấu những La Sát, Dạ Xoa trên những mặt nạ truyền thống của quốc gia này tới tận ngày nay. Quỷ song hành và tồn tại bên cạnh con người. Quỷ hiện diện như một thành tố quan trọng trong dòng chảy văn hóa, tâm linh của xứ sở này, bằng hình hài đáng sợ nhưng cũng đầy mỹ cảm của những chiếc mặt nạ.
Sợ hãi và chế ngự nỗi sợ hãi là hai trạng thái đối lập trong tâm thức của người Sri Lanka từ ngàn xưa. Sùng kính và kiếm tìm sức mạnh để vượt qua nỗi ám ảnh quỷ thần được thể hiện rất rõ trong cặp phạm trù đối lập quỷ và phản quỷ. Bởi thế, dù trừ tà hay chữa bệnh, dù mong muốn xua đuổi điều dữ hay đón nhận điều lành, họ đều chọn cách thức rất đặc biệt - dùng hình ảnh những gương mặt quỷ dữ để chế ngự chính nó, nói như người Việt là “dĩ độc trị độc”.
Trong tín niệm của xứ sở Phật giáo nguyên thủy này, trật tự vũ trụ được thiết lập và vận hành dưới bàn tay của Đức Phật. Khi ma quỷ tấn công con người, chúng đã vượt qua những ranh giới được mặc định, đã tấn công và làm đảo lộn trật tự nghiêm cẩn đó. Bởi thế, những nghi lễ đúng đắn cần được thực thi để chỉnh đốn hành xử của chúng. Bằng cách thuyết phục đám quỷ rời đi, trật tự vũ trụ sẽ được vãn hồi.
Múa quỷ - vũ điệu kết nối và chữa lành
Đó là lý do Múa quỷ (Devil Dance) ra đời. Tovil là một nghi lễ được thực hành nghiêm cẩn, với lịch sử hình thành bắt đầu từ thời kỳ tiền Phật giáo Sri Lanka. Áp dụng những khái niệm của nền y học cổ truyền Ayurveda lâu đời nhất trên thế giới - vốn chú trọng vào việc cân bằng và gìn giữ sự hài hòa trong cả cơ thể, tâm trí cũng như tinh thần để ngăn ngừa bệnh tật nhằm giúp con người trường thọ và khỏe mạnh, quỷ dữ sẽ được triệu hồi và bị xua đuổi trong những vũ điệu huyền bí mà pháp sư sử dụng mặt nạ của chính chúng để thanh tẩy tật bệnh, cầu mong những điều tốt đẹp cho từng cá nhân và cho cả cộng đồng.
Trong không gian của vũ điệu Tovil, những chiếc mặt nạ hiện diện trên gương mặt pháp sư có tác dụng thu hẹp khoảng cách với các thế lực siêu nhiên đang hiện diện chung quanh. Bằng sự pha trộn phức tạp và tinh vi của kỹ thuật trình diễn, nội dung ẩn chứa tính kịch bao gồm cả trang phục cùng cách phục sức đặc biệt, người hành lễ tạo ra một không gian huyền bí để biến hóa thành một điều gì đó khác thường. Bằng chiếc mặt nạ, pháp sư có thể nhập vai tạm thời một con quỷ cụ thể cùng các chứng bệnh, điều dữ mà nó gieo rắc cho cộng đồng, vốn chỉ tồn tại trong hình thức siêu nhiên. Sự nhân cách hóa độc đáo này cho phép kết nối một cuộc đối thoại, để thảo luận với con quỷ về những trải nghiệm khó khăn, đau đớn mà cộng đồng phải gánh chịu. Mang gương mặt của quỷ, pháp sư tạo thành một thực thể siêu nhiên có thể nhìn thấy, có thể cho cộng đồng biết những yêu cầu cùng đòi hỏi của bản thân và khi được nhận một món quà, nó hứa hẹn sẽ chia tay cơ thể người bệnh. Những chiếc mặt nạ gỗ, được người Sinhalese chạm khắc và tô vẽ cầu kỳ với đôi mắt lồi, mũi nhô ra, lưỡi thè dài đầy ám ảnh lại trở thành nhịp cầu kết nối, chứa đựng trong nó cả nguyên nhân gây bệnh lẫn cách chữa trị.
Những chiếc mặt nạ huyền bí
Đặt chân vào bất cứ cửa hàng bán đồ lưu niệm nào tại Sri Lanka, du khách như lạc bước vào một thế giới mặt nạ, bí ẩn, quyến rũ và vô cùng hấp dẫn. Có ba loại mặt nạ chính sử dụng cho việc nhảy múa và trang trí, bao gồm mặt nạ La Sát (Laksha) thường thổi không khí vui tươi trong các đám rước cùng lễ hội, Kolam được sử dụng để dàn dựng các vở kịch tái hiện những câu chuyện hấp dẫn, còn Sanni chỉ hiện hữu trong những nghi lễ chữa bệnh, trừ tà.
Ngoài ra, còn phải kể đến ba loại mặt nạ khá thông dụng nữa là Garuda (hình tượng chim mặt trời - phương tiện di chuyển của Thần Vishnu trong thần thoại Hindu được sử dụng để xua đuổi và chế ngự rắn hổ mang), Makara (biểu tượng cho cộng đồng ngư dân ven biển), Maha Kola (loại mặt nạ chính sử dụng trong múa quỷ)...
Là tiếng vọng ngàn đời từ những gương mặt quỷ nhưng những sản phẩm ra đời từ bàn tay tài khéo của các nghệ nhân Sri Lanka không khiến ta thấy ghê sợ, khiếp đảm. Trừ 18 biểu cảm méo mó, dị dạng của mặt nạ Sanni - vốn hiện thực hóa 18 nguồn căn tật bệnh gây đau đớn và mang lại chết chóc cho con người, những sắc mầu rực rỡ của mặt nạ Laksha dễ khiến ta mỉm cười thích thú bởi những biểu cảm hài hước, tinh nghịch. Bởi thế, không chỉ xua đuổi tà ma, giúp gia chủ tránh xa quỷ dữ, những chiếc mặt nạ còn mang sức mạnh phù hộ, bảo vệ và hiện thực hóa những giấc mơ an lành cho con người. Như mặt nạ Mayura Raksha (mặt nạ công) mang lại bình an, may mắn, hạnh phúc và tình yêu bằng hòa sắc trắng, xanh của những chiếc lông đuôi công khoe vẻ đẹp kiêu hãnh. Như Gini Raksha (mặt nạ lửa) phối trộn đỏ, da vàng, vàng gửi gắm ước mơ tình bạn, sự hòa hợp cùng năng lượng sống tích cực. Mặt nạ Maha Kola đem tới sức khỏe và sự trường thọ còn Gara Raksha khiến quỷ dữ phải tránh xa...
Trong quá khứ, nguyên liệu chế tác mặt nạ là Kaduru, một loại cây thường mọc ở vùng đầm lầy, thân bao phủ lớp vỏ có chất lỏng từa tựa mủ cao-su, gỗ có đặc tính nhẹ và dễ cắt xẻ, chạm khắc. Ngày nay, đàn hương và keo là những loại gỗ được chấp nhận thay thế. Để tăng hiệu ứng dọa dẫm, thường được áp dụng cho mặt nạ Sanni, người ta dùng vỏ sò làm răng, pha lê làm mắt, da khỉ để tạo lông mày, lông ngựa hay sợi cây hana biến thành râu tóc, lá cây hniyanda được ngâm, đập thành sợi, bện lại, nhuộm mầu rồi dán trang trí...
Theo thời gian, các mầu sắc tô điểm cho mặt nạ chuyển từ nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên sang mầu ngoại nhập, còn được phủ lớp bóng để chống chọi tác động của thời tiết hay mối mọt.
Để tái hiện những gương mặt quỷ cho các hoạt động tín ngưỡng, nghệ nhân phải tắm rửa, mặc trang phục đẹp, dâng hoa khấn nguyện trên bàn thờ vào đúng giờ đẹp, ngày đẹp đã chọn để bắt đầu công việc. Họ có niềm tin mãnh liệt rằng, chỉ có thực hiện đầy đủ nghi lễ như thế, những sản phẩm làm ra mới đủ hàm chứa sức mạnh siêu nhiên.
Trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ (từ cắt lát từng súc gỗ, khoét lõm, xông khói đến phơi khô ngoài trời để hấp thụ năng lượng từ không khí cùng ánh sáng, từ khắc họa chi tiết hoàn toàn thủ công bằng dao trổ và lưỡi đục nhỏ sắc lẻm đến đánh bóng bề mặt bằng lá korossa, tô mầu, sơn phủ hai lớp rồi gắn phụ liệu trang trí), một chiếc mặt nạ có thể mất cả ngày, thậm chí nhiều ngày chế tác, tùy kích thước.
Quá trình sáng tạo thủ công khiến mỗi sản phẩm làm ra đều là độc bản, biểu cảm của mỗi con quỷ đều khác biệt, đều là duy nhất. Đó là lý do khiến nghệ thuật chế tác mặt nạ truyền thống Sri Lanka trở thành niềm tự hào của đảo quốc nhỏ bé này. Đó cũng là lý do khiến đất nước này có một không gian tôn vinh “độc nhất vô nhị” mang tên Ambalangoda Mask Museum (tên chính thức là Arivapala&Sons). Chỉ là một bảo tàng tư nhân nhưng với nỗ lực không ngừng nghỉ của năm thế hệ trong gia đình, một không gian trưng bày những mặt nạ cổ xưa, những tư liệu quý về nghi lễ Múa Quỷ, những màn trình diễn sử dụng mặt nạ... đã được kỳ công sưu tầm, lưu giữ và vinh danh. Một điểm đến không thể bỏ qua, nếu bạn có cơ hội khám phá quốc gia Nam Á hấp dẫn này.