“Nhà hòa giải” mới?

Cuộc cạnh tranh trên diện rộng
0:00 / 0:00
0:00
Cố vấn an ninh quốc gia Saudi Arabia Musaad bin Mohammed al-Aiban, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị và Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran Ali Shamkhani trong cuộc gặp tại Bắc Kinh hồi tháng 3. Ảnh: REUTERS
Cố vấn an ninh quốc gia Saudi Arabia Musaad bin Mohammed al-Aiban, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị và Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran Ali Shamkhani trong cuộc gặp tại Bắc Kinh hồi tháng 3. Ảnh: REUTERS

Sự kiện Saudi Arabia và Iran, hai đối thủ lâu năm ở Trung Đông, đồng ý khôi phục lại quan hệ ngoại giao sau nhiều năm gián đoạn đã làm bất ngờ nhiều người. Hai nước đã nhất trí mở lại các đại sứ quán và các phái đoàn ngoại giao ở mỗi nước. Trong một khu vực thường được ví như cái “nồi áp suất” khổng lồ lúc nào cũng chực chờ bùng nổ, việc tháo gỡ một trong những mối quan hệ căng thẳng kéo dài trong nhiều năm qua ví như nới chiếc van của cái “nồi áp suất” đầy hiểm họa ấy.

Quan hệ giữa Riyadh và Tehran đổ vỡ sau vụ tấn công cơ quan ngoại giao Saudi Arbia ở Iran vào năm 2016 do Riyadh hành quyết giáo sĩ Sheikh al-Nimr bị kết tội khủng bố. Cũng như phần lớn người dân Iran, giáo sĩ này là người theo dòng Hồi giáo Shiite.

Quan hệ giữa hai bên tiếp tục nâng lên một nấc thang căng thẳng mới vào năm 2019 khi những vật thể bay không người lái (UAV) tấn công một số giếng dầu của Saudi Arabia. Vụ tấn công không chỉ khiến sản lượng khai thác dầu của Saudi Arabia sụt giảm tạm thời đến gần 50% mà còn loại bỏ gần như toàn bộ công suất dự phòng có sẵn của Saudi Arabia vốn để bù đắp bất kỳ sự gián đoạn lớn nào trong nguồn cung dầu trên toàn thế giới. Trong khi đó, Iran cũng có công suất dự phòng nhưng không thể đưa dầu ra thị trường vì lệnh trừng phạt do chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt. Vụ tấn công gây ra một cuộc khủng hoảng trên diện rộng; giá dầu thế giới tăng vọt. Riyadh tuyên bố Tehran đứng đằng sau vụ tấn công này...

Tuy nhiên, những xung đột nhỏ lẻ đó chỉ là giọt nước tràn ly khiến quan hệ hai bên đổ vỡ. Là hai quốc gia lớn nhất ở khu vực Trung Đông-Vùng Vịnh, Iran và Saudi Arabia từ lâu đã là hai đối thủ hùng mạnh tranh giành ảnh hưởng địa chính trị ở khu vực có tầm quan trọng mang tính chiến lược này. Cuộc cạnh tranh ảnh hưởng đó diễn ra quyết liệt trên khắp các địa bàn, ở Syria, Iraq, Yemen cũng như giành quyền kiểm soát Lebanon.

Đặc biệt căng thẳng là cuộc nội chiến ở Yemen giữa chính phủ do Tổng thống Hadi lãnh đạo nhằm chống lại lực lượng Houthis và lực lượng trung thành với cựu Tổng thống Yemen, Ali Abdullah Saleh, bùng nổ năm 2014. Tháng 3/2015, Saudi Arabia đã dẫn đầu một liên minh 10 nước can thiệp vào Yemen chống lại lực lượng Houthis. Các cuộc không kích của Saudi Arabia khiến cho nhiều người chết. Trong khi đó lực lượng Houthis được Iran hậu thuẫn cũng tấn công vào các cơ sở của Saudi Arabia.

Dưới sự trung gian hòa giải của Liên hợp quốc, đã đạt được một thỏa thuận ngừng bắn ở Yemen giữa các lực lượng kéo dài trong 6 tháng, bắt đầu từ tháng 4/2022. Thỏa thuận này được gia hạn thêm một lần vào tháng 10/2022 nhưng hết sức mong manh vì hai bên vẫn tiếp tục các cuộc giao tranh với các cáo buộc lẫn nhau vi phạm thỏa thuận. Nguyên nhân sâu xa nằm bên dưới cuộc xung đột này chính là bởi quan hệ giữa Saudi Arabia và Iran vẫn tiếp tục căng thẳng và các lực lượng ở Yemen chịu sự chi phối của hai cường quốc khu vực này.

Chơi với cả hai phía

Bất ngờ trước việc Saudi Arabia-Iran nối lại quan hệ ngoại giao, dư luận còn ngạc nhiên hơn khi địa điểm mà hai phía đạt được sự nhất trí và ký kết thỏa thuận không nằm ở vùng Vịnh, cũng chẳng phải ở Mỹ, mà ở Bắc Kinh, Trung Quốc.

Vì sao Trung Quốc lại thay thế Mỹ (vốn thường xuyên) trong vai trò một người đàm phán trung gian hòa giải ở khu vực Trung Đông? Và vì sao lại là giữa Saudi Arabia và Iran?

Vấn đề nằm ở chỗ Trung Quốc duy trì được mối quan hệ, đặc biệt là về kinh tế, với Saudi Arabia và Iran. Trung Quốc là bạn hàng lớn của Iran, chiếm tới 30% tổng giá trị thương mại của Tehran. Còn với Saudi Arabia, Trung Quốc là một khách hàng sộp mua dầu mỏ của nước này. Trung Quốc cũng khôn khéo né tránh lên tiếng về những chủ đề nhạy cảm trong quan hệ với Saudi Arabia.

Với hai nước lớn Trung Đông này, trong khi Mỹ cắt đứt hoàn toàn mọi mối liên hệ với Iran, chỉ còn quan hệ với Saudi Arabia thì Trung Quốc vẫn duy trì được các mối tiếp xúc với cả hai nước, vì khu vực sản xuất dầu mỏ này đóng vai trò quan trọng mang tính sống còn đối với nền kinh tế Trung Quốc.

Không chỉ tăng cường quan hệ kinh tế với cả Iran và Saudi Arabia, trong thời gian qua, Trung Quốc cũng có các cuộc tiếp xúc cấp cao với hai đối tác vùng Vịnh. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thực hiện chuyến thăm Saudi Arabia vào tháng 12/2022, sau đó lại chủ trì tiếp đón Tổng thống Iran, ông Ebrahim Raisi vào tháng 2/2023.

Tất cả những động thái đó cho thấy một chiến lược xuyên suốt của Trung Quốc nhằm bảo đảm sự hiện diện ở vị trí trung tâm trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế, tham gia mạnh mẽ hơn vào quá trình hình thành các quyết định liên quan đến an ninh toàn cầu. Mới đây, Trung Quốc đã công bố Sáng kiến an ninh toàn cầu, nêu lên những cam kết cơ bản của nước này trong việc bảo đảm an ninh thế giới.

Mong muốn trở thành “nhà hòa giải” quốc tế của Trung Quốc một lần nữa nổi lên trong việc nước này đưa ra đề xuất 12 điểm giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine. Trong bối cảnh Trung Quốc chưa một lần lên tiếng phản đối chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine, đề xuất này của Trung Quốc đã vấp phải sự nghi ngờ của cả Mỹ và Ukraine, trong khi phía Nga bày tỏ sự tán đồng.

“Khoảng trống” từ những bất đồng

Trước Trung Quốc, cả Iraq và Oman đã từng nỗ lực làm trung gian tổ chức các cuộc hòa giải giữa Riyadh và Tehran trong các năm 2021 và 2022 với 6 cuộc gặp trực tiếp giữa các quan chức Iran và Saudi Arabia nhưng chưa đi đến thành công. Ngoài lý do Bắc Kinh thiết lập được mối quan hệ với cả Riyadh và Tehran, sở dĩ Trung Quốc thành công được bởi còn một nguyên nhân khác nữa: Mỹ để lại khoảng trống ở khu vực này.

Mặc dù Mỹ vẫn duy trì nhiều căn cứ quân sự ở vùng Trung Đông nhưng ảnh hưởng của Washington trong khu vực đã suy giảm rõ rệt. Nhiều nước Arab ở vùng Vịnh bày tỏ sự nghi ngờ các cam kết an ninh của Mỹ đối với khu vực không còn mạnh mẽ như trong thời gian trước đây.

Rạn nứt nghiêm trọng nhất đã diễn ra trong mối quan hệ giữa Mỹ với Saudi Arabia, quốc gia có ảnh hưởng lớn trong số các nước Arab ở vùng Vịnh và là thành viên chủ chốt trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Chính quyền của Tổng thống D.Trump với logic “Nước Mỹ trước hết” đã gần như phá bỏ “Học thuyết Carter”, khẳng định Mỹ sẽ hành động quân sự để bảo vệ nguồn cung dầu mỏ từ vùng Vịnh, đặc biệt là từ Saudi Arabia. Vụ tấn công các giếng dầu của Saudi Arabia năm 2019 lại càng cho thấy Mỹ đã không còn là bảo đảm an ninh đáng tin cậy trong con mắt của Riyadh.

Một căn nguyên khác nằm ở sự chỉ trích mạnh mẽ của Mỹ chung quanh cái chết của nhà báo bất đồng chính kiến Jamal Khashoggi tại lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 10/2018. Ông Jamal Khashoggi là người Saudi Arabia, cư trú tại Mỹ và làm việc cho tờ báo Mỹ Washington Post, từng có nhiều bài báo chỉ trích Hoàng gia Saudi Arabia, đặc biệt là Thái tử Mohammed bin Salman, người đang nắm quyền điều hành chính ở Saudi Arabia.

Một nguyên nhân nữa khiến cho quan hệ giữa Mỹ với Saudi Arabia xuống dốc chính là bất đồng giữa hai bên trong việc cắt giảm sản lượng dầu. Tháng 10/2022, Mỹ đã cảnh cáo Saudi Arabia rằng, quyết định cắt giảm sản lượng sẽ bị coi là lựa chọn đứng về phía Nga trong cuộc xung đột với Ukraine, cũng như động thái này sẽ làm Mỹ giảm ủng hộ Saudi Arabia. Cho rằng, cảnh báo này của Mỹ mang ý nghĩa chính trị, không muốn giá dầu tăng trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ nên Riyadh đã kiên quyết nói “không” trước yêu cầu của Mỹ...

Những rạn nứt đó đã khiến quan hệ giữa Mỹ với vùng Vịnh sút giảm, là điều kiện thuận lợi để Trung Quốc xúc tiến thành công quá trình làm trung gian hòa giải giữa Saudi Arabia và Iran. Dù muốn hay không, một thỏa thuận như vậy góp phần làm giảm bớt căng thẳng ở vùng Vịnh và là thỏa thuận hiếm hoi được cả Washington lẫn tổ chức Hezbollah tại Lebanon ủng hộ.

Thỏa thuận giữa Iran và Saudi Arabia dưới sự trung gian của Bắc Kinh tạo ra một bước ngoặt trong cục diện Trung Đông cũng như nâng tầm vai trò của Trung Quốc trên bản đồ địa chính trị quốc tế. Thành công trong vai trò “nhà hòa giải” giữa Riyadh và Tehran đã mở ra khả năng Trung Quốc tiếp tục tham gia vào các tiến trình hòa giải dang dở bấy lâu nay trong khu vực, chẳng hạn như đối thoại giữa Israel với Iran, thậm chí kể cả kết nối lại tiến trình đàm phán Israel-Palestine, một trong những tiến trình khó khăn nhất trong lịch sử thế giới đương đại.