Nội dung giật gân
Sẽ phải mất nhiều năm nữa, thế giới mới đánh giá được hết tầm mức ảnh hưởng cũng như tác động của Hiệp định đối tác tăng cường an ninh ba bên Australia-Anh-Mỹ (AUKUS) được các nhà lãnh đạo của ba quốc gia này bất ngờ công bố vào một ngày trung tuần tháng 9/2021. Những phản ứng đa chiều cùng các động thái cấp tập dựa trên sự ra đời của thỏa thuận này cũng đủ biến “AUKUS” trở thành từ khóa chính trị nóng bỏng của năm 2021 bên cạnh một từ khóa chết chóc khác: Covid-19.
Sở dĩ AUKUS ra đời gây chấn động toàn thế giới 2021 không đơn thuần chỉ vì nội dung giật gân của nó, lần đầu tiên sau 63 năm kể từ khi thỏa thuận chia sẻ công nghệ hạt nhân với Anh năm 1958, Mỹ mới lại chia sẻ công nghệ hạt nhân với một nước khác, lần này là Australia; thỏa thuận AUKUS gây nên những cảm giác bàng hoàng, lo ngại, phẫn nộ lẫn mừng vui cho nhiều phía bởi dường như nó đã bộc lộ ra những toan tính chiến lược của nhiều quốc gia trên một vùng không gian địa chiến lược trọng yếu đối với toàn bộ thế giới, ít nhất là trong vài thập kỷ trước mắt: khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Mục tiêu xuyên suốt của những chiến lược của Mỹ liên quan đến châu Á-Thái Bình Dương hay Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, là cạnh tranh với Trung Quốc, vốn là đối tác chiến lược của Washington kể từ sau thỏa thuận (và thỏa hiệp) lịch sử Trung-Mỹ năm 1972 dưới thời Tổng thống Mỹ Richard Nixon.
Mấy mươi năm “giấu mình chờ thời, kiên quyết không tiến lên hàng đầu” đã qua. Cải cách mở cửa giúp cho kinh tế Trung Quốc phát triển vượt bậc trong mấy thập niên liên tục.
Tiềm lực kinh tế đi đôi với sức mạnh quốc phòng khiến Bắc Kinh bắt đầu thay đổi cách nhìn về vị thế của chính mình trên bản đồ thế giới. 100 năm bị phương Tây coi là “con bệnh Đông Á” với cảm thức bị bắt nạt, chịu nô dịch đã khiến cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc quyết tâm thực hiện “giấc mộng Trung Hoa”, phục hưng dân tộc. Cái áo của một cường quốc khu vực quá chật chội đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ.
Trong khi ấy thì nước Mỹ, với hơn một thập kỷ “múa gậy vườn hoang” sau Chiến tranh lạnh, với hai cuộc chiến tranh dằng dai ở Iraq và Afghanistan mãi không rút chân ra được và một vị Tổng thống luôn niệm câu thần chú “Nước Mỹ trên hết” bằng chủ nghĩa biệt lập mới cả về kinh tế và chính trị, dường như lại đang trong chiều hướng đi xuống! Cái “bẫy Thucydides” mở ra, mời gọi hai đối thủ bước vào cuộc cạnh tranh quyết liệt mà cùng với sự lớn mạnh của nước Nga, đã được xem là cuộc Chiến tranh lạnh 2.0.
Chuyển giao có điều kiện
Từ khi vào Nhà Trắng đầu năm 2021, ông J.Biden vẫn tiếp tục chiến lược cạnh tranh với đối thủ mới nổi lên, nhưng quyết tâm “sửa chữa” chính sách đối ngoại của người tiền nhiệm bằng cách tái lập hoặc thậm chí tạo ra những liên minh mới để hình thành một “Vạn lý trường thành” ngăn cản sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Sự ra đời của AUKUS chính là nằm trong chiến lược đó, đưa “Nước Mỹ trở lại” khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong hình hài của những liên minh.
AUKUS cho thấy nước Mỹ dưới thời ông J.Biden, để đạt được mục tiêu chiến lược và lâu dài là kiềm chế Trung Quốc, sẵn sàng đảo ngược một chính sách nền tảng trong bao năm qua là không phổ biến hạt nhân, để chuyển giao loại công nghệ nhạy cảm này cho đối tác Australia. Chắc chắn đó phải là một sự chuyển giao có điều kiện để bảo đảm loại bỏ những rủi ro công nghệ này có thể lưu lạc đến một địa chỉ nào đó khác nữa.
Cũng không loại trừ khả năng đây là tiền đề để Washington tiếp tục thực hiện chính sách chuyển giao có điều kiện cho một đồng minh hay đối tác nào đó nếu như đáp ứng được các mục tiêu địa chính trị trên một vùng không gian chiến lược quan trọng đối với Mỹ. Sự đảo ngược chính sách hạt nhân của chính quyền Mỹ dưới thời ông J.Biden thông qua AUKUS còn cho thấy Mỹ sẵn sàng hy sinh những lợi ích ngắn hạn, kể cả với các đồng minh cật ruột như Pháp, để đạt mục tiêu chiến lược dài hạn.
Một phần bởi vì Mỹ biết rằng dù có làm mình làm mẩy thì sớm muộn Pháp cũng vẫn sẽ phải đấu dịu do tầm quan trọng của mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương; mặt khác, thông qua AUKUS, Mỹ muốn chuyển đi thông điệp về sự quyết đoán của mình trên vùng không gian chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Bước chuyển trọng tâm của London
AUKUS cũng đánh dấu một bước chuyển trọng tâm chiến lược của Anh sang khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sau một thời gian “ném đá dò đường” bằng việc công bố báo cáo về chính sách của nước Anh toàn cầu trong kỷ nguyên cạnh tranh, phái nhóm tác chiến tàu sân bay Nữ hoàng Elizabeth chính thức lên đường tới khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương; về mặt kinh tế, Anh cũng chính thức xin gia nhập Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Nó cho thấy chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Anh đã không còn nằm trong giai đoạn ý tưởng nữa mà đã được triển khai trên thực tế. Bất chấp sự xa cách về không gian địa lý, Anh đã khẳng định muốn tăng cường sự hiện diện ở khu vực này cả về thiết lập những cơ cấu, thể chế, kinh tế và thương mại, cho đến khoa học công nghệ, ngoại giao, biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và an ninh.
Và không ai quên Anh là một đồng minh lâu năm, chí cốt của Mỹ. Qua AUKUS, Anh củng cố mối quan hệ đặc biệt với Mỹ, mở rộng không gian chiến lược từ châu Âu-Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, coi Trung Quốc là một đối thủ cạnh tranh và khẳng định tham vọng đóng vai trò một cường quốc trong kỷ nguyên hậu Brexit.
“Tay chơi” thứ ba
“Tay chơi” thứ ba trong AUKUS, Australia, qua thỏa thuận an ninh ba bên này, đã đột ngột nổi lên như là một yếu tố ngày càng nổi bật trong cơ cấu an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Với việc tham gia thỏa thuận an ninh tăng cường ba bên, Australia với Mỹ là hai quốc gia cùng có mặt ở hai cơ cấu an ninh quan trọng bậc nhất khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là AUKUS và Bộ Tứ, gồm Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ.
Bộ Tứ là cơ cấu an ninh khu vực được chính quyền của Tổng thống Biden hồi sinh và tăng cường năng lực bằng các cuộc tập trận quân sự chung giữa các thành viên cũng như nâng cấp các cuộc gặp từ cấp bộ trưởng lên tầm thượng đỉnh.
Sự tham gia sâu hơn vào các cơ cấu an ninh khu vực kiểu như AUKUS của Australia phản ánh sự lo ngại ngày càng tăng của Canberra trước các động thái ở khu vực Biển Đông cũng như những căng thẳng với Bắc Kinh xung quanh việc xác định nguồn gốc của đại dịch Covid-19, cấm Huawei tham gia phát triển mạng 5G. Các biện pháp trả đũa của Trung Quốc nhằm giảm nhập khẩu hàng hóa Australia đã khiến các doanh nghiệp nước này thiệt hại nhiều chục tỷ USD trong năm 2021.
Tham gia AUKUS, các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Australia trong tương lai có thể hoạt động răn đe ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong khuôn khổ một chiến lược đồng minh (của Mỹ) đối với Trung Quốc và điều này chắc chắn sẽ gây khó khăn cho việc Trung Quốc triển khai các hoạt động hải quân ở khu vực này.
Tấn công vào “khoảng trống” trong CPTPP
Ngoài việc lên án việc hình thành AUKUS là hành động “vô trách nhiệm” và dọa rằng Australia có thể “trở thành mục tiêu cho một vụ tấn công hạt nhân”, như một cử chỉ mang tính biểu tượng, chỉ đúng một ngày sau khi 3 nước Mỹ-Anh-Australia công bố việc hình thành AUKUS, Trung Quốc đã chính thức đệ đơn xin gia nhập Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Đây chính là hậu thân của Hiệp định đối tác toàn diện xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà các nhà đàm phán của Mỹ dày công xây dựng và giữ vai trò chủ chốt trong các cuộc đàm phán; đến đầu năm 2017, nước Mỹ dưới thời của Tổng thống D.Trump đã rút Mỹ khỏi hiệp định này, để lại một khoảng trống mênh mông, ít nhất là trong địa hạt kinh tế, của chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Sau khi vào Nhà Trắng, Tổng thống J.Biden vẫn còn chưa quyết định có đưa Mỹ quay trở lại các cuộc đàm phán để gia nhập CPTPP hay không thì Trung Quốc đã chính thức xin gia nhập.
Đương nhiên là con đường để Trung Quốc gia nhập CPTPP không hề dễ dàng bởi khoảng cách giữa những quy định tiêu chuẩn của CPTPP với các hành vi thương mại nội địa của Trung Quốc. Tuy nhiên, lịch sử đã chứng minh rằng Trung Quốc có đủ khả năng quản lý các đòi hỏi của CPTPP.
Vòng cạnh tranh mới trên địa hạt thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc lại đã bắt đầu...