Gian nan mở cửa du lịch

Trong nỗ lực sống chung với đại dịch Covid-19, mở cửa du dịch trở lại đối với nhiều quốc gia trên thế giới là tất yếu nhằm hồi sinh nền kinh tế bị tàn phá do tác động của đại dịch. Nhưng những cố gắng để du lịch trở lại là niềm hy vọng cho phục hồi kinh tế trong bóng đen đại dịch, đang ngày càng trở nên chật vật...

Bãi biển ở Bali.
Bãi biển ở Bali.

Mở cửa trong âu lo

Bất chấp tỷ lệ tiêm vaccine cao, việc mở cửa giữa lúc tỷ lệ ca mắc ở nhiều nước đạt đỉnh và đại dịch tiếp tục diễn biến khó lường, vẫn khiến các chính phủ phấp phỏng âu lo. Châu Âu và Mỹ đi đầu trong nỗ lực mở cửa trở lại du lịch kể từ nửa cuối năm ngoái với kết quả khả quan là một tín hiệu tích cực. Một số nước châu Á là điểm đến du lịch yêu thích, ban đầu chỉ thí điểm khôi phục hoạt động ở quy mô nhỏ với từng điểm du lịch cụ thể, nay đã mở cửa hoàn toàn. Trong đó có Singapore, Indonesia, Campuchia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam... Các du khách khi nhập cảnh sẽ không còn phải trải qua các thủ tục kiểm dịch y tế phiền hà và mất thời gian như trước đây.

Tại Đông Nam Á, Campuchia từ cuối tháng 1 năm nay đã phát động chiến dịch “Campuchia: Điểm du lịch xanh và an toàn” chào đón các du khách đã được tiêm vaccine. Lào tỏ ra thận trọng hơn khi mở cửa từng bước theo ba giai đoạn, cho phép các vùng xanh gồm thủ đô Viêng Chăn, thành phố Luông Prabang và thị trấn Vang Viêng mở cửa đón du khách. Indonesia thí điểm ở hòn đảo “thiên đường” Bali với quy định miễn cách ly nhập cảnh đối với du khách nước ngoài đã thanh toán tiền đặt phòng khách sạn cho tối thiểu bốn ngày tại Bali và đã tiêm liều cơ bản vaccine hoặc đã tiêm mũi tăng cường và có bảo hiểm y tế.

Trong khi đó, Nhật Bản và Myanmar vẫn “nói không” với du khách do quan ngại đây chưa phải thời điểm thích hợp. Với gần 30% dân số ở độ tuổi trên 65, Nhật Bản là nước dễ bị tổn thương do tác động của đại dịch nên mặc dù tỷ lệ tiêm vaccine cao với hệ thống chăm sóc y tế hiện đại, cánh cửa với khách du lịch vẫn im lìm. Vào tháng 3, nước này cũng đã nới lỏng một số biện pháp bao gồm dỡ bỏ quy định cách ly hoặc giảm thời gian cách ly cho du khách từ một số quốc gia cụ thể. Myanmar cũng cho thấy mong muốn mở cửa cho các du khách đã tiêm vaccine vào tháng 4 này, nhưng sẽ vẫn áp dụng quy định cách ly và xét nghiệm PCR.

Điểm mặt những thách thức

Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine kéo theo giá nhiên liệu leo thang là thách thức bất ngờ xuất hiện mới đây nhất bên cạnh một số trở ngại đã được nhận diện từ trước. Cuộc xung đột này đã “giáng” một đòn nặng cho ngành du lịch mới chỉ chập chững bước vào giai đoạn phục hồi sau hai năm tê liệt vì Covid-19. Triển vọng phục hồi ở Đông Nam Á trở nên u ám khi du khách Nga vốn chiếm số lượng đông đảo đã sụt giảm mạnh. Nhiều chuyến bay tới Nga đã bị đình chỉ. Nhiều tour du lịch không thể thực hiện do các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu nhằm vào Nga sau khi xung đột nổ ra.

Ngành du lịch mới phục hồi của châu Âu và cả Bắc Mỹ cũng không thoát khỏi bị ảnh hưởng. Theo mạng thông tin chuyên ngành L’Écho Touristique của Pháp, các công ty lữ hành ở châu Âu chuyên tổ chức các chuyến đi Nga đối mặt với khó khăn trực tiếp. Tại Pháp, hiện có khoảng 30 công ty du lịch chuyên khai thác thị trường Nga và các nước Đông Âu. Theo cơ quan CAA Travel có nhiều chi nhánh trên lãnh thổ Canada, du khách Bắc Mỹ thường thích đi tham quan châu Âu vào mùa hè. Trong số này, có nhiều khách lựa chọn tới thăm các nước vùng Baltic bằng du thuyền, với chặng dừng chân ưa thích tại Saint Petersburg của nước Nga.

Ở châu Á, sự e dè và thận trọng của nhiều nước khiến khu vực này tụt lại sau châu Âu và Mỹ về hồi phục du lịch do tâm lý của phần lớn du khách không muốn gặp những phiền toái trong kỳ nghỉ. Gary Bowerman, cây viết chuyên về du lịch sống tại Malaysia cho biết, một người bạn của anh làm trong ngành khách sạn ở Singapore nói rằng hiện tại thủ tục để đi du lịch vẫn còn không ít rắc rối. Nhiều người nói rằng đi chơi mà căng thẳng thì thà ở nhà còn hơn. Theo Asia Media Centre, chính các chuyên gia du lịch cũng khuyên cần tỉnh táo khi lên kế hoạch du lịch bởi không biết các nước sẽ phải đóng cửa biên giới trở lại lúc nào khi dịch bệnh vẫn còn phức tạp. Chính phủ các nước châu Á được dự báo là sẽ duy trì sự linh hoạt trong việc hạn chế đi lại và sẽ thay đổi nếu rủi ro mới xuất hiện.

Sự thiếu vắng của lượng du khách khổng lồ từ Trung Quốc cũng là một tổn thất cho ngành du lịch thế giới đang tìm mọi cách hồi sinh. Hiện tại, người Trung Quốc vẫn chưa thể đi du lịch nước ngoài một cách thoải mái (do phải thực hiện cách ly 14 đến 21 ngày khi về nước), khiến nhiều nước trên thế giới đang mất đi thị trường khách du lịch hàng đầu, thậm chí được coi là “mỏ vàng” đối với nhiều quốc gia.

Giá nhiên liệu tăng khiến các hãng hàng không phải đối mặt với áp lực về chi phí dập tắt hy vọng của du khách tìm được các chuyến bay giá rẻ như trước đây. Theo IATA, giá nhiên liệu ở châu Á Thái Bình Dương đã tăng 8,1% vào tháng trước và tăng 62,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguồn nhân lực để làm việc trong ngành du lịch bị tê liệt suốt hai năm qua cũng là một trở ngại lớn, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ. Chủ tịch Hiệp hội khách sạn Thái Lan Marisa Sukosol Nunbhakdi cho biết, nhiều lao động trong ngành công nghiệp không khói đã đổi nghề trong đại dịch và không muốn quay trở lại nghề cũ vì sẽ phải đối mặt với rất nhiều chi phí. Và cũng do lượng khách lưu trú chưa nhiều nên phần lớn các khách sạn như ở Thái Lan chỉ thuê nhân viên làm bán thời gian.

Để du lịch nhanh chóng phục hồi

Theo Channel News Asia, Tổng Giám đốc Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (AITA) Willie Walsh cho rằng, để có thể thúc đẩy nhiều người đi du lịch hơn nữa, các quốc gia cần nới lỏng thêm các thủ tục nhằm thu hút các du khách đang mang tâm lý ngại xét nghiệm và cách ly. Quy định xét nghiệm, cách ly chỉ nên áp dụng với những ai chưa tiêm vaccine.

Thực tế là mặc dù du lịch đã được mở cửa ở nhiều quốc gia nhưng thế giới còn xa mới đạt được mức trước đại dịch. Cách đây ít lâu IATA còn chỉ ra trong 50 thị trường du lịch hàng đầu thế giới, mới có 37 nơi mở cửa nhưng vẫn áp đặt các quy định khác nhau. Chỉ 18 nơi trong số đó dỡ bỏ quy định cách ly hoặc xét nghiệm trước khi khởi hành. Bởi vậy vẫn cần thêm nhiều sáng kiến và biện pháp mạnh mẽ hơn nữa để đưa du lịch trở lại là động lực cho nền kinh tế, nhất là những nền kinh tế có doanh thu từ du lịch lớn.

Thí dụ tại Indonesia, nơi quyết định mở cửa du lịch khi bước vào đợt bùng phát dịch thứ 3. Theo bà Nia Niscaya, Bộ Du lịch và Kinh tế Sáng tạo, việc mở cửa thí điểm đảo du lịch Bali nhằm xây dựng lòng tin và chứng tỏ quyết tâm mở cửa đón khách quốc tế. “Nếu không, chúng tôi không thể biết được mình có thể đạt được gì hoặc cần cải thiện những gì để khởi động lại du lịch ở Bali trong đại dịch”, bà Nia nói. Chương trình cách ly năm ngày được Indonesia quảng bá là một “kỳ nghỉ nháp” nhằm tạo sự thoải mái cho du khách trong thời gian cách ly. Trong thời gian này, du khách vẫn có thể ở một trong năm khách sạn 5 sao được phê duyệt và rời khỏi phòng để tham gia các hoạt động vui chơi giải trí tại các khu vực dành riêng cho các du khách cách ly. Ba trong số năm khách sạn này thuộc tổ hợp sang trọng ở Nusa Dua. Nơi này không chỉ cung cấp nơi ở cho du khách mà cả nhân viên khách sạn nên không có sự tiếp xúc với người bên ngoài, nhằm ngăn chặn lây nhiễm dịch ra ngoài cộng đồng.

Nhưng nỗ lực trên của Indonesia vẫn được cho là chưa đủ mạnh. Các hãng hàng không và nhiều chuyên gia cho rằng cần có nhiều hành động nới lỏng hơn nữa để tạo điều kiện tối đa có thể cho khách du lịch quốc tế. Hãng hàng không giá rẻ Jetstar có trụ sở tại Australia từng phải hoãn việc mở lại chuyến bay từ Melbourne và Sydney đến Bali bởi quy định cách ly năm ngày nói trên.

Từ khi mở cửa lại du lịch, một số nước đã phải điều chỉnh phương thức nhằm thích ứng hơn với điều kiện thực tế để không để vuột mất nguồn khách quý giá. Như Thái Lan có lúc phải tạm ngừng chương trình miễn cách ly “Test &Go” vì chương trình này không đủ thu hút những du khách phải cách ly khi trở về. Chính phủ Thái Lan đã đàm phán với các nước là thị trường du lịch hàng đầu như Trung Quốc và Malaysia nhằm thiết lập bong bóng du lịch địa phương. Theo Bloomberg, giải pháp này được giới chuyên gia kinh tế cho là sẽ giúp ích hiệu quả hơn cho ngành du lịch Thái Lan trong cuộc đua với các đối thủ láng giềng như Philippines, Indonesia hay Sri Lanka.

Bất chấp những nỗ lực phục hồi thông qua mở cửa trở lại du lịch, báo cáo mới đây của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) cho biết, ngành du lịch toàn cầu năm 2021 không có cải thiện đáng kể so với năm 2020. Nhiều chuyên gia du lịch dự báo ngành du lịch toàn cầu sẽ chưa thể phục hồi hoàn toàn trước năm 2024 do sự xuất hiện và lây lan của biến thể Omicron và gần đây nhất là cuộc xung đột ở Ukraine kéo theo giá dầu leo thang.

7_1-1651044798080.jpg
 Khách du lịch tham quan Hội An tháng 11-2021 theo chương trình thí điểm hộ chiếu vắc-xin. Ảnh: DUY HẬU (VN EXPRESS)