Thắng lợi lịch sử của ông Macron

Ông Emmanuel Macron tái đắc cử Tổng thống Pháp. Ảnh: Reuters
Ông Emmanuel Macron tái đắc cử Tổng thống Pháp. Ảnh: Reuters

Không khí hồ hởi

Có thể nhận thấy cái không khí nhẹ nhõm lan khắp châu Âu khi gần như toàn bộ các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) hồ hởi chúc mừng ông Emmanuel Macron đã giành thắng lợi lịch sử trước đối thủ cực hữu, bà Marine Le Pen, để tiếp tục lãnh đạo nước Pháp thêm một nhiệm kỳ 5 năm nữa.

Ông Macron là người đầu tiên tái đắc cử Tổng thống Pháp trong vòng 20 năm qua kể từ sau thời của Tổng thống Jacques Chirac, nhưng đấy không phải là lý do chính của không khí hồ hởi ở EU. Vấn đề là sau khi Anh bất ngờ lựa chọn con đường rời khỏi EU còn ở Mỹ, ông Donald Trump - cũng bất ngờ không kém - trúng cử Tổng thống Mỹ vào năm 2016, EU đã vô cùng cảnh giác trước những ý tưởng cải cách kinh tế xã hội mang tính gây sốc, mà những ý tưởng đó có đầy rẫy trong cương lĩnh tranh cử của bà Le Pen. Nếu bà Le Pen chiến thắng, đấy sẽ là một đòn giáng chí mạng vào cả EU lẫn NATO, vốn đang gồng mình đối phó với cuộc xung đột ở Ukraine.

Chẳng thế mà trong lời phát biểu với cử tri trước ngày bầu cử diễn ra để kêu gọi họ đi bầu cử (theo kết quả thăm dò thì số cử tri đi bầu càng nhiều càng có lợi cho đương kim Tổng thống), ông Macron đã nhắc: “Hãy nhớ lại những gì công dân Anh, vài giờ trước Brexit, hoặc các cử tri Mỹ năm 2016, vài phút trước khi ông Trump được bầu, đã nói ‘Tôi sẽ không đi’. Tôi có thể nói với bạn rằng ngày hôm sau họ hối hận vì đã không đi bỏ phiếu. Nếu bạn muốn tránh những điều không tưởng thì hãy tự mình lựa chọn”!

Ông Macron và bà Le Pen tái diễn cuộc đấu giống hệt 5 năm trước đây trong cuộc bầu cử vòng 2 Tổng thống với một khác biệt: lần này bà Le Pen bám sát nút ông Macron hơn so với 5 năm trước (năm 2017, sau vòng 1, các cuộc thăm dò cho kết quả số cử tri ủng hộ ông Macron cao gấp đôi bà Le Pen).

Cần biết một điều là kể từ khi bầu cử Tổng thống Pháp thực hiện cơ chế “bỏ phiếu hai vòng theo đa số” (nếu không có ứng viên nào đạt trên 50% số phiếu bầu trong vòng 1 thì hai người có số phiếu cao nhất ở vòng 1 sẽ vào chung kết ở vòng 2), chưa có bất cứ một ứng cử viên nào có thể giành được chiến thắng trong vòng bỏ phiếu đầu tiên.

Thu hẹp khoảng cách

Lý do dẫn tới việc bà Le Pen thu hẹp khoảng cách với ông Macron trước khi diễn ra vòng 2 bầu cử có nhiều, nằm cả ở phía ông Macron lẫn bà Le Pen.

Thường thì khi tuyên bố vận động tranh cử, các ứng viên bao giờ cũng đưa ra những thông điệp tích cực trong chương trình nghị sự của mình. Nhưng nói bao giờ cũng dễ hơn làm, đặc biệt lại là khi đã ở vị trí lãnh đạo của đất nước. Sau 5 năm cầm quyền, ông Macron, người trúng cử Tổng thống khi mới 39 tuổi, đã có một bảng thành tích 5 năm để cử tri soi xét và cũng phần nào mất đi ánh hào quang một nhà cải cách trong con mắt một số cử tri.

Bảng thành tích mà chính quyền của ông Macron đạt được sau 5 năm dẫn tới những đánh giá khác biệt, thậm chí trái ngược.

Nhiều nhà phân tích chính quyền ông Macron đã thành công trong việc thúc đẩy kinh tế, giảm thất nghiệp, nỗ lực đối phó với đại dịch Covid-19. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng chính sách thiên hữu của ông Macron (mặc dù ông tự nhận là người theo đường lối trung dung) đã làm sâu sắc thêm tình trạng bất bình đẳng trong xã hội. Việc chính quyền mạnh tay đàn áp phong trào “Áo vàng” (xuất hiện từ năm 2018, phản đối giá nhiên liệu tăng và chi phí sinh hoạt cao) cũng làm mất đi thiện cảm của một bộ phận cử tri vào chính quyền ông Macron.

Trong khi đó, rút kinh nghiệm từ hai lần tranh cử thất bại trước đây, bà Le Pen đã điều chỉnh chiến lược tranh cử, xây dựng lại hình ảnh để tạo thêm sức hút đối với cử tri. Bà Le Pen giảm bớt các luận điệu quá khích của phe cựu hữu, chuyển sang các vấn đề dân sinh thiết thực đối với cử tri, chẳng hạn như nhằm vào tình trạng giá xăng cao và lạm phát. Về đối ngoại, bà Le Pen đi vào thực dụng hơn, từ bỏ lập trường ủng hộ Pháp rút khỏi Liên minh châu Âu (EU) và khu vực đồng Euro.

Bà Le Pen cũng chỉnh sửa lại hình ảnh cứng rắn trước đây; thay vào đó là một người phụ nữ lịch lãm, có phong thái nhẹ nhàng, khoan thai.

Tất cả những yếu tố đó đã góp phần giúp cho bà Le Pen (cùng với ông Macron) giành chiến thắng áp đảo trong vòng 1 cuộc bầu cử, đồng thời thu hẹp khoảng cách với Tổng thống Pháp trước khi bước vào vòng 2 cuộc bầu cử.

Và điều không tránh khỏi là một yếu tố địa chính trị ngoại lai tiếp tục lại có ảnh hưởng đến vòng 2 cuộc bầu cử Tổng thống Pháp: cuộc xung đột quân sự kéo dài nhiều tuần lễ ở Ukraine.

Tác nhân Ukraine

Sau khi căng thẳng giữa Nga và Ukraine lên đến đỉnh điểm vào tháng 12/2021, vào đầu tháng 2/2022, ông Macron là nhà lãnh đạo quốc gia phương Tây lớn đầu tiên đến Moscow gặp ông Putin với mục đích hạ nhiệt căng thẳng. Tại Moscow, hai nhà lãnh đạo ngồi hai đầu chiếc bàn dài 4 mét với lý do tránh rủi ro Covid-19 đã thảo luận trong 6 giờ đồng hồ về tình hình Ukraine, những mong muốn của Nga về bảo đảm an ninh trước sự mở rộng về phía Đông của NATO...

Kể từ tháng 12/2021, ông Macron đã có tới 19 lần điện đàm với Tổng thống Nga V.Putin chung quanh chủ đề Ukraine để giảm nhiệt căng thẳng. Tuy không ngăn được Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine nhưng ông Macron được cử tri Pháp đánh giá là nhà lãnh đạo phương Tây bền bỉ nhất sử dụng các đòn bẩy ngoại giao nhằm ngăn chặn chiến tranh.

Đến khi chiến sự nổ ra ở Ukraine vào cuối tháng 2/2022, tỷ lệ ủng hộ ông Macron tăng vọt. Hầu hết cử tri Pháp đánh giá cao vai trò trung tâm của ông Macron trong các nỗ lực dàn xếp hòa bình trước đó giữa Nga với Ukraine. Cuộc chiến ở Ukraine kéo dài qua tới tận ngày bầu cử Tổng thống Pháp đã khiến hình ảnh con người trung gian hòa giải Macron phần nào phai nhạt và ông mất đi lợi thế của người tìm kiếm hòa bình, thế nhưng ít ra nó cũng vẫn phần nào ảnh hưởng đến tâm tư của những cử tri mong muốn hòa bình ở châu Âu.

Khi chiến sự nổ ra, Pháp là một trong những quốc gia châu Âu phản ứng mạnh mẽ nhất trước động thái quân sự của Moscow, đặc biệt là ủng hộ lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Nga. Mặc dù vậy, khi ông Macron tái cử, Tổng thống Nga V.Putin đã gửi thông điệp chúc mừng qua telegram. Nó cho thấy ông Macron đã rất thành công trong việc duy trì một chính sách đối ngoại tương đối độc lập, không bị chi phối bởi những nhà hoạch định chính sách trong các hành lang quyền lực bên kia Đại Tây Dương. Từ thời Tổng thống Pháp Charles de Gaulle, sự độc lập của Paris đối với Washington luôn là một chỉ số được cử tri Pháp đánh giá cao.

Trong khi ấy thì hồ sơ về Ukraine của bà Le Pen gần như trống trơn, chưa kể bà còn bị coi là người có quan hệ gần gũi với Tổng thống Nga V.Putin. Khi cuộc chiến Ukraine kéo dài, bà Le Pen đã tập trung vào các vấn đề trong nước Pháp, như sức mua của người dân bị thu hẹp do giá thực phẩm và năng lượng tăng cao. Thế nhưng những nỗ lực đó của bà Le Pen chỉ có thể giúp bà thu hẹp được khoảng cách với ông Macron chứ không giành được thắng lợi tối hậu.

“Vòng 3”!

Châu Âu có thể tạm thời thở phào bởi chiến thắng của ông Macron trước ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen, thế nhưng bản thân ông Macron dường như không có được tâm trạng như thế. Lý do là bởi cuộc bầu cử Tổng thống Pháp vừa qua đã làm bộc lộ những rạn nứt trong nội bộ nước Pháp, lý do khiến cho ứng cử viên cực hữu Le Pen, dù thất bại, nhưng đã đạt được số phiếu cao chưa từng có.

Và một cuộc bầu cử lập pháp trong tháng 6 cũng đã hiện ra trước mắt ông Macron.

Bà Le Pen, trong cuộc bầu cử vừa qua đã tranh thủ và giành được số phiếu lớn từ những cử tri thuộc tầng lớp lao động nông thôn, những nơi được gọi là “bị lãng quên của nước Pháp”. Toàn cầu hóa đã giải phóng các lực lượng kinh tế dựa chủ yếu vào dịch vụ và du lịch, mang lại lợi ích cho các thành phố trung tâm và người lao động có trình độ. Điều đó làm xuất hiện sự chênh lệch về đời sống giữa cư dân các đô thị lớn và vùng nông thôn, yếu tố khiến xã hội Pháp bị chia rẽ một cách sâu sắc.

Để hàn gắn sự chia rẽ này, công việc nặng nề của ông Macron là phải tiếp tục đẩy nhanh quá trình cải cách trong các lĩnh vực thiết yếu của xã hội Pháp như y tế, giáo dục, hưu trí, tư pháp, thị trường lao động, an ninh... ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ 5 năm. Giảm tỷ lệ thất nghiệp, thực hiện các kế hoạch an sinh xã hội mà không làm tăng gánh nợ của đất nước, không làm tăng thuế, cũng là những nhiệm vụ trọng yếu khác của ông Macron trong 5 năm tới.

Thêm vào đó, ngay khi ông Macron vừa mới giành thắng lợi trong cuộc bầu cử vòng 2 trước bà Le Pen, các đảng cánh tả ở Pháp đã ngay lập tức thành lập liên minh với mục tiêu giành đa số ghế trong Quốc hội tại cuộc bầu cử diễn ra trong hai ngày vào tháng 6 tới, từ đó hạn chế quyền lực của ông Macron.

Như thế, một cuộc bầu cử “vòng 3” lại bắt đầu với ông Macron.