Con đường dài

“Chúng tôi gốc gác dân quê, sẽ suốt đời là dân quê thôi nhưng con cái chúng tôi sẽ phải khác, cố mà ăn học cho bằng người ta chị ạ”, nói xong, người đàn bà cười hihi, vặt lấy vặt để mấy quả lê trong vườn bắt tôi cầm về. Rồi chèo kéo, rồi ôm mẹt bún đậu mắm tôm ra mời, để hy vọng tôi ngồi lại ăn bữa cơm với gia đình.

Một góc thành phố Vitré.
Một góc thành phố Vitré.

Trong con phố nhỏ mà tôi đến - nơi hầu hết là các gia đình người Pháp sinh sống - tiếng Việt Nam Định, Sơn Tây, Hà Nội vang lên lanh lảnh, hơi ồn nhưng là thứ âm thanh hồn hậu không khiến gây khó chịu. Tôi có cảm giác như đang trải qua những giờ phút ở một thôn xóm nào đó tại Việt Nam, nơi người làng ơi ới gọi nhau sang uống trà, hì hụi cùng nhau giã giò, gói bánh cho ngày Tết, cười nói lanh lảnh bất chấp giờ giấc. Chỉ khác, là tôi đang ở Pháp.

Những năm đầu thế kỷ 21, một đoàn người Việt Nam đến từ đủ mọi nghề, đa số là các tỉnh chiêm trũng và ngoại ô Hà Nội đến Pháp theo diện hợp tác lao động để làm nghề mổ xẻ thịt tại một nhà máy của Pháp. Hợp đồng lao động này có được là nhờ Đại sứ Phạm Sanh Châu, khi ấy là Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Thường trực nước Cộng hòa XHCN Việt Nam bên cạnh UNESCO tại Pháp. Ông Sanh Châu đã mang cơ hội này cho họ, đến Pháp làm việc, một công việc mà ở giai đoạn ấy nước Pháp rất thiếu nhân lực.

Tất nhiên, cũng như rất nhiều người Việt đã từng đi ra nước ngoài để làm công việc phổ thông hoặc công nhân kỹ thuật tại nhiều nơi trên thế giới, cuộc sống của họ giai đoạn đầu không dễ dàng. Xa nhà, khó khăn về ngôn ngữ, sốc văn hóa, việc kiếm tiền là mục tiêu chính thay vì mong muốn tìm hiểu về một đất nước mới, cộng đồng người Việt tại Vitré cũng không ngoại lệ.

Anh Lê Anh Tuấn giờ được bầu là Hội trưởng Hội người Việt tại thành phố Vitré bảo “em chỉ đi làm, sáng lờ mờ đã ra khỏi nhà, cả ngày xẻ thịt, tối về ăn xong là ngủ, mai lại thế”. Xẻ thịt là ngành nghề chính của những người công nhân ở đây. Jean Rosé là nhà máy đã đón tiếp họ từ gần 20 năm nay. Một cộng đồng không biết tiếng, thậm chí nhiều người không biết cả nghề xẻ thịt. Người Việt sức vóc nhỏ nhắn, vốn không thể làm được việc giết mổ, xẻ thịt, lọc thịt đòi hỏi sự khéo léo và họ đã được chọn để hướng dẫn làm công việc này.

Sẽ chẳng có gì để nói tiếp về họ nếu như ngày hôm nay gần 100 hộ gia đình ấy vẫn chỉ sống và làm công việc đó để kiếm sống như những ngày đầu mới đến.

Tôi đã gặp những cô gái cứ đến cuối tuần là gồng gánh kéo valise từ Vitré lên Paris để giao giò chả. Ăn giò chả của họ thấy rõ hương vị giống như ở Việt Nam, không khác. Nó chỉ khác là nhìn các em tất tả chạy ngược xuôi, kéo theo chiếc valise trong đó chứa cả vài chục cây giò để giao kiếm chút thu nhập bù vào tiền ăn học đại học, thấy lòng man mác.

Nếu như thế hệ đầu của những người Việt Nam đến Pháp ở Vitré chỉ là những người lao động phổ thông, cho đến ngày hôm nay - sau gần 20 năm nhưng tiếng Pháp vẫn chỉ lõm bõm thì thế hệ hai, con cái của họ đã là một câu chuyện khác. Câu chuyện ấy là sự nỗ lực để vượt ra ngoài bức tường của nhà máy, ngoài công việc xẻ thịt, lao động tay chân như cha mẹ.

Hầu như đứa trẻ nào của Vitré cũng được nghe bố mẹ chia sẻ rằng cần phải cố gắng để làm những công việc khác, để làm một người Việt khác. Một người Việt không mất gốc nhưng cũng không chỉ luôn là người làm nghề tay chân.

Trong những khu vườn nhà luôn vang lên tiếng cười rổn rảng của những người Việt xuất phát thôn quê quen ăn to nói lớn ấy là một thế hệ hai, thế hệ ba đã nói được hai thứ ngôn ngữ trôi chảy, tiếng Việt ngọng hơn cha mẹ một chút và tiếng Pháp - không thấy có dấu ấn của nguồn gốc nhập cư.

Chị Ngô Thị Nguyệt hiện vẫn tiếp tục công việc xẻ, lọc thịt tại nhà máy hỏi tôi về nghề luật sư tại Pháp thì sẽ phải làm những gì, liệu có chỗ cho người gốc Việt hay không? Liệu con gái chị - một cô bé Việt Nam có thể trụ được ở nghề này. Cô gái 16 tuổi dù lớn lên tại Pháp nhưng vẫn giữ nguyên nét tần tảo của một phụ nữ Việt, bảo tôi “cháu rất thích nghề luật, và mơ ước được làm việc này dù cháu chưa biết nó thế nào”.

Mơ ước được vượt ra khỏi công việc tay chân của cha mẹ sẽ chỉ là mơ ước nếu không có sự nỗ lực thực sự. Không thể phủ nhận việc những đứa trẻ sinh ra trong gia đình cha mẹ là người Việt, không thông thạo ngôn ngữ sẽ có những hạn chế nhất định trong việc hòa nhập. Tiếp xúc xã hội hạn chế, cơ hội được giao lưu với người Pháp hầu hết chỉ trông cậy vào trường học, tuy thế hạn chế có thể lại chính là động lực.

Con gái của anh Nguyễn Văn Dũng, chị Nguyễn Thị Thu Thủy giờ đã là tiến sĩ hóa học, con trai anh chị cũng đã là kỹ thuật viên tại sân bay Roissy của Pháp. Ngôi nhà của anh chị cuối tuần vẫn rộn rã tiếng xay thịt gói giò, tiếng nói cười rổn rảng hơi quá độ của người thôn quê, mảnh vườn nhà vẫn trồng đủ cả loại rau để tự cung tự cấp nhưng ẩn sau vẻ chất phác ấy, là niềm tự hào không thể giấu.

Thị trưởng thành phố Vitré, bà Isabelle Le Callennec đã chia sẻ với tôi rằng “không thể phủ nhận sự xuất hiện của những người Việt tại Vitré ban đầu là một sự lạ lẫm cho người dân thành phố nhưng rồi tôi tự hào vì có họ trong thành phố của mình. Một cộng đồng bình tĩnh hòa nhập, nỗ lực hòa nhập trong sự cố gắng để vươn lên. Ở Vitré, họ là một thí dụ tốt cho sự hòa nhập và làm giàu có thêm cho đời sống văn hóa của thành phố”.

Đi đó đây trong nước Pháp, chứng kiến nhiều cách để hòa nhập xã hội của cộng đồng Việt, Vitré là một câu chuyện tôi nghĩ rằng đủ ấm áp, đủ để cảm thấy rằng việc cố gắng vươn lên, cố gắng để giữ hình ảnh của người Việt khi rời ngôi nhà của mình là có thể.

Với làn sóng người Việt đi ra nước ngoài những năm gần đây, sau các nước Đông Âu, Pháp là một bến dừng chân mới. Bến dừng chân nào, tạm bợ hay bền lâu đều có những khoảng nhuôm nhoam, lộn xộn nhất định, tùy vào chính sách của nước sở tại. Tuy thế, mong muốn được sống lương thiện, vươn lên trong sự lương thiện chất phác có lẽ là điều đủ đáng quý.

Cũng vẫn bà thị trưởng thành phố Vitré đã bảo tôi rằng “người Việt kín tiếng hơn các cộng đồng khác, họ chăm chỉ làm việc, tôi nghĩ việc chăm chỉ làm việc và khuyến khích con cái cố gắng hòa nhập là giá trị của họ”.

Giá trị của người Việt là gì? Giá trị ấy giúp chúng ta định vị nhân cách, hình ảnh của dân tộc mình trong cái nhìn của các dân tộc khác ra sao? Trong bối cảnh toàn cầu hóa, đi đâu người ta cũng có thể nhìn thấy những dân tộc, màu da khác nhau sống và làm việc chung. Tấm hộ chiếu màu gì - với tôi chỉ là một phần của câu chuyện - phần còn lại phụ thuộc vào sự thiện lương mà dân tộc ấy để lại nơi mà họ đi qua.

Vâng thì còn chất phác, còn ồn ào nói to, vâng thì vẫn đang trên con đường nỗ lực để tiệm cận tri thức, nhưng chưa ở đâu trên thế giới từ chối sự nỗ lực thiện lương.

Tôi cứ nghĩ, mỗi cộng đồng cố gắng để thiện lương, để lại sự thiện lương như một dấu ấn, cũng là điều đáng quý.

Việt Nam là một tấm bản đồ được xếp bởi những mảnh ghép như trò chơi puzzle, có thể nhiều màu sắc, tầng lớp khác nhau, nhưng bằng chất liệu của sự nỗ lực thiện lương, trọng tín, phải chăng là đáng giá?

9_1-1634736297813.jpg
Cộng đồng người Việt tại thành phố Vitré đã nỗ lực để hòa nhập và giữ bản sắc.