Hạnh phúc bắt nguồn từ cái bụng no

Lần đầu tham dự đám cưới ở Đông Phi, tôi sửng sốt chứng kiến bạn bè cô dâu chú rể tung tiền vào mặt đôi uyên ương, tôi lúng túng khi liên tục có người đút cho mình ăn trong lúc điện thoại chụp ảnh lia lịa chung quanh.

Rót nước cho khách rửa tay trước khi ăn.
Rót nước cho khách rửa tay trước khi ăn.

Từ tục đút thức ăn...

Sau này, tôi mới biết tục lệ ném tiền bắt nguồn từ Nigeria phía tây lục địa. Và mớm đồ ăn là hành động giản đơn nhưng ấm áp nhất mà người dân địa phương có thể mang lại cho nhau. Mọi hạnh phúc đều bắt nguồn từ cái bụng no.

Ra khỏi vùng đất sống quen thuộc là cách nhanh nhất ta tạm bỏ qua các thói quen hay định kiến để tập thích nghi. Ở quê nhà, tôi lớn lên với nhiều nguyên tắc về nếp ăn nếp uống, cho đến ngày tôi đặt chân tới lục địa đen. Ngoài đám cưới, tới ăn ở nhà nào cũng được gia chủ đút cho mấy miếng. Tới trường dự lễ tốt nghiệp sẽ được trẻ em mớm cho ăn. Album đám cưới của gia đình nào cũng gồm loạt ảnh khách tham dự cho nhau ăn. Tặng trẻ em dọc đường món gì, đứa lớn nhất sẽ phủi tay vào quần cái lẹ rồi bẻ hoặc gặm đều chia cho cả nhóm, không quên gửi lại một miếng cảm ơn.

Tại đa phần các quốc gia châu Phi, người dân có thói quen ăn bốc, rửa tay trước khi ăn trở thành một phần tất yếu. Ở Tanzania và Kenya, trước khi vào bữa cơm, một người sẽ hô “Karibu Chakula” (theo nghĩa đen tiếng Swahili là “Chào mừng đồ ăn”). Con cháu rót nước cho người lớn tuổi rửa tay. Khi có khách ghé chơi, chủ nhà rót nước cho khách rửa tay. Trẻ em luôn được nhắc nhở rửa tay trước khi cầu nguyện rồi ngồi vào bàn ăn.

Các hàng quán bên đường luôn có một bình nước “washing station” – điểm/trạm rửa tay. Bốc, vun và nắm đồ ăn chỉ bằng tay phải sao cho khéo léo thực sự là một nghệ thuật. Thời gian ăn cũng kéo dài hơn, ăn để các ngón tay mình chạm vào thực phẩm, để nuôi dưỡng cả dạ dày lẫn tâm trí qua mối giao hòa giữa con người và tự nhiên.

Đồ ăn không chỉ là thực phẩm, chúng còn thể hiện bao sắc thái văn hóa và cách cư dân trân trọng thành quả lao động. Dù ở quốc gia châu Phi nào, tôi luôn nhận ra điểm tương đồng trong bữa ăn của gia đình địa phương: không có giờ cố định, bao giờ nấu xong thì ăn và bữa chủ đạo trong ngày là bữa tối.

Thói quen từ thời đói khổ, nhiều người dân chỉ ăn một bữa tối chính (sáng có thể chỉ một cốc trà nhiều đường kèm miếng bánh chapati - trưa ăn nhẹ hoặc không). Theo chân một gia đình năm người: bảy rưỡi tối khi mấy đứa bé trở về sau buổi nô nghịch tưng bừng, cả nhà bắt đầu lục đục nấu nướng. Phát hiện ra gạo hết, người mẹ sai con đi mua hai lạng gạo và vài món rau củ ngoài chòi tạp hóa xiêu vẹo trong xóm. Hôm có gạo thì cạn muối. Hôm có cả hai thì thiếu dầu. Không cần nhiều dụng cụ, ba lõi nồi, một con dao và chiếc muôi gỗ cũng đủ cho góc bếp tí tách thơm lừng gia vị. Đồ ăn nơi đây mang ảnh hưởng từ ẩm thực từ Trung Đông và cộng đồng gốc Ấn Độ. Món chính để no bụng là cơm.

Khách nên chừa lại chút đồ ăn trong đĩa riêng thể hiện “tôi no rồi” nếu không muốn được trút thêm một núi cơm mới. Từ “ăn” trong tiếng Malagasy tại Madagascar là “mihinam vary” - ăn cơm, tương tự ở Việt Nam. Thi thoảng nhớ phong vị Phi châu, tôi cắm nồi điện, cho thêm chút dầu và muối vào khi cơm sôi rồi ngồi xếp bằng ăn một mình, không còn thấy món giản dị ấy ngon ngọt như trong những căn phòng đèn nhập nhoạng hòa tiếng nhạc Bongo Flava ngày nào.

Ở các vùng đô thị lục địa đen, ăn cơm ăn thịt và to béo bụng phệ là dấu hiệu của sung túc, rau đậu dành cho người nghèo. Một số tộc từ Nigeria hay Mauritania duy trì tục “vỗ béo” con gái trước đám cưới bởi kích cỡ của cô dâu sẽ xác định vị trí của nàng trong trái tim chồng. Phụ nữ đầy đặn ba vòng nở nang mới là chuẩn đẹp.

Tôi từng dẫn một nhóm sinh viên Mỹ sang vùng núi Kilimanjaro tình nguyện, trong đó có các em gốc Á mảnh khảnh. Về tới làng, vài em hỏi “nghèo quá, thế ở đây họ có cái gì ăn không, họ có tắm không?”. Tôi đáp “họ chỉ có nước sạch và đồ ăn không hóa chất thôi”. Đợt sau tôi trở lại, mấy bà lão trong làng hỏi “bọn nó ở Mỹ mà lại nghèo không đủ ăn hả con, sao gầy thế!”.

Hạnh phúc bắt nguồn từ cái bụng no -0
 Đút thức ăn cho người khác thể hiện sự tôn trọng và mến khách.

Đến “ăn tùy duyên”

Tới bất kỳ mảnh đất nào, tôi thích ghé thăm chợ, trường học và bến xe, thậm chí bệnh viện. Tôi hiếm khi từ chối cơ hội đi chợ với các bà các mẹ. Chợ trời châu Phi đánh thức tất cả các giác quan với ngàn thứ mùi lưu cữu hòa màu nắng, màu sơn tường, màu áo quần và nông sản. Nhiều người đi bộ từ làng xa ra chợ, đội trên đầu vài quần jeans cũ, chục củ sắn nướng và một rổ cam con con. Ngót dạ sau hồi buôn chuyện, các cô các chị bèn bỏ sắn và cam ra ăn. Riêng quần áo hôm nay chưa bán mai lại ra, đơn giản vì từ quầy cố định cho tới người bán dạo, ai cũng chung một mặt hàng Mitumba-quần áo cũ.

Điệu cười ở lục địa đen mang nhiều sắc thái và đi chợ quan sát người cười sảng khoái cũng là một niềm vui nho nhỏ. Đàn ông vỗ vai hay đấm tay nhau cười khùng khục như tiếng động cơ xe máy bodaboda. Phụ nữ vỗ đét hai lòng bàn tay kêu “Ha!” trước khi phá lên cười ha hả tựa tiếng sếu đầu đỏ bên hồ nước. Còn trẻ em cười? Tôi không đủ từ ngữ để diễn tả. Thường thì cả khách lẫn người dân cười cùng nhau, tiếng cười xóa nhòa khoảng cách.

Cho tới lần đi chợ cùng Tonderai, tôi đã hiểu cảm giác tất cả cùng cười, trừ mình. “Mchina Mzungu** (biệt danh cho người nước ngoài) hehehe hahaha hohoho!”. “Mọi người cười em phải không? Chuyện gì vậy?”. “Anh chịu, cô là người nước ngoài, kiểu gì cũng nhìn ra cái để cười”. Tiếp xúc ban đầu của tôi với văn hóa Phi châu đã diễn ra như vậy, thông qua những trận cười. Cư dân từ Uganda, Kenya, Nam Phi và Zimbabwe là những người hài hước nhất mà tôi từng gặp. Lớn lên ở những đất nước với quá khứ nhọc nhằn, khi cười là lựa chọn duy nhất, chúng dường như trở thành một bản năng sinh tồn.

Lục địa đen đã dạy tôi nhiều bài học khác về bản năng sinh tồn ngoài khả năng hài hước hóa mọi vấn đề. Lần đầu sống cùng một gia đình ở nông thôn Tanzania và chật vật nấu nướng với diêm, tôi về Việt Nam hoan hỉ mua bật lửa sang tặng. Diêm ở Tanzania và Kenya không đến nỗi, sang Uganda chúng mảnh như que tăm, có khi làm gãy nửa hộp tôi mới châm nổi một que cháy vèo vài giây.

Khi không còn cảnh rón rén mở diêm lại đến cảnh bật lửa hết gas tìm khắp nơi không chỗ bơm. Vứt đi thì biết thứ đồ nhựa mình mang sang sẽ nằm lại vĩnh viễn trong lòng đất khi ở các đô thị nhỏ, nơi hệ thống xử lý rác thải hầu như là số không. Để lại có thể gây tai nạn cho trẻ em tò mò đốt. Xài xong không để lại một cọng rác từ lõi tới vỏ, giá thành siêu rẻ và bán ở mọi ngõ ngách từ miền quê tới thị thành. Lâu nay có ai phàn nàn nửa lời khi dùng diêm? Chỉ đứa bé tôi ưa tiện lợi nhận một bài học về lòng tốt ảo. Sau này, kỹ năng dùng diêm của tôi cải thiện đáng kể, bạn hỏi thăm tôi còn đáp mình học được loại thiền mới - thiền diêm. Khi cây nến hay bó củi là gia tài bé nhỏ trong những tối mất điện và chuyện vui luôn có lúc lắng xuống, trầm ngâm lặng nhìn ánh lửa là tất cả những gì chúng tôi làm.

Ngọn lửa trong màn đêm khiến người muốn quây quần và mở lòng bên nhau. Dùng nến mới biết tiết kiệm lúc có điện. Đi xa xách nước mới biết nâng niu từng giọt. Qua nhiều tháng nắng dài mới biết niềm vui ngày mưa xuống. Lúc đói mới biết trân quý miếng ăn đạm bạc nhất. Tôi luôn biết ơn châu Phi vì những bài học vỡ lòng ấy.

Tôi từng ăn chay trường trong vài năm vì nhiều lý do liên quan tới môi trường và động vật. Những giai đoạn thuần chay khi được tự nấu, tôi là Vegan. Giai đoạn sử dụng trứng và sữa lúc lang thang trên đường, tôi là Vegetarian. Tới ngày qua châu Phi, tôi thành Flexitarian người có gì ăn nấy. Ở mảnh đất này, flexitarian tức ăn tùy duyên, đất hào phóng cho gì, người thơm thảo mời gì, tôi đều cố gắng nhận. Không kén chọn, không đòi hỏi, không chê bai, không phán xét. Người dân dù khó khăn tới đâu đều cố gắng tiếp đãi khách bằng những gì tốt nhất gia đình có. Từ chối đồ ăn gia chủ mời là một sự xúc phạm lớn trong văn hóa lục địa đen.

Chay hay mặn không làm nên phẩm hạnh của một người. Cây cỏ hay con vật đều mang linh hồn. Những ngày vào các khu bảo tồn tận mắt chứng kiến cảnh thú săn mồi, ngày thức dậy thấy đàn thỏ mình nuôi trong chuồng bị chó cắn chết hết, ngày cúi đầu hổ thẹn đi qua những ánh mắt của cái đói dai dẳng trên hè phố, ngày hoan hỉ theo các bà các mẹ đi chợ về nấu nướng, tôi phải chấp nhận quy luật sinh diệt, học cách trân trọng thực phẩm và biết ơn cuộc sống này hơn bao giờ hết. Khi ta nhận ra mình cần cái ăn hơn đòi món thịnh soạn, cần chỗ ngủ hơn đòi giường tiện nghi, ta thấy mình đang dần về miền sống đơn giản và thanh thản hơn.