Nỗi niềm “chợ đuội”

Có những điệp khúc nghe có vẻ buồn, song không phải than thở. Như câu cửa miệng “chợ đuội” của người Việt tại Nga. Đúng là tình hình buôn bán ngày một khó khăn, nhưng thường thì họ sẽ thích nghi và vượt khó được. Nỗi lo đó theo thời gian trở nên quen thuộc và nguôi dần. Còn một nỗi lo khác thường trực hơn, mang tên “tương lai con cái”.
0:00 / 0:00
0:00
Quân bán hàng trong chợ.
Quân bán hàng trong chợ.

Đừng như bố mẹ

Khi những đợt tuyết cuối cùng của mùa đông khép lại, ánh nắng sưởi ấm dần vùng thủ phủ đất đen Voronezh, miền nam nước Nga, anh Nguyễn Mạnh Hoài mới thấy đỡ cực. Trải qua khoảng 20 năm ở nước Nga, anh rút ra được đôi điều, rằng nếu không có tinh thần thép, thì chắc không trụ nổi qua từng ấy mùa đông lạnh giá. Bán hàng ngoài trời tại khu chợ Ostuzheva 47 của cộng đồng người Việt ở Voronezh, miêu tả về tuổi trẻ của mình, anh Hoài (34 tuổi) gói gọn trong mấy chữ: Quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời.

Sáng sớm ở chợ, tối muộn mới về. Có những tuần tận bốn ngày không gặp con, vì rời khỏi nhà khi con chưa dậy và về lúc con đã ngủ say. Cái vất vả đó, cái cực khổ đó anh Hoài và vợ chịu được. Và nhiều ông bố, bà mẹ người Việt tại thành phố của anh, hay nhiều thành phố khác chịu được. Nhưng họ không muốn con mình phải trải qua cảnh đó. “Tuyệt nhiên là vậy”, anh Hoài nói.

Cái mong muốn đó trong anh Hoài lớn lắm, dù chưa đến nỗi cực đoan. Cứ mỗi mùa hè, khi trường học tạm nghỉ, anh buộc phải để con ra chợ chơi, quanh quẩn bên những chiếc bàn bày ti tỉ thứ hàng hóa. Chúng chắc phần nào đó hiểu được cuộc sống của bố mẹ. Trong những câu chuyện hằng ngày, anh thường tỉ tê với các con, rằng nếu muốn một cuộc sống sung sướng hơn, thì cố gắng học hành, để tìm công việc đỡ vất vả hơn.

Hiện có khoảng vài trăm đứa trẻ là thế hệ thứ hai, thứ ba trong cộng đồng người Việt đang sinh sống, học tập ở Voronezh. Không phải bạn nào bố mẹ cũng cho ra chợ vào ngày cuối tuần, hay dịp hè không đến lớp. Nhiều người không muốn con mình tiếp xúc với môi trường chợ búa quá sớm. Bên cạnh nỗi lo đồng tiền ảnh hưởng quá trình trưởng thành của trẻ, thì từ sâu trong tâm, họ mong con mình có thể kiếm một công việc khác nhẹ nhàng hơn, khi đã được đầu tư học hành bài bản.

Nỗi lo tương lai con cái ở đâu chắc cũng như nhau. Với người Việt ở Nga, nỗi lo ấy thường trực và thúc giục hơn khi con lớn lên, trong một môi trường bố mẹ ít có thời gian dành cho bọn nhỏ. Sự bất an đó đặt nhiều gia đình trước quyết định về, ở. Anh Hoài ít ra còn được đồng hành cùng con cái. Có những người như anh Mạnh, chị Lê buộc phải gửi con trai lớn về Việt Nam ở với ông bà, vì sợ những bấp bênh của cuộc sống xa xứ. Anh Mạnh không muốn con mình lớn lên, rồi lại đi chợ như không ít những đứa trẻ khác.

Ông Chu Văn Thảo (quê Nghệ An), đã đưa cả ba người con của mình sang Nga, quyết tâm đầu tư cho con ăn học. Cô con gái lớn tốt nghiệp đại học chuyên ngành kinh tế, hiện định cư Thụy Điển. Cậu con trai thứ hai hoàn thành chương trình cao học ngành luật, cố gắng về Hà Nội lập nghiệp. Ông Thảo tự hào về việc đó. Tự hào vì mục tiêu của gia đình luôn được chú trọng, để thế hệ sau phải hơn thế hệ trước. Chỉ có người con trai út xác định không thể học, đã đề đạt nguyện vọng sang hỗ trợ bố mẹ công việc chợ búa.

“Con không thể học thì mình phải chấp nhận, chứ gia đình luôn định hướng con cái không trụ lại chợ. Đầu tư cho con học hành để phát triển thế hệ này và các thế hệ sau nữa, có như thế xã hội mới phát triển lên”, ông Thảo nói. Ông cũng không mong nhận định “chỉ khoảng 10% số gia đình trong chợ cho con đi học đại học” là đúng. Nhưng không khó để tìm ra những em chưa xong lớp 9 đã nghỉ học để đi chợ. Theo ông Thảo, trong việc này, có lỗi của cả bố mẹ.

Ông Thảo giải thích, lỗi đó xuất phát từ tư duy học rồi cũng chỉ để kiếm tiền, trong khi đi chợ cũng là làm kinh tế. Suy nghĩ đó của các bậc phụ huynh không chỉ khiến nhiều gia đình không quyết tâm đầu tư cho con học hành, mà còn vô tình áp đặt con trẻ về việc học xong cũng chỉ đi chợ. Nhiều gia đình thậm chí còn muốn thay vì đầu tư cho con học đại học, số tiền đó để dành làm vốn cho con làm ăn.

Sống qua áp lực

Những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ 20, khoảng 700 người Việt Nam đã đặt chân đến thành phố Voronezh theo dạng hợp đồng lao động. Làm việc trong các nhà máy, nhưng sự nhanh nhạy giúp họ kiếm thêm thu nhập, từ những chiếc quần, chiếc áo cầm tay đứng bán ở chợ. Cộng đồng nhìn nhau làm, rồi cùng hình thành nên một khu chợ của người Việt. Từ chợ ngoài trời quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, cộng đồng giờ đây đã có khu chợ Ostuzheva 47 hai tầng, đèn điện, lò sưởi lúc nào cũng sáng sủa, ấm cúng.

Nỗi niềm “chợ đuội” ảnh 1

Khu chợ Ostuzheva 47 của cộng đồng người Việt ở Voronezh.

Đã gần 35 năm, những con người đầu tiên đặt chân đến Voronezh thời đó giờ không còn trụ lại nhiều. Đã thêm nhiều người mới đến, nhiều gia đình chuyển đi. Nhưng chợ luôn được duy trì, với cộng đồng khoảng 1.000 người. Trong số những người đứng ốt hiện nay, có Quân, có Thành và những người bạn cùng lứa, là con em trong chợ sở hữu nhiều tấm bằng đại học.

Phạm Hồng Quân năm nay 31 tuổi, đã lập gia đình. Quân học phổ thông, rồi tốt nghiệp đại học ở Nga, sau đó về Việt Nam thử sức lập nghiệp. Chuyến nam tiến dù nhìn thấy nhiều cơ hội, song cũng không đi đến đâu. Thêm nhiều lý do cá nhân, gia đình, Quân quyết định trở lại Nga, tìm việc trong những công ty sở tại. Rồi nói như Quân, “công việc linh tinh lắm và lương thì thấp” cuối cùng khiến Quân quyết định trở về tiếp quản cơ ngơi mấy chục năm của bố mẹ ở chợ. Vợ Quân, cũng có tiếng học giỏi, nhưng Quân bảo rồi chắc cũng ra chợ. Quân hài lòng với cuộc sống hiện tại và không để ý đến những lời nói ra nói vào chung quanh.

“Chợ đuội”, nhưng ốt của Nguyễn Viết Thành (sinh năm 1992) vẫn đông khách, với nhiều mặt hàng quần áo rằn ri, đồ câu, đồ đi rừng. Tốt nghiệp đại học chuyên ngành kinh tế, Thành báo mẹ quyết định đi chợ. Bố mất khi Thành mới năm ba đại học, em gái còn bé, nhìn thấy mẹ vất vả, Thành đã suy nghĩ nghiêm túc về quyết định này từ hồi đó.

Cũng như Quân, Thành chịu nhiều áp lực từ cả gia đình và cộng đồng. Khi mới ra phụ mẹ, Thành nhận nhiều câu hỏi, rằng “sao có bằng đại học lại ra chợ”. Thành sống trong mớ thắc mắc đó ba, bốn năm liền. “Hầu như ngày nào cũng nghe câu hỏi đó. Nhưng bản thân không muốn nghĩ gì nhiều. Mình kệ, cứ làm thôi. Quan trọng là mình biết bản thân đứng ở đâu”, Thành thổ lộ. Với Thành, tiếp nối cơ ngơi của bố mẹ cũng là trách nhiệm của mình. Anh không muốn mẹ tiếp tục phải bám chợ, khi tuổi ngày đã một nhiều.

Nhưng Thành không dừng lại ở đó. Thành coi cơ sở mà bố mẹ đã tâm huyết gây dựng mấy chục năm nay là nguồn hàng phong phú và điều kiện tốt để anh triển khai những kênh bán hàng khác. Thành mở cửa hàng online, tìm thêm nhiều nguồn hàng mới, trong khi vẫn duy trì những mối quan hệ cũ của gia đình. Anh coi chợ là bệ đỡ và nền móng để anh thực hiện những dự định mới. Hiện, Thành có cả cửa hàng bán đồ thực phẩm châu Á và đang ấp ủ những dự định mới mẻ hơn.

Chị Thìn đứng nhìn Thành bán hàng, gật gù. Làm dịch vụ vận chuyển hàng cho các tiểu thương trong chợ, chị Thìn mường tượng được những thành công bước đầu của Thành, khi có những chuyến xe chủ yếu là hàng của “cậu chủ 32 tuổi”. Chị bảo, học xong ra chợ như Thành thì không có gì là phí cả. Nó chỉ phí khi bản thân người đó quá ì ạch và không áp dụng được những kiến thức đã học vào công việc kinh doanh.

“Không có những bạn như Quân, Thành, thì cộng đồng cũng khó duy trì. Chúng tôi tự hào về thế hệ này. Một thế hệ được đầu tư ăn học bài bản, đến nơi đến chốn. Quan trọng nhất, các em với vốn tiếng Nga như người bản địa và tư duy làm ăn mới mẻ, đang dần giúp những người Nga có cái nhìn khác về người đi chợ”, chị Thìn phấn chấn.

*

Tiếp xong đợt khách, Thành ngồi trước cửa hàng, mắt nhìn sang phía đối diện, lại trầm tư. Kiến thức trên ghế đại học cùng những va chạm thương trường mấy năm nay giúp chàng thanh niên 32 tuổi kế nghiệp công việc chợ búa của gia đình một cách thuận lợi. Từ bệ phóng đó, Thành quyết tâm nắm bắt cơ hội và làm giàu trên chính khu chợ, nơi mà nhiều người nghĩ rằng đang dần hết thời và khó đi lên.

Nỗi niềm “chợ đuội” ảnh 2

Thành ngồi trước gian hàng của mình trong chợ.