Xu hướng

Châu Âu: Làn sóng tị nạn dâng cao

Số người chạy trốn khỏi cuộc xung đột Nga-Ukraine đã lên đến 1,5 triệu người, khiến nó trở thành cuộc khủng hoảng tị nạn gia tăng nhanh nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai, Liên hợp quốc cho biết ngày 6/3. “Hơn 1,5 triệu người tị nạn từ Ukraine đã sang các nước láng giềng trong 10 ngày”, người đứng đầu Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) Filippo Grandi viết trên Twitter.

Châu Âu: Làn sóng tị nạn dâng cao

Cả tuần nay, thế giới đã chứng kiến những gia đình tranh nhau lên tàu trong đám đông hỗn loạn, những người cha hôn tạm biệt con cái qua cửa kính ô-tô, nhìn thấy sự bàng hoàng và kiệt sức trên khuôn mặt của những người đã đến nơi an toàn. Hầu hết người Ukraine rời khỏi đất nước của họ đang đi về phía tây đến Ba Lan, Moldova, Slovakia, Romania và Hungary, những quốc gia đã mở cửa biên giới cho những người đang đi lánh nạn.

Hàng trăm người Ukraine đến Przemysl, một thành phố ở miền đông Ba Lan, sau vài giờ bị trì hoãn, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em, nhiều người kiệt sức và khóc. Tại Medyka, cửa khẩu biên giới gần đó, hàng chục nghìn người Ukraine cũng như người nước ngoài trốn khỏi Ukraine xếp hàng trong giá lạnh phía bên kia biên giới. Nhiều người đã bỏ lại xe ô-tô khi đường tắc nghẽn và tiếp tục đi bộ. Một tay cầm túi, tay kia bế con gái nhỏ và địu một đứa khác, cô Anastasia nói rằng đã đi bộ 17 km để đến biên giới. 

Rất nhiều người Ba Lan, người Ukraine sống ở Ba Lan và những người châu Âu đã đến các ngã tư, cung cấp dịch vụ vận chuyển và nhà ở miễn phí. Xe buýt đưa những người mới đến trường học và nhà thi đấu thể thao, hiện là nơi ở tạm cho những người sơ tán. Các tình nguyện viên phân phát quần áo, thẻ sim, tã lót và thực phẩm.  Đến nhưng ngày đầu tháng 3, theo Guardian, đã có hơn 756 nghìn người đã nhập cảnh vào Ba Lan. Các tổ chức cứu trợ của Ba Lan làm việc tại biên giới cho biết nguồn lực của họ đang bị trải rộng đến mức có nguy cơ đổ vỡ.

Hungary chứng kiến số lượng người Ukraine tìm kiếm nơi ẩn náu cao thứ hai, với hơn 157 nghìn người. Cô Albina, 42 tuổi và con gái 12 tuổi, ngồi kiệt sức trên những chiếc ghế nhựa ở làng Lónya, gần biên giới Hungary. Cô cho biết cô và con gái đã ngủ trong xe hơi của họ trong một bãi đậu xe ngầm trong hai ngày khi bom rơi. “Khi thấy tình hình ngày càng tồi tệ, tôi nghĩ chúng tôi nên bỏ chạy vì tôi lo sợ cho tính mạng của mình và của con mình”, cô nói và khóc. Xung quanh cô, nhiều người dân địa phương đang giúp đỡ những người sơ tán vào làng.

Ủy ban châu Âu vào đầu tháng 3, đã thông báo EU đang thiết lập các trung tâm nhân đạo ở các nước thành viên phía đông gồm Ba Lan, Romania và Slovakia, đồng thời chuẩn bị các kho dự trữ y tế để gửi đến các trung tâm này nhằm hỗ trợ Ukraine. Ông Janez Lenarcic, Ủy viên phụ trách quản lý khủng hoảng của EU cho biết vẫn còn nhiều người tại quốc gia Đông Âu này đang cần hỗ trợ. Ông kêu gọi thiết lập “các hành lang nhân đạo bảo đảm việc đi lại tự do và an toàn cho dân thường cũng như vận chuyển viện trợ nhân đạo”.

Tổng Giám đốc Tổ chức y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus bày tỏ quan ngại nghiêm trọng trước tình hình nhân đạo ngày càng tồi tệ. WHO cho biết đã triển khai nhân viên tới Moldova, Ba Lan và Romania “để mở rộng năng lực ứng phó của các văn phòng nước mình, bao gồm hoạt động tham gia với các đối tác và hỗ trợ chính phủ (Ukraine) về ứng phó các vấn đề y tế”. Tổ chức này cũng đã huy động hậu cần để thiết lập một trung tâm hoạt động ở nước láng giềng Ba Lan và giúp bảo đảm các hành lang trên đất liền “để tạo điều kiện di chuyển nhanh chóng các nguồn cung cấp đến những người dân bị ảnh hưởng”.

Đây là cuộc khủng hoảng tị nạn mà châu Âu hy vọng sẽ không bao giờ gặp lại. Cơ quan tị nạn của Liên hợp quốc cho biết gần hai triệu người đã rời Ukraine kể từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga bắt đầu. Khoảng 2/3 là đến Ba Lan, còn lại là Hungary, Moldova, Romania và Slovakia. Cao ủy quản lý khủng hoảng của EU ước tính bốn triệu người có thể rời khỏi Ukraine trong năm tháng tới. Hàng triệu người khác sẽ phải sơ tán đến phía tây của đất nước, nơi mà nhiều người hy vọng sẽ thoát khỏi xung đột vũ trang. UNHCR cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng nhân đạo chỉ mới bắt đầu. 

Vào ngày 3/3, EU đã kích hoạt quy chế bảo vệ tạm thời (được thông qua vào năm 2001 nhưng chưa bao giờ được sử dụng), cho phép người Ukraine ở lại EU trong ba năm. Quy chế này sẽ mang lại cho người tị nạn các quyền lợi như giáo dục, việc làm, chăm sóc y tế, nhưng không bao gồm những người không phải là người Ukraine. Quyết định này được Ylva Johansson, Cao ủy châu Âu về các vấn đề trong nước, mô tả là “lịch sử” và là một “ngày trọng đại”. Tuy nhiên bà cũng lưu ý: “Chúng ta không nên ngây thơ. Hàng triệu triệu người tị nạn Ukraine tất nhiên sẽ mang lại một thách thức cho xã hội chúng ta”.

UNHCR đã hoan nghênh những nỗ lực trên khắp châu Âu để đối phó với cuộc khủng hoảng người tị nạn nhưng kêu gọi tình đoàn kết hiện tại cần được duy trì trong suốt những tháng tới và có khả năng là thời gian dài khi bạo lực leo thang bên trong Ukraine.

Các biên giới của EU, vốn đã dần đóng cửa đối với hầu hết người tị nạn kể từ khi một làn sóng  tị nạn lớn từ Syria và Afghanistan vào năm 2015-2016, đang mở ra cho người Ukraine. Bà Mariusz Kaminski, Bộ trưởng Nội vụ cho biết: Ba Lan, nơi sinh sống của gần 1,5 triệu người Ukraine, sẽ cung cấp cho “mọi người tị nạn từ Ukraine” nơi trú ẩn và trợ giúp. Kể từ năm 2017, người Ukraine đã được đi du lịch miễn thị thực EU trong 90 ngày, có nghĩa là họ không cần xin tị nạn tại quốc gia EU đầu tiên mà họ nhập cảnh. 

Nhưng những người nước ngoài chạy trốn khỏi Ukraine, đặc biệt là những người không phải là người da trắng, cho biết họ bị phân biệt đối xử. Ukraine là nơi sinh sống của hàng nghìn sinh viên và công nhân đến từ châu Phi và Nam Á. Những người không phải là người Ukraine chiếm 10% trong số những người đến Moldova lần đầu. Ở Przemysl, những thanh niên đeo mặt nạ đã quấy rối những người di cư và nhân viên cứu trợ da đen.

Anh Jean-Jacques Kabea, một sinh viên dược người Congo sống tại thành phố Lvov của Ukraine nói với Euronews đã đến biên giới Ukraine và Ba Lan, nhưng những người nước ngoài gốc Phi gặp khó khăn khi vượt biên. Chúng tôi đứng từ sáng đến tối trong giá lạnh, không có thức ăn.” Jean-Jacques hiện đã trở lại Lvov, nơi anh hy vọng Đại sứ Congo tại Đức sẽ giúp anh bảo đảm việc đi lại an toàn qua biên giới Ukraine. “Tôi cùng với 40 sinh viên Congo đã đến đây học và giờ phải đối mặt với tình hình này. Chúng tôi bị từ chối xuất cảnh, chúng tôi có thể làm gì?”.

Chính phủ Ba Lan trước đó chi hàng trăm triệu đô la cho một bức tường biên giới, một dự án được bắt đầu sau khi những người tị nạn và di cư từ Trung Đông cố gắng đến đất nước vào cuối năm ngoái nhưng cuối cùng lại bị kẹt lại ở nước láng giềng Belarus. Thủ tướng Bulgaria Kiril Petkov cho rằng: “Những người này thông minh, họ là những người có học. Đây không phải là làn sóng tị nạn mà chúng ta đã quen...”.

Châu Âu: Làn sóng tị nạn dâng cao -0
Ảnh trong bài: Người dân Ukraine phải sơ tán do xung đột vũ trang. Ảnh | New York Times 

Ít nhất 1,3 triệu người - chủ yếu đến từ Syria, Iraq và Afghanistan - đã nộp đơn xin tị nạn ở châu Âu vào năm 2015 trong cuộc khủng hoảng người tị nạn tồi tệ nhất kể từ Thế chiến thứ hai, tạo ra phản ứng dữ dội và mâu thuẫn ở nhiều quốc gia trên khắp thế giới và đặc biệt lục địa châu Âu.

Các chuyên gia nhân đạo đã đưa ra những lo ngại về tương lai của hàng triệu người tị nạn khác đang mắc kẹt tại các biên giới châu Âu khác, những người đã không được hưởng tình đoàn kết và lòng hiếu khách đang được thể hiện với người Ukraine. 

Ông Jeff Crisp tại Trung tâm Nghiên cứu Người tị nạn của Đại học Oxford nói: “Những gì đang diễn ra sẽ kiểm tra quyết tâm và năng lực của cơ sở hạ tầng dành cho người tị nạn toàn cầu. Chúng ta phải chuẩn bị cho những gì sắp đến”.