Khó hóa giải

Không sớm thì muộn cũng phải ngừng xung đột

Khói bốc lên ở Khan Yunis sau cuộc không kích của Israel vào phía nam dải Gaza ngày 12-5. Ảnh: AFP
Khói bốc lên ở Khan Yunis sau cuộc không kích của Israel vào phía nam dải Gaza ngày 12-5. Ảnh: AFP

Khi Israel và lực lượng Hamas ở dải Gaza đạt được thỏa thuận ngừng bắn, tạm thời chấm dứt những cuộc đấu rocket và ném bom khốc liệt diễn ra trong nhiều ngày khiến hai bên thiệt hại nặng nề, có thể nghe thấy những tiếng thở phào nhẹ nhõm từ Trung Đông cho đến bên kia Đại Tây Dương.

Cho đến lúc đạt được thỏa thuận, phía Israel đã phát động gần 2.000 đợt tấn công bằng cả lực lượng không quân và lục quân nhằm vào các mục tiêu của Hamas ở dải Gaza. Tổ chức vũ trang Hamas cũng phóng tổng cộng hơn 3.800 quả rocket vào nhiều thành phố, các khu dân cư và nhiều mục tiêu khác ở Israel và cho dù phần lớn trong số này bị hệ thống phòng thủ Vòm Sắt của Tel Aviv bắn hạ thì con số thiệt hại của phía Israel cũng không hề nhỏ.

Cuộc xung đột quân sự đã đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực Trung Đông. Nhận thức rõ nguy cơ, các nước Arab trong khu vực, dù đứng ở phía nào trong cuộc chiến, đều lên tiếng kêu gọi hai bên phải ngừng xung đột ngay lập tức nhằm tránh gây thêm thương vong cho người dân.

Xung đột nếu tiếp tục kéo dài và lan rộng có nguy cơ kéo cả khu vực vào tình trạng bất ổn kéo dài, trong khi các nước đều đang phải căng mình chống dịch Covid-19, nếu có vượt qua được thì cũng phải bước vào công cuộc tái thiết và hồi phục kinh tế sau đại dịch.

Trong số đó, Ai Cập, quốc gia láng giềng của cả Israel và Palestine, lâu nay vốn đã đóng vai trò trung gian hòa giải giữa Israel và Palestine, vào thời điểm then chốt đã tích cực tham gia vào tiến trình đàm phát giữa hai bên, thúc đẩy thành công việc đạt được một thỏa thuận ngừng bắn.

Một nguyên nhân quan trọng khác khiến cho cuộc chiến giữa Hamas với Israel sớm đi tới ngừng bắn là bản thân trong nội bộ Palestine chia ra nhiều phe phái khác nhau. Hamas chỉ là bộ phận quân sự của Palestine. Cánh Fatah, lực lượng chính trị có khuynh hướng ôn hòa của người Palestine không chủ trương gây xung đột quân sự với Israel mà muốn giải quyết vấn đề Palestine thông qua các giải pháp chính trị, tránh cho người Palestine những thiệt hại lớn hơn trong bối cảnh hai bên quá chênh lệch về sức mạnh thực tế.

Bản thân những quốc gia Hồi giáo lớn trong khu vực, mặc dù cạnh tranh ảnh hưởng gay gắt, cũng phải quan tâm tính toán đến mối quan hệ với Mỹ, quốc gia bảo trợ cho Israel bấy lâu nay, nên không thể ra mặt công khai ủng hộ Hamas một cách thực chất. Lực lượng này, vì vậy, cũng không thể kéo dài mãi cuộc xung đột với một đối thủ có tiềm lực quân sự và công nghệ lớn hơn mình gấp nhiều lần.

Cuối cùng, cả Israel và Hamas đều hiểu rằng xung đột quân sự trực tiếp chỉ có thể gây thương vong cho hai phía mà không đi tới bất cứ một giải pháp triệt để nào.

Các yếu tố đó cho thấy xung đột Israel-Hamas sớm muộn sẽ phải chấm dứt.

Vai trò mờ nhạt của Mỹ

Cũng như bất cứ một cuộc xung đột nào từng diễn ra trước đây giữa Palestine với Israel, không thể không tính đến vai trò của Mỹ, quốc gia được coi là thường xuyên thiên vị Israel và là chỗ dựa vững chắc nhất của Tel Aviv. Những năm gần đây, Mỹ đã hỗ trợ trực tiếp gần 150 tỷ USD cho Israel, một phần trong đó nằm trong các gói bán vũ khí.

Trong chính sách của Mỹ, Israel luôn là một đồng minh đáng tin cậy, một quân bài chiến lược trên bàn cờ địa chính trị khu vực Trung Đông. Bởi vậy mà sự ủng hộ của Washington đối với Israel thực chất vẫn không thay đổi cho dù ai tại vị trong Nhà Trắng. Ngay cả những chính quyền Mỹ mà Tổng thống là người thuộc Đảng Dân chủ, sự ủng hộ của Washington với Israel vẫn là xu hướng chính. Năm 2016, khi sắp kết thúc nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama, Mỹ đã chấp thuận cung cấp cho Israel gói viện trợ quân sự kỷ lục trị giá 38 tỷ USD trong 10 năm.

Đến thời chính quyền Tổng thống Donald Trump, sự ủng hộ Israel của Mỹ bước lên một tầm cao mới. Tháng 12-2017, Tổng thống D.Trump tuyên bố Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, đánh dấu một bước chuyển căn bản trong chính sách đối với khu vực này. Năm tháng sau, Mỹ chuyển Đại sứ quán từ Tel Aviv về Jerusalem, hầu như phá vỡ nốt những mối dây liên hệ và thiện cảm cuối cùng của người Palestine đối với vai trò trung gian hòa giải của Mỹ ở Trung Đông.

Sau khi ông Joe Biden vào Nhà Trắng, bất chấp những lời kêu gọi của một vài thành viên Đảng Dân chủ đòi hỏi phải có lập trường cứng rắn hơn đối với Israel, chính quyền Mỹ vẫn tiếp tục đường hướng cơ bản ủng hộ Tel Aviv. Chỉ chưa đầy một tuần trước khi nổ ra xung đột giữa Israel và Hamas, chính quyền Mỹ đã phê chuẩn hợp đồng bán vũ khí dẫn đường chính xác trị giá 735 triệu USD cho Israel và đệ trình lên Quốc hội Mỹ để xem xét thông qua.

Khi cuộc xung đột giữa Hamas và Israel nổ ra và leo thang lên đến đỉnh điểm căng thẳng, chỉ trong vòng một tuần lễ, Mỹ đã ba lần ngăn cản Hội đồng Bảo an LHQ ra Tuyên bố chung kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức. Lý do Mỹ đưa ra là “không thể ủng hộ cách diễn đạt” nội dung dự thảo Tuyên bố chung do Trung Quốc, Na Uy và Tunisia soạn thảo...

Cách tiếp cận của Mỹ là lặng lẽ thực hiện các cuộc tiếp xúc hậu trường với quan chức Israel và các đồng minh Arab của Mỹ trong khu vực nhằm tìm kiếm giải pháp. Tuy vậy, với việc Mỹ coi Hamas là “tổ chức khủng bố”, đồng thời không thay đổi quyết định của Tổng thống Trump đối với Jerusalem, khả năng làm trung gian hòa giải thành công của Mỹ là rất hạn chế.

Cuối cùng thì không phải Mỹ mà chính là Ai Cập, quốc gia duy nhất trong khu vực có quan hệ mật thiết với cả Israel và Hamas, với kinh nghiệm từng ba lần đứng ra dàn xếp thỏa thuận ngừng bắn giữa Hamas với Israel, đã thành công trong việc thúc đẩy cả hai bên đi tới một thỏa thuận ngừng bắn vô điều kiện.

Trong suốt bốn tháng đầu tại vị, ông Biden đã không có bất cứ một kế hoạch điện đàm nào với người đồng cấp Ai Cập, Tổng thống Sisi; vậy nhưng chỉ bốn ngày sau khi Ai Cập thực hiện thành công sứ mệnh hòa giải xung đột Israel-Hamas, ông Biden đã gọi điện cho ông Sisi, cho thấy Washington đã nhìn nhận lại vai trò của Ai Cập, vốn từng là đồng minh của Mỹ, một cách cẩn trọng hơn.

Giấc mộng xa vời

Xung đột Israel-Hamas tạm thời chấm dứt với thỏa thuận ngừng bắn vô điều kiện, tuy nhiên câu hỏi đặt ra là tình trạng ngưng chiến hiện tại sẽ kéo dài đến lúc nào?

Hay nói cách khác, trong bối cảnh lớn hơn, xung đột Israel-Palestine liệu sẽ đi vào quá khứ hay cũng như nhiều lần trước đây, nó chỉ lắng xuống rồi trực chờ bùng nổ mỗi khi có một mồi lửa xúc tác nào đó?

Mồi lửa xúc tác đó, trong cuộc xung đột vừa chấm dứt giữa Hamas với Israel vừa qua, chính là việc cảnh sát Israel đã hành động quá tay với các cuộc biểu tình của người Palestine chống lại việc xua đuổi người dân khỏi một khu dân cư ở phía đông Jerusalem cũng như tiếp cận khu đền thờ Hồi giáo linh thiêng Al-Aqsa. Việc sử dụng hơi cay để giải tán đám đông tại một nhà thờ Hồi giáo trong các buổi cầu nguyện tháng Ramadan của người Hồi giáo là một hành động kích động bạo lực...

Chỉ chờ có thế, xuất phát từ những tính toán chính trị, Hamas lập tức ra tay với các loạt rocket nhằm vào lãnh thổ Israel và khi Tel Aviv phản kích, tình trạng căng thẳng đã vượt khỏi tầm kiểm soát, biến thành xung đột vũ trang.

Và bất chấp một thực tế là cuộc xung đột đã chấm dứt, vấn đề cốt lõi tạo nên mầm mống xung đột vẫn còn đó. Những chính sách của phía Israel cho phép người định cư Do Thái sinh sống trên những vùng đất mà người Palestine cho là của họ, tạo ra một mâu thuẫn căn bản giữa hai phía. Giải pháp “hai nhà nước”, về mặt lý thuyết là lý tưởng, nhưng áp dụng trên thực tế lại là điều không tưởng trong bối cảnh mâu thuẫn Palestine-Israel khó bề hóa giải.

Các bên đã dựa vào mâu thuẫn căn bản này để hành động nhằm tìm kiếm lợi ích chính trị cho mình. Hamas muốn chứng tỏ rằng chỉ có họ, bằng cách nã rocket vào lãnh thổ Israel, mới là lực lượng bảo vệ quyền lợi chính đáng của người Palestine, chứ không phải là cánh chính trị Fatah trong nội bộ người Palestine.

Còn phía Israel, qua hai năm với vài cuộc bầu cử mà chỉ có thể thành lập được một chính phủ liên minh (còn chờ Quốc hội phê duyệt), cũng cần một cuộc khủng hoảng quân sự bên ngoài để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị bên trong.

Việc Israel và Hamas đồng ý tham gia một giải pháp hòa bình, chấm dứt xung đột chỉ là do cả hai phía buộc phải làm, khi đã đạt được các lợi ích chính trị ngắn hạn và thấy rằng kéo dài xung đột quân sự không chỉ gây thêm thương vong mà còn không đi đến đâu.

Mỹ, đặc biệt là dưới chính quyền ông Biden, đã coi hồ sơ Iran mới là ưu tiên hàng đầu trong chính sách Trung Đông. Cách tiếp cận của Mỹ đối với việc giải quyết bất đồng Israel - Palestine sẽ không phải là dốc hết vốn liếng chính trị vào những thỏa thuận hòa bình mà như lịch sử từng cho thấy, được thiết lập rồi lại dễ dàng bị xóa bỏ ngay sau đó; đấy sẽ vẫn là một sự thiên vị Israel ở một mức độ nhất định, còn người Palestine hãy chịu khó nhẫn nại chờ đợi để giấc mơ về một quốc gia của họ ngày càng xa vời.