Việc hoàn thành 19km cuối cùng không chỉ giúp toàn tuyến cao tốc đoạn Diễn Châu-Bãi Vọt được khai thác đồng bộ trên tổng chiều dài 49km, rút ngắn thời gian di chuyển từ Thủ đô Hà Nội về Nghệ An chỉ còn khoảng 3,5 giờ, thay vì hơn 5 giờ như trước. Đây còn là “mảnh ghép” cuối cùng, đánh dấu sự về đích của toàn bộ 11 dự án thành phần thuộc dự án đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông giai đoạn 2017-2020 với tổng chiều dài 652,86km.
Sau khi toàn tuyến cao tốc đoạn Diễn Châu-Bãi Vọt được đưa vào khai thác, các phương tiện được phép lưu thông (với tốc độ tối đa 90km/giờ và tốc độ tối thiểu 60km/giờ) bao gồm: xe ô-tô con, ô-tô khách, ô-tô tải từ 10 tấn trở xuống. Các đối tượng không được tham gia giao thông trên đường ô-tô cao tốc, gồm xe tải trên 10 tấn, xe mô-tô, xe gắn máy, máy kéo, xe máy chuyên dùng có tốc độ từ 70km/giờ trở xuống, xe thô sơ, người đi bộ.
Dự án đường cao tốc Diễn Châu-Bãi Vọt có tổng chiều dài khoảng 49km đi qua địa bàn hai tỉnh Nghệ An (44km), Hà Tĩnh (5km), là một trong 3 dự án thành phần trên tuyến bắc-nam phía đông giai đoạn 2017-2020 được đầu tư theo phương thức đối tác công-tư (PPP); tổng vốn đầu tư 11.157 tỷ đồng. Dự án do Bộ Giao thông vận tải là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Ban Quản lý dự án 6 là cơ quan quản lý dự án.
Nhà đầu tư dự án là Liên danh Công ty Hòa Hiệp - Tập đoàn CIENCO4 - Công ty Núi Hồng - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng VINA 2; doanh nghiệp dự án là Công ty cổ phần Đầu tư Phúc Thành Hưng.
Ngành giao thông “thúc” tiến độ giải ngân, giảm áp lực trong năm tới
“Tuy không phải là dự án có chiều dài lớn nhất nhưng Diễn Châu-Bãi Vọt lại là dự án có địa hình thi công hiểm trở, địa chất phức tạp phải sử dụng nhiều giải pháp kỹ thuật cao, gồm: cầu cạn, cầu vượt sông lớn và hầm xuyên núi…; trong đó, hầm Thần Vũ có chiều dài khoảng 1.100m, là công trình hầm xuyên núi dài thứ hai trên tuyến đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông giai đoạn 2017-2020 (sau hầm Núi Vung trên tuyến Cam Lâm-Vĩnh Hảo)”, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải đánh giá.
Tuyến đường cao tốc Diễn Châu-Bãi Vọt là dự án có địa hình thi công hiểm trở, địa chất phức tạp phải sử dụng nhiều giải pháp kỹ thuật cao. (Ảnh: SỸ HÒA) |
Đây cũng là công trình hầm được triển khai ở công địa hết sức đặc biệt, công tác đào hầm được thực hiện ở lưng chừng núi thay vì ở chân núi như hầu hết các công trình hầm khác trên tuyến. Giai đoạn 1, dự án sẽ khai thác trước 1 ống hầm bên phải tuyến. Ống hầm bên trái đã được đào thông, đổ bê-tông vỏ hầm, phục vụ cứu nạn trong quá trình khai thác giai đoạn 1.
Ngoài ra, dự án còn có hạng mục cầu Hưng Đức có chiều dài hơn 4.000m bắc qua sông Lam, nối tỉnh Nghệ An với Hà Tĩnh, là công trình cầu vượt sông dài nhất trên tuyến cao tốc bắc-nam phía đông. Trên tuyến còn đầu tư 4 công trình cầu vượt địa hình lớn gồm cầu Xuân Dương 2, cầu Thần Vũ 1, cầu Thần Vũ 2, cầu Ồ Ồ. Trong đó, cầu Xuân Dương 2 có trụ cao nhất trên tuyến (52m); cầu Thần Vũ 2 là cầu vượt địa hình có chiều dài lớn nhất với gần 1.300m.
Nỗ lực vượt mọi khó khăn, thách thức, đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông trọng điểm
"Các hạng mục hầm, cầu đặc biệt trên tuyến đi xuyên qua những cánh rừng già, góp phần đưa dự án đường cao tốc đoạn Diễn Châu-Bãi Vọt hòa quyện với thiên nhiên, trở thành một trong những đoạn tuyến sở hữu cảnh quan đẹp nhất trên toàn tuyến cao tốc bắc-nam phía đông giai đoạn 2017-2020", lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cho hay.
“Tuy không phải là dự án có chiều dài lớn nhất nhưng Diễn Châu-Bãi Vọt lại là dự án có địa hình thi công hiểm trở, địa chất phức tạp phải sử dụng nhiều giải pháp kỹ thuật cao, gồm: cầu cạn, cầu vượt sông lớn và hầm xuyên núi…"
Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải
Tuyến cao tốc Diễn Châu-Bãi Vọt là một trong 3 dự án thành phần trên tuyến bắc-nam phía đông giai đoạn 2017-2020 được đầu tư theo phương thức đối tác công-tư (PPP); tổng vốn đầu tư 11.157 tỷ đồng. |
Tạo thuận lợi trong kết nối, trên tuyến cũng được đầu tư 3 nút giao liên thông, gồm: nút giao với đường N5, Km446+00 kết nối ra Quốc lộ 1 và Quốc lộ 7 đi về phía Tây tỉnh Nghệ An; nút giao Quốc lộ 46B, Km459+600 kết nối Quốc lộ 46B đi về thành phố Vinh, đường tránh thành phố Vinh và huyện Nam Đàn; nút giao Quốc lộ 8A, Km497+000 kết nối ra Quốc lộ 1 và lên phía tây qua huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.
Trước đó, được sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, các đơn vị tư vấn và nhà thầu thi công đã nỗ lực khắc phục khó khăn, huy động mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ, đưa vào khai thác 30km đầu tiên (từ đầu tuyến kết nối với dự án thành phần Nghi Sơn-Diễn Châu tại nút giao Quốc lộ 7 đến nút giao Quốc lộ 46B).
Còn lại 19km (từ nút giao Quốc lộ 46B đến cuối tuyến nút giao Quốc lộ 8A) do phạm vi nền đất yếu nhiều, cần thời gian chờ lún, cho đến nay mới hoàn thành các hạng mục trên chính tuyến, đưa vào khai thác từ ngày 30/6/2024.
Việc đưa vào khai thác 19km cuối trên tuyến từ ngày 30/6/2024 nhằm bảo đảm kết nối liên thông cao tốc từ thành phố Hà Nội về đến huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh), khắc phục tình trạng ùn tắc và giảm thiểu tai nạn giao thông trên Quốc lộ 1.