Nghệ An đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm

Tranh thủ thời tiết thuận lợi, các nhà thầu huy động tổng lực nhân lực, máy móc để đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình giao thông trọng điểm, sớm hoàn thành và đưa vào hoạt động. Tỉnh Nghệ An cũng đang chỉ đạo các địa phương quyết liệt thực hiện giải phóng mặt bằng, sớm bàn giao mặt bằng sạch còn lại cho nhà thầu, nhất là Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 7, đoạn Km0-Km 36.
0:00 / 0:00
0:00

Sau khi bàn giao, đưa vào hoạt động hơn 30 km, đoạn cao tốc từ nút giao Quốc lộ 7 (Diễn Châu) đến nút giao Quốc lộ 46B (Hưng Nguyên) dịp 30/4 vừa qua, Công ty cổ phần Đầu tư Phúc Thành Hưng tiếp tục chỉ đạo các nhà thầu tập trung nhân lực, máy móc quyết tâm thông xe hơn 19,3 km đoạn còn lại của cao tốc Diễn Châu-Bãi Vọt.

Trước yêu cầu của Bộ Giao thông vận tải, ngày 30/6/2024 là mốc thời gian phải thông toàn tuyến cao tốc này, buộc các nhà thầu như Công ty TNHH Hòa Hiệp, Công ty CP Tập đoàn CIENCO 4... phải huy động tổng lực, nỗ lực thi công, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ. Vấn đề khó khăn nhất hiện nay đối với các nhà thầu phải thi công những đoạn nền đất yếu, vừa bảo đảm tiến độ, vừa bảo đảm chất lượng công trình.

Theo Giám đốc Công ty TNHH Hòa Hiệp Phạm Đình Hạnh: “Đơn vị đảm nhận thi công gần 10 km trong số 19,3 km còn lại. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, chúng tôi đã huy động tổng lực, triển khai thi công ba ca, bốn kíp để đẩy nhanh tiến độ thảm bê-tông nhựa đoạn qua huyện Hưng Nguyên và mặt cầu Hưng Đức. Riêng 2,2 km qua xã Hưng Tân, huyện Hưng Nguyên, đơn vị phải liên tục theo dõi tải nền đất yếu; những vị trí nào đủ điều kiện sẽ tiến hành dỡ tải ngay, tranh thủ thi công nền, móng và mặt đường”.

Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Phúc Thành Hưng Trương Đức Liên cho biết: Thực tế khối lượng thi công còn lại vẫn còn khá nhiều, nhất là với những đoạn xử lý nền đất yếu.

Chúng tôi luôn bám sát hiện trường, chỉ đạo các nhà thầu chia làm nhiều mũi thi công, đẩy nhanh tiến độ thi công từ cấp phối đến thảm bê-tông nhựa; đoạn nền đất yếu đủ điều kiện dỡ tải, cho triển khai làm ngay. Tiến hành lắp đặt dải phân cách cứng, hệ thống điện và an toàn giao thông ở những đoạn hoàn thành mặt đường; thi công hệ thống lan-can, điện chiếu sáng trên cầu Hưng Đức...

“Chủ đầu tư cùng các nhà thầu đều quyết tâm, thi công bảo đảm tiến độ đường găng dự án, phấn đấu thông xe toàn tuyến cao tốc đúng như chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải”, ông Trương Đức Liên cho biết thêm.

Hiện tại, Nghệ An đang triển khai một số dự án giao thông quan trọng, trong đó có Dự án đường ven biển từ Nghi Sơn (Thanh Hóa) đến Cửa Lò (Nghệ An), đoạn từ Km7 đến Km76 và Dự án giao thông nối từ Quốc lộ 7C (Đô Lương) đến đường Hồ Chí Minh (Tân Kỳ).

Sở Giao thông vận tải Nghệ An đã, đang chỉ đạo các nhà thầu đẩy nhanh thi công, phấn đấu đưa các dự án này về đích trước thời hạn từ 12 tháng đến 17 tháng nếu được bàn giao kịp thời mặt bằng sạch.

Với tổng mức đầu tư 4.651 tỷ đồng, đường cấp 3 đồng bằng, Dự án đường ven biển từ Nghi Sơn đến Cửa Lò có chiều dài gần 60 km. Công trình có 5/8 cầu lớn với chiều dài từ 410m đến 887m/cầu. Dự án triển khai thi công từ tháng 2/2022, đến nay đã thực hiện đạt 79% kế hoạch, vượt 7,3% so tiến độ.

Tuy nhiên, có nhiều thời điểm thời tiết không thuận lợi, các nhà thầu chưa tập trung, quyết liệt trong thi công. Cùng với đó, công tác bàn giao mặt bằng một số đoạn chưa bảo đảm theo kế hoạch; hiện còn vướng hơn 2 km nằm rải rác ở một số địa phương của thị xã Hoàng Mai, các huyện: Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc.

Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành vào tháng 2/2026, nhưng Sở Giao thông vận tải Nghệ An đã chỉ đạo quyết liệt các nhà thầu thi công hoàn thành công trình này vào dịp cuối năm 2024, hoặc quý I/2025.

Dự án đường ven biển này là dự án trọng điểm, được Trung ương và tỉnh bố trí vốn đầy đủ, kịp thời. Khi hoàn thành sẽ nối thông tuyến đường ven biển từ phía bắc vào các tỉnh Bắc Trung Bộ thông qua cầu Cửa Hội bắc qua sông Lam, vừa góp phần giảm tình trạng quá tải cho Quốc lộ 1 và phục vụ đi lại, thông thương hàng hóa cho cả vùng.

Với tầm quan trọng của tuyến đường này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung yêu cầu các địa phương liên quan phải cố gắng tập trung giải quyết dứt điểm, bàn giao mặt bằng trước ngày 30/6; giao các sở, ngành, ưu tiên thời gian xử lý vướng mắc của các địa phương trong công tác bồi thường, tái định cư để sớm hoàn thành công tác bàn giao mặt bằng.

Đồng thời, các địa phương phải tăng cường quản lý chặt chẽ quy hoạch đất đai dọc tuyến thật tốt để mở ra không gian phát triển hiệu quả. Để bảo đảm tiến độ dự án về đích trước thời hạn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Sở Giao thông vận tải chỉ đạo các nhà thầu tập trung cao độ, bố trí đủ phương tiện máy móc, thiết bị, nhân lực đẩy nhanh các mũi thi công dự án, cố gắng hoàn thành trước ngày 30/12/2024.

Với tổng vốn đầu tư hơn 739 tỷ đồng, Dự án trọng điểm giao thông nối từ Quốc lộ 7C (Đô Lương) đến đường Hồ Chí Minh (Tân Kỳ), chiều dài hơn 21 km đi qua địa phận bảy xã của các huyện: Đô Lương, Yên Thành và Tân Kỳ. Hiện tại tuyến đường này đã thông tuyến, giá trị xây lắp thực hiện đạt 96%.

Các nhà thầu đang tập trung phấn đấu hoàn thành toàn bộ hạng mục: Thảm bê-tông nhựa mặt đường, nút giao Quốc lộ 48E, nút giao đường Hồ Chí Minh, hệ thống chiếu sáng, đèn tín hiệu và đưa công trình vào khai thác sử dụng trong tháng 7 tới, vượt 17 tháng so với hợp đồng.

Dự án hoàn thành, kết nối với đường N5 hiện hữu sẽ rút ngắn thời gian di chuyển giữa huyện Tân Kỳ và thành phố Vinh gần 30 phút, mở ra nhiều cơ hội phát triển cho các địa phương dọc tuyến.

Công tác giải phóng mặt bằng của dự án này chỉ còn phạm vi nút giao Quốc lộ 48E, nút giao với đường Hồ Chí Minh. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An yêu cầu hai huyện Tân Kỳ và Đô Lương tập trung quyết liệt chỉ đạo để hoàn thành bàn giao mặt bằng đoạn còn lại chậm nhất ngày 30/6.

Tuy nhiên có một dự án giao thông trọng điểm ở Nghệ An đang chậm tiến độ do vướng mặt bằng, đó là Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 7, đoạn Km0-Km36 và xử lý sụt trượt do bão lũ đoạn Khe Thơi - Nậm Cắn.

Dự án này do Ban 4 (Bộ Giao thông vận tải) làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2023. Nhưng đến nay, mặc dù UBND tỉnh Nghệ An đã giao cho các địa phương liên quan phải khẩn trương hoàn tất việc giải phóng mặt bằng, bàn giao cho nhà thầu trong tháng 3, thế nhưng nhiều đoạn vẫn vướng mặt bằng chưa thể giải quyết, trong đó có đoạn cầu vượt đường sắt ở Diễn Châu.

Một trong những lý do “lỗi hẹn” mặt bằng của các địa phương là do việc xác định nguồn gốc đất, trải qua nhiều thời kỳ, qua nhiều lần giao đất, nhất là trước đây, một số địa phương giao đất trái thẩm quyền nhưng không xác định tọa độ, hình thửa rõ ràng. Một số hộ dân đòi hỏi giá trị hỗ trợ, bồi thường vượt mức quy định, khung chính sách của Nhà nước… Nghệ An đang chỉ đạo các địa phương tiếp tục tổ chức đối thoại giải quyết các vướng mắc liên quan.