Từ mô hình chăm sóc sức khỏe tinh thần học sinh ở Quận 3

Vấn đề học sinh gặp những khó khăn về sức khỏe tinh thần, nhất là sau đại dịch Covid-19 đang là một thực trạng gây lo lắng cho nhiều gia đình lẫn nhà trường. Nhu cầu chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh là một vấn đề cấp thiết.
0:00 / 0:00
0:00
Học sinh một trường trung học cơ sở ở Quận 3 được tư vấn tâm lý.
Học sinh một trường trung học cơ sở ở Quận 3 được tư vấn tâm lý.

Mô hình Phòng tư vấn học đường trực tuyến và trực tiếp dành cho học sinh trên địa bàn Quận 3 do ngành giáo dục triển khai với ba tiêu chí lớn: An toàn-Yêu thương-Tôn trọng đã và đang tạo ra những kết quả tích cực đến các em học sinh.

Điểm tựa cho phụ huynh học sinh

Em V. học lớp 8 nhiều năm liền là học sinh giỏi nhưng em vẫn thường tìm đến các chuyên viên tâm lý để được giải đáp những thắc mắc mà em không biết bày tỏ cùng ai.

Em V. cho biết, tuổi mới lớn em và các bạn thường có suy nghĩ, hành động chứng tỏ bản thân; có những xung đột với bạn bè, gia đình,… nhưng khi gặp các vấn đề phức tạp thì không biết xử lý như thế nào cho phù hợp nên dễ dẫn đến những vấn đề tâm lý trong cuộc sống.

Vì thế, phòng tâm lý học đường là địa chỉ thường được V. lựa chọn lui tới. Còn anh Vũ Thiện Chính, có con đang học cấp trung học cơ sở cũng tìm đến phòng tư vấn học đường để có thể trở thành “bạn” của con khi chúng đang trong độ tuổi phát triển về tâm sinh lý.

Anh Chính cho biết, trước đây, nhiều vấn đề không thể trao đổi do bất đồng quan điểm với con. Anh đã thử nhiều cách nhưng các con vẫn không lắng nghe và tiếp thu cho nên anh đã tìm đến phòng tư vấn để được các chuyên viên hướng dẫn.

Tiến sĩ Phạm Đăng Khoa, Trưởng phòng Giáo dục Quận 3 cho biết: Nhu cầu được lắng nghe, chia sẻ, hướng dẫn trong cuộc sống của học sinh ngày càng lớn, đòi hỏi ngành giáo dục phải có một kênh lắng nghe và giúp đỡ học sinh vượt qua khó khăn, yên tâm trưởng thành từng ngày.

Hè năm 2022, Phòng Giáo dục và Đào tạo Quận 3 đã làm việc với các đơn vị để xây dựng mô hình tư vấn tâm lý cho học sinh, giúp chuyên gia tâm lý và học sinh gần nhau hơn. Ứng dụng vào thực tế, ngành giáo dục Quận 3 lấy ba tiêu chí lớn: An toàn-Yêu thương-Tôn trọng để thực hiện.

Hiện, phòng thí điểm hoạt động ba phòng tư vấn tâm lý học đường tại ba trường trung học cơ sở (Trường Hai Bà Trưng, Bạch Đằng và Colette), mỗi trường đều có chuyên viên tâm lý có chuyên môn.

Ngoài ra, website: https://quan3.tamlyhocduong.org và ứng dụng trên CH Play (nền tảng Android) với sáu tính năng (Kiến thức tâm lý; Tư vấn tâm lý trực tuyến; Trắc nghiệm tâm lý; Tư vấn hướng nghiệp; Đặt lịch tư vấn trực tiếp; Những câu hỏi thường gặp) trở thành địa chỉ cho các em tìm đến mỗi khi gặp các vấn đề về tâm lý.

Tính từ 16/12/2022 đến 31/7/2023, các địa chỉ này đã có hơn 60.200 lượt truy cập; các bài viết về thông tin của tuổi mới lớn, tâm sinh lý tuổi học đường cũng có gần 54 nghìn lượt xem. Nhiều học sinh cũng đã đăng ký để được các chuyên viên tư vấn trên nền tảng trực tuyến.

Hoàn thiện để tiếp cận nhiều học sinh hơn

Tiến sĩ Phạm Đăng Khoa cho biết: Qua quá trình thực hiện mô hình, ngành giáo dục Quận 3 đã từng bước giải quyết các vấn đề bức thiết như: Tạo được một kênh lắng nghe, chia sẻ, hỗ trợ từng học sinh Quận 3; xã hội hóa hiệu quả hoạt động chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh, đồng thời giải được bài toán thiếu cơ sở vật chất và chuyên gia để xây dựng phòng, góc tư vấn học đường trong các trường trên địa bàn quận.

Việc phát triển mô hình này cũng giúp các trường có thêm một kênh thông tin gần gũi với từng học sinh, giúp nhà quản lý giáo dục các cấp kịp thời có hướng hỗ trợ học sinh và củng cố được mối quan hệ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong công tác chăm sóc học sinh toàn diện.

Tiến sĩ Phạm Đăng Khoa cho rằng, mô hình có thể được mở rộng để phục vụ học sinh trên quy mô toàn thành phố cũng như nhân rộng ra các địa phương khác bởi tính phổ biến, điểm tương đồng trong quản lý, vận hành. Đồng thời, mô hình cũng là tiền đề để khuyến khích các trường mạnh dạn thành lập phòng, góc tư vấn học đường hỗ trợ học sinh.

Đánh giá về mô hình này, GS, TS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Các trường cần có những mô hình hỗ trợ để học sinh được quan tâm sát sao hơn, bởi đây là các chủ nhân tương lai của đất nước. Vì thế các trường cần nhanh chóng hình thành và phát triển phòng tâm lý học đường.

Tuy đạt được những kết quả tích cực song nhiều vấn đề khó khăn cũng khiến mô hình này chưa hoàn thiện như mong đợi. Đơn cử, nơi tư vấn tâm lý vẫn ít trong khi số lượng học sinh có nhu cầu tư vấn, hỗ trợ ngày một đông hơn.

Một số trường trung học cơ sở chưa mạnh dạn áp dụng mô hình tại trường. Nhiều học sinh còn e dè khi đăng ký tham gia tư vấn trực tuyến. Kinh phí vận hành hệ thống tư vấn trực tuyến chưa có sự đầu tư bền vững khi thành phố chưa ban hành cơ chế về hướng dẫn sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ hoạt động tư vấn tâm lý học đường trong trường học.

Để mô hình hoạt động hiệu quả hơn, Phòng Giáo dục và Đào tạo cũng kiến nghị Quận 3 thực hiện đầu tư kinh phí, trang bị cơ sở vật chất cho các trường để thành lập các phòng tâm lý học đường tại các trường trung học cơ sở còn lại. Đơn vị cũng tiếp tục lắng nghe ý kiến của học sinh, phụ huynh để cập nhật, bổ sung, nâng cao chất lượng hoạt động của mô hình.