Trong bóng đá điều gì cũng có thể xảy ra, và những người không bao giờ đầu hàng luôn có khả năng tạo ra kỳ tích. Một trong những phẩm chất đáng tự hào của đội tuyển Việt Nam là trưởng thành từ áp lực và tìm kiếm thành công trong nghịch cảnh. Càng khó khăn, càng bị đánh giá thấp Những chiến binh Sao Vàng càng vươn lên mạnh mẽ. Chỉ cần còn cơ hội, chúng ta còn chiến đấu.
Nhưng bây giờ, phía trước là một quả núi khổng lồ. Trước một đối thủ như Thái Lan và cách biệt 2 bàn, đồng nghĩa với việc Việt Nam ít nhất phải ghi được số bàn thắng tương tự bên cạnh việc giữ sạch lưới. Vậy đội quân của HLV Park Hang-seo có thể làm được điều này?
Câu trả lời là có. Trận lượt đi chúng ta hoàn toàn có thể làm rung lưới Thái Lan 2 lần nếu may mắn trong các pha dứt điểm của Quang Hải. Cũng không chỉ các khoảnh khắc lóe sáng cá nhân, Việt Nam hơn một lần xuyên thủng hàng phòng ngự Thái Lan thông qua các pha phối hợp và di chuyển thông minh. Họ rất biết cách khai thác điểm yếu nằm ở cặp trung vệ Kritsada và Tom Bihr.
Kritsada xuất sắc ở khả năng cầm bóng và phát động tấn công. Không có gì lạ bởi anh này chủ yếu đá tiền vệ ở câu lạc bộ. Việc thiếu kinh nghiệm của Kritsada khi chuyển xuống chơi ở vị trí trung vệ tại AFF Cup không bị bộc lộ tại vòng bảng, nhưng có thể nhìn thấy trong cuộc đối đầu với Việt Nam.
Phút 71, Kritsada dâng lên quá cao và khi lùi về, chỉ chú ý đến quả bóng trong chân Quang Hải mà bỏ quên Hà Đức Chinh. Khá khó hiểu với quyết định căng cờ báo việt vị của tổ trọng tài, nhưng tiền đạo của Đà Nẵng cũng chạm bóng không đủ tốt để có thể tung ra cú dứt điểm.
Việc thiếu chính xác ở những pha xử lý cuối cùng là một vấn đề bên phía Việt Nam. Phút 80, Quang Hải thực hiện đường chuyển đẳng cấp xuyên qua hai lớp phòng thủ Thái Lan và đặt Văn Đức vào vị trí vô cùng thuận lợi để ghi bàn. Tình huống này cũng tố cáo phản ứng chậm chạp của Tom Bihr, người đá cặp với Kritsada. Phải đến khi Văn Đức tiếp bóng, trung vệ cao 1m84 mới bắt đầu di chuyển. Điều này cho phép cầu thủ số 20 có đủ thời gian và không gian để tung ra cú dứt điểm. Thật đáng tiếc, cú sút của Đức lại đi chệch cột.
Ở tình huống trước đó ít phút, Tom Bihr cũng cho thấy sự chậm chạp và vụng về khi để Đức Chinh giành bóng sát đường biên ngang dù xuất phát ở vị trí tốt hơn. Anh còn tự làm mình ngã khi quay trở lại khu cấm địa.
Với lợi thế dẫn trước 2 bàn, không ngạc nhiên nếu Thái Lan chơi trận trọng và tìm kiếm cơ hội phản công ở trận bán kết lượt về. Đó sẽ là phần mở rộng của các diễn biến như ở hiệp hai trận lượt đi.
Khi nắm quyền chủ động, Việt Nam đã chứng minh có thể chơi tấn công và tìm kiếm không gian chung quanh cặp trung vệ Thái. Nhưng để biến những điều đó thành bàn thắng, chúng ta cần nhanh hơn, táo bạo hơn chính xác hơn. Trong một trận đấu lớn cơ hội sẽ không nhiều. Vì vậy phải nắm bắt ngay khi nó đến. Giống như cách đây 2 năm trên đất Thái tại King’s Cup, Anh Đức đã chớp thời cơ rất nhanh với cú đánh đầu tung lưới thủ môn Kawin mang về chiến thắng cho Việt Nam.
Kawin đã mất suất bắt chính vào tay Siwarak sau sai lầm hôm đó. Nhưng Siwarak cũng không giữ được vị trí. HLV Mano Polking theo đuổi phong cách kiểm soát bóng và thích chơi với đội hình đẩy cao đặt niềm tin vào Chatchai.
Thủ môn này chơi chân tốt để có thể kiểm soát không gian dưới hàng thủ. Tình huống băng ra ngoài vòng cấm phút 42 để ngăn chặn Văn Toàn là một thí dụ. Song cũng chính pha bóng này tố cáo sự kinh suất và ra quyết định kém của Chatchai bởi điểm nhận bóng của Văn Toàn đã sát đường biên, trong khi hai trung vệ đã bịt khu trung lộ. Ngay các fan Thái cũng thừa nhận Chatchai đã may mắn khi không phải nhận thẻ đỏ sau khi phạm lỗi với Văn Toàn, đồng thời lo lắng về viễn cảnh thủ môn này sẽ còn gây ra tai họa.
Dĩ nhiên HLV Mano Polking sẽ vẫn tin tưởng Chatchai, tương tự Kritsada và Tom Bihr. Như ông nói, Thái Lan chưa thực sự hoàn hảo và vẫn phải cải thiện để tốt hơn. Nhưng đây không phải lúc để làm điều đó khi cần phải tập trung cho trận sắp tới. Các tử huyệt của Thái vẫn còn nguyên và câu chuyện chỉ là chúng ta sẽ khai thác thế nào.