Một góc trung tâm huyện Ngọc Hiển ngày nay, quê hương mang tên người anh hùng trong cuộc Khởi nghĩa Hòn Khoai tại Cà Mau cách nay 84 năm.
Một góc trung tâm huyện Ngọc Hiển ngày nay, quê hương mang tên người anh hùng trong cuộc Khởi nghĩa Hòn Khoai tại Cà Mau cách nay 84 năm.

Tự hào khởi nghĩa Hòn Khoai

Khởi nghĩa Hòn Khoai ngày 13/12/1940 tại Cà Mau gắn với tên nhà giáo, nhà báo, Anh hùng lực lượng vũ trang Phan Ngọc Hiển. 84 năm trôi qua, nhưng hào khí năm xưa vẫn tiếp tục ngùn cháy trên mảnh đất địa đầu cực nam Tổ quốc, thôi thúc thế hệ trẻ không ngừng ra sức học tập, trao dồi tài năng… để viết tiếp bản hùng ca bất tử.

Vùng căn cứ cách mạng Cà Mau trong 2 cuộc kháng chiến sản sinh ra nhiều anh hùng, liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Trong số này có tên người anh hùng Phan Ngọc Hiển, còn được gọi với cái tên thân thương “thầy giáo Hiển”.

Tên anh sống mãi trong lòng dân

Phan Ngọc Hiển sinh năm 1910, tại phường Thới Bình, thành phố Cần Thơ và sớm mồ côi cả cha lẫn mẹ. Được họ hàng, dòng tộc che chở, cưu mang nên khi học hết bậc tiểu học ở trường làng, cậu bé Hiển thi đỗ và sau đó tốt nghiệp Trường trung học Sư phạm Sài Gòn với số điểm tối ưu.

Năm 1931, chàng trí thức trẻ về miệt rừng, biển Tân Ân-Rạch Gốc, gieo những hạt giống cách mạng trên mảnh đất Cà Mau xa xôi. Anh vừa dạy học, vừa phụ trách Công hội đỏ ở Rạch Gốc-Tân Ân, tạo điều kiện bám cơ sở hợp pháp, nắm tình hình công nhân các lò than để gây dựng phong trào quần chúng.

Thầy giáo Hiển chọn địa điểm Cây me Rạch Gốc để tổ chức các buổi hội họp, gặp gỡ nhân dân trong vùng, qua đó lồng ghép truyền đạt những tư tưởng tiến bộ, giác ngộ nhiều thanh niên theo Đảng, gầy dựng nên những hạt giống đỏ cho phong trào cách mạng tại địa phương. Nhiều năm trời từ khi có sự hiện diện của thầy giáo trẻ, mảnh đất hoang vu vùng Đất Mũi-Cà Mau trở nên đầy sức sống, với luồng sinh khí tươi mới.

Không ngăn chặn được lý tưởng cách mạng và sức tuyên truyền sâu rộng của thầy giáo trẻ, chính quyền thực dân thời ấy ra lệnh cấm Phan Ngọc Hiển không được dạy học. Năm 1935, ông chuyển sang viết báo, công tác ở nhiều tờ báo nổi tiếng, trực tiếp tham gia hoạt động trong tổ chức cách mạng và sau đó được kết nạp vào Đảng, sinh hoạt tại Chi bộ Đảng thị xã Cà Mau.

Tháng 6/1940, Tỉnh ủy Bạc Liêu phân công Phan Ngọc Hiển cùng một số đồng chí ra đảo Hòn Khoai để chuẩn bị khởi nghĩa. Tại đây, thầy giáo Hiển đã trực tiếp xin sếp đảo người Pháp Olivier cho mở lớp dạy học đối với các trò là những nhân viên gác đèn biển.

Theo kế hoạch đã được chuẩn bị từ trước, vào lúc 23 giờ 15 phút ngày 13/12/1940, cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai do Phan Ngọc Hiển trực tiếp lãnh đạo đã nổ ra. Với tinh thần chiến đấu anh dũng, kiên cường và mưu trí, lực lượng khởi nghĩa đã tiêu diệt được tên sếp đảo Olivier, bắt sống đồng bọn và thu toàn bộ vũ khí, quân trang, quân dụng của địch, làm chủ tình hình trên đảo.

Các chiến sĩ khởi nghĩa sau đó vượt biển trở về đất liền trong niềm vui chiến thắng. Nhưng không lâu sau, địch huy động lực lượng, tàu chiến tổ chức phản công. Sau nhiều ngày cầm cự, anh dũng chiến đấu, ngày 22/12/1940, Phan Ngọc Hiển và một số đồng chí khác đã bị địch bắt tại bãi biển Khai Long.

Ngày 12/7/1941, tại sân vận động thị xã Cà Mau thời ấy, thực dân Pháp thi hành án tử hình 8 chiến sĩ khởi nghĩa Hòn Khoai, trong đó có Phan Ngọc Hiển cùng 2 cán bộ của Đảng ta liên quan đến cuộc khởi nghĩa là Quách Văn Phẩm (Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau) và Lê Văn Khuyên.

Cận kề trước cái chết, trước họng súng của kẻ thù nhưng lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai chẳng hề khiếp sợ, vẫn hiên ngang và dõng dạc: “Người cộng sản coi cái chết rất bình thường. Chúng tôi sẵn sàng chết để đấu tranh cho đồng bào được ấm no. Nhất định những người kế tiếp chúng tôi sẽ tiêu diệt thực dân Pháp! Nhất định nước Việt Nam sẽ hoàn toàn độc lập!”.

Lời thầy giáo Hiển trước pháp trường đã trở thành khoảnh khắc bất diệt, được ghi tạc vào lịch sử Cà Mau đến tận ngày nay…! Cái tên Phan Ngọc Hiển sau đó cũng trở thành tên đất, tên làng, cũng là địa danh của huyện Ngọc Hiển (huyện cuối cùng trên bản đồ hình chữ S), cùng nhiều tuyến đường lớn và những ngôi trường khang trang, có bề dầy thành tích dạy tốt, học tốt… trong tỉnh Cà Mau ngày nay.

Phát huy giá trị lịch sử, kiến tạo tương lai

Các nhà nghiên cứu lịch sử coi Khởi nghĩa Hòn Khoai là “phát súng cuối cùng của cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ”, nhưng lại là phát súng đầu tiên, trận đánh đầu tiên, thắng lợi to lớn đầu tiên trong lịch sử cách mạng của Ðảng bộ, dân và quân Cà Mau. Lần đầu tiên, Cà Mau thành công dùng bạo lực cách mạng để chống lại bạo lực phản cách mạng.

Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa cũng đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của Ðảng bộ Cà Mau về tư tưởng chính trị, về lực lượng và tổ chức để lãnh đạo quần chúng tỉnh nhà đấu tranh cách mạng. Mốc son của Khởi nghĩa Hòn Khoai còn góp phần cổ vũ to lớn đối với toàn bộ phong trào cách mạng Cà Mau trong những giai đoạn kế tiếp, góp phần chung tay với quân, dân cả nước làm nên thắng lợi sau cùng vào mùa Xuân năm 1975, chiến thắng giặc Mỹ cùng bè lũ tay sai…

Ghi nhớ những đóng góp to lớn trong quá khứ, Hòn Khoai, nơi diễn ra cuộc khởi nghĩa vang dội ngày trước, được Nhà nước công nhận Di tích lịch sử-văn hoá cấp quốc gia vào ngày 25/9/1992. Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Minh Hải (nay là tỉnh Cà Mau-Bạc Liêu) lần thứ 6 (1981-1982) đã quyết định lấy ngày Khởi nghĩa Hòn Khoai 13/12 làm ngày truyền thống cách mạng vẻ vang của Ðảng bộ, dân và quân Cà Mau. Cây me Rạch Gốc, nơi hội tụ quần chúng, nhân dân ngày trước cũng được công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2016…

Sau ngày bắc-nam sum họp một nhà, Ðảng bộ tỉnh Cà Mau đầu tư xây dựng nghĩa trang để tưởng nhớ công lao của 10 liệt sĩ khởi nghĩa Hòn Khoai. Ngày 6/4/2011, Nghĩa trang 10 liệt sĩ khởi nghĩa Hòn Khoai được công nhận Di tích lịch sử-văn hóa cấp tỉnh. Nghĩa trang này sau đó được trùng tu, nâng cấp lớn hơn, rộng hơn và được đổi tên thành Ðền thờ 10 Anh hùng Liệt sĩ Khởi nghĩa Hòn Khoai, khánh thành vào năm 2018, đúng dịp 78 năm Ngày Truyền thống cách mạng của Ðảng bộ, dân và quân Cà Mau.

Các công trình văn hóa lịch sử này thể hiện trách nhiệm tri ân đối với những người đi trước của thế hệ hôm nay cũng là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Phát huy truyền thống cách mạng hào hùng trong quá khứ, thế hệ trẻ Cà Mau hôm nay tiếp tục nỗ lực phấn đấu để xây dựng quê hương ngày càng giàu, mạnh.

Trong nhiều năm liền, Cà Mau thực hiện đạt và vượt hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế-xã hội đề ra; vùng nông thôn có thêm nhiều xã về đích nông thôn mới, rồi nông thôn mới nâng cao; cuộc sống người dân không ngừng được cải thiện với mức thu nhập bình quân đầu người hiện nay đạt hơn 72 triệu đồng/người/năm. Miệt rừng Ngọc Hiển, một thời là “huyện ốc đảo”, nay đã có đường để xe du lịch chạy về tận nơi, ra đến tận Khai Long, Mũi Cà Mau..., và đang trên đường về đích huyện nông thôn mới…

Cà Mau có 3 mặt giáp biển, khởi đầu của chiến thắng từ biển và tầm nhìn phát triển dài hơi cũng hướng ra biển…! Ý nguyện của Cà Mau trùng hợp với gợi mở của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm trong lần về làm việc với tỉnh vào tháng 11/2024.

Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau, đồng chí Tổng Bí thư gợi ý tầm nhìn cho Cà Mau là phải trở thành một tỉnh hạt nhân phát triển của vùng đồng bằng sông Cửu Long, một tỉnh có nền kinh tế năng động… Đặc biệt, Cà Mau phải nỗ lực trở thành trung tâm kinh tế biển, trung tâm năng lượng tái tạo và xuất khẩu điện của cả nước, phát triển nông, lâm nghiệp hiện đại, thông minh, du lịch bền vững, chất lượng cao.

Đề cập việc mở rộng “lục địa” cực nam của Tổ quốc, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, đó là cụm đảo Hòn Khoai. Trước mắt, cần tận dụng lợi thế này để đầu tư hệ thống hạ tầng đường bộ kết nối ra Cồn Cát, Hòn Khoai. Cần khẩn trương quy hoạch xây dựng cảng nước sâu Hòn Khoai nhằm khai thác tốt dư địa kinh tế rất có tiềm năng mang tầm quốc tế và mang tầm chiến lược đối với phát triển quốc gia.

Theo đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, Cà Mau có vị trí rất quan trọng về kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh. Mảnh đất Cà Mau giàu truyền thống cách mạng, nơi ẩn chứa biết bao giai thoại về những con người Đất Mũi đã làm nên những chiến công oanh liệt, với những trang sử hào hùng. Môi trường tự nhiên và xã hội cùng với khí chất Nam Bộ miền sông nước Cửu Long đã hun đúc con người Cà Mau có những phẩm chất cao quý, hào sảng, dũng cảm, nghĩa tình và hết lòng yêu quê hương, đất nước.

_______________________

* Bài viết tham khảo một số tư liệu sách: Lịch sử Ðảng bộ tỉnh Cà Mau (2 tập); Lịch sử Ðảng bộ huyện Ngọc Hiển; Lịch sử xã Viên An anh hùng; Lịch sử địa phương Cà Mau.

back to top