Bà quả phụ Nghiêm Thúy Băng tiếp chúng tôi trong căn phòng hẹp, trước bàn thờ cố nhạc sĩ với nhiều ảnh, tượng Văn Cao và kỷ vật...
Chúng tôi được biết thêm nhiều điều quanh bài hát "Tiến quân ca", bài hát mà sau này được Bác Hồ quyết định chọn làm "Quốc ca".
Bà Băng cho biết:
- Trước hết phải là nói đến anh Vũ Quý. Trước Cách mạng Tháng Tám, anh Quý là chiến sĩ cách mạng hoạt động bí mật ở Hải Phòng. Anh Quý là người đầu tiên giác ngộ cách mạng cho Văn Cao. Anh Quý vốn thích nhạc Văn Cao như "Suốt mơ", "Thiên thai"... Một hôm tình cờ, gặp Văn Cao, anh Quý nói: "Mình biết "Thiên thai" vốn là phát triển từ bài hát "Một đêm tàn lạnh trên sông Huế"... mình chưa vào Huế nên cũng chưa biết sông Hương như thế nào. Vậy Bạch Ðằng? Oanh liệt biết bao một Bạch Ðằng. Sóng vỗ như trống trận hò reo của quân sĩ...".
Một lần khác, tình cờ Văn Cao gặp anh Quý ở vườn hoa bên bờ sông Lấp (Hải Phòng). Nhìn cảnh đồng bào đói rách, thoi thóp ngổn ngang trên thảm cỏ, anh Quý buồn bã nói: "Hậu quả của chính sách một cổ ba tròng đó. Chẳng lẽ chúng ta chỉ biết làm những việc như nhặt vỏ chuối để người đi đường khỏi ngã vì trượt chân, như dắt người già qua đường...". Văn Cao hỏi anh Quý: "Tôi phải làm gì?". "Cậu là nhạc sĩ hãy làm những bài hát ca ngợi chiến công hiển hách của ông cha ta xưa như Bạch Ðằng, Ðống Ða, Thăng Long... để thức tỉnh tuổi trẻ thanh niên". Thế là một loạt bài hát "Bạch Ðằng giang", "Thăng Long tiến hành khúc"... của Văn Cao ra đời.
Bẵng đi một thời gian Văn Cao không gặp anh Quý. Rồi ra mới biết, anh Quý là một chiến sĩ cách mạng hoạt động bí mật bị lộ đã phải rời Hải Phòng.
Hải Phòng ngày một ngột ngạt. Khoảng giữa năm 1944, Văn Cao tìm về Hà Nội. Mảnh đất kinh kỳ cũng chẳng hơn gì phố cảng. Người đói rách cũng đầy hè phố. Cả một Hà Nội hấp hối. Bỗng Văn Cao gặp anh Vũ Quý ở mạn gần ga Hàng Cỏ (ga Hà Nội bây giờ).
Ðến bây giờ Văn Cao mới biết, anh Quý vẫn cho người bám sát giúp đỡ Văn Cao. Cuộc gặp ấy, anh Quý hỏi Văn Cao có muốn vứt bỏ cuộc sống riêng tư nhỏ nhoi đi theo cách mạng không. Thật bất ngờ, vì Văn Cao chưa hề nghĩ đến điều này. Nhưng không đắn đo, Văn Cao trả lời: "Ngay từ bây giờ... Tôi sẵn sàng!". Văn Cao được anh Quý trao cho gói nhỏ. Sau khi chia tay, Văn Cao tìm vào chỗ kín mở ra. Ðó là mấy tờ báo "Cứu quốc", "Cờ Giải Phóng"... in bí mật. Ngốn hết ngay mấy tờ báo, Văn Cao thấy đầu óc sáng ra và hiểu thêm về con người Vũ Quý. Từ đấy, Văn Cao đi vào con đường cách mạng.
Ngay hôm sau, Văn Cao được anh Quý "chiêu đãi" một bữa cơm ở quán cơm bình dân "Văn Phúc" ở phố Cửa Nam. Ðúng lúc vắng khách, anh Quý nói nhỏ với Văn Cao "Từ hôm nay anh là người của đoàn thể. Anh được cấp chút ít sinh hoạt phí". Văn Cao được anh Vũ Quý giao ngay nhiệm vụ sáng tác một bài hát cho thanh niên lớp học quân sự. Sáng tác sao cho kích thích được lòng dũng cảm, tinh thần yêu nước, xông lên chống quân thù.
Ở quán cơm ra, mỗi người một nẻo. Văn Cao lững thững qua phố Hàng Bông, Hàng Gai ra bờ hồ Hoàn Kiếm. Văn Cao bắt gặp mấy người đang đun nấu cái gì đó trong chiếc ống bơ tại một gốc cây. Văn Cao chợt nghĩ "những người khốn khổ" này mà sát cánh lại sẽ thành một đoàn quân... mình cùng đi với họ... Văn Cao nảy ý: "Ðoàn quân Việt Minh đi... chung lòng cứu quốc...". Ai hay, đó lại chính là câu mở đầu cho bài hát "Tiến quân ca" sau này.
Ðêm ấy tại một nhà quen, Văn Cao không tài nào ngủ được. Tiếng bánh xe bò chở xác người chết đói lọc cọc lăn trên đường phố đập vọng vào đôi tai nhạc sĩ. Câu tiếp theo của bài hát lóe ra "Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa...". Cứ thế, từ thực tế đau thương với lòng căm thù sôi sục, "Tiến quân ca" ra đời. Thời gian ấy là khoảng giữa tháng 10-1944.
Bài hát đến tay, anh Vũ Quý mừng lắm. Văn Cao cùng anh Quý vừa gõ nhịp vừa... song ca đủ cho hai người nghe. Anh Quý cùng Văn Cao khai sinh cho bài hát một cái tên. Ðó là "Tiến quân ca". Bài hát đã được chuyển ngay tới trường Quân chính.
Văn Cao được anh Quý đưa tới tòa soạn báo "Ðộc Lập" là tờ báo của Ðảng Dân chủ. "Tiến quân ca" đã được in ngay ở trang nhất báo "Ðộc Lập" số 1 hoạt động bí mật. Tiếp đó, "Tiến quân ca" lại được in trên báo "Tuốt Kiếm" là tờ báo của Cơ quan Thanh niên cứu quốc nằm trong Mặt trận Việt Minh Hà Nội mà chính anh Vũ Quý trực tiếp lãnh đạo. "Tiến quân ca" rất nhanh chóng lan truyền rộng rãi. Vì thế mà ngày 17-8-1945 và 19-8-1945, nhân dân Hà Nội lật chính quyền tay sai, chiếm Bắc Bộ phủ, "Tiến quân ca" đã hào hùng vang lên băm sáu phố phường Hà Nội.
Người Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung kỷ niệm 50 năm thủ đô giải phóng. Sau 60 năm, cái trục Cửa Nam - Hàng Bông - Hàng Gai - Bờ Hồ nói riêng mà Văn Cao đi qua, cả Hà Nội nói chung hôm nay vĩnh viễn qua rồi những cảnh đau thương mà Văn Cao nhìn thấy.