Tư duy xanh giữa buôn làng

Tự tìm tòi học hỏi, nghiên cứu tài liệu, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều nhà nông người đồng bào dân tộc thiểu số tại Lâm Đồng quyết định khởi nghiệp, lập nghiệp ngay chính quê hương mình. Thời gian qua, tại nhiều thôn, buôn ở đây đã hình thành nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, góp phần tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động và xây dựng quê hương giàu đẹp.
0:00 / 0:00
0:00
Cà-phê của người Cơ Ho trên cao nguyên Langbiang rất được yêu thích.
Cà-phê của người Cơ Ho trên cao nguyên Langbiang rất được yêu thích.

Vượt qua kiểu canh tác truyền thống, các cô gái dân tộc Cơ Ho ở xã Đinh Trang Hòa, huyện Di Linh, tiên phong áp dụng thực hành nông nghiệp sinh thái, với mong muốn mang những hạt cà-phê ngon nhất do người Cơ Ho làm ra gửi tới mọi người.

Năm 2022, tổ hợp tác Oh mi Koho coffee được thành lập, với sự tham gia của tám nữ thành viên đại diện sáu hộ gia đình người Cơ Ho ở vùng đất này. “Tên gọi này đơn giản là cà-phê của những người anh em Cơ Ho. Chúng tôi phải làm ra hạt cà-phê thơm ngon, chất lượng để khẳng định thương hiệu đó”, chị Ka Jan Lum, Tổ trưởng Oh mi Koho coffee cho biết.

Di Linh là vùng sản xuất cà-phê lớn của tỉnh Lâm Đồng, nhưng do đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây có thói quen canh tác kiểu truyền thống, cho nên cà-phê ngày càng già cỗi, giảm năng suất và chất lượng. Nhiều nông hộ phải đầu tư cao nhưng thu nhập mang lại không đáng kể.

Không thể chịu cảnh mùa màng thất bát, nhóm của chị Lum quyết định tìm đến tham quan những mô hình sản xuất cà-phê hiệu quả ở những vùng lân cận. Theo chị Lum, lâu nay chuyện người Cơ Ho ở xứ này áp dụng khoa học-công nghệ trong sản xuất rất hiếm, giờ phải đổi mới tư duy mới phát triển được.

Cẩn thận chọn lựa từng hạt cà-phê, chị Lum kể, hơn năm năm trước, thành viên trong tám hộ của tổ hợp tác hiện nay là những nông dân đầu tiên rời buôn làng đi học mô hình canh tác hữu cơ. Với những gì đã học, họ trở về buôn làng và triển khai lối canh tác thuận tự nhiên.

“Chúng tôi mong muốn hạt cà-phê Oh mi Koho coffee tình anh em trở thành biểu tượng của đoàn kết, đổi mới và cùng nhau phát triển”, chị Lum chia sẻ.

Hiện nay, tổ hợp tác có đầy đủ trang thiết bị, máy móc sơ chế; có nhà xưởng và đội ngũ vận hành; sản phẩm của Oh mi Koho coffee được chứng nhận OCOP 3 sao và điều quan trọng, là nguồn thu nhập đã mang lại nụ cười cho những thành viên tổ hợp tác.

Thời gian qua, Oh mi Koho coffee đón hàng chục đoàn là người dân tộc thiểu số khắp nơi trong tỉnh đến tham quan, trao đổi kinh nghiệm. “Cách làm của Oh mi Koho coffee đã làm thay đổi cách nghĩ của chúng tôi”, anh K’Brèn ở huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng thổ lộ.

Ở Tây Nguyên, sau những hạt lúa rẫy, lúa nước, cây cà-phê đã gắn bó lâu đời với cư dân đại ngàn, góp phần tạo sinh kế và giúp nhiều buôn làng trở nên khá giả.

Ngược phía cao nguyên Langbiang, tôi đến cà-phê Yũ M’nàng để được nghe chuyện Liêng Jrang K’Chăm, cô gái sinh năm 1990, người Cơ Ho ở xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng mở doanh nghiệp giữa buôn làng.

Tốt nghiệp đại học với tấm bằng cử nhân tiếng Anh, K’Chăm đi làm tại một công ty nước ngoài chuyên về thu mua, chế biến cà-phê tại Lâm Đồng. “Sau thời gian dài làm việc tại công ty nước ngoài, tôi nghĩ nếu chịu khó học hỏi mình cũng có thể làm được như họ.

Đến năm 2019, tôi quyết định không làm thuê nữa và trở về buôn làng tìm hướng đi cho riêng mình”, K’Chăm chia sẻ. Ý tưởng khởi nghiệp đã thành hiện thực dưới chân đồi Yu M’nàng bằng cơ sở trồng, chế biến cà-phê. Sau hơn bốn năm khởi nghiệp, cơ sở chế biến cà-phê sạch của K’Chăm đã được nhiều người biết đến, tạo thu nhập ổn định cho gia đình và góp phần thay đổi tư duy của lớp trẻ trong vùng.

Hiện nay, các dòng sản phẩm cà-phê của Yu M’nàng được phân phối qua nhiều kênh trên mạng xã hội, bán hàng trực tuyến và tiêu thụ trực tiếp ngay tại điểm dừng chân mang tên “cây dổi trên đồi”. K’Chăm cũng tận dụng những hạt cà-phê không đủ tiêu chuẩn chế biến thức uống để kết hợp với vỏ bưởi, sả, oải hương... chế biến dầu gội thiên nhiên phục vụ người tiêu dùng trong và ngoài nước.

“Chuyện người Cơ Ho làm cà-phê sạch ở Lâm Đồng còn nhiều, khó mà kể hết”, K’Chăm tự hào.

Quả thật, nào là Ha Hoang, Tổ trưởng tổ hợp tác cà-phê Chơ Mui sản xuất cà-phê hữu cơ và tạo nên thương hiệu cà-phê Chơ Mui đạt chuẩn OCOP 3 sao; hay “K’Ho Coffee” của Rolan, “92 farm” của Uck Bondong… đang tỏa hương trên thị trường quốc tế.

“Giờ về buôn làng thường được nghe kể chuyện thay đổi tư duy trong phát triển kinh tế, chuyện chung tay xây dựng buôn làng… sinh động lắm”, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bon Yô Soan chia sẻ.

Tại vùng xa Phước Cát, huyện Đạ Huoai, điều kiện không mấy thuận lợi, nhưng với quyết tâm lớn, tư duy đột phá, Bế Thị Thu Huyền và Lương Thị Duyên bước đầu khởi nghiệp thành công trên quê hương mình, hiện thực hóa giấc mơ chocolate thuần Việt mang tên Bản Ca cao.

Hai cô gái trẻ sinh năm 1993 bắt đầu hành trình tìm đầu ra cho sản phẩm ca-cao quê mình bằng việc chế biến hạt ca-cao thành các loại bột, bơ và chocolate. Về thương hiệu Bản Ca cao, Huyền giải thích: “Cha mẹ chúng tôi xuất thân từ vùng núi phía bắc, ở đó gọi bản giống như buôn, làng của người dân tộc Tây Nguyên. Chúng tôi dùng bản để nhắc nhớ quê hương bản xứ. Bản, cũng là bản vị, bản chất…”.

Dự án Bản Ca cao xuất sắc giành Giải nhất cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Lâm Đồng năm 2022”. Từ thành công bước đầu, năm 2023, Công ty TNHH Bản Ca cao ra đời do cô gái người Tày Bế Thị Thu Huyền làm giám đốc. Huyền kể: “Trong những ngày đầu khởi nghiệp, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về vốn, kỹ thuật và thị trường tiêu thụ, tôi phải tự tìm tòi, học hỏi cách thức quản lý và tiếp thị sản phẩm”.

Nhờ sự kiên trì và sáng tạo, Huyền và cộng sự đã đưa doanh nghiệp từng bước vượt qua khó khăn. Bản Ca cao đã nhận được sự hỗ trợ từ các chương trình khuyến khích phát triển kinh tế của Nhà nước, như vay vốn ưu đãi và tham gia các khóa đào tạo quản lý.

Từ đó, doanh nghiệp đã mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư công nghệ và thiết bị hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm. Từ một cơ sở nhỏ, đến nay sản phẩm của Bản Ca cao đã có chỗ đứng trên thị trường trong nước và quốc tế; sản phẩm đã có mặt trên các kệ hàng của cửa hàng đặc sản tại Đà Lạt, Phú Quốc, Nha Trang, Hội An, Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội…

Bản Ca cao còn có các cửa hàng trực tuyến trên các nền tảng website, Facebook, Shopee, Lazada, TikTok. “Công ty còn cung cấp các nguyên liệu ca cao cho các nhà máy sản xuất trong nước và quốc tế, nhất là thị trường châu Á; tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 20 lao động là người dân tộc thiểu số địa phương”, Huyền thông tin.

Lâm Đồng có dân số hơn 1,54 triệu người, với 47 dân tộc anh em; trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số hơn 24,5%. Hiện nay, tất cả các xã của tỉnh đã đạt chuẩn nông thôn mới; kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số đã chuyển biến rõ nét, thu nhập bình quân đầu người gần 45 triệu đồng.

Điều đáng chú ý, toàn tỉnh có 353 doanh nghiệp do người dân tộc thiểu số làm chủ; hơn 50 hợp tác xã, tổ hợp tác do người dân tộc thiểu số đứng đầu. Những kết quả này có phần đóng góp không nhỏ của những người trẻ có tư duy xanh giữa những buôn làng.