Từ điêu khắc đình làng đến kiệt tác sơn mài Múa cổ

Những mảng chạm của điêu khắc đình làng cổ Bắc Bộ là kho tàng nghệ thuật vô giá được tạo nên bởi nhiều thế hệ nghệ nhân và trong nhiều năm qua là đề tài của các nhà nghiên cứu cũng như nguồn chất liệu để kế thừa, phát triển trong không ít tác phẩm hội họa, trong đó có kiệt tác sơn mài Múa cổ của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đỗ Bảo bên tác phẩm Múa cổ của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm.
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đỗ Bảo bên tác phẩm Múa cổ của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm.

Điêu khắc đình làng Việt Nam là sự kế thừa liên tục nghệ thuật tạo hình qua các thời Lý, Trần, Mạc, tới cực thịnh thời Hậu Lê và sau đó là thời nhà Nguyễn. Mỗi thời kỳ, điêu khắc đình làng có những nét chung và trong đó đương nhiên có nét riêng biệt, mang bản sắc, cá tính tạo hình của những nghệ nhân vô danh tài hoa của miền quê đất Việt. Từng hình khối, mảng chạm vừa sinh động, uyển chuyển, phản ánh cuộc sống, nét sinh hoạt đời thường, mang hơi thở của cộng đồng làng quê, đồng thời cũng ẩn chứa những khát vọng, triết lý sâu xa.

Những mảng chạm khắc đó dưới góc nhìn của các nhà nghiên cứu và các họa sĩ đã mở ra nhiều chiều, khác với lối điểm mắt cố định cổ điển, là kết cấu của những chi tiết hợp lại, hàm chứa chung một giá trị.

Cũng vì vậy, nghiên cứu điêu khắc đình làng đã được chú trọng tìm hiểu chuyên sâu từ những năm 70 của thế kỷ trước mà điểm nhấn là Triển lãm điêu khắc đình làng và cuốn sách Điêu khắc dân gian Việt Nam của Viện Nghiên cứu mỹ thuật và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam năm 1972.

Từ điêu khắc đình làng đến kiệt tác sơn mài Múa cổ ảnh 1
Tác phẩm sơn mài Múa cổ của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm.

Đây là khởi đầu cho giai đoạn nghiên cứu vốn văn hóa cổ điêu khắc đình làng và hiện vẫn đang được tiếp tục. Với nhiều họa sĩ, những hình khối, nét chạm và cả phong cách của điêu khắc đình làng đã là chất liệu để họ kế thừa, phát triển, diễn giải trong các tác phẩm của mình, nhưng có lẽ tiêu biểu và mang đậm giá trị văn hóa và vốn cổ nghệ thuật điêu khắc, vừa cụ thể, sâu sắc, vừa có tính phổ quát là tác phẩm sơn mài Múa cổ của Nguyễn Tư Nghiêm (1922-2016), một trong bộ tứ danh họa “Nghiêm-Liên-Sáng-Phái” của Việt Nam.

Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đỗ Bảo, danh họa Nguyễn Tư Nghiêm đã thầm lặng nghiên cứu văn hóa cổ và điêu khắc đình làng từ khoảng năm 1950 và kéo dài trong 40 năm.

Nhiều tác phẩm của ông đã mang đậm dấu ấn của những nghiên cứu đó mà thăng hoa, trở thành đỉnh cao trong sự nghiệp của ông là tác phẩm sơn mài Múa cổ ở thập niên 1980, sau những dấu mốc tác phẩm sơn mài: Con nghé quả thực (1957), Đêm giao thừa bên hồ Gươm (1957) đang được lưu giữ ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm và nhà nghiên cứu mỹ thuật-Tiến sĩ Nguyễn Đỗ Bảo đã gắn bó với nhau 30 năm, song hành trao đổi tư liệu văn hóa cổ, từ những năm 1960 tới 1980. Hằng tháng, ông Bảo mang 20 tấm ảnh đình, chùa, lăng tẩm, cung đình các thời Lý, Trần, Lê-Mạc, Nguyễn chụp kích cỡ 18x24 cm tới cho họa sĩ nghiên cứu mà nhiều nhất là các hình ảnh điêu khắc đình làng thời Hậu Lê.

Về tác phẩm Múa cổ, nhà nghiên cứu nhận xét: “Tác phẩm là một kiến trúc tổng hòa, không thể tách riêng lẻ của nền tảng văn hóa cổ đình làng và triết lý Nho giáo, với niêm luật thẩm mỹ cổ điển Hy-La, Phục hưng lối đăng đối, nhưng không bị kiểm tỏa, cùng những nét vẽ như chạm khắc, thô, mộc, đậm đặc nhân văn”. Ông cũng nhấn mạnh: “Người ta khâm phục cụ Nghiêm bởi lối vẽ hiện đại, vạch nét với những đường gấp khúc bất ngờ, tạo thành những khối lập thể của riêng Nguyễn Tư Nghiêm”.

Tác phẩm Múa cổ có nhịp điệu của chuyển động, có thanh âm vang vọng trong tiềm thức, có đăng đối của những quy tắc mang tính nghi lễ, có bứt, phá lối tạo hình học viện, bác học của mỹ thuật cổ điển, có đặc trưng mảng, khối dồn dịch tạo hiệu ứng ánh sáng, có nét thô, mộc của chạm khắc, có đập bẹp, bóp, vặn của lối lập thể hiện đại và mang trong đó sắc màu biểu hiện sinh sôi, thịnh vượng trong tư duy kinh điển thẩm mỹ các thời.

Từ điêu khắc đình làng đến kiệt tác sơn mài Múa cổ ảnh 2
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Bá Đạm trao đổi về ảnh hưởng nghệ thuật điêu khắc đình làng trong các tác phẩm của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm.

Khi cảm nhận, nhìn vào tác phẩm, ta thấy hình ảnh thiếu nữ bên lề phải trong tranh Múa cổ có khăn áo chỉn chu, sang trọng, gương mặt trung tính, biểu cảm kiểu cổ điển, động tác tay nâng quạt, tay buông khép hông, chất chứa các quy tắc múa cổ nghi lễ, mang tính kinh viện cổ điển. Mỗi nhân vật trong tranh đều có những nét riêng biểu trưng phù hợp đối tượng, tầng lớp thể hiện như vậy. Trong tranh có những người múa ngoẹo đầu, thẳng góc với thân mình, định hình vững chắc sự trong trẻo, nguyên sơ, tự nhiên như trẻ thơ của lối sống và văn hóa đình làng.

Điều độc đáo của Múa cổ là hai sắc màu sang quý duy nhất trong tranh là vàng (thếp vàng) và đỏ (sơn son), cùng thấp thoáng những nét hoa văn lối kỷ hà, trên các bức chạm khắc cung đình thời Nguyễn. Theo niêm luật đăng đối, bên lề trái tác phẩm là một biểu tượng đối lập, một thôn nữ đích thực, với những cánh tay dài phi lý, buông lơi như điêu khắc Tiên nữ cưỡi rồng trên bia đình làng Thổ Ngõa, lối phục trang gợi trực giác đi thẳng vào trái tim người xem.

Có thể nói, tác phẩm là một tổng hòa biểu hiện văn hóa đình làng Việt Nam, nơi chấp nhận sự dân chủ trong nếp sinh hoạt làng xã, nhưng tiếp tục duy trì những triết lý sống tôn thờ tổ tiên, thánh thần, đạo lý, luân thường.

Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Bá Đạm năm nay đã 102 tuổi, người được trao giải Bùi Xuân Phái Vì tình yêu Hà Nội, bạn tri kỷ nhiều thập kỷ với cả họa sĩ Bùi Xuân Phái và họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, đã có những đánh giá về kỹ thuật vẽ trong tác phẩm Múa cổ nói riêng và các đề tài khác nói chung của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm: Nguyễn Tư Nghiêm không cố vẽ cho bằng đẹp, không cố vẽ cho tận cùng. Người ta nói ông Nghiêm vẽ Múa cổ lập thể khi nghiên cứu Picasso, nhưng lập thể là của ông Nghiêm.

Ông ấy chỉ nghiên cứu kỹ, nghiên cứu sâu để lấy phương pháp. Thực tế, trước năm 1945, khi học Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, họa sĩ đã nghiên cứu tranh hiện đại, không thích nghi với nghệ thuật hàn lâm. Từ sau dấu mốc tác phẩm Con nghé quả thực năm 1957, ông chính thức quay về vốn cổ dân tộc, tóm gọn tới cùng sự sâu sắc, rồi chuyển hóa qua phương tiện hội họa hiện đại và bằng kỹ thuật bậc thầy, họa sĩ đã cống hiến, tạo nên Múa cổ, một kiệt tác của hội họa Việt Nam.