Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Vương Thị Hương (Hà Giang) về việc nhóm đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995 đang có thu nhập quá thấp, không bảo đảm cuộc sống, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, đây là vấn đề đã được đặt ra trong phiên họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIV. Nghị quyết 34 của Quốc hội cũng đã yêu cầu rất rõ với Chính phủ.
“Vừa qua, khi bàn vấn đề này và trước khi trình Trung ương, trong kỳ họp này cũng đã báo cáo Quốc hội, chúng ta tạm dừng việc cải cách chính sách tiền lương. Tuy nhiên, trong đề xuất của Chính phủ với Quốc hội vẫn cho phép điều chỉnh lương hưu và đặc biệt quan tâm đến những người nghỉ hưu trước năm 1995, nhất là những người có lương hưu thấp”, ông Dung khẳng định.
Theo ông Dung, thời gian qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thường xuyên tổ chức đánh giá và đã hoàn thiện hồ sơ, đến nay, Chính phủ đang lấy phiếu xin ý kiến các thành viên Chính phủ về vấn đề này.
“Tôi tin rằng trong tháng 12 này sẽ trình lên Thủ tướng để xem xét quyết định”, ông Dung bày tỏ.
Cụ thể, ông Dung cho biết, nếu cho phép điều chỉnh lương hưu, trước đây dự kiến là 1/7/2022, nhưng hiện nay, trước tác động của đại dịch và khó khăn của những người nghỉ hưu, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất xin với Thủ tướng cho phép điều chỉnh sớm hơn, lấy ngay ngày 1/1/2022.
Về kinh phí lúc điều chỉnh, ông Dung cho biết, đã xin dự kiến điều chỉnh là 7,4% và bắt đầu từ 1/1/2022. Như vậy, tổng kinh phí để điều chỉnh lương hưu sẽ là khoảng 12.650 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước sẽ bổ sung cho những người nghỉ hưu trước năm 1995 là 3.648 tỷ đồng.
“Đối với những người nghỉ hưu có mức lương thấp hơn 2,5 triệu đồng, chúng tôi đề xuất bổ sung cho những đối tượng này để bảo đảm mặt bằng chung thấp nhất là 2,5 triệu đồng. Như vậy, xin báo cáo đại biểu, chúng tôi sẽ phấn đấu hoàn thiện hồ sơ và cố gắng làm sao đúng 1/1/2022 các bác hưu trí được hưởng chính sách mới”, ông Dung cam kết.
Để “trẻ mồ côi do dịch” sống với người thân là tốt nhất
Trả lời đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) về giải pháp để việc bảo trợ xã hội, nuôi dưỡng “trẻ em mồ côi do dịch” tốt hơn, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trên thế giới có khoảng 1,5 triệu trẻ em mồ côi do dịch Covid-19. Ở Việt Nam có 2.532 cháu bị mồ côi, trong đó có 81 cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ. Thời gian qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có nhiều chính sách để hỗ trợ, đặc biệt là tham mưu để ban hành Nghị định 20, trong đó quy định rõ về bảo trợ trẻ em, trong đó có trẻ em mồ côi.
“Chính sách của chúng ta có tham khảo mức hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, họ đánh giá là chính sách của Việt Nam là tương đối đồng bộ. Mức hỗ trợ 1,8 triệu đồng/tháng là tương đối tốt”, ông Dung nói.
Ngoài ra, theo ông Dung, các tổ chức xã hội thời gian qua cũng đã chung tay hỗ trợ với nguồn lực tương đối tốt, các cháu đã nhận được hỗ trợ từ Quỹ bảo trợ trẻ em, như tặng tiền mặt 5 triệu đồng và sổ tiết kiệm 20 triệu đồng cho các cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ.
“Phương châm của chúng tôi là các cháu cần được sống với người thân, hiện 81 cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ vẫn đang sống với người thân, chúng tôi vận động các gia đình là tốt nhất để cho các cháu sống với người thân”, ông Dung khẳng định.