Dự báo trong những ngày tới, MJO (Madden-Julian Oscillation là một dao động nội mùa trong khu vực nhiệt đới) tiếp tục di chuyển về phía đông, hoạt động ở khu vực Ấn Độ Dương và hầu như không tác động đến thời tiết ở phía nam Việt Nam.
Đáng chú ý, xoáy thuận nhiệt đới có xu hướng gia tăng hoạt động trong giai đoạn từ nửa cuối tháng 8 đến ngày 10/9. Trong thời kỳ này có khả năng xuất hiện 2-3 xoáy thuận nhiệt đới trên khu vực Biển Đông, trong đó, khả năng cao có 1-2 cơn ảnh hưởng đến khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Ngoài ra, tại khu vực Trung Bộ, từ ngày 13 đến 20/8, nắng nóng tiếp tục xảy ra, tuy nhiên, cường độ không gay gắt như thời kỳ những ngày đầu tháng 8. Ở các tỉnh Bắc Bộ, từ nay đến ngày 20/8, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp qua khu vực Bắc Bộ kết hợp với hội tụ gió lên đến 5000m nên khu vực này liên tục có mưa rào và dông, riêng vùng núi có mưa vừa, mưa to và dông. Khu vực vùng núi cần đề phòng hiện tượng lũ quét và sạt lở đất đá. Tổng lượng mưa thời kỳ này tại vùng núi khoảng 150-200mm, khu vực đồng bằng Bắc Bộ khoảng 70-120 mm, có nơi cao hơn. Thời kỳ này Bắc Bộ chủ yếu có nắng nóng cục bộ.
Dự báo nhiệt độ tại các khu vực trên cả nước thời kỳ này phổ biến cao hơn từ 0,5-1,0 độ C so với trung bình nhiều năm; riêng khu vực Bắc và Trung Trung Bộ phổ biến cao hơn từ 1,0-1,5 độ C. Lượng mưa trên phạm vi cả nước phổ biến xấp xỉ so với trung bình nhiều năm; riêng khu vực phía Đông Bắc Bộ và Nam Bộ phổ biến cao hơn từ 10-20% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Theo cảnh báo của các chuyên gia khí tượng, lũ quét thường xảy ra bất ngờ tại các sông, suối khu vực miền núi; lũ lên nhanh và cũng xuống nhanh, có sức tàn phá lớn, thường đi kèm với sạt lở đất, đá.
Người dân cần cảnh giác trước các dấu hiệu xuất hiện lũ quét như mưa lớn nhiều ngày ở vùng thượng lưu, nước sông hoặc suối chuyển màu đục, có tiếng động bất thường của đất đá hoặc âm thanh lạ trong lòng đất... Khi thấy các dấu hiệu trên, cần nhanh chóng di chuyển khỏi khu vực có thể xảy ra lũ quét để đến nơi có vị trí cao hơn.