Tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí là một quyền cơ bản của công dân, của một dân tộc. Tôn trọng và phát triển quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí là thể hiện quyền dân chủ, nền dân chủ, văn minh của một quốc gia - dân tộc.
Quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí mà chúng ta đang bàn ở đây là quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân phù hợp lợi ích của Nhà nước và nhân dân - là quyền của nhân dân được hiến pháp và pháp luật quy định. Thực tiễn lịch sử Việt Nam ta đã chứng tỏ quá trình đấu tranh để xác lập và thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí gắn liền với cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ, đầy hy sinh của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam theo con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn từ những thập niên đầu của thế kỷ 20.
Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, thực dân Pháp xâm lược nước ta, với chiêu bài "khai hóa văn minh", chúng đã dùng rượu cồn và thuốc phiện để cai trị nhân dân; họ dùng hệ thống nhà tù khắc nghiệt để đàn áp, giam cầm những người yêu nước, cách mạng Việt Nam.
Ở nước Pháp, quyền tự do báo chí thuộc về giai cấp tư sản, là đặc quyền của giai cấp tư sản; còn ở thuộc địa Việt Nam, chúng ra sức bóp nghẹt mọi quyền tự do, dân chủ, cấm ra báo tiếng Việt, tước đoạt quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của nhân dân ta. Trước tình hình đó, tại Đại hội lần thứ 18 Đảng xã hội Pháp (năm 1920), Nguyễn Ái Quốc đã mạnh mẽ tố cáo chế độ thực dân Pháp đối với nhân dân Việt Nam: "Chúng tôi không có quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận, ngay cả quyền tự do hội họp và lập hội cũng không có". (1)
Trong bài "Chế độ thực dân Pháp và xứ Đông Dương" (năm 1928), Nguyễn Ái Quốc viết: "Người dân Đông Dương bị tước quyền tự do được tổ chức, đi lại, ăn nói và viết lách, họ đều bị bịt mồm bịt miệng và bị giám sát..." (2). Để vạch trần nền "tự do, dân chủ" của chủ nghĩa thực dân, Nguyễn Ái Quốc đã nói lên một thực tế "giữa thế kỷ XX này, ở một nước có đến 20 triệu dân mà không có lấy một tờ báo! Các bạn có thể tưởng tượng được như thế không? Không có lấy một tờ báo bằng tiếng mẹ đẻ của chúng tôi". (3)
Một dân tộc bị nô lệ, mất nước, thì người công dân, nhân dân nước đó cũng không có quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí. Mọi thứ bánh vẽ "khai hóa văn minh", "tự do, dân chủ", "bình đẳng", "bác ái"... của chủ nghĩa thực dân đều là giả dối, lừa bịp để thực hiện sự thống trị, đàn áp và bóc lột nhân dân thuộc địa mà thôi.
Quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân, của dân tộc Việt Nam là một trong những nội dung cơ bản, quan trọng và cấp thiết của sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc mà Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã hiến dâng trọn cuộc đời mình. Bất cứ ở đâu, lúc nào nếu có điều kiện, Người đều nghĩ, nêu yêu sách đòi hỏi và bằng hành động để xác lập và thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của nhân dân Việt Nam, cho nhân dân Việt Nam.
Đầu thế kỷ 20, tại Paris, Nguyễn Ái Quốc đã gửi những yêu sách của nhân dân An Nam đến Hội nghị Versaile để "đòi quyền tự do tư tưởng, tự do tổ chức, tự do làm báo chí" cho người Việt Nam, cho dân tộc Việt Nam. Nguyễn Ái Quốc đã tự mình cùng một số đồng chí thuộc địa lập ra tờ báo Người cùng khổ (Le Paria) năm 1922. Tháng 6-1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc đã thành lập Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội - tổ chức đầu tiên của cách mạng Việt Nam và lập ra tờ báo “Thanh niên”. Ngày 21-6-1925, số báo “Thanh niên” đầu tiên được ra đời và phát hành về Việt Nam.
Trước đó, ở nước ta cũng đã xuất hiện một số tờ báo bằng tiếng Pháp đó là công cụ của thực dân Pháp để cai trị, thực hiện chính sách ngu dân đối với nhân dân ta; cũng có những tờ báo tiếng Việt của cá nhân hoặc một nhóm trí thức, có tinh thần dân tộc, yêu nước. Nhưng những tờ báo này sau một thời gian hoạt động đều bị chính quyền cai trị thực dân Pháp và bọn tay sai khống chế, mua chuộc, rồi bị đóng cửa.
Báo Thanh niên ra đời ngày 21-6-1925, là một tờ báo tiếng Việt đầu tiên của một tổ chức cách mạng do Nguyễn Ái Quốc sáng lập, là tiếng nói đích thực của những người cách mạng, được quyền nói lên tiếng nói của nhân dân Việt Nam, của dân tộc Việt Nam đoàn kết đánh đổ chế độ thực dân, phong kiến, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Sự ra đời của báo “Thanh niên”, quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của nhân dân Việt Nam được chính thức hình thành; cũng từ đó, báo chí Việt Nam bước sang một bước ngoặt mới: sự ra đời của nền báo chí cách mạng Việt Nam và ngày càng phát triển bằng nhiều hình thức hoặc công khai hoặc bí mật, hoặc nửa công khai, với số lượng phát hành tuy hạn chế.
Thời kỳ Mặt trận Bình dân (1936 - 1939) đặc biệt là trong thời tiền khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945, báo chí cách mạng đã đưa chủ trương, chính sách, mệnh lệnh của đoàn thể cách mạng đến với quần chúng, đã nói lên tiếng nói của quần chúng, không cam chịu ách nô lệ, đoàn kết đứng lên cứu nước cứu nhà, giành độc lập dân tộc. Báo chí đã góp phần vào thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, theo thống kê đến năm 1948, cả nước ta có 52 tờ báo, nhưng báo chí nước nhà đã có bước phát triển mới về chất lượng và số lượng đội ngũ người làm báo. Báo chí đã thật sự là một công cụ quan trọng của Đảng và Nhà nước. Nhân dân đã sử dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để phục vụ công cuộc kháng chiến và kiến quốc.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, miền bắc nước ta được hoàn toàn giải phóng, cách mạng Việt Nam bước sang một giai đoạn mới: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc, đấu tranh giải phóng miền nam, thực hiện thống nhất Tổ quốc. Trong cuộc đấu tranh đầy gian khổ, hy sinh và vô cùng phức tạp này, báo chí có vị trí rất quan trọng. Ngày 14-12-1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Sắc lệnh về chế độ báo chí: Bảo đảm quyền tự do ngôn luận của nhân dân trên báo chí, ngăn cấm kẻ lợi dụng báo chí làm hại sự nghiệp chung. Sắc lệnh Báo chí năm 1956 đã khẳng định và đánh dấu thắng lợi về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân, của nhân dân Việt Nam, mở ra một giai đoạn mới của nền báo chí nước nhà.
Năm 1957, ở miền bắc nước ta có 134 tờ báo, trong đó, có năm tờ báo hằng ngày, năm tờ báo một tuần hai kỳ, 10 tờ báo hằng tuần, sáu tờ báo một tháng hai kỳ, 13 tờ báo hằng tháng, 50 tờ báo các ngành, 45 tờ báo của các địa phương. Có Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam ở trung ương, có 40 đài phát thanh của 40 tỉnh, thành phố, đặc khu, 500 đài cấp huyện, và 4.000 trạm truyền thanh cơ sở. Có Thông tấn xã Việt Nam, mỗi ngày phát hơn 10 loại tin và tài liệu đối nội, đối ngoại; lập được các phân xã trên các tỉnh, thành phố trong nước và hơn 10 phân xã ở nước ngoài. Tuy còn khiêm tốn, nhưng những con số nêu trên khẳng định: Hệ thống báo chí của miền bắc đã có bước phát triển đáng khích lệ, đến tận cơ sở, đáp ứng quyền được thông tin của nhân dân; công dân và nhân dân đã thực hiện ngày tốt hơn quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của mình mà cách mạng đã đem lại.
Công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đã tạo nên bầu không khí dân chủ trong toàn xã hội; đó cũng là nguồn sinh lực mới thổi vào hoạt động báo chí, thúc đẩy báo chí đổi mới và phát triển. Cùng với việc đẩy mạnh đổi mới tư duy, đổi mới kinh tế, Đảng ta chủ trương từng bước đổi mới về chính trị, mà báo chí, quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí là một lĩnh vực, một công cụ quan trọng của chính trị, là thước đo của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.
Ngày 28-12-1998, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa VIII nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Luật Báo chí. Báo chí là một lĩnh vực chính trị nhạy cảm, phục vụ công cuộc đổi mới đất nước, phù hợp sự vận động phát triển của xã hội. Nhận rõ tầm quan trọng đó, nhằm tạo điều kiện hơn nữa về hành lang pháp lý cho báo chí phát triển, ngày 12-6-1999, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa X nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí.
Luật Báo chí (1998), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Báo chí (1999) đã thể hiện cụ thể quan điểm cơ bản của Đảng ta về báo chí được đề cập tại Chỉ thị 22/CT-T.Ư ngày 17-10-1999 Bộ Chính trị "Tiếp tục đổi mới và tăng cường quản lý công tác báo chí, xuất bản" đều khẳng định: Đảm bảo và tôn trọng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân. Phát huy vai trò của báo chí trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là cơ sở, hành lang pháp lý quan trọng để báo chí nước ta phát triển phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Có thể khẳng định, kể từ ngày báo “Thanh niên” - do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, phát hành số đầu tiên 21-6-1925 đến nay đã trải qua 80 năm thì thời kỳ đổi mới đất nước là thời kỳ báo chí nước ta có bước phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng, cả về đội ngũ, cơ sở vật chất và phương tiện hoạt động.
Theo thống kê của Bộ Văn hóa - Thông tin, hiện nay nước ta có một hệ thống báo chí phát triển tương đối toàn diện, có đủ các loại hình báo chí: báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử trên internet, đáp ứng quyền được thông tin của nhân dân trong cả nước.
Báo in hiện có: 553 cơ quan báo chí, trong đó có 157 báo và 396 tạp chí với hơn 713 ấn phẩn báo chí và khoảng 1.000 bản tin. Báo nói và báo hình, Trung ương có một đài truyền hình, bốn đài truyền hình khu vực; 64 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều có đài phát thanh - truyền hình; TP Hồ Chí Minh tổ chức đài phát thanh, truyền hình riêng, tỉnh Phú Yên chỉ có đài phát thanh, còn lại các tỉnh, thành phố tổ chức chung một cơ quan báo chí cả phát thanh và truyền hình. Mạng lưới truyền thanh cơ sở có 600 đài cấp huyện, trong đó có 288 đài đã phát sóng FM, gần một nửa số xã trong cả nước có trạm truyền thanh. Báo điện tử là loại hình báo chí mới ra đời được Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Báo chí (1999) quy định. Đến nay, đã có hơn 50 đơn vị báo điện tử và các nhà cung cấp thông tin, có khoảng 2.500 trang thông tin điện tử (web) đang hoạt động trên toàn quốc. Nước ta có một hãng thông tấn quốc gia (Thông tấn xã Việt Nam), ngoài chức năng là ngân hàng tin, Thông tấn xã Việt Nam cũng là cơ quan chủ quản của nhiều tờ báo.
Mỗi bước báo chí cách mạng Việt Nam phát triển; quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân, của nhân dân ta được tôn trọng và phát huy trong đời sống chính trị - xã hội. Các thế lực thù địch ra sức tuyên truyền xuyên tạc, bóp méo sự thật với chiêu bài, với luận điệu cũ rích: "Việt Nam không có tự do báo chí", "Chính phủ bóp nghẹt kiểm soát báo chí"... Nhưng thực tế sự phát triển báo chí của Việt Nam ta trong 80 năm qua là một thành tựu to lớn của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa Việt Nam, của cách mạng Việt Nam, một niềm tự hào chính đáng của Đảng, Nhà nước, nhân dân và báo giới Việt Nam, mà không một thế lực nào có thể phủ nhận được.
Thiếu tướng PHAN KHẮC HẢI
Phó Tổng thư ký thường trực Hội Nhà báo Việt Nam
.................................
(1)- Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB CTQG, HN 2000, (T1, tr 22 - 23).
(2)- (Sđd, T2, tr 344);
(3) - (Sđd, T1, tr 403).