Vì thế, việc hoàn thiện hệ thống luật pháp về truyền thông và bảo vệ an ninh mạng trở thành vấn đề được chú trọng, quan tâm giải quyết và là việc làm hết sức bình thường ở mọi quốc gia.
Tuy nhiên, đối với Việt Nam, các thế lực thù địch lại thường xuyên tìm cách xuyên tạc tất yếu khách quan đó nhằm mưu đồ bôi nhọ, vu cáo Ðảng, Nhà nước Việt Nam, cổ vũ cho thứ "tự do ngôn luận" bất chấp pháp luật. Ðể góp phần làm sáng tỏ vấn đề, Báo Nhân Dân đăng tải bài viết của các luật sư đang sinh sống và làm việc tại các quốc gia Mỹ, CHLB Ðức và Việt Nam. Trân trọng giới thiệu bài viết.
BÀI 3: Bảo vệ an ninh mạng, vấn đề hệ trọng của mọi quốc gia
Ngày nay, sự phát triển như vũ bão của internet đã tác động tích cực tới sự phát triển kinh tế, giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội,... ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, hoạt động của không ít người khi sử dụng internet lại đẩy tới nguy cơ, đe dọa trực tiếp đến chủ quyền quốc gia, trật tự và an ninh, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân... Hiện tượng này xuất hiện vì sự phát triển internet đã tạo ra "mảnh đất màu mỡ" cho loại tội phạm mới hoạt động trên môi trường mạng, sử dụng mạng xã hội làm phương tiện và công cụ để thực hiện các mưu đồ cá nhân đen tối hoặc hành vi vi phạm pháp luật, gây hậu quả nặng nề tới nhiều mặt của đời sống. Nhất là, các cuộc tiến công trên mạng nhắm vào lĩnh vực an ninh, quốc phòng, kinh tế, văn hóa tại nhiều quốc gia đang có chiều hướng gia tăng.
Với nhiều thủ đoạn tinh vi, các đối tượng này sử dụng công nghệ cao để phát tán mã độc xâm nhập, tiến công hệ thống dữ liệu của cơ quan đầu não nhà nước; đồng thời từ động cơ tiêu cực và đen tối, một số tổ chức, cá nhân triệt để khai thác mạng xã hội nhằm bịa đặt, xuyên tạc, vu khống, tung tin giả,... để đầu độc, lũng đoạn, làm lạc hướng tinh thần xã hội, gây tổn hại kinh tế... Trước thực tế đó, vấn đề bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ quyền và lợi ích của mọi người trên không gian mạng đã được nhiều quốc gia quan tâm, chú trọng, và đã trở thành một vấn đề có tính toàn cầu.
Số liệu thống kê của Liên hợp quốc gần đây cho biết, hiện trên thế giới có 138 quốc gia đã ban hành Luật An ninh mạng. Ðáng chú ý khoảng sáu năm trở lại đây, đã có 23 quốc gia ban hành trên 40 văn bản luật và dưới luật về an ninh mạng. Tuy tên gọi có thể khác nhau ở mỗi quốc gia, nhưng các luật này có mục tiêu chung là tạo cơ sở pháp lý bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mọi công dân, cũng như hoạt động của các cơ quan công quyền, tổ chức, doanh nghiệp trên môi trường internet. Ðồng thời, cùng với việc thiết lập các quy định giúp điều chỉnh hành vi trên không gian mạng, luật cũng quy định rõ các chế tài xử phạt hành vi vi phạm an ninh mạng.
Việt Nam và các nước Ðông - Nam Á được đánh giá là những quốc gia năng động, có tốc độ phát triển các ứng dụng internet ở mức cao, song cũng đang phải hứng chịu thiệt hại nặng nề từ những cuộc tiến công do tội phạm mạng thực hiện. Cụ thể như tháng 10 - 2017, việc rò rỉ thông tin cá nhân của 46 triệu thuê bao di động (liên quan địa chỉ nhà, số thẻ nhận dạng quốc gia, thông tin thẻ SIM,...) tại Ma-lai-xi-a đã tạo nên một cơn chấn động lớn trong đời sống cộng đồng. Theo các chuyên gia, nguy cơ này đã được cảnh báo từ năm 2014. Tuy nhiên, khi xảy ra trên thực tế, mức độ nguy hại của vấn đề mới được nhận thức một cách đầy đủ. Còn ở Xin-ga-po, chỉ tính riêng trong năm 2017, quốc gia này đã phải hứng chịu ba cuộc tiến công mạng lớn, trong đó tin tặc tiến công vào cả hệ thống mạng của Bộ Quốc phòng. Năm 2018, Xin-ga-po tiếp tục hứng chịu nhiều thiệt hại do tội phạm mạng gây ra, điển hình là vụ tin tặc đánh cắp thông tin cá nhân của 1,5 triệu người.
Tại Việt Nam, ngày 30-10-2019, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã phát đi lệnh điều phối yêu cầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp gấp rút rà quét, bóc gỡ các tập tin mã độc của chiến dịch tiến công có chủ đích (APT) quy mô lớn nhằm vào các cơ quan Chính phủ, hạ tầng thông tin quan trọng của Việt Nam. Ðã có hơn 400.000 địa chỉ IP bị lây nhiễm với hơn 16 biến thể của mã độc trong chiến dịch tiến công này. Còn theo báo cáo mới đây của Công ty CyStack (hoạt động trong lĩnh vực bảo mật mạng), năm 2019 đã có hơn 560.000 vụ tiến công vào các website trên toàn cầu, và Việt Nam xếp thứ 11 trong số các nước có nhiều website bị tiến công trên thế giới với hơn 9.300 website bị xâm phạm. Hàng loạt vụ việc như vậy cho thấy, việc bảo vệ an ninh mạng đã trở nên vô cùng cấp thiết và có tính toàn cầu.
Trong vòng 5 năm trở lại đây, nhiều quốc gia Ðông - Nam Á đã ban hành Luật An ninh mạng. Có thể kể đến là Luật An ninh mạng của Xin-ga-po ban hành năm 2017, cho phép Cơ quan An ninh mạng nước này theo dõi, quản lý an toàn không gian mạng của quốc gia. Ðến tháng 1-2018, Bộ Pháp luật Xin-ga-po ra thông cáo báo chí về việc xây dựng một dự luật mới nhằm chống lại sự lan truyền của tin giả, theo đó chính phủ sẽ được trao quyền tuyệt đối trong việc kiểm soát mọi thông tin trên mạng xã hội và trừng phạt nặng các cá nhân, tổ chức vi phạm. Tháng 2-2019, Thái-lan cũng chính thức thông qua Luật An ninh mạng. Theo đó, Ủy ban An ninh mạng quốc gia được thành lập, do Thủ tướng Chính phủ phụ trách. Ðáng chú ý, Luật An ninh mạng của Thái-lan quy định trong tình huống quan trọng (như có mối đe dọa an ninh mạng nghiêm trọng) các cơ quan có thẩm quyền được phép bỏ qua các lệnh của tòa án.
Tại Việt Nam, Luật An ninh mạng (quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan) được Quốc hội thông qua ngày 12-6-2018, và có hiệu lực từ ngày 1-1-2019. Sau một năm thực thi, Luật đã phát huy vai trò tích cực trong việc thực hiện các biện pháp bảo vệ an toàn, an ninh mạng, kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng. Trong năm 2019, khoảng 8.000 đoạn phim có nội dung xấu độc, hàng trăm tài khoản giả, hàng nghìn link rao bán hàng, quảng cáo bất hợp pháp đã được gỡ bỏ. Nhiều trường hợp sử dụng mạng xã hội kích động hận thù dân tộc, kêu gọi biểu tình chống chính quyền, xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước... đã bị phát hiện, xử lý thích đáng. Ý thức của người dân từng bước được nâng cao. Có cá nhân trước đây từng lớn tiếng phản đối, công kích Luật An ninh mạng, cho rằng Luật vi phạm quyền con người, cản trở quyền tự do dân chủ, tự do ngôn luận, nhưng khi chính họ trở thành nạn nhân của tội phạm trên mạng thì các cá nhân này đã nhận thức được tầm quan trọng của Luật, phải nhờ cơ quan chức năng vào cuộc để bảo vệ mình. Thực tế, Luật An ninh mạng cho thấy, người dân không hề bị ngăn cản quyền tự do ngôn luận, mà họ được thoải mái bày tỏ chính kiến trên các trang mạng xã hội trong khuôn khổ của pháp luật, nhất là khi những ý kiến đó hướng tới bảo vệ lợi ích cộng đồng, lên án hành vi tiêu cực trên mạng xã hội sẽ được cộng đồng mạng hưởng ứng và có sức lan tỏa mạnh mẽ. Nhờ đó, tình trạng nhiễu loạn thông tin trên không gian mạng đã từng bước được chấn chỉnh, giúp người dân hằng ngày được tiếp cận với các thông tin lành mạnh, hữu ích.
Gần đây, một vấn đề thời sự được nhiều người quan tâm là tình hình dịch Covid-19. Tính đến ngày 21-2-2020, trong khi số người mắc bệnh tại Việt Nam là 16 người, thì đã có tới trên 170 cá nhân bị xử lý vì đăng các thông tin sai lệnh về dịch bệnh trên mạng xã hội, trong đó có cả người nổi tiếng. Việc xử lý kịp thời, kiên quyết của cơ quan chức năng được dư luận đồng tình, ủng hộ. Bởi dịch bệnh không đáng sợ, nếu chúng ta tỉnh táo bình tĩnh, trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng phòng - chống bệnh và thực hiện nghiêm túc, điều đáng sợ là việc tin theo thông tin lệch lạc, xuyên tạc trên mạng xã hội, có mục đích gieo rắc hoang mang, sợ hãi, kích động hành vi tiêu cực trong cộng đồng. Ðồng thời, nhờ có Luật An ninh mạng với sự vào cuộc rốt ráo của các cấp chính quyền và cơ quan chức năng liên quan, các hành vi gian lận trên mạng xã hội như lợi dụng dịch bệnh để tăng giá, làm giả,... các trang thiết bị y tế cũng đã được xử lý kịp thời. Ðến ngày 19-2-2020, cơ quan chức năng đã xử lý hơn 30.000 gian hàng online (trực tuyến) với gần 48.000 sản phẩm vi phạm. Trước sự kiên quyết của cơ quan chức năng, nhiều trang thương mại điện tử có hành vi gian dối đã tự động đóng cửa hoặc tự điều chỉnh hành vi.
Những thí dụ cụ thể nêu trên đã phần nào cho thấy khi đi vào cuộc sống, Luật An ninh mạng đã phát huy vai trò quan trọng trong bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân, giữ ổn định trật tự xã hội, bảo vệ an ninh của quốc gia trên môi trường internet. Ðể tiếp tục bổ sung và hỗ trợ Luật An ninh mạng, ngày 3-2-2020, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định số 15/2020/NÐ-CP (có hiệu lực thi hành từ ngày 15-4-2020) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Theo các chuyên gia pháp luật, cùng với Luật An ninh mạng, Nghị định sẽ giúp phát huy mạnh mẽ hơn vai trò của pháp luật nói chung, của luật về an ninh mạng nói riêng, trong việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm trên không gian mạng. Ðối tượng được hưởng lợi nhiều nhất chính là người dân và các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp,... trên cơ sở đó góp phần bảo vệ trật tự, an toàn xã hội.
Tuy nhiên cần phải thấy rằng, để các văn bản pháp luật thật sự phát huy vai trò trên thực tế, bên cạnh sự vào cuộc của hệ thống chính trị còn rất cần sự hợp tác, đồng hành của mọi người dân, thể hiện bằng ý thức tuân thủ pháp luật khi tham gia mạng xã hội, thận trọng tỉnh táo trước những thông tin thiếu kiểm chứng, kịp thời phát hiện dấu hiệu gian lận lừa đảo hoặc thông tin sai sự thật để cảnh báo cộng đồng, kịp thời báo cáo cơ quan chức năng. Ðó là cách thiết thực để mỗi người tự bảo vệ chính mình, góp phần bảo vệ sự phát triển lành mạnh của không gian mạng, bảo vệ sự bình yên, phát triển của đất nước. Ðặc biệt, cần nhận thức rằng, đây không chỉ là vấn đề riêng do Nhà nước Việt Nam đặt ra, mà các quốc gia đều có điều luật cụ thể để quản lý, xử lý mọi hành vi vi phạm.
--------------------------------------