Truyền thông, an ninh mạng và luật pháp

Bài 2 : Thực thi pháp luật trên các mạng xã hội ở châu Âu

Thực tế đã cho thấy, trong thế giới hiện đại, nếu không có sự quản lý và kiểm soát, truyền thông và mạng xã hội có thể khiến việc truyền bá thông tin nhiều khi trở nên nhiễu loạn, xa rời mục tiêu vốn có, gây tổn hại cho xã hội cũng như đối tượng tiếp nhận, hoặc bị lợi dụng phục vụ mưu đồ xấu...

Vì thế, việc hoàn thiện hệ thống luật pháp về truyền thông và bảo vệ an ninh mạng trở thành vấn đề được chú trọng, quan tâm giải quyết và là việc làm hết sức bình thường ở mọi quốc gia.

Tuy nhiên, đối với Việt Nam, các thế lực thù địch lại thường xuyên tìm cách xuyên tạc tất yếu khách quan đó nhằm mưu đồ bôi nhọ, vu cáo Ðảng, Nhà nước Việt Nam, cổ vũ cho thứ "tự do ngôn luận" bất chấp pháp luật. Ðể góp phần làm sáng tỏ vấn đề, Báo Nhân Dân đăng tải bài viết của các luật sư đang sinh sống và làm việc tại các quốc gia Mỹ, CHLB Ðức và Việt Nam. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Bài 2 : Thực thi pháp luật trên các mạng xã hội ở châu Âu

Ở Đức, Luật cải thiện thực thi pháp luật trên các mạng xã hội (NetzDG), được Quốc hội thông qua ngày 30-6-2017, có hiệu lực từ ngày 1-10-2017. Luật chỉ gồm sáu điều. Trong cuộc sống hằng ngày, người Đức gọi NetzDG nôm na là Luật kiểm soát Facebook. Luật này quy định các quy tắc mà các nhà cung cấp mạng xã hội phải tuân thủ khi xử lý khiếu nại của người dùng về tội phạm gây hận thù, các nội dung tội phạm khác trên mạng, nghĩa vụ báo cáo theo hằng quý. Ngoài ra, nạn nhân của các vi phạm nhân cách trên mạng được quyền có thông tin về hiện trạng dữ liệu của người vi phạm dựa trên lệnh của tòa án. Luật này là một phản ứng trước sự phổ biến ngày càng tăng của tội phạm gây hận thù và các nội dung tội phạm khác, đặc biệt trên các mạng xã hội như Facebook, YouTube và Twitter. Một số nghĩa vụ được áp dụng đối với các nhà cung cấp mạng xã hội trong lĩnh vực áp dụng của NetzDG. Đó là nghĩa vụ báo cáo, quản lý khiếu nại và nghĩa vụ chỉ định người đại diện, người được phép nhận tống đạt. Cốt lõi của quản lý khiếu nại là nhà cung cấp mạng xã hội có nghĩa vụ xóa các nội dung bất hợp pháp theo định nghĩa của NetzDG sau khi biết và kiểm tra, hoặc chặn truy cập.

Quy định tại khoản 1, 2 Điều 1 NetzDG dành cho các nhà khai thác mạng xã hội có hơn hai triệu người dùng đã đăng ký ở Đức. Nội dung bất hợp pháp được liệt kê trong khoản 3 Điều 1 NetzDG, gồm sự nguy hiểm đối với nhà nước pháp quyền dân chủ, kích động người dân, giả mạo vì động cơ phản bội đất nước, các tội ác chống lại trật tự công cộng (như thành lập nhóm tội phạm, đả kích các tín ngưỡng, các cộng đồng tôn giáo và hiệp hội của những người có cùng cách nhìn về thế giới, tội phạm chống lại quyền tự quyết về tình dục, phát tán các nội dung khiêu dâm bằng hình ảnh trẻ em, và lăng mạ, nói xấu, vu khống, vi phạm quyền riêng tư trong cuộc sống qua hình ảnh, đe dọa, làm sai lệch dữ liệu...).

Khoản 1 Điều 2 NetzDG quy định nhà cung cấp mạng xã hội nhận được hơn 100 khiếu nại về nội dung bất hợp pháp trong một năm phải có nghĩa vụ đưa ra bản báo cáo trách nhiệm bằng tiếng Đức về cách giải quyết các khiếu nại này, xuất bản trên Công báo Liên bang và trang mạng của họ. Điểm 2 khoản 2 Điều 3 NetzDG quy định nhà điều hành mạng xã hội (Facebook, Twitter, YouTube...) phải xóa hoặc chặn “nội dung rõ ràng bất hợp pháp trong vòng 24 giờ” sau khi nhận được khiếu nại. Điểm 3 khoản 2 Điều 3 NetzDG quy định trường hợp phức tạp hơn có thể áp dụng thời hạn bảy ngày để quyết định xóa hay chặn; thời hạn một tuần có thể áp dụng với hai trường hợp: 1. Nếu ngoài hành vi phạm tội hình sự khách quan, các biện minh có thể cần cân nhắc; 2. Nếu có kiểm tra được thực hiện trong khuôn khổ của sự tự điều chỉnh theo quy định.

NetzDG quy định nhà cung cấp mạng xã hội có thể trao quyết định về nội dung không rõ ràng, bất hợp pháp cho một đơn vị điều chỉnh tự nguyện. Một “đơn vị điều chỉnh tự nguyện theo quy định” được công nhận phải được nhà nước phê duyệt và giám sát bởi Văn phòng Tư pháp Liên bang, được thành lập, trang bị và vận hành bởi các công ty. Nếu một công ty đi theo con đường tự điều chỉnh, bên cạnh sự bất hợp pháp là “hiển nhiên”, còn có nguy cơ bị phạt tiền. Người trở thành nạn nhân của lời lăng mạ hoặc phỉ báng trên phương tiện truyền thông xã hội, có thể hành động chống lại người tạo ra nội dung đó chiếu theo quy định ghi từ khoản 3 đến khoản 5 ở Điều 14 Luật về truyền thông mạng. Khoản 2 Điều 4 NetzDG quy định: Trong các trường hợp riêng lẻ, nhà cung cấp mạng xã hội phải cung cấp thông tin về dữ liệu của tác giả, vì đó là để thực thi các khiếu nại theo luật dân sự do vi phạm quyền được bảo vệ tuyệt đối trước nội dung bất hợp pháp. Và một lệnh của tòa là cần thiết để được cung cấp thông tin, sau khi bên bị tổn hại nộp đơn lên tòa án tiểu bang có thẩm quyền và được chấp nhận; khi có vi phạm chống lại điều này, có thể bị phạt tới 5 triệu Euro...

Sau CHLB Đức, các quốc gia khác ở châu Âu cũng từng bước tiến hành những biện pháp tương tự. Như bài “Cho đến khi hận thù trên mạng được xóa” đăng trên Frankfurter Allgemeine Zeitung (Phơ-ran-phuốc Khái quát) ngày 9-7-2019 viết: “Quốc hội Pháp đã phê chuẩn một đạo luật mới chống lại hận thù trên internet (in-tơ-nét). Với đạo luật mới này, Pháp muốn đảm nhận vai trò tiên phong của châu Âu trong cuộc chiến chống lại kích động kỹ thuật số. Dự luật, được lấy cảm hứng từ Luật thực thi mạng của Đức, đã vượt qua rào cản quan trọng nhất trong Quốc hội. Tổng thống E. Macron (E. Mắc-cơ-rôn) đã gặp ông chủ Facebook M.Zuckerberg (M. Giắc-cơ-bấc) hai lần tại Paris để phối hợp và yêu cầu nhà mạng này phải sẵn sàng hợp tác. Thậm chí luật pháp của Pháp còn đi xa hơn cả mô hình của Đức, như luật mới tăng các biện pháp trừng phạt đối với các công ty có trách nhiệm nếu có nội dung gây hận thù trên mạng, hoặc công cụ tìm kiếm của họ không bị xóa trong 24 giờ, người có trách nhiệm trong các công ty phải đối mặt với án tù lên tới một năm, phạt tiền tới 250 nghìn Euro; tiền phạt có thể lên tới 1,25 triệu Euro nếu một pháp nhân phải chịu trách nhiệm pháp lý. Hội đồng truyền hình và đài phát thanh (CSA) có năng lực được mở rộng ra internet và quyền áp dụng các biện pháp trừng phạt tiếp theo. Ngoài ra được chỉ đích danh những bài viết nào phải được loại bỏ...”. Ngày 23-4-2019, tờ Frankfurter Rundschau (Phơ-ran-phuốc Toàn cảnh) có bài “Áo muốn trừng phạt các bình luận gây hận thù trên internet” cho biết với một dự luật, Chính phủ Áo muốn bảo đảm rằng người đăng tải lời lẽ gây hận thù trên các diễn đàn trực tuyến có thể bị truy cứu trách nhiệm. Lệnh cấm “mặt nạ kỹ thuật số” nhằm bảo đảm nhà điều hành các diễn đàn phải cung cấp tên thật của người bình luận cho chính quyền. Do đó, trong tương lai những người sử dụng các diễn đàn như vậy khi đăng nhập phải dùng tên thật và dữ liệu điện thoại của mình. Nhà điều hành các diễn đàn trực tuyến cũng sẽ phải lưu dữ liệu người dùng do luật mới, bởi họ có thể phải tiết lộ nó sau đó.

Sau hơn hai năm thực hiện NetzDG, các cơ quan nhà nước Đức, nhất là cơ quan tư pháp và hành pháp đã cho thấy quyết tâm rất cao trong việc phòng, chống tội phạm ngày càng bùng phát trên mạng internet.

Chẳng hạn, ngày 9-8-2019, tờ Stuttgarter Nachrichten (Tin tức Sờ-tút-gát) đăng bài “100 lệnh phạt và hình phạt tiền vì lời bình luận gây hận thù” cho biết, một chương trình phát trực tuyến (livestream) trên Facebook đã dẫn đến 257 cuộc điều tra hình sự. Vì các bình luận gây hận thù, hơn 100 người dùng Facebook đã bị trừng phạt, và bị phạt tiền. Sự việc bắt đầu vào tháng 12-2017, sau khi những người xin tị nạn đến từ châu Phi tại một trại đã yêu cầu chỗ ở tốt hơn trong các cuộc biểu tình kéo dài nhiều ngày. Một tổ chức đảng cánh hữu ở địa phương này đã phát một chương trình trực tuyến. Nhiều người đã viết những lời bình luận có nội dung phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trước đó, ngày 6-6-2019, trang mạng của đài truyền hình công cộng SWR đăng bài “Hình phạt nặng nề cho lời bình luận gây hận thù” cho biết hơn hai năm trước, một thanh niên 21 tuổi, đăng trên Facebook một bức ảnh chụp khuôn mặt của mình, gồm cả những vết bầm tím, nói rằng đó là từ bạo lực cảnh sát. Và 47 người đã bị kết án sau khi phát tán trên mạng những lời lăng mạ, gây hận thù chống lại cảnh sát. Họ bị phạt tiền tổng cộng là 47 nghìn Euro vì những lời lăng mạ. Lệnh phạt cao nhất cho một người là 4.000 Euro. Tương tự, ngày 2-7-2019, tờ Thời gian trực tuyến (ZeitOnline) đăng bài “Chính quyền Đức đưa ra hình phạt hàng triệu Euro chống lại Facebook”. Theo đó, tập đoàn này được cho là chỉ thông báo một phần khiếu nại nhận được liên quan đến các bình luận gây hận thù. Văn phòng Tư pháp Liên bang phạt Facebook hai triệu Euro với cáo buộc Facebook đã đưa ra một “bức tranh méo mó” về mức độ nội dung bất hợp pháp và cách công ty xử lý trong báo cáo minh bạch được công bố một năm trước đó. Những con số được báo cáo tại thời điểm này thấp hơn đáng kể so với Google, Twitter. Theo đó, người dùng khiếu nại đã báo cáo gần 215.000 bài đăng gây tranh cãi trên nền tảng video YouTube trong nửa đầu năm 2018, trong đó có khoảng 58.000 bài đã bị xóa. Twitter nhận được tổng cộng gần 265.000 khiếu nại, đã xóa 29.000 khiếu nại khỏi internet. Theo báo cáo minh bạch, Facebook nhận được 886 tin nhắn liên quan đến 1.704 bài đăng, 362 trong số này đã bị xóa. Văn phòng Tư pháp Liên bang hiện đã kết luận rằng, báo cáo của Facebook liệt kê “chỉ một phần các khiếu nại về nội dung bất hợp pháp”. Và một điều bị chỉ trích là báo cáo khiếu nại trên Facebook bị che giấu, số lượng các biện pháp được báo cáo để đáp ứng đối với các khiếu nại cũng không đầy đủ.

Thời gian qua, nhiều quan tòa, chính trị gia và nhà khoa học ở Đức tranh luận sôi nổi về hiệu quả của NetzDG. Nhiều người cho rằng nên sửa đổi theo chiều hướng nghiêm khắc hơn, thí dụ tăng khung mức trừng phạt, và mở rộng phạm vi ứng dụng. Mặc dù một số quốc gia ở Tây Âu chưa có các quy định pháp lý như của Đức, nhưng đó chỉ còn là vấn đề của thời gian. Vì việc bảo vệ nhân phẩm và danh dự của con người, bảo vệ quyền lợi chính đáng của quốc gia không thể chỉ thuần túy dựa trên lời kêu gọi ý thức tự giác của mọi thành viên trong cộng đồng, mà nguyên tắc nhà nước pháp quyền còn yêu cầu những biện pháp cứng rắn hơn.

(Còn nữa)

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 28-2-2020.

Đọc Bài 1 tại đây.