Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) trao đổi kinh nghiệm dạy học với nhà trường. |
Biết là việc học ở Trường THCS Vĩnh Yên không dễ dàng vì có nhiều thầy giỏi, trò giỏi, áp lực lớn, song các bậc phụ huynh vẫn muốn con em họ được học tại ngôi trường này bởi ở đó trẻ có thể phát huy mọi năng lực.
Đoàn kết, nghiêm túc và trách nhiệm
Kỳ tuyển sinh lớp 6 của Trường THCS Vĩnh Yên năm học này có tới 1.119 thí sinh tham gia để tuyển chọn lấy 450 em, “căng” như thi đại học. Học sinh của trường học 2 buổi mỗi ngày. Cảm thấy chưa yên tâm, một số gia đình vẫn cho con em đi học thêm buổi tối bên ngoài trường.
Ham học như thế nên học sinh của trường “ẵm” vô số giải trong các cuộc thi. Năm học 2022-2023, nhà trường dẫn đầu tỉnh về số học sinh thi đỗ vào Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc với 200 em, trong đó có 8/11 thủ khoa và 5/11 á khoa.
Chất lượng giáo dục đại trà cũng vươn lên đứng đầu tỉnh trong năm học qua, trong bối cảnh trường còn thiếu khá nhiều giáo viên. Tất cả bắt nguồn từ đoàn kết, nghiêm túc và trách nhiệm. Đội ngũ giáo viên rất yêu nghề, làm việc bằng tất cả tâm huyết và trách nhiệm của mình.
Là trường chất lượng cao của thành phố, của tỉnh, nhà trường chú trọng lựa chọn phương pháp, hình thức và kĩ thuật dạy học tích cực; đánh giá đúng chất lượng giáo viên và học sinh làm động lực nâng cao chất lượng.
Hiệu trưởng Triệu Thị Thanh Hà nêu một số giải pháp trường đang áp dụng như: tổ chức giao ban hàng tuần, họp định kỳ hằng tháng một cách nghiêm túc, dân chủ, thẳng thắn, xây dựng; bảo đảm cân đối giữa việc truyền thụ kiến thức, rèn luyện kỹ năng và định hướng thái độ, hành vi cho học sinh; tăng cường liên hệ thực tế, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với nội dung bài học.
Nhiều hoạt động đổi mới theo hướng thực chất như sinh hoạt tổ chuyên môn, thực hiện các chuyên đề khoa học, tăng cường dự giờ. Đội ngũ giáo viên tập trung hướng dẫn học sinh rèn luyện kỹ năng tự học, tự nghiên cứu sách giáo khoa và tài liệu tham khảo, bồi dưỡng năng lực độc lập suy nghĩ.
Các hình thức kiểm tra, đánh giá đều hướng tới phát triển năng lực của học sinh; động viên sự cố gắng, hứng thú học tập của các em. Các bài kiểm tra kết hợp một cách hợp lý giữa hình thức trắc nghiệm tự luận với trắc nghiệm khách quan, giữa kiểm tra lý thuyết và kiểm tra thực hành; tăng cường ra các câu hỏi mở đối với các môn khoa học xã hội.
Học sinh của trường biểu diễn tiết mục văn nghệ. |
Giảm áp lực, tăng hoạt động giải trí
Thành tích cao tất nhiên áp lực lớn và điều đó sẽ khó đem lại hạnh phúc cho cán bộ, giáo viên và học sinh nhà trường. Do đó, cùng với duy trì áp lực cần thiết để mọi người đều phải cố gắng, Hiệu trưởng Triệu Thị Thanh Hà theo đuổi chiến lược cân bằng tâm lý, cân bằng giữa học và chơi cho học sinh.
Diện tích nhà trường lên đến 4,6ha với nhiều khu chức năng, thuận lợi để tổ chức các hoạt động tập thể. Trường tổ chức cho học sinh tham gia nhảy dân vũ, đồng diễn, thi “Rung chuông vàng”, tổ chức các câu lạc bộ thể thao, nghệ thuật thu hút nhiều em tham gia.
Trường còn mời nhà tâm lý học đến “giảm áp” cho học sinh thông qua các cuộc nói chuyện về Gen Z, sức khỏe tâm thần học đường, phòng chống bạo lực học đường và rất nhiều hoạt động khác. Những cuộc hội thảo về chuyên môn, về kỹ năng sống cũng đem lại không khí thoải mái cho thầy và trò.
Nhờ khơi dậy được cảm hứng sáng tạo và năng khiếu của học sinh, các hội thi, cuộc thi trường đều tham gia và đạt nhiều giải.
Hiệu trưởng Triệu Thị Thanh Hà (giữa) tặng quà cho học sinh tham gia hoạt động ngoại khóa. |
Giáo viên giao bài về nhà vừa sức với học sinh, giảm nhiều bài kiểm tra giữa kỳ, giảm một số cuộc thi như giao lưu học sinh giỏi các lớp 6, 7 và 8; bỏ cuộc thi vô địch các môn văn hóa lớp 8. Một số cuộc thi năng khiếu không bắt buộc toàn bộ học sinh tham gia.
Với số lượng 1.548 học sinh trong năm học này, vai trò của giáo viên chủ nhiệm rất quan trọng. Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Hạnh, chủ nhiệm lớp 8A1 cho biết: Tôi phải tính toán từng phút trong tiết sinh hoạt lớp sao cho ý nghĩa nhất, có chủ đề, tổ chức hoạt động như bốc thăm thi tìm hiểu các nhân vật lịch sử.
Sự tinh tế, chuyên nghiệp trong tổ chức hoạt động dạy học đã đưa Trường THCS Vĩnh Yên trở thành trung tâm trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ của các trường THCS thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc và là nơi giao lưu học hỏi kinh nghiệm của nhiều tỉnh bạn.