Đến dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư; Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; lãnh đạo nhiều bộ, ban, ngành, địa phương, các đơn vị đối tác trong và ngoài nước; các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, giảng viên, học viên và sinh viên nhà trường.
Trải qua 40 năm xây dựng và phát triển, Trường đại học Luật Hà Nội đã đào tạo hơn 100 nghìn lượt cán bộ pháp luật cho cả nước. Các thế hệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp các hệ đào tạo của trường hiện đang công tác và có nhiều đóng góp trong các lĩnh vực pháp luật, tư pháp của cả nước. Nhiều cựu học sinh, sinh viên của trường hiện đang giữ những trọng trách quan trọng trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, trong đó có gần 80 đại biểu Quốc hội khóa XIV nguyên là giảng viên, học viên, sinh viên của trường.
Trường đã có những đóng góp đáng kể vào các hoạt động nghiên cứu khoa học pháp lý; xây dựng, hoàn thiện pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật ở Việt Nam và tham gia tích cực vào hoạt động hỗ trợ pháp luật cho nước bạn và xây dựng khoa học pháp lý khu vực Đông - Nam Á.
Đặc biệt, trong năm năm qua, toàn Trường đã tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm xây dựng Trường thành Trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật theo Quyết định số 549/QĐ-TTg ngày 4-4-2013 của Thủ tướng Chính phủ.
Tại Lễ kỷ niệm, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã trang trọng gắn tấm Huân chương Lao động hạng Nhất lên lá cờ truyền thống của Trường. Phát biểu tại buổi Lễ, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, công tác đào tạo nguồn nhân lực pháp luật chất lượng cao cho đất nước là nhiệm vụ quan trọng được Đảng, Nhà nước quan tâm, đặc biệt là trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay, nhằm đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế trong thời kỳ mới.
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước chụp hình lưu niệm cùng cán bộ, giảng viên, sinh viên nhà trường.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng yêu cầu Trường đại học Luật Hà Nội cần tiếp tục khẳng định và giữ vai trò tiên phong trong việc nghiên cứu và phát triển khoa học pháp lý; hình thành trường phái nghiên cứu khoa học pháp lý với những thế mạnh sẵn có. Chủ động, tích cực, phối hợp các cơ sở nghiên cứu, đào tạo khác để triển khai các nghiên cứu khoa học pháp lý cơ bản, nghiên cứu vượt trước làm tiền đề cho việc xây dựng và hoạch định chính sách, chiến lược lớn. Đồng thời, tiếp tục chú trọng các nghiên cứu phục vụ công tác xây dựng, cải cách pháp luật, cải cách tư pháp; các nghiên cứu, công bố quốc tế nhằm chia sẻ, truyền bá kết quả phát triển khoa học pháp lý trong nước; nghiên cứu pháp lý phục vụ trực tiếp cho việc thực hiện nhiệm vụ an ninh quốc gia, bảo vệ chủ quyền quốc gia, thực hiện các cam kết và hội nhập quốc tế.