Hôm nay, Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) tổ chức lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới do Chủ tịch nước trao tặng và khởi động chương trình Mekong-1000. Tham dự buổi lễ bao gồm lãnh đạo Bộ Giáo dục& Đào tạo, lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long, các trường đại học trong nước và 9 trường đại học nước ngoài.
Trong suốt gần 40 năm xây dựng và phát triển, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới, ĐHCT đã khắc phục mọi khó khăn về cơ sở vật chất, về đội ngũ cán bộ viên chức, vươn lên dẫn đầu về chất lượng, hiệu quả đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, kinh tế, công nghệ, luật và sư phạm, phục vụ đắc lực cho công cuộc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của khu vực ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung.
Về đào tạo, ĐHCT là một trong những trường đi đầu trong khối đại học về hoàn thành xuất xắc việc thực hiện 5 chỉ tiêu đổi mới đào tạo đại học. Truờng đã đào tạo hơn 46 ngàn cử nhân, kỹ sư, bác sỹ cho các tỉnh ĐBSCL. ĐHCTlà một trong những trường đầu tiên áp dụng học chế tín chỉ, là một học chế tiến tiến được áp dụng ở hầu hết các nước tiên tiến trên thế giới. Đến nay, hầu hết các giáo trình của các khoa trong trường đều được đưa lên mạng và đang triển khai phương thức đào tạo trực tuyến. Cuối năm nay, Trung tâm học liệu hay còn gọi là thư viện điện tử của trường sẽ được đưa vào họat động. Năm 1995 ĐHCT mới chỉ có 900 máy vi tính thì hiện nay trường đã tự trang bị hơn 2.200 máy vi tính, 100% cán bộ viên chức và sinh viên trường có địa chỉ email.Hiện nay, ĐHCT có 53 chuyên ngành đào tạo đại học, 19 chuyên ngành cao học, 6 ngành nghiên cứu sinh và đang tiếp tục xúc tiến thủ tục mở thêm một số ngành mới. Số lượng sinh viên đại học tăng liên tục hàng năm, đến nay đã lên khoảng trên 17.000 sinh viên chính quy, 15.000 sinh viên ngoài chính quy và 815 học viên sau đại học.
Về nghiên cứu khoa học, ĐHCT đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng cho các địa phương trong việc định hướng chiến lược phát triển dài hạn, các dự án phát triển vùng, tiểu vùng và phản biện cho nhiều dự án cấp Nhà nước trong việc khai thác tiềm năng ĐBSCL. Đóng góp quan trọng của ĐHCT cho sự phát triển nông nghiệp vùng ĐBSCL bao gồm các chương trình nghiên cứu cây lúa và hệ thống canh tác, lai tạo và tuyển chọn giống lúa kháng rầy, năng suất cao và các hệ thống thích hợp góp phần xóa đói giảm nghèo và tăng lượng gạo xuất khẩu trong vùng; chương trình nghiên cứu cải tạo đất phèn đã đưa hàng trăm ngàn hec-ta đất phèn trong khu vực vào sản xuất có hiệu quả; chương trình phát triển cây ăn trái, nghiên cứu và sản xuất thử các Premix cho gia súc, gia cầm, các loại thuốc trừ bệnh cho cây như Copper- Zine, Copper- B, hợp chất kích thích ra rễ, kích thích ra hoa cây ăn trái. Gần đây, những thành tựu mới trong lĩnh vực thủy sản của ĐHCT như chương trình nghiên cứu và sản xuất các giống cá tra, cá basa, tôm càng xanh, quy trình cho cua biển đẻ nhân tạo, lai giống nhân tạo… đã đem lại hiệu quả quan trọng, đưa ĐBSCL đứng đầu cả nước về sản xuất và xuất khẩu thủy sản.
Hợp tác quốc tế là một trong những thế mạnh của ĐHCT, đến nay trường đã hợp tác với hơn 60 trường đại học và hơn 70 viện nghiên cứu và tổ chức quốc tế lớn ở Pháp, Mỹ, Anh, Đức, Hà Lan, Bỉ, Nhật Bản, Canada, Thụy Điển, Phần Lan, Australia…
Sau ngày giải phóng miền Nam, ĐHCT với đội ngũ cán bộ hơn 500 người, trong đó chỉ có khoảng 10% có trình độ sau đại học(năm 1985) và không có ngành đào tạo sau đại học. Đến nay, đội ngũ cán bộ, viên chức và lao động của trường là 1.764 người, trong đó có 90 tiến sĩ, 419 thạc sĩ, riêng đội ngũ cán bộ giảng dạy hiện có 830 người, trong đó hơn phân nửa có trình độ sau đại học. Từ hiệu quả đào tạo của mình đi sát với thực tế phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn, ĐHCT tranh thủ sự hỗ trợ của các tỉnh ĐBSCL trong việc xây dựng mở rộng ký túc xã sinh viên. 12 tỉnh thuộc ĐBSCL đã đầu tư xây dựng 12 dãy nhà 2 tầng, mỗi dãy 200 chỗ ở cho sinh viên, tổng kinh phí xây dựng khỏang 24 tỷ đồng, nâng tổng số chỗ ở trong ký túc xá từ 1600 chỗ lên 4.006 chỗ (tăng 250%).
Nhân lễ đón nhận danh hiệu anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Quang Minh, Hiệu trưởng trường ĐHCT chính thức khởi động chương trình chương trình Mekong-1000, mục tiêu cụ thể của dự án là đến năm 2010 đào tạo một ngàn cán bộ khoa học kỹ thuật có trình độ sau đại học ở nước ngoài, với những ngành nghề đáp ứng nhu cầu phát triển khoa học công nghệ của các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL. Đại diện lãnh đạo của 9 trường đại học danh tiếng của Hà Lan, Đức, Pháp, Mỹ…tiến hành ký kết hợp tác đào tạo với Hiệu trưởng trường ĐHCT.