Chiều 4/10, Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang phối hợp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Lễ đón Bằng công nhận Trường Chính trị Tôn Đức Thắng tỉnh An Giang đạt chuẩn mức 1.
Dự buổi lễ có đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; đồng chí Lê Hồng Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang; đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ; đại diện Thường trực một số Tỉnh ủy và các lãnh đạo một số trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Ngày 19/5/2021, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Quy định số 11-QĐ/TW về Trường Chính trị chuẩn. Chủ trương này thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng ta đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; góp phần chuẩn hóa, nâng cao chất lượng toàn diện các mặt công tác của Trường Chính trị, thực hiện tốt "công việc gốc của Đảng" là đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
Ngay sau khi có chủ trương của Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Đề án số 04-ĐA/TU, ngày 22/12/2021 về xây dựng và phát triển Trường Chính trị Tôn Đức Thắng đạt các tiêu chí Trường Chính trị chuẩn. Đề án xác định mục tiêu đến năm 2025, Trường đạt chuẩn mức 1.
Sau 2 năm triển khai thực hiện Đề án, dưới sự định hướng của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; sự quan tâm chỉ đạo sâu sắc, quyết liệt của Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang và Thường trực Tỉnh ủy; sự phối hợp hiệu quả của các cấp, các ngành, địa phương; sự đoàn kết, quyết tâm phấn đấu của cán bộ, giảng viên, Trường đã đạt 6/6 tiêu chí, 55/55 chỉ tiêu chuẩn mức 1, trong đó 10 chỉ tiêu vượt chuẩn mức 1, hoàn thành mục tiêu sớm hơn 2 năm so với lộ trình đề ra.
Hiện nay, trường có 37 giảng viên cơ hữu và kiêm nhiệm trong tổng số 43 viên chức, chiếm 86%, vượt chuẩn mức 2 và đây là tỉ lệ giảng viên cao nhất cả nước.
Về trình độ chuyên môn, yếu tố quan trọng để bảo đảm chất lượng giảng dạy, nghiên cứu, trường hiện có 3 tiến sĩ, 3 nghiên cứu sinh, 33 thạc sĩ, trong 5 năm Trường đã tổ chức được 6 hội thảo khoa học cấp tỉnh, vượt 100%.
Tại buổi lễ, đồng chí Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã trao Bằng và biểu trưng công nhận Trường Chính trị Tôn Đức Thắng tỉnh An Giang đạt chuẩn mức 1.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đã ghi nhận, biểu dương những thành tích của trường Chính trị Tôn Đức Thắng đạt được. Đây là sự kiện rất đặc biệt và rất có ý nghĩa bởi Trường Chính trị Tôn Đức Thắng tỉnh An Giang là trường đầu tiên trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đạt chuẩn và Lễ đón bằng công nhận chuẩn được diễn ra tại ngôi trường Đảng mang tên Chủ tịch Tôn Đức Thắng - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo mẫu mực của cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của dân tộc, của quê hương An Giang.
Trường Chính trị Tôn Đức Thắng tỉnh An Giang thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nơi còn có nhiều khó khăn hơn so với các trường thuộc khu vực đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, nhưng điều rất tự hào là đã nỗ lực phấn đấu trong tốp những trường dẫn đầu cả nước và là trường đầu tiên trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long đạt chuẩn mức 1.
Được như thế là nhờ vào cuộc quyết tâm cao của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc thu hút cán bộ, điều động cán bộ về làm việc tại nhà trường, bảo đảm khách quan, chuẩn mực thực sự.
Lãnh đạo tỉnh An Giang tặng hoa chúc mừng nhà trường. |
Đồng chí đề nghị Tỉnh ủy An Giang ngay sau hôm nay chỉ đạo Trường Chính trị và các ban, sở, ngành có liên quan rà soát các tiêu chí chuẩn mức 2, xác định rõ các tiêu chí đã đạt, chưa đạt; điều chỉnh lại mục tiêu, lộ trình đề án.
Đề nghị Trường Chính trị Tôn Đức Thắng tiếp tục kế thừa, phát huy truyền thống bề dày 76 năm xây dựng và phát triển, đặc biệt những thành tựu nổi bật trong thời gian gần đây; tiếp tục khẳng định, phát huy vị thế, vai trò của trường; nỗ lực vượt bậc sớm hoàn thiện các tiêu chí chuẩn mức 2 trong nhóm các trường dẫn đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Trường cần xác định tiếp tục nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn một cách thực chất. Phải có nhiều hơn các đề tài, đề án được chuyển giao, đưa vào áp dụng trong thực tiễn.
Có giải pháp chắt lọc các kết quả nghiên cứu trở thành những báo cáo kiến nghị để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong hoạch định, triển khai thực hiện chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại; xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị tại địa phương.