Cuộc đua cắt giảm phát thải khí carbon
Ngày 21-4, Liên minh châu Âu đã đạt được một thỏa thuận sơ bộ nhằm cam kết đưa cả khối gồm 27 quốc gia thành viên sẽ trung hòa phát thải khí carbon vào năm 2050. EU cũng đưa ra cam kết đạt mục tiêu trung gian là vào năm 2030, sẽ cắt giảm ít nhất 55% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính so với năm 1990.
Vương quốc Anh cũng đã đẩy mạnh mục tiêu giảm 78% lượng khí thải vào năm 2035.
Ngay sau khi EU thông báo mục tiêu khí hậu của mình, cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, ông muốn tổng lượng phát thải khí nhà kính ròng của Nga thấp hơn Liên minh châu Âu trong vòng 30 năm tới. Đây là một mục tiêu mà ông mô tả là khó khăn, nhưng có thể đạt được.
Nga là quốc gia phát thải khí nhà kính lớn thứ tư thế giới. Tổng thống Putin chuẩn bị có bài phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về biến đổi khí hậu do Tổng thống Mỹ Joe Biden chủ trì vào tối nay, 22-4.
"Trong 30 năm tới, lượng phát thải khí nhà kính tích lũy ròng ở Nga phải thấp hơn ở Liên minh châu Âu", Tổng thống Putin nói với các quan chức hàng đầu và các nhà lập pháp trong bài phát biểu thường niên của ông.
"Đây là một nhiệm vụ khó khăn với quy mô, địa lý, khí hậu và cơ cấu kinh tế của đất nước chúng ta. Tuy nhiên, tôi hoàn toàn chắc chắn rằng mục tiêu này, với tiềm lực khoa học và công nghệ của chúng ta, là có thể đạt được", ông nói.
Lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của Nga chiếm khoảng một nửa tổng số khí thải của 27 quốc gia thành viên EU cộng lại, trong khi EU có dân số gấp hơn ba lần Nga.
EU đã công bố các mục tiêu tích cực để giảm lượng khí thải trong ba thập kỷ tới, nhằm đạt được mức trung hòa hoàn toàn carbon vào năm 2050. Các mục tiêu của Nga cho đến nay vẫn khiêm tốn hơn.
Nền kinh tế Nga phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu dầu, khí đốt và tài nguyên khoáng sản, và việc thúc đẩy chống biến đổi khí hậu đặt ra những thách thức lớn đối với Điện Kremlin.
Ông Putin cho rằng, nước Nga đang ấm lên ở mức gấp 2,5 lần mức trung bình của thế giới và sẽ là một thảm họa nếu lớp băng vĩnh cửu tan chảy ở các thành phố phía bắc nước này.
Ông Putin là người từng hoài nghi và đặt câu hỏi liệu hoạt động của con người có phải là tác động duy nhất của chu kỳ khí hậu ấm lên hay không, nhưng gần đây đã tự coi mình là người bảo vệ môi trường.
Vào tháng 9-2019, Nga đã tham gia Hiệp định Paris 2015 về chống biến đổi khí hậu. Vào tháng 11 năm ngoái, ông Putin đã ra lệnh cho chính phủ hướng tới việc cắt giảm lượng khí thải vào năm 2030 xuống dưới 30% so với mức phát thải năm 1990. Còn EU đã nâng mục tiêu cắt giảm 40% lên 55% vào năm 2030, trên con đường đạt được mức độ trung hòa carbon vào năm 2050.
Ngày 22-5, Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết, nước này sẽ chi 565,8 triệu AUD (tương đương 436,5 triệu USD) để đồng tài trợ cho các dự án nghiên cứu và thí điểm về công nghệ xanh.
Là một trong những quốc gia phát thải carbon tính theo đầu người lớn nhất thế giới, Australia đang chịu áp lực ngày càng lớn trong việc cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tổ chức Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu.
Trong khi Thủ tướng Morrison phản đối những lời kêu gọi toàn cầu cam kết đạt mục tiêu không phát thải ròng vào năm 2050, với lý do có nguy cơ gây thiệt hại cho nền kinh tế Australia, nhưng ông hứa sẽ đồng đầu tư số tiền trên với các đối tác từ Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đức.
Thế giới chờ đợi cam kết của Mỹ
Trong khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden thúc giục các quốc gia khác đưa ra các mục tiêu đầy tham vọng nhằm giảm lượng khí thải, thì chính Mỹ vẫn chưa công bố kế hoạch của riêng mình.
Nhà trắng vẫn đang hoàn thiện kế hoạch cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của Mỹ vào năm 2030. Trước khi hội nghị thượng đỉnh bắt đầu vào ngày 22-4, Nhà trắng dự kiến sẽ công bố mục tiêu cắt giảm khoảng 50% lượng khí thải vào năm 2030 so với mức năm 2005. Con số này gần như gấp đôi các cam kết trước đó của Mỹ là cắt giảm từ 26% đến 28% vào năm 2025.
Mỹ là quốc gia phát thải khí nhà kính lớn thứ hai và hiện chỉ đứng sau Trung Quốc. Mục tiêu của Mỹ sẽ được theo dõi chặt chẽ như một tín hiệu để thể hiện Tổng thống Biden coi trọng vấn đề biến đổi khí hậu đến mức nào. Ông đã hứa sẽ khôi phục quyền dẫn đầu của Mỹ trong việc ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu sau khi cựu Tổng thống Donald Trump rút nước này khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Tổng thống Biden đã đưa Mỹ tái gia nhập Hiệp định Paris vào tháng 1, và Hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày được ông Biden tổ chức để thể hiện cam kết mới của Mỹ và toàn cầu nhằm hạn chế sự nóng lên của hành tinh ở mức 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp nhằm ngăn chặn các tác động của biến đổi khí hậu gây ra.
Trong 24 giờ qua, đặc phái viên khí hậu quốc tế của Tổng thống Biden, ông John Kerry, đã công bố các biện pháp sẽ giúp Mỹ giảm tỷ lệ phát thải toàn cầu bao gồm giải quyết lượng khí thải từ vận chuyển và quan hệ đối tác với các công ty tài chính.
Tuy nhiên, các nhà hoạt động, một số tập đoàn và các nhà lãnh đạo thế giới khác muốn Mỹ đặt ra một mục tiêu tích cực, và một số người đã sớm có phản ứng khi cho rằng việc cắt giảm khoảng 50% là không đủ.
Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu sẽ diễn ra như thế nào?
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã mời 40 nhà lãnh đạo từ các quốc gia trên thế giới, trong đó có cả những quốc gia gây ô nhiễm lớn khác, tham dự hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về khí hậu. Trong số các quốc gia đó, có 17 quốc gia tạo ra khoảng 80% tổng lượng khí thải làm nóng hành tinh và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu.
Nhà trắng cho biết, gần như tất cả những người được mời đều tham dự. Trong đó, có Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Putin, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, Quốc vương A-rập Xê-út Salman bin Abdulaziz Al Saud, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern…
Ngoài ra, tham dự Hội nghị còn có lãnh đạo Cộng hòa Quần đảo Marshall, Antigua và Barbuda, Bangladesh, Việt Nam, Kenya và các nước đang phát triển khác. Nhiều quốc gia trong số đó rất dễ bị tổn thương do tác động của biến đổi khí hậu.
Hội nghị còn có sự tham gia của các giám đốc điều hành từ các ngân hàng và công ty năng lượng lớn, các tỷ phú, các doanh nhân, và Giáo hoàng Francis.
Theo dự kiến, vào 19 giờ tối nay, theo giờ Việt Nam, Tổng thống Mỹ Biden và Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris sẽ khai mạc Hội nghị thượng đỉnh, đề nghị hàng chục nhà lãnh đạo tuyên bố các mục tiêu mới để giữ cho sự nóng lên toàn cầu trong vòng 1,5 độ C.
Vào 22 giờ 45 phút đêm nay, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen chủ trì một phiên thảo luận về đầu tư vào tài chính khí hậu với các CEO và các ngân hàng phát triển.
Ngày 23-4, buổi sáng, trong một phiên họp do Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo và Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm chủ trì, các giám đốc điều hành năng lượng tái tạo và các nhà lãnh đạo quốc gia phát biểu về quan hệ đối tác công tư và cơ hội kinh tế.
Chiều 23-4, Bộ trưởng Giao thông vận tải Mỹ Pete Buttigieg và Đại diện Thương mại Mỹ, bà Katherine Tai, chủ trì phiên thảo luận tập trung vào người lao động và việc làm. Những người tham gia phiên thảo luận gồm các công đoàn và các công ty năng lượng sạch.
Báo cáo của Liên hợp quốc công bố vào tháng 2 cho thấy, các cam kết hiện tại về khí hậu sẽ chỉ giảm 1% lượng khí thải toàn cầu vào năm 2030 so với mức năm 2010.
Trong cuộc họp báo với các phóng viên hôm 18-4, ông Kerry chỉ ra rằng, cần phải tập trung vào thập kỷ này để hạn chế những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu. Ông nói: “Nếu chúng ta không làm những gì chúng ta cần làm trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến năm 2030, thì những điều khác sẽ trở thành bất khả thi”.